1. Khái niệm chức năng xã hội của hình phạt
Chức năng của pháp luật là “những tác động của pháp luật đến các quan hệ xã hội nhằm duy trì trật tự và đem lại lợi ích cho xã hội trong đó có lợi ích của giai cấp thống trị”[1]. Hình phạt là một chế định pháp luật hình sự, vì vậy, nó mang trong mình và thực hiện các chức năng cụ thể của luật hình sự cũng như giải quyết những nhiệm vụ, mục đích xã hội cụ thể. Các chức năng này phản ánh bản chất, tính tất yếu và có mục đích của hình phạt, lý giải tại sao hình phạt lại cần thiết đối với đời sống xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu tìm hiểu và làm sáng tỏ các chức năng xã hội của hình phạt đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học.
Với cách dẫn luận trên, có thể hiểu: “Chức năng xã hội của hình phạt là khả năng thực hiện những tác động xã hội cụ thể trong việc sử dụng hình phạt theo những định hướng của mục tiêu mà luật hình sự đề ra và nhu cầu đòi hỏi của xã hội”. Chức năng xã hội của hình phạt được thể hiện qua bản chất, mục đích, nội dung của từng loại hình phạt và của cả hệ thống hình phạt. Bên cạnh đó, nó còn được thể hiện xuyên suốt quá trình xây dựng, áp dụng và thi hành của hình phạt. Chức năng xã hội của hình phạt có mối liên hệ gần gũi với các yếu tố, khía cạnh khác của hình phạt, đặc biệt có thể kể đến là mục đích của hình phạt. Nếu mục đích là nêu lên các lý tưởng cần đạt được, thì các lý giải về chức năng sẽ nêu lên cơ chế hoạt động của hiện tượng hình phạt để đạt được các mục đích đó. Cùng với đó, các phương pháp lý luận của xã hội học hình phạt sẽ góp phần luận giải các chức năng xã hội của hình phạt theo nhiều chiều hướng, khía cạnh đa diện hơn.
2. Các chức năng xã hội của hình phạt
2.1. Chức năng phòng ngừa tình hình tội phạm
Điều 31 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định một trong những mục đích quan trọng của hình phạt đó là “phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”. Hình phạt là biện pháp tác động của Nhà nước có khả năng ứng phó, phản ứng nhanh nhất đối với các hành vi phạm tội nảy sinh trong đời sống xã hội. Điều này xuất phát từ khả năng tác động trực tiếp tới người phạm tội, chính là chức năng phòng ngừa riêng của hình phạt[2]. Thông qua việc áp dụng hình phạt đối với các tội phạm bị phát hiện (thực hiện chức năng phòng ngừa riêng) hình phạt tự bản thân nó tiếp tục thực hiện và phát huy chức năng phòng ngừa chung đối với các tội phạm chưa bị phát hiện trong xã hội. Phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng trong mối tương quan với nhau, có thể nói rằng việc thực hiện có hiệu quả một chức năng nào cũng phải trên cơ sở thực hiện chức năng còn lại.
Để thực hiện chức năng phòng ngừa tình hình tội phạm, hình phạt phải có khả năng nhận diện, tác động và giảm thiểu các yếu tố thuộc về nguyên nhân và điều kiện phạm tội của tình hình tội phạm. Nếu hình phạt chỉ nhằm ứng phó với các tội phạm cụ thể đang xảy ra mà không quan tâm những mục tiêu dài hơn là xác định các nguyên nhân và điều kiện phạm tội điển hình để có hướng tác động chiến lược trong tương lai, thì chức năng phòng ngừa tình hình tội phạm của hình phạt sẽ khó đi đến những hiệu quả cao nhất.
Trong quá trình xây dựng hình phạt, cần có những tổng kết thực tiễn nhằm khái quát khả năng phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng của hình phạt để từ đó có thể thiết kế nội dung của hình phạt phù hợp với những điều kiện xã hội, với những xu hướng phát triển của tình hình tội phạm trong tương lai để hình phạt luôn thực hiện tốt chức năng phòng ngừa từng hành vi phạm tội. Quá trình xây dựng hình phạt cũng cần lưu ý tới những nguyên nhân và điều kiện phạm tội điển hình của từng loại tội phạm để từ đó việc thiết kế nội dung của từng loại hình phạt, hệ thống hình phạt có khả năng, khi áp dụng, sẽ khắc phục và giảm thiểu tối đa các nguyên nhân và điều kiện phạm tội đó. Đối với quá trình áp dụng hình phạt, cần tính toán và ước lượng mức độ tác động của hình phạt được áp dụng tương ứng với các yếu tố nhân thân người phạm tội, bảo đảm tính cá thể hóa hình phạt sâu sắc với cá nhân người phạm tội, từ đó phát huy hết khả năng chống và phòng ngừa tội phạm của hình phạt.
