Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Đoàn giám sát; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng đoàn Thường trực; Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cùng các thành viên Đoàn giám sát; Tổ giúp việc của Đoàn giám sát.
Kết quả bước đầu việc thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”
Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tóm tắt kết quả bước đầu của Đoàn giám sát việc thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, ngày 12/3/2019, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trên cơ sở đó, trong giai đoạn 2019 - 2021, Chính phủ đã trình UBTVQH đã ban hành tổng cộng 47 Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tính đến ngày 23/02/2022, Đoàn giám sát đã nhận được báo cáo của Chính phủ, 05/05 Bộ, ngành ở trung ương, 45/45 báo cáo của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Đoàn giám sát việc thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện sắp xếp
các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”
Về tình hình thực hiện chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã. Tuy nhiên, Đoàn giám sát nhận thấy việc sắp xếp đơn vị hành chính ở một số địa phương có chậm hơn so với tiến độ theo kế hoạch. Trách nhiệm trong việc chậm trễ này có phần là do nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác sắp xếp đơn vị hành chính còn hạn chế; chưa thật sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai thực hiện chủ trương, quy định về sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn.
Liên quan đến việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với người lao động đã được thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, một số địa phương cho rằng, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp lớn, nhất là các địa phương sắp xếp nhiều đơn vị hành chính nên không thể làm trong thời gian ngắn. Việc thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở một số địa phương còn lúng túng. Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có sự nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý hơn đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Về việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị; đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn tưởng triển khai việc lập, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch theo quy định; các địa phương cần có kế hoạch, dự kiến phân bổ nguồn lực, kinh phí hợp lý cho công tác lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị và việc đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị.
Đánh giá chung về hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Đã tnh gọn được tổ chức bộ máy thông qua việc giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; sau khi sắp xếp, trên cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện; (2) Đã rà soát, bố trí sử dụng những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp và thực hiện tinh giản đối với những người không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; (3) Đã chủ động thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định; Về ngân sách nhà nước, theo báo cáo của Chính phủ, đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019-2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng; Về hiệu quả của công tác quản lý nhà nước: sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cơ bản đạt kết quả tốt, bảo đảm các chỉ tiêu đề ra; đồng thời, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Đoàn giám sát nêu rõ, sẽ tiếp tục nghiên cứu, phân tích đánh giá kỹ những tồn tại, hạn chế nêu trong báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát, xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, từ đó xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Đoàn giám sát sẽ tiếp tục nghiên cứu, phân tích các kiến nghị của Chính phủ và các địa phương để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến việc xây dựng Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính theo yêu cầu của Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị; các nguyên tắc, tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2020-2030 và lộ trình sắp xếp, tiêu chí sắp xếp trong từng lộ trình.
Đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của Đoàn giám sát chuyên đề này với Báo cáo kết quả bước đầu chuẩn bị tốt
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là 1 trong 2 chuyên đề giám sát của UBTVQH và theo kế hoạch, chuyên đề này sẽ phải báo cáo UBTVQH cho ý kiến ban hành Nghị quyết giám sát vào tháng 9 năm nay. Đây cũng là 1 trong 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội nói chung (gồm Quốc hội và UBTVQH). Chủ tịch Quốc hội cho biết, mục đích của cuộc họp nhằm đánh giá sơ bộ kết quả bước đầu đạt được, rà soát lại kế hoạch chi tiết, để cương, cách làm để đảm bảo chuyên đề giám sát đạt được kết quả tốt nhất. Theo kế hoạch, chuyên đề giám sát này sẽ được báo cáo tại phiên họp tháng 3 của UBTVQH.
So với các cuộc giám sát khác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận thấy, Đoàn giám sát thực hiện bài bản, báo cáo tóm tắt kết quả bước đầu rất tốt. Cuộc họp cần tập trung thảo luận về những nhận định, đánh giá bước đầu, những công việc Đoàn giám sát cần phải làm, lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện thời gian tới.
Về tình hình và số liệu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ thêm và có báo cáo bổ sung như số liệu “giảm được 16.321/86.282 thôn, tổ dân phố” được tính theo phạm vi nào? Nên chăng Bộ Nội vụ báo cáo thêm, bóc tách, làm rõ hơn số liệu này. Liên quan đến số liệu về ngân sách, tài sản công, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính cần có báo cáo bổ sung, “tiết kiệm chi NSNN trong giai đoạn 2019-2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng” cần nêu rõ hơn tiết kiệm ở đâu? Tiết kiệm như thế nào?… Chủ tịch Quốc hội kiến nghị báo cáo cần độc lập, chi tiết ở các địa phương nhằm tránh thất thoát.
Liên quan đến vấn đề sắp xếp cán bộ, ở cấp huyện còn dôi dư 3.414 người và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã chưa sắp xếp được là 492 người, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn về thời gian, lộ trình thực hiện sắp xếp cán bộ khi nào hoàn thành, nguồn lực để tổ chức thực hiện gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương như thế nào? Báo cáo hiện chưa nêu ra phương hướng giải quyết, chưa có báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cũng như báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như quy trình lấy ý kiến nhân dân, đánh giá tác động đối với kinh tế - xã hội, sự đồng thuận của người dân như thế nào… Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần bổ sung thêm các nội dung này vào báo cáo.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của địa phương, ổn định tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Qua đó, Chủ tịch Quốc hội kiến nghị cần làm rõ hơn vai trò lãnh đạo cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu các bộ, ngành địa phương, sắp xếp nhưng cần phải tạo sự đồng thuận trong nhân dân; Đảng, Nhà nước, MTTQVN tạo sự đồng thuận chung trong cả hệ thống chính trị.
Nhìn chung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của Đoàn giám sát, Tổ giúp việc của Đoàn giám sát với tinh thần làm việc chủ động, tích cực, có trách nhiệm. Cho rằng đây là chủ trương lớn của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW 2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, Đoàn giám sát cũng đã bám sát Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, mong muốn Đoàn giám sát tiếp thu tối đa ý kiến để hoàn thành sớm báo cáo và đạt hiệu quả, chất lượng.
Tại cuộc làm việc, các ý kiến đại biểu lưu ý cần cân nhắc tính hiệu quả của việc sáp nhập, đánh giá tính chính xác thông tin nêu trong báo cáo, chuẩn hóa số liệu các nội dung đánh giá, quan tâm đến số liệu cán bộ sau sắp xếp. Có ý kiến đại biểu đề nghị báo cáo cần đánh giá nguyên nhân, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện cho giai đoạn sau, dự báo tình hình để có chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn 2020-2030. Đồng thời có thể đánh giá thêm việc sắp xếp đơn vị hành chính ở một số tỉnh như Thanh Hóa, vùng ven biển, vùng biên giới, vùng ATK…./.
(Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội)