Tóm tắt: Bài viết phân tích một số khái niệm, nêu lên tính tất yếu của chuyển đổi số hoạt động công chứng tại Việt Nam; những mục tiêu cơ bản khi chuyển đổi số hoạt động công chứng và đưa ra một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng để thực hiện chuyển đổi số hoạt động công chứng trong thời gian tới.
Abstract: The article analyzes a number of concepts, stating the inevitability of digital transformation of notarization activities in Vietnam; basic objectives when digitalizing notarization activities and making some recommendations to amend and supplement the Law on Notarization to carry out digital transformation of notarization activities in the near future.
1. Tổng quan về chuyển đổi số hoạt động công chứng
1.1. Một số khái niệm
a) Chuyển đổi số và số hóa
Hiện nay, định nghĩa về chuyển đổi số chưa có chuẩn hóa, nhiều tổ chức, doanh nghiệp có các định nghĩa riêng của mình. Tuy nhiên, các định nghĩa đều có điểm chung về ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, thay đổi và chuyển đổi phương thức, mô hình, quy trình, nhằm tạo ra cơ hội, doanh thu, giá trị mới. Ở giai đoạn đầu khi mới xuất hiện, trong một số ngữ cảnh, “chuyển đổi số” bị nhầm lẫn với “số hóa”. Số hóa bao gồm số hóa dữ liệu và số hóa quy trình. Số hóa giúp việc tìm kiếm, lưu trữ, quản lý và chia sẻ thông tin trở nên dễ dàng hơn, nhưng cách thức mà các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng các bản ghi kỹ thuật số được tạo ra phần lớn phục vụ cho phương pháp và quy trình làm việc cũ.
Có thể khái quát sự khác nhau dễ nhận biết nhất giữa “số hóa” và “chuyển đổi số” quy trình thực hiện. Số hóa là việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào quy trình làm việc truyền thống để tăng năng suất, còn chuyển đổi số là xây dựng một quy trình làm việc hoàn toàn mới dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số.
b) Công chứng điện tử, công chứng số và chuyển đổi số hoạt động công chứng
- “Công chứng điện tử” và “công chứng số”: Trong nhiều tài liệu phổ biến hiện nay thì thuật ngữ “công chứng điện tử” (E-Notary) và “công chứng số” (Digital Notary) được sử dụng như là một. Theo đó, nó được hiểu với ý nghĩa là việc công chứng viên chứng nhận tài liệu bằng phương thức điện tử. Một trong những phương thức thực hiện công chứng điện tử là sử dụng chữ ký số và con dấu số để chứng nhận và xác nhận tính hợp lệ bằng chứng thư số.
“Công chứng số” được sử dụng phổ biến hiện nay giống như sự kết hợp giữa số hóa dữ liệu và số hóa quy trình trong hoạt động công chứng, bao gồm việc chuyển đổi các dữ liệu bằng văn bản sang dạng số và sử dụng một số thiết bị, công nghệ kỹ thuật số để thực hiện hoạt động công chứng, nó cũng bao gồm cả hoạt động công chứng trực tuyến, chứng nhận các văn bản điện tử bằng cách sử dụng con dấu, chữ ký, chứng chỉ xác thực điện tử. Tùy vào điều kiện và đặc điểm của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ mà “công chứng số” được áp dụng ở những phạm vi, mức độ khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, khi áp dụng “công chứng số”, hoạt động công chứng vẫn được thực hiện theo các quy trình truyền thống, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số mang tính chất hỗ trợ cho các công đoạn hoặc công việc cụ thể trong quy trình đó để công việc trở nên đơn giản và dễ dàng thực hiện hơn.
- Chuyển đổi số hoạt động công chứng: Là sự thay đổi căn bản cách thức tổ chức, xây dựng, thực thi, quản lý các quy trình và hoạt động cung cấp dịch vụ công chứng dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số nhằm tạo ra giá trị và hiệu quả cao hơn.
Ví dụ: Việc gửi và nhận tài liệu dạng ảnh chụp qua zalo, facebook, messenger, email hoặc scan hồ sơ lưu trữ chính là hoạt động số hóa đang được áp dụng. Còn chuyển đổi số hoạt động công chứng là thực hiện hoạt động công chứng trên nền tảng công nghệ và dữ liệu số như: Công chứng trực tuyến, đối soát và xác thực bằng cơ sở dữ liệu; lữu trữ và trích xuất dữ liệu dạng số; chứng nhận văn bản định dạng số, sử dụng chữ ký số, con dấu số, quản lý toàn bộ quy trình tác nghiệp trên môi trường số, báo cáo, thống kê, thanh tra, kiểm tra và đề xuất xây dựng chính sách dựa trên hoạt động phân tích dữ liệu số.