Có thể thấy, việc thực hiện có hiệu quả chức năng phòng ngừa tình hình tội phạm là điều kiện làm gia tăng khả năng kiểm soát tội phạm trong xã hội[3]. Tuy nhiên, hình phạt không phải là phương tiện, cách thức duy nhất đề đấu tranh với tình hình tội phạm cũng như phòng ngừa tình hình tội phạm không phải là chức năng riêng có của hình phạt. Bên cạnh việc sử dụng và áp dụng hình phạt, cần đi kèm với nó là hệ thống các biện pháp tác động cụ thể, các chính sách hình sự, chính sách phòng ngừa tình hình tội phạm ở các quy mô, chiến lược khác nhau và sự kết hợp giữa các yếu tố này yêu cầu phải bảo đảm sự hài hòa trong tổng thể chung của các biện pháp hình sự.
2.2. Chức năng giáo dục, cải tạo
Giáo dục là một chức năng của pháp luật, do đó, hình phạt cũng có chức năng giáo dục. Với đặc thù là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước, mang tới nhiều hậu quả bất lợi với đối tượng bị áp dụng, hình phạt còn thực hiện chức năng cải tạo. Giáo dục và cải tạo có thể hiểu là một dạng “chức năng kép” của hình phạt. Tuy vậy, mặc dù có nhiều đặc điểm giống nhau, hai chức năng vẫn tồn tại độc lập trong nội hàm của chúng. Trong các sách báo pháp lý hiện nay, giáo dục và cải tạo của hình phạt thường được nghiên cứu với tư cách là những phương tiện, cách thức thực hiện chức năng hoặc mục đích phòng ngừa chung, phòng ngừa riêng của hình phạt. Chúng tôi cho rằng, cần có sự phân tích, bình luận giáo dục và cải tạo một cách độc lập với tư cách là những chức năng xã hội quan trọng của hình phạt.
Hoạt động giáo dục là một lĩnh vực được nghiên cứu bởi khoa học giáo dục, khoa học quản lý giáo dục và một số ngành khoa học liên quan. Tuy nhiên, khi đề cập giáo dục với tính cách là một thành tố, nội dung, mục đích, phương thức của pháp luật hay hình phạt, rõ ràng nó đã giành được nhiều sự quan tâm hơn cả trong các nghiên cứu của khoa học pháp lý, cụ thể là lĩnh vực giáo dục pháp luật[4]. Từ đó cho thấy, nghiên cứu chức năng giáo dục của hình phạt không thể tách rời các nền tảng lý luận của giáo dục pháp luật để làm sáng tỏ hơn nữa các cơ chế hoạt động, tác động đến các đối tượng được giáo dục và kết quả của sự tác động đó.
Bản thân hình phạt hàm chứa các thông tin pháp luật truyền tải những hiểu biết, kiến thức cơ bản về luật hình sự tới toàn thể các thành viên trong xã hội. Các thông tin đó phản ánh sự nghiêm khắc, tính chất bất lợi của hình phạt, cũng như các tinh thần, tư tưởng, nguyên tắc, các giá trị xã hội của pháp luật hình sự, để các thành viên trong xã hội có thể thấu hiểu và định hình hành vi nhằm không vi phạm các điều cấm của luật hình sự. Tùy thuộc vào những điều kiện, hoàn cảnh, sự nhận thức, ý thức, lối sống, suy nghĩ khác nhau mà sự tác động của hình phạt tới mỗi con người là khác nhau.
Có thể nói rằng, hình phạt thực hiện chức năng giáo dục của mình qua ba mức độ: (i) Hình thành sự hiểu biết về hình phạt ở mỗi cá nhân; (ii) Hình thành tâm lý muốn tránh né, không muốn tự đặt mình vào mối quan hệ pháp luật hình sự để dẫn tới việc gánh chịu hình phạt; (iii) Mỗi cá nhân hiện thực hóa những ý muốn của họ bằng việc không vi phạm các điều cấm của luật hình sự. Ba mức độ này thể hiện một cách có trình tự các diễn biến từ nhận thức đến hành vi của mỗi cá nhân. Chỉ khi mỗi cá nhân liên tục đáp ứng các yêu cầu và đạt đến mức độ cuối cùng thì chức năng giáo dục của hình phạt mới được thực hiện có hiệu quả.
