Tóm tắt: Bài viết đề cập đến vấn đề chuẩn mực con người Việt Nam, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật và mối quan hệ biện chứng giữa chuẩn mực con người Việt Nam và ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.
Abstract: The article deals with the issue of Vietnamese human standards, the sense of respect for the Constitution and the law and the dialectical relationship between Vietnamese human standards and the sense of respect for the Constitution and the law.
Từ xưa đến nay, chúng ta đều biết sự tồn/vong, thịnh/suy của một quốc gia, dân tộc, dòng họ, gia đình đều bắt nguồn từ yếu tố con người và quyết định cũng bởi con người. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn coi trọng vấn đề con người với tư tưởng lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Xuất phát từ đó, thời gian qua, Đảng ta đã chỉ đạo thường xuyên và quyết liệt việc xây dựng các hệ giá trị của Việt Nam với bốn thành tố: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực (hệ giá trị) con người Việt Nam[1]. Đây chính là nền tảng tư tưởng về chính trị, văn hóa, xã hội và pháp lý, đồng thời là nguồn lực nội sinh để định hướng và thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn mới của Việt Nam.
Hiện nay, việc nghiên cứu, xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam đang tiếp tục được thực hiện một cách bài bản, khoa học, gắn với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27) được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành, trong đó xác định ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội nên việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam phải thể hiện được tinh thần này.
1. Chuẩn mực con người Việt Nam
Chuẩn mực con người là một bộ phận cơ bản, cốt lõi của chuẩn mực xã hội nói chung. Những chuẩn mực này là hệ thống quy tắc ứng xử của con người trong đời sống xã hội, thước đo cho sự đúng, sai, tốt, xấu… của con người trong một hoàn cảnh nhất định, có thể thành văn hoặc bất thành văn, do một nhóm người, cộng đồng hay toàn xã hội quy ước hoặc thừa nhận.
Các chuẩn mực con người tồn tại rất đa dạng, phong phú và có thể thay đổi theo thời gian, không gian và phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa… Đó có thể là những lề thói, tập tục hoặc có thể là những quy phạm pháp luật[2].
Trong thực tế, đâu đó còn sự tồn tại những chuẩn mực không mang tính tích cực, lạc hậu như các hủ tục, quan niệm mê tín, dị đoan, những “luật ngầm”… Tuy nhiên, về cơ bản, chuẩn mực xã hội thường hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ. Chuẩn mực con người Việt Nam được hiểu thống nhất theo phương diện đó và qua thực tiễn, chuẩn mực con người Việt Nam đang ngày càng được vun đắp, hoàn thiện với mục đích là tạo nền tảng về tư tưởng, đạo đức, lối sống tích cực, hướng mỗi con người Việt Nam, cho dù thuộc tầng lớp nào, xuất thân từ đâu đều có cách nhìn, đánh giá và hành động thống nhất trong cùng một ngữ cảnh, tạo nên một xã hội hòa đồng, đoàn kết, bình yên, trật tự và ổn định, tránh sự lệch chuẩn gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội và những người liên quan.
Tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta đã ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) được bổ sung, phát triển năm 2011, trong đó đã nêu lên các giá trị cơ bản của văn hóa Việt Nam là “nhân văn, dân chủ, tiến bộ”; giá trị gia đình Việt Nam là “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”; chuẩn mực của con người Việt Nam là “giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, tình nghĩa, có tinh thần quốc tế chân chính”.
Trên cơ sở những định hướng khái quát về các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người được nêu trên, thời gian qua, Đảng ta đã tiếp tục chỉ đạo triển khai công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn từng bước bổ sung, hoàn thiện nhận thức về các hệ giá trị. Những thành quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn được chắt lọc, đúc kết trong các văn kiện của Đảng từ khóa VI đến khóa XIII; được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết số 33). Trong đó, một trong những nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng của Nghị quyết số 33 là: “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc...”.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện thật tốt là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.
Trên cơ sở đó, nhiều cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức để các nhà khoa học trao đổi, bàn bạc và thống nhất những nội dung cơ bản về chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Hiện nay, với ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự nhất trí của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, chúng ta đã xác định chuẩn mực con người Việt Nam bao gồm tám giá trị/nội dung cốt lõi: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Về nội dung, có thể nhìn thấy, tám chuẩn mực con người Việt Nam gồm hai nhóm: Chuẩn mực về tư tưởng, nhận thức, tình cảm, thái độ và chuẩn mực về hành vi ứng xử.
2. Ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật
Trên cơ sở đúc kết thực tiễn 35 năm đổi mới và phát triển, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 27 được ban hành vào đúng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (09/11) và là nghị quyết có tính chất chuyên đề đầu tiên về Nhà nước pháp quyền của Đảng ta. Trong đó, từ quan điểm đến mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 27 đặt ra vấn đề bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật và phấn đấu đến 2030, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật phải trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội.
Thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là vấn đề được nhiều nhà khoa học nghiên cứu cùng với khái niệm về nhà nước pháp quyền. Trong bài này, tác giả khái quát lại theo cách hiểu của cá nhân như sau:
Thứ nhất, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là đặt Hiến pháp, pháp luật ở vị trí cao nhất, “đứng” trên tất cả các thiết chế, quyền lực trong kiến trúc chung của xã hội.
Thứ hai, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là việc lấy pháp luật làm công cụ để “kiềm tỏa” quyền lực của các cơ quan nhà nước, các cơ quan này chỉ được làm những việc pháp luật quy định.
Thứ ba, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là việc tuân theo pháp luật “không có ngoại lệ”, nghĩa là không ai đứng bên ngoài pháp luật và tất cả các cá nhân, tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật. Hiện nay, ở Việt Nam thường sử dụng cụm từ “không có vùng cấm” cũng chính là sự thể hiện tinh thần “thượng tôn Hiến pháp, pháp luật” trong thi hành pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh, thực chất.
Thứ tư, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật được thể hiện là mỗi người trong xã hội luôn được/cần/phải sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Cũng từ đó, chúng ta có thể hiểu “ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật” là ý thức của mọi chủ thể trong xã hội, kể cả Nhà nước trong việc tôn trọng pháp luật, dựa vào pháp luật và bảo vệ pháp luật, sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật để bảo đảm chính quyền lợi, lợi ích hợp pháp của mình và xã hội. Nghị quyết số 27 đã xác định đây phải là chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Có thể khẳng định, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật vừa để đặt nền móng vừa cũng chính là mục tiêu của một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy rằng, theo tinh thần trên, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật chính là một nội dung, giá trị cốt lõi của chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay. Điều này không chỉ được minh chứng trong cách hành văn của Nghị quyết số 27 mà còn thể hiện rõ trong mối quan hệ biện chứng, hữu cơ, lôgíc giữa nội hàm của chuẩn mực con người Việt Nam được xây dựng từ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật theo Nghị quyết số 27. Đây là sự tương hỗ mật thiết và mang tính tự thân, hiển nhiên nhằm làm cho chuẩn mực con người Việt Nam vừa mang tính nhân văn, giàu bản sắc văn hóa Việt Nam nhưng đồng thời cũng mang tính “pháp quyền”, gắn liền với một xã hội dân chủ, nhân quyền, để cho ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trở thành nền tảng văn hóa tinh thần và ứng xử trong mọi điều kiện cuộc sống của người Việt Nam, thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đức trị và pháp trị, đúng với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại[3].
3. Mối quan hệ biện chứng giữa chuẩn mực con người Việt Nam và ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật
3.1. Gắn với xây dựng con người mới hiện nay, các chuẩn mực con người Việt Nam chính là những nội dung cụ thể của ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật khi mà ý thức này đã trở thành chuẩn mực ứng xử của mỗi người và được coi là văn hóa pháp luật trong xã hội
Chúng ta biết rằng, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật không thể được đề cập một cách chung chung mà phải có nội hàm cụ thể gắn với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi chủ thể trong xã hội. 08 chuẩn mực con người Việt Nam chính là những nội dung, sự thể hiện rõ ràng, thiết thực, nhân văn sâu sắc, gắn với văn hóa của dân tộc Việt Nam về ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật. Ở bài viết này, tác giả lấy một số nội dung cụ thể để minh chứng cho khẳng định nêu trên.