1.2. Tính tất yếu của chuyển đổi số hoạt động công chứng tại Việt Nam
Một là, chuyển đổi số hoạt động công chứng để đáp ứng yêu cầu của xã hội trong điều kiện vận hành nền kinh tế số. Chuyển đổi số đang được thực hiện toàn diện đối với mọi đối tượng, từ Chính phủ, doanh nghiệp đến mỗi cá nhân, từ đó đặt ra yêu cầu về sử dụng đồng bộ các loại hình dịch vụ trên nền tảng số. Cung cấp dịch vụ trên nền tảng số là việc tất yếu, đặc biệt là dịch vụ công. Khi xã hội vận hành dựa càng nhiều vào nền tảng số thì lĩnh vực công chứng cũng không thể đứng ngoài cuộc. Những sản phẩm của nền kinh tế số chính là nguyên liệu mà lĩnh vực công chứng bắt buộc phải sử dụng trong quá trình vận hành và tồn tại. Những đòi hỏi về tốc độ xử lý công việc, về sản phẩm đầu ra của hoạt động công chứng, về chi phí thực hiện dịch vụ cũng đặt ra những tiêu chuẩn mới, bắt buộc ngành công chứng phải vận động và thích nghi để đáp ứng, ví dụ, đòi hỏi về văn bản công chứng số, về xác minh, xác thực dữ liệu số, lưu trữ, đồng bộ dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu trên nền tảng số, công chứng từ xa… Chỉ có chuyển đổi số mới tạo ra những thay đổi mang tính chất đột phá về phương pháp, về quy trình làm việc để đáp ứng những nhu cầu và đòi hỏi của xã hội khi vận hành nền kinh tế số.
Hai là, chuyển đổi số hoạt động công chứng để đáp ứng yêu cầu và thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số dịch vụ công. Chuyển đổi số đối với dịch vụ công là nhiệm vụ trọng tâm được nhắc tới trong hầu như tất cả các văn kiện, văn bản của Đảng và Chính phủ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số quốc gia.
Đề án Cổng Dịch vụ công Quốc gia chính thức được phê duyệt theo Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 01/7/2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia chính thức tích hợp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, tuân thủ các quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (Nghị định số 23/2015/NĐ-CP). Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 3.000 dịch vụ công được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đặc biệt, các dịch vụ công liên quan đến hoạt động chứng thực theo quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP áp dụng cho cơ quan tư pháp cấp quận, huyện và xã, phường, trị trấn đã được tích hợp đầy đủ.
Theo Luật Công chứng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Luật Công chứng), thì công chứng là một dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực tư pháp. Sản phẩm, kết quả của hoạt động công chứng có liên quan chặt chẽ đến nhiều dịch vụ hành chính công và dịch vụ công khác. Công chứng là một mắt xích quan trọng trong chuỗi các dịch vụ công mà Nhà nước bảo đảm cung cấp cho công dân, do vậy, cần có sự đồng bộ về hành lang pháp lý, nền tảng kỹ thuật và cách thức cung cấp dịch vụ. Khi hầu hết các dịch vụ công được chuyển đổi số thì việc chuyển đổi số đối với dịch vụ công chứng là điều tất yếu cần thực hiện.
Ba là, chuyển đổi số hoạt động công chứng đáp ứng đòi hỏi về hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng. Ưu điểm rất lớn khi làm việc trên nền tảng số là khả năng xử lý thông tin, tổng hợp, báo cáo và rà soát thông tin được thực hiện với độ chính xác và tốc độ cực nhanh. Chỉ có chuyển đổi số hoạt động công chứng mới giúp cho cơ quan quản lý có được số liệu đầy đủ nhất, theo dõi sát nhất mọi hoạt động của các đối tượng cần quản lý vào bất kỳ thời điểm nào mà không mất quá nhiều công sức cho việc yêu cầu lập báo cáo, thống kê và rà soát dữ liệu. Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần phải được thực hiện từ xa đối với bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, hay bất cứ giao dịch công chứng nào vào bất kỳ thời điểm nào. Hiệu quả của việc áp dụng chính sách và biện pháp quản lý cần được đánh giá theo định kỳ hoặc vào thời điểm bất kỳ thông qua các công cụ phân tích dữ liệu số.