Chức năng giáo dục của hình phạt còn hướng sự tác động của mình tới các đối tượng là người phạm tội đang chấp hành hình phạt. Các hình phạt đang áp dụng đối với người phạm tội không chỉ nhằm cải tạo người phạm tội trở lại thành những công dân tốt, vững vàng hơn trong các hành vi, mà trong quá trình cải tạo đó còn được lồng ghép hài hòa các phương thức giáo dục để tăng cường, bảo đảm hiệu quả cao nhất của hình phạt.
Khác với chức năng giáo dục, chức năng cải tạo của hình phạt hoàn toàn tập trung vào nhóm người đang chấp hành hình phạt. Cải tạo người phạm tội là tổng thể các biện pháp tác động đến người phạm tội nhằm loại trừ những nhân tố tiêu cực với tính cách là nguyên nhân và điều kiện đã khiến họ phạm tội, củng cố những nhân tố tích cực để họ có thể tự điều chỉnh, cải thiện ý thức cho đến hành vi phù hợp hơn với chuẩn mực pháp luật hình sự và chuẩn mực xã hội.
Nhiệm vụ đặt ra đối với cải tạo người phạm tội là phải hướng tới cải tạo tư tưởng, cải tạo nhân cách và cải tạo hành vi. Cải tạo tư tưởng có thể hiểu một cách cơ bản là “làm thay đổi căn bản nhằm xóa bỏ những tư tưởng lạc hậu, trau dồi tư tưởng mới tiến bộ. Cải tạo tư tưởng là quá trình lâu dài, tiến hành bằng nhiều biện pháp và phương tiện tổng hợp; phê bình, tự phê bình, học tập tập trung, tuyên truyền qua sách báo, hoạt động văn hóa, văn nghệ và các phương tiện thông tin đại chúng…”[5]. Cải thiện các tư tưởng, suy nghĩ, tâm lý, tư duy của người phạm tội từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn, văn minh hơn góp phần hình thành và phát triển các nhân cách tốt, tích cực phù hợp với các giá trị và chuẩn mực xã hội. Việc cải tạo tư tưởng, cải tạo nhân cách sẽ góp phần định hình các hành vi tích cực tuân thủ luật hình sự trong quá trình chấp hành hình phạt, cũng như các hành vi tuân thủ luật hình sự trong tương lai, từ đó đẩy lùi các khả năng tái phạm của người phạm tội. Dĩ nhiên, giá trị cốt lõi của cải tạo tư tưởng còn đòi hỏi ở việc “trước hết và quan trọng nhất là hoạt động tinh thần của bản thân mỗi con người, nghĩa là quá trình tự cải tạo”[6] và “phụ thuộc vào cải tạo kinh tế - xã hội, vào hoạt động thực tiễn của đối tượng được cải tạo”[7]. Điều đó yêu cầu cần có tổng thể hệ thống các biện pháp được lồng ghép trong hình phạt nhằm kích thích sự chủ động của người phạm tội trong nhu cầu, mong muốn tự hoàn thiện, cải thiện nhân cách, hành vi của bản thân mình; các biện pháp tác động cần phải cân nhắc hài hòa các yếu tố nhân thân của người đang chấp hành hình phạt và phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội cho phép.
Có thể thấy, cơ chế hoạt động của chức năng giáo dục, cải tạo của hình phạt có sự phân hóa trong đối tượng tác động cũng như có sự phối hợp trong cơ chế tác động đến các đối tượng mà nó hướng tới. Mặc dù nội dung, phạm vi, đối tượng tác động của các chức năng này là khác nhau, nhưng đều chung một mục đích tác động là đi từ các yếu tố chủ quan (tư tưởng, nhân cách) đến hành vi của công dân, người phạm tội, người đang chấp hành hình phạt. Nhìn chung, chức năng giáo dục, cải tạo của hình phạt là lĩnh vực đòi hỏi những nghiên cứu chuyên môn sâu sắc hơn nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề như cách thức, phương án, hình thức của giáo dục, cải tạo. Nội dung truyền tải trong các cách thức giáo dục, cải tạo; giáo dục, cải tạo gắn liền với đặc điểm nhân thân người chấp hành hình phạt và các nhóm người điển hình trong xã hội…
2.3. Chức năng bảo đảm và thực thi công lý
Công lý có một vị trí quan trọng, là trung tâm của các giá trị xã hội. Công lý chi phối, định hướng nhiều giá trị xã hội (công bằng, bình đẳng, dân chủ…), phẩm hạnh và đạo đức con người. Trong lĩnh vực luật hình sự, sự biểu hiện của công lý được thể hiện một cách trọng tâm ở vấn đề hình phạt. Hình phạt là sự biểu hiện của công bằng xã hội[8]. Trong khi đó, công bằng (cũng có thể hiểu trong trường hợp này là công bằng xã hội) là một giá trị pháp luật cơ bản[9], là một đòi hỏi, dấu hiệu bắt buộc của công lý. Do đó, bảo đảm và thực thi công lý được nhìn nhận là một chức năng xã hội quan trọng của hình phạt.
