Bộ luật Dân sự các năm 1995, 2005 và 2015 đều có những quy định về tài sản, quyền tài sản, nghĩa vụ dân sự (NVDS), chuyển giao quyền yêu cầu (QYC), chuyển giao NVDS. Các quy định của pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy giao lưu dân sự, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, duy trì ổn định xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện Bộ luật Dân sự năm 2015 cho thấy, một số quy định về tài sản, quyền tài sản và chuyển giao QYC, chuyển giao nghĩa vụ không còn phù hợp với thực tế cũng như thông lệ quốc tế. Điều này chưa thực sự bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, gây khó khăn cho việc thực hiện pháp luật trên thực tế, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế - xã hội nước ta. Vì vậy, việc nghiên cứu và đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về chuyển giao QYC, chuyển giao NVDS là thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
1. Khái niệm về chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ dân sự
1.1. Khái niệm về quyền yêu cầu và nghĩa vụ dân sự
Theo Từ điển Tiếng Việt, “quyền” là điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi; những điều do địa vị hay chức vụ mà được làm[1]; còn “nghĩa vụ” là việc mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc phải làm đối với xã hội, đối với người khác[2]. Theo Từ điển Luật học, quyền là khái niệm khoa học pháp lý dùng để chỉ những điều mà pháp luật công nhận và bảo đảm thực hiện đối với cá nhân, tổ chức để theo đó, cá nhân được hưởng, được làm, được đòi hỏi mà không ai được ngăn cản, hạn chế[3]; còn nghĩa vụ là việc phải làm theo bổn phận của mình. Mối quan hệ phát sinh giữa một hay nhiều chủ thể (người có nghĩa vụ) phải làm một công việc, thực hiện một hành vi hoặc không được làm một công việc, một hành vi, vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (người có quyền)[4]. Như vậy, có thể hiểu, QYC và NVDS như sau:
- QYC có nghĩa là quyền của một hoặc một số chủ thể được yêu cầu ai đó phải làm, không được làm một, một số việc gì đó cho mình, cho xã hội và cho người khác. QYC được pháp luật công nhận, bảo đảm thực hiện và có thể xuất phát từ hợp đồng, giao dịch dân sự, hành vi dân sự đơn phương, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng... hoặc do chức vụ, địa vị xã hội tạo ra. Đối tượng của QYC có thể là tài sản, công việc phải làm hoặc không được làm...
- NVDS là việc mà theo quy định của pháp luật, một hoặc nhiều chủ thể (người có nghĩa vụ) phải làm hoặc không được làm vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (người có quyền). NVDS có thể phát sinh từ hợp đồng dân sự, hành vi dân sự đơn phương, việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật... Đối tượng của NVDS có thể là tài sản, công việc phải làm hoặc không được làm. Tuy nhiên, chỉ những tài sản có thể đem giao dịch được và những công việc có thể thực hiện được mà pháp luật không cấm, không trái đạo đức xã hội mới là đối tượng của NVDS[5].
Các bên chủ thể trong quan hệ QYC và NVDS có quyền, nghĩa vụ đối lập nhau, một bên chủ thể (bên có nghĩa vụ) phải làm hoặc không được làm một hoặc một số công việc nhất định vì lợi ích của chủ thể phía bên kia (bên có quyền). Khác với quyền nhân thân gắn liền với chủ thể của quyền, không trị giá được bằng tiền nên không chuyển giao được trong giao lưu dân sự, QYC và NVDS có thể trị giá được bằng tiền nên có thể chuyển giao được trong giao lưu dân sự, trừ khi bị pháp luật cấm hoặc hạn chế hoặc các bên có thỏa thuận khác.