Bốn là, chuyển đổi số hoạt động công chứng để đáp ứng các yêu cầu của hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp. Trong điều kiện các nước trong khu vực và thế giới đều đồng loạt thực hiện chuyển đổi số thì các văn bản, dữ liệu pháp lý dưới dạng số được sử dụng ngày càng rộng rãi thay cho các văn bản giấy thủ công. Cách thức sử dụng, xác thực các văn bản điện tử khác rất nhiều so với văn bản giấy. Công nhận giá trị pháp lý và chấp nhận cách thức sử dụng các loại văn bản điện tử là đòi hỏi tất yếu và mở ra cơ hội rất lớn để Việt Nam hội nhập với quốc tế trong lĩnh vực tư pháp, loại bỏ rất nhiều thủ tục rườm rà mà các tổ chức, cá nhân phải thực hiện trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý có yếu tố nước ngoài. Ngược lại, chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp nói chung và công chứng nói riêng cũng giúp cho việc xác thực, công nhận và sử dụng các văn bản pháp lý của Việt Nam tại nước ngoài được dễ dàng, thuận tiện hơn.
1.3. Những mục tiêu cơ bản khi chuyển đổi số hoạt động công chứng
Một là, bảo đảm thực thi có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ cơ bản của công chứng: Ở mỗi quốc gia, công chứng được quy định thực hiện các chức năng, nhiệm vụ không hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, những nhiệm vụ cơ bản, mang tính chất đặc trưng chung của hoạt động công chứng là: (i) Làm chứng; (ii) Tạo lập chứng cứ; (iii) Lưu giữ, cung cấp chứng cứ. Thông qua ba nhiệm vụ này, công chứng được coi là thực hiện chức năng ngăn ngừa rủi ro pháp lý cho các tổ chức, cá nhân, Nhà nước và các chủ thể có liên quan khác, góp phần duy trì trật tự và bảo đảm những lợi ích chung của xã hội.
Mục đích quan trọng nhất khi chuyển đổi số hoạt động công chứng là phải bảo đảm cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ cơ bản của công chứng, tận dụng sức mạnh của công nghệ kỹ thuật số để phát huy rõ nét hơn vai trò của công chứng, đáp ứng các yêu cầu của xã hội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập về khoa học công nghệ.
Hai là, hiệu quả trong quá trình hành nghề của công chứng viên: Công nghệ số sinh ra là để tối ưu hóa quá trình tiếp nhận, trao đổi, xử lý và lưu trữ thông tin trong hoạt động công chứng, tạo ra những hiệu quả đột phá như: Giúp cho mọi quá trình xử lý thông tin được diễn ra gần như ngay tức thì, rút ngắn thời gian giải quyết công việc; loại bỏ những rào cản về khoảng cách địa lý; nâng cao độ chính xác, giảm thiểu nhầm lẫn đối với những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại; đa dạng hóa hình thức cung cấp dịch vụ (cả trực tiếp và trực tuyến).
Nghiên cứu quy trình tác nghiệp của công chứng viên hiện nay theo quy định của Luật Công chứng (Điều 40, Điều 41), có thể nhận thấy rằng, nếu công chứng viên làm đúng và đủ theo quy trình thì sẽ tốn khá nhiều thời gian. Để có thể giải quyết được khối lượng công việc lớn hơn, các công chứng viên phải ưu tiên những công đoạn quan trọng (ví dụ: Chứng kiến các bên ký hồ sơ, giải thích hậu quả pháp lý cho các bên, ký phát hành hồ sơ), còn lại một số công đoạn buộc phải giao lại cho các thư ký thực hiện (ví dụ: Tiếp nhận yêu cầu công chứng, giải thích, tư vấn hoàn thiện hồ sơ, thậm chí là phân tích nội dung hồ sơ, tra cứu, đối chiếu thông tin…). Nếu làm theo cách này, thực chất là quy trình công chứng chưa được tuân thủ đầy đủ và chặt chẽ, chất lượng hoạt động công chứng có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu công chứng viên không giải quyết được một khối lượng hồ sơ nhiều hơn thì rất khó bảo đảm về mặt doanh thu để Văn phòng Công chứng tồn tại.
Để có thể tối ưu hóa quy trình xử lý hồ sơ công chứng, nhiều biện pháp về công nghệ đã được các văn phòng áp dụng như tư vấn, tiếp nhận hồ sơ qua điện thoại, zalo, email…, sử dụng một số phần mềm tra cứu văn bản pháp luật, sử dụng cơ sở dữ liệu, phầm mềm soạn thảo hợp đồng… Tuy nhiên, ngay cả các biện pháp này nếu đối chiếu với quy định của Luật Công chứng vẫn còn những điểm chưa phù hợp. Mặt khác, năng lực ứng dụng công nghệ của các tổ chức hành nghề công chứng cũng như điều kiện của cơ quan quản lý tại mỗi địa phương là không giống nhau, nhìn chung còn hạn chế (ví dụ: Hiện nay, có địa phương, việc cập nhật và tra cứu dữ liệu công chứng hoàn toàn là thủ công bằng sổ sách, giấy tờ với một kho dữ liệu “khổng lồ” được lưu từ năm 1998; có những giao dịch công chứng mà việc tra cứu dữ liệu phải mất vài ngày). Như vậy, việc thay đổi quy trình, tăng hiệu suất xử lý công việc, bảo đảm chất lượng xử lý công việc là điều cần hướng tới và cần phải đạt được khi chuyển đổi số.