Trong lĩnh vực luật hình sự, sự biểu hiện của công lý trước tiên là kịp thời nhận diện những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội nào là tội phạm, từ đó, đặt ra tính không thể tránh khỏi việc áp dụng hình phạt lên các hành vi phạm tội đó[10]. Như vậy, cần xem xét sự biểu hiện của công lý của hình phạt trong mối quan hệ không thể tách rời với tội phạm.
Hình phạt bảo đảm và thực thi công lý qua một số biểu hiện cơ bản sau đây:
Thứ nhất, hình phạt cho thấy sự lên án một cách gay gắt đi kèm với thái độ nghiêm khắc của Nhà nước đối với các hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là tội phạm. Việc hình thành thái độ về một hiện tượng sẽ chi phối nhiều đến việc đưa ra các quyết định hành động đối với hiện tượng đó. Với thái độ đó, “mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật” (điểm a khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự năm 2015) cho thấy những yêu cầu, đòi hỏi không bỏ lọt tội phạm như một nguyên tắc quan trọng cũng như là một sự biểu hiện, bảo đảm và thực thi công lý thông qua hình phạt. Tội phạm là những hiện tượng tiêu cực của xã hội, việc có những cơ chế xử lý thích đáng với hiện tượng này chính là bảo đảm và thực thi công lý. Hình phạt là một trong những biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới loại bỏ các hành vi vi phạm để bảo đảm tính tích cực trong sự phát triển các quan hệ xã hội.
Thứ hai, hình phạt bảo đảm và thực thi công lý khi nó tuân thủ một cách chặt chẽ nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự. Nếu mức độ nghiêm trị của hình phạt không tương xứng với mức độ và hậu quả xã hội mà tội phạm gây ra thì sẽ không thể bảo đảm cho công bằng xã hội cho những nạn nhân và người bị hại của tội phạm. Nếu mức độ tác động của hình phạt quá nghiêm khắc, quá mức cần thiết đối với mức độ và hậu quả xã hội mà tội phạm gây ra thì sẽ không thể bảo đảm sự công bằng đối với người phạm tội. Nếu cùng một mức độ và hậu quả xã hội mà hình phạt áp dụng đối với các tội phạm giống nhau mà mức độ nghiêm trị, độ hà khắc của hình phạt lại khác nhau thì cũng không thể bảo đảm các giá trị công bằng đối với các cá nhân người phạm tội cụ thể. Công lý của hình phạt gắn liền với các giá trị nhân đạo, do đó cần cân đối những yếu tố bất lợi của hình phạt tác động đến người phạm tội ở một đại lượng nhất định nhằm đáp ứng các chức năng giáo dục, cải tạo của hình phạt và không đẩy những cá nhân đó vào các tình thế quá bất lợi như là một sự trả thù của xã hội. Như vậy, suy rộng ra, sự biểu hiện công lý của hình phạt như một chức năng cần được phân chia ở nhiều cấp độ và ở từng đối tượng: (i) Công lý trong mối quan hệ giữa tội phạm với Nhà nước, với xã hội, với nạn nhân; (ii) Công lý với chính bản thân người phạm tội. Đòi hỏi công lý đối với xã hội là hoàn toàn đúng đắn nhưng điều đó không thể loại trừ việc đòi hỏi công lý với chính những người phạm tội. Điều quan trọng đó là, người phạm tội phải thấu hiểu các giá trị công lý, công bằng, bình đẳng, nhân đạo qua quá trình chịu sự tác động, áp dụng và thi hành hình phạt. Sự thấu hiểu đó mới bảo đảm sự tiếp nhận các chức năng lành mạnh của hình phạt đến người phạm tội, từ đó trở thành những điều kiện quan trọng cho việc tự giáo dục, tự cải tạo.