Trước hết, đó là “lòng yêu nước”. Đây là một phẩm chất vốn có của người Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Yêu nước chính là một tình cảm thiêng liêng dành cho quê hương, đất nước và đồng bào nơi mình sinh sống. Tình cảm đó thể hiện rất đơn giản từ việc giữ gìn bản sắc dân tộc, nét đẹp quê hương, môi trường văn hóa, môi trường sống đến việc sẵn sàng bảo vệ lợi ích chung, sẵn sàng hy sinh vì những lợi ích đó. Điều đó chính là sự thực hành “lòng yêu nước” theo tinh thần của Hiến pháp, pháp luật (các điều 11, 45, 46 Hiến pháp năm 2013…). Như vậy, lòng yêu nước và thực hành lòng yêu nước nghĩa là sự thể hiện cụ thể ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật và không thể có ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật khi chúng ta không có lòng yêu nước, tự hào dân tộc và dám hy sinh vì lợi chung của đất nước. Ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật phải luôn được thể hiện một cách chủ động, chủ động tuân theo và chủ động đấu tranh, không được bàng quan trước những hành vi sai trái của người khác, ảnh hưởng xấu đến lợi ích chung.
Thứ hai, một trong những chuẩn mực khác của con người Việt Nam, đó là “tính kỷ cương”. Kỷ cương nghĩa là tuân theo, làm đúng, làm đủ, làm có trình tự đúng yêu cầu, quy định những công việc được giao trong lao động, sản xuất hoặc thực hiện những quyền, nghĩa vụ trong cuộc sống hàng ngày, góp phần tích cực tạo nên trật tự cho xã hội. Một người không được gọi là “có kỷ cương” khi họ không tuân theo pháp luật, quy chế, kỷ luật… Vì vậy, kỷ cương chính là sự thể hiện cụ thể nhất của ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật của mỗi người.
3.2. Ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật tạo nên nền văn hóa ứng xử để giữ gìn phẩm chất, chuẩn mực, giá trị con người Việt Nam
Khi một người đã có được nhận thức đúng về vai trò của pháp luật, thường xuyên trau dồi hiểu biết pháp luật và luôn chú tâm để việc mình làm, hành vi của mình không vượt ra khỏi khuôn khổ của pháp luật, không vi phạm điều cấm và “tôn trọng, tuân theo, dựa vào và bảo vệ pháp luật” thì có nghĩa họ luôn hoàn thành vai trò là một công dân gương mẫu trong xã hội bởi họ không chỉ biết vận dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi của chính mình mà còn sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích chung và hơn thế nữa họ dám đứng ra để bảo vệ pháp luật, chống lại mọi hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy, có thể nói đây chính là ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật hiểu theo nghĩa rộng và đầy đủ nhất. Khi một người đã có được ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật và điều đó đã trở thành chuẩn mực của họ trong ứng xử hàng ngày thì cũng đồng nghĩa với việc dựa vào ý thức đó, mọi giá trị, chuẩn mực và phẩm chất của người Việt Nam sẽ được giữ gìn, vun đắp và được hiện thực hóa. Nếu ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật chưa được hình thành đầy đủ, toàn diện thì những phẩm chất của con người Việt Nam như đã đề cập ở trên không thể tồn tại trong mỗi con người Việt Nam hoặc nếu có thì sẽ không đầy đủ và không thể bền vững.
Chính vì vậy, chuẩn mực con người Việt Nam là những nội dung thể hiện ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật và ngược lại, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là “giá đỡ”, nền tảng văn hóa pháp luật để cho các chuẩn mực đó trở thành phẩm chất thực sự và tồn tại bền vững trong ứng xử cụ thể hàng ngày của mỗi người Việt Nam trong thời đại mới, góp phần quyết định thắng lợi của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tương lai, để Việt Nam trở thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Cũng từ đó, việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam cần được tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm tính toàn diện, phù hợp văn hóa của dân tộc Việt Nam, mang tính thời đại và được kết hợp nhuần nhuyễn giữa đức trị và pháp trị, đúng với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại về dân chủ, nhân quyền, pháp quyền.
TS. Lê Vệ Quốc
Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp
[1]. Xem: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/xay-dung-he-gia-tri-gia-dinh-va-chuan-muc-con-nguoi-viet-nam-trong-thoi-ky-moi-625964.html, truy cập ngày 01/12/2022.
[2]. GS.TS. Hồ Sĩ Quý, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Vấn đề xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam, nguồn: https://hdll.vn/vi/nghien-cuu—-trao-doi/ve-van-de-xay-dung-chuan-muc-con-nguoi-viet-nam.html, truy cập ngày 05/12/2022.
[3]. PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Mối quan hệ giữa đức trị và pháp trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, nguồn: https://tcnn.vn/news/detail/43245/Moi-quan-he-giua-%E2%80%9Cduc-tri%E2%80%9D-va-%E2%80%9Cphap-tri%E2%80%9D-trong-tu-tuong-Ho-Chi-Minh-ve-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-o-Viet-Nam.html, truy cập ngày 01/12/2022.