Ba là, giá trị mang lại cho công dân và cộng đồng: Đối với người dân, cơ quan, tổ chức, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng tập trung chủ yếu vào việc tạo lập chứng cứ: Yêu cầu chứng nhận các giao dịch dân sự, bản dịch, bản sao văn bản, giấy tờ. Thay vì phải trực tiếp đến tổ chức hành nghề công chứng và thực hiện nhiều thủ tục mang tính chất thủ công, công chứng số giúp cho người yêu cầu công chứng có thể sử dụng các phương tiện kỹ thuật số để yêu cầu cung cấp dịch vụ. Công chứng viên có thể xử lý từ xa hầu hết các công đoạn trong quy trình công chứng, hạn chế đến mức tối thiểu việc người yêu cầu công chứng phải đi lại, chờ đợi tiến hành các thủ tục công chứng. Công chứng viên cũng có thể tiến hành hoạt động công chứng trực tuyến đối với một số loại giao dịch. Ngoài ra, việc công nhận giá trị của văn bản điện tử, chứng nhận các văn bản điện tử sẽ là một bước đột phá trong hoạt động công chứng để đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.
Công chứng số sẽ thay đổi hoàn toàn phương thức lưu trữ và xác thực chứng cứ. Người yêu cầu công chứng thậm chí không cần phải lưu giữ văn bản giấy đối với những giao dịch mà mình đã ký kết. Họ có thể xác thực sự tồn tại của giao dịch đó từ bất cứ đâu thông qua công nghệ số. Kết quả mà công chứng số đem lại là sự tiện lợi cho người dân, rút ngắn thời gian thực hiện dịch vụ và giảm đáng kể chi phí so với công chứng truyền thống.
Bốn là, ngăn chặn hiệu quả các hành vi gian lận và giả mạo trong hoạt động công chứng: Công chứng số hoạt động trên nền tảng dữ liệu lớn. Cơ sở dữ liệu chính là công cụ quan trọng để tra soát, đối soát, xác thực thông tin, giúp ngăn chặn hiệu quả các hành vi gian lận và giả mạo trong hoạt động công chứng. Các hành vi sau đây sẽ bị đẩy lùi hoặc chặn đứng hoàn toàn: Ký khống văn bản công chứng; làm giả văn bản công chứng; giả mạo nhân thân người tham gia giao dịch; công chứng khi không có hồ sơ, thiếu hồ sơ, hồ sơ bị sai lệch tại thời điểm công chứng; tài sản bị giao dịch nhiều lần; phát hành văn bản công chứng mà không lưu hồ sơ; đánh tráo, giả mạo hồ sơ lưu trữ; đính chính văn bản công chứng sai quy định; mất, thất lạc, hư hại hồ sơ lưu trữ. Ngoài ra, tùy vào mức độ kết nối và tích hợp dữ liệu với các cơ quan quản lý ngành, công chứng viên có thể giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn hiện tượng giả mạo giấy tờ nhân thân, giấy tờ hộ tịch và giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản.
Cơ sở dữ liệu tập trung cho phép đánh giá rủi ro dựa trên việc theo dõi lịch sử giao dịch của người yêu cầu công chứng, đặc biệt là theo dõi các đối tượng từng lừa đảo, gian lận về công chứng tại Việt Nam trên phạm vi toàn cầu.
Năm là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng: Mục tiêu lớn của chiến lược chuyển đổi số quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử chính là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Xây dựng công chứng số tiến tới chuyển đổi số toàn diện thì mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về công chứng cho phép cơ quan quản lý có được nguồn thông tin đầy đủ, chi tiết và cập nhật nhất (đến từng phút, từng giây) về diễn biến hoạt động công chứng trên toàn hệ thống. Thay vì phải yêu cầu lập báo cáo, phải trực tiếp thu thập dữ liệu bằng phương pháp thủ công thì công tác thanh tra, kiểm tra có thể được thực hiện tức thời vào bất kỳ thời điểm nào. Hoạt động quản lý nhà nước có thể được tự động hóa ở nhiều khâu nhờ vào công nghệ phân tích dữ liệu hiện đại và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tập trung là một trong những công đoạn đầu tiên của quá trình chuyển đổi số. Hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng có thể được tăng cường và phát huy hiệu quả sớm, ngay sau khi hoàn thành và vận hành cơ sở dữ liệu chứ không cần phải chờ đến thời điểm hoàn thành quá trình chuyển đổi số.