Thứ ba, hình phạt một mặt nghiêm trị tội phạm, mặt khác, nó là phương tiện, cách thức khắc phục, phục hồi và bồi hoàn trong khả năng, chừng mực có thể các hậu quả xã hội do tội phạm gây ra đối với xã hội. Chức năng công lý phục hồi (Restorative Justice) của hình phạt chính là sự tìm kiếm các giải pháp có hiệu quả nhằm nỗ lực khôi phục nguyên vẹn các hậu quả đáng tiếc của tội phạm trong khả năng có thể. Những hậu quả của tội phạm trong xã hội là vô cùng đa dạng, do đó, việc kịp thời khắc phục những hậu quả này không chỉ bảo đảm tính toàn vẹn của sự lành mạnh trở lại trong các quan hệ xã hội mà còn là bảo đảm và thực thi công lý cho nạn nhân của tội phạm. Sự khắc phục có thể ở phương diện vật chất hoặc phương diện tinh thần hoặc cả hai. Sự khắc phục ở đây chính là bồi hoàn cho những gì đã mất mát của nạn nhân trong các vụ án cũng như củng cố niềm tin vào công lý đã được thực thi bởi việc sử dụng và thi hành hình phạt. Chức năng công lý phục hồi của hình phạt phải bảo đảm tính kịp thời, tính tương xứng với hậu quả của tội phạm, tính khả thi trong việc phục hồi… Cần có sự phân biệt giữa công lý phục hồi với sự trả thù. Việc phục hồi các hậu quả của nạn nhân được tiến hành bởi một biện pháp hợp pháp là hình phạt mặc dù nó đem lại những hậu quả bất lợi đối với người phạm tội. Trong nhiều trường hợp, hậu quả của tội phạm để lại đối với nạn nhân là không thể khôi phục nguyên vẹn như trước, ví dụ, sự tổn thương tâm lý khi nạn nhân bị hiếp dâm là không thể xóa bỏ, hoặc nạn nhân đã chết, hoặc cũng có trường hợp gây ra thiệt hại về tài sản không thể khôi phục lại được... Có thể thấy “hạn chế” đó là một giới hạn tất yếu trong khả năng khắc phục, bồi hoàn của chức năng công lý phục hồi. Đặc biệt là trong xu hướng tăng cường hơn nữa các giá trị nhân đạo trong hình phạt hiện nay, rõ ràng có nhiều hình phạt không thể phục hồi tương xứng một cách hoàn toàn với những hậu quả mà người phạm tội đã gây ra không chỉ đối với nạn nhân mà còn với xã hội. Về bản chất, những thiệt hại về vật chất và tinh thần của nạn nhân sẽ là rất khó khăn trong việc phục hồi chúng về với trạng thái ban đầu. Đến khi nào hình phạt được thực thi và khắc phục được các hậu quả của tội phạm gây ra, được đánh giá là xứng đáng, đem lại cảm giác hài lòng, tin tưởng của nạn nhân thì đến khi đó công lý của hình phạt vẫn luôn là một giá trị cần có và tất yếu.
Học viện Khoa học xã hội
[1]. Lê Minh Tâm, Nguyễn Minh Đoan (đồng chủ biên), Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb. Công an nhân dân, 2014, tr. 109.
[2]. Nguyễn Ngọc Hòa, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - Tập I, Nxb. Công an nhân dân, 2013, tr.231 - 233.
[3]. Xem thêm: Trịnh Tiến Việt, Một số vấn đề lý luận về lý thuyết kiểm soát xã hội đối với tội phạm và thực tiễn ở Việt Nam, Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, số 04(35)/2016, tr. 17 - 34.
[4]. Đọc thêm: Trần Ngọc Đường, Dương Thanh Mai (đồng chủ biên), Bàn về giáo dục pháp luật, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
[5]. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam - tập 1, Nxb. Từ điển Bách khoa, 2007, tr. 430.
[6]. Xem: Sđd.
[7]. Xem: Sđd.
[8]. Nguyễn Mạnh Kháng, Quan điểm tiếp cận hiệu quả của hình phạt, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 8/2002.
[9]. Võ Khánh Vinh, Về Giá trị học pháp luật, Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, số 7/2014, tr. 3 - 16.
[10]. Võ Khánh Vinh (chủ biên), Luật Hình sự Việt Nam - phần chung, Nxb. Khoa học xã hội, 2014, tr. 115 - 116.