Sáu là, tạo ra các tiền đề và cơ sở để hội nhập quốc tế về công chứng: Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Quá trình chuyển đổi quy trình tác nghiệp dựa trên những đặc điểm nhất định của công nghệ số và tạo ra sự tương đồng về phương pháp cũng như những tiêu chuẩn nhất định cho mỗi ngành nghề, lĩnh vực. Đối với hoạt động tư pháp nói chung và ngành công chứng nói riêng, hoạt động xác thực dữ liệu số ở các quốc gia đều cho phép thực hiện thông qua mạng internet, mang tính toàn cầu. Vì vậy, nếu có hành lang pháp lý phù hợp, các quốc gia hoàn toàn có thể xác minh và công nhận giá trị pháp lý đối với văn bản được ban hành bởi quốc gia khác mà không cần phải thông qua thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự. Xa hơn, hoạt động công chứng có thể thực hiện xuyên biên giới bởi sự hợp tác, phối hợp của công chứng viên ở các quốc gia khác nhau. Mặc dù mục tiêu này cần có nhiều thời gian hơn để có thể thực hiện, nhưng ngay từ bây giờ, Việt Nam cần đặt ra và hướng tới để tạo tiền đề cho quá trình hội nhập quốc tế.
2. Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng để thực hiện chuyển đổi số hoạt động công chứng
Chuyển đổi số hoạt động công chứng đặt ra những yêu cầu thay đổi cơ bản trong hệ thống công chứng và cần được quy định rõ trong Luật Công chứng để tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ và phù hợp. Cụ thể, tác giả xin kiến nghị một số nội dung sau:
Thứ nhất, xác định rõ ràng và chính xác quy trình nghiệp vụ “công chứng” bao gồm các hoạt động cơ bản như: Làm chứng (chứng kiến và chứng nhận), tạo lập chứng cứ bằng văn bản, lưu giữ và cung cấp chứng cứ. Từ đó, việc chuyển đổi số nhằm hướng tới việc tối ưu hóa, hỗ trợ tốt nhất cho các hoạt động này.
Thứ hai, quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tập trung có quy mô toàn quốc để lưu giữ toàn bộ hồ sơ công chứng có giá trị chứng cứ, lưu giữ hồ sơ, tài liệu khác liên quan đến hoạt động công chứng.
Thứ ba, quy định công nhận giá trị chứng cứ của văn bản công chứng số do công chứng viên chứng nhận, ký bằng chữ ký số và được lưu giữ tại cơ sở dữ liệu công chứng tập trung. Văn bản công chứng điện tử được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu công chứng tập trung có giá trị chứng cứ như văn bản giấy đã được các bên và công chứng viên ký, đóng dấu trực tiếp. Trong trường hợp có sự sai lệch giữa văn bản công chứng (bản giấy) do các bên lưu giữ và văn bản công chứng điện tử lưu trữ tại cơ sở dữ liệu công chứng tập trung thì ưu tiên áp dụng thi hành theo nội dung văn bản công chứng điện tử.
Thứ tư, quy định lại quy trình công chứng trực tiếp theo hướng cho phép tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng từ xa thông qua email, tin nhắn, website hoặc các phần mềm chuyên dụng; văn bản công chứng chỉ có hiệu lực sau khi đã được công chứng viên ký bằng chữ ký số, nộp đầy đủ về cơ sở dữ liệu công chứng tập trung (đăng ký giao dịch) và các bên tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch nhận được thông báo từ cơ sở dữ liệu công chứng tập trung khẳng định thời điểm có hiệu lực của giao dịch; cho phép nhiều hơn một công chứng viên chứng nhận một giao dịch trên nền tảng số để giảm thiểu việc đi lại cho người dân trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng không thể có mặt ở cùng một địa điểm.
Thứ năm, quy định cho phép áp dụng quy trình công chứng trực tuyến và các quy trình nghiệp vụ công chứng khác trên nền tảng cơ sở dữ liệu công chứng tập trung khi có đủ điều kiện (Chính phủ ban hành quy định chi tiết theo đề xuất của Bộ Tư pháp).
ThS. Đào Duy An
Văn phòng Công chứng Đào Duy An, Thành phố Hà Nội
Ảnh: internet