1.2. Khái niệm về chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ dân sự
Về bản chất pháp lý, chuyển giao QYC và chuyển giao NVDS là sự chuyển dịch QYC và nghĩa vụ pháp lý từ chủ thể chuyển giao sang chủ thể nhận chuyển giao hay còn gọi là bên thế quyền, bên thế NVDS. Đối với chuyển giao QYC, sau khi chuyển giao, chủ thể nhận chuyển giao sẽ thay thế người chuyển giao QYC và trở thành người có QYC, người chuyển giao sẽ chấm dứt QYC của mình. Đối với chuyển giao nghĩa vụ, sau khi chuyển giao, người nhận chuyển giao sẽ thay thế người có nghĩa vụ trước và trở thành bên có nghĩa vụ. Khi chuyển giao QYC và chuyển giao NVDS thì bên chuyển giao phải chuyển giao toàn bộ các quyền, nghĩa vụ có liên quan đến QYC và NVDS, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
Nghĩa vụ hay trái quyền là một quyền đối nhân, một loại tài sản vô hình, một quan hệ pháp luật dân sự tương đối. Cho nên việc chuyển giao nghĩa vụ phức tạp hơn so với chuyển giao vật và quyền đối vật, kể cả nhìn nhận từ góc độ của nghĩa vụ chuyển giao. Đồng thời, nghĩa vụ là trách nhiệm của bên có nghĩa vụ phải làm, phải thực hiện công việc nhất định cho bên mang quyền nên khi chuyển giao NVDS phải được sự đồng ý của bên mang quyền. Sau khi chuyển giao, người chuyển giao chấm dứt quan hệ nghĩa vụ với bên mang quyền và không phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nghĩa vụ của người thế nghĩa vụ, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ QYC và NVDS nào cũng được chuyển giao. Về cơ bản, chỉ những QYC và NVDS liên quan đến tài sản, trị giá được bằng tiền và được pháp luật cho phép thì mới được chuyển giao. Những quyền dân sự và NVDS liên quan đến nhân thân, tính mạng, sức khỏe, không trị giá được bằng tiền thì sẽ không được chuyển giao. Chính vì vậy, chuyển giao QYC và chuyển giao nghĩa vụ có một số đặc điểm pháp lý cơ bản như sau:
Thứ nhất, chuyển giao QYC và chuyển giao nghĩa vụ là một tác động pháp lý liên quan đến sản nghiệp của các bên trong tác động đó vì quan hệ nghĩa vụ là quan hệ sản nghiệp, trong đó, QYC là yếu tố của tích sản và nghĩa vụ là yếu tố của tiêu sản. Trong quan hệ nghĩa vụ, QYC là một phần trong sản nghiệp của một người, còn nghĩa vụ phải thực hiện là một phần nằm trong phần tiêu sản của người đó. Vì thế, chuyển giao QYC, chuyển giao nghĩa vụ liên quan đến tài sản, quyền tài sản.
Thứ hai, chuyển giao QYC và chuyển giao nghĩa vụ đều thuộc đối tượng của luật tư vì chúng tác động tới sản nghiệp - một loại đối tượng quan trọng của luật tư[6]. Nói tới chuyển giao QYC và chuyển giao nghĩa vụ tức là nói tới NVDS hay trái quyền dân sự - một chế định lớn của luật dân sự. Chính vì thế, các Bộ luật Dân sự của Việt Nam nói riêng và pháp luật dân sự của các nước trên thế giới không thể thiếu các quy định về NVDS, trong đó có quy định về chuyển giao NVDS.
2. Pháp luật về chuyển giao quyền yêu cầu, chuyển giao nghĩa vụ dân sự và kiến nghị hoàn thiện
2.1. Quy định của pháp luật về quyền yêu cầu, nghĩa vụ dân sự và kiến nghị hoàn thiện
Quyền yêu cầu là một thuật ngữ có phạm vi rất rộng, xuất phát từ nhiều vấn đề khác nhau trong đời sống xã hội nên pháp luật khó có thể tổng hợp, liệt kê được hết QYC là những quyền gì, xuất phát từ đâu. Chính vì vậy, Bộ luật Dân sự các năm 1995, 2005 và 2015 đã không đưa ra khái niệm, nội hàm khái niệm hay bất kỳ sự giải thích nào về QYC, tuy nhiên, có đưa ra khái niệm về nghĩa vụ, NVDS. Điều 274 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)”.
Điều 274 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã sử dụng thuật ngữ “nghĩa vụ” để thay thế thuật ngữ “nghĩa vụ dân sự” được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 1995 (Điều 285) và Bộ luật Dân sự năm 2005 (Điều 280). Về cơ bản, nội hàm khái niệm “nghĩa vụ” trong Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn giống khái niệm “nghĩa vụ dân sự” trong Bộ luật Dân sự các năm 1995, 2005. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự các năm 1995, 2005 và 2015 đều chưa làm rõ được ngoại diên của khái niệm “nghĩa vụ dân sự”; chưa làm rõ được tính chất của nghĩa vụ là một vấn đề của sản nghiệp - một trong những đối tượng điều chỉnh quan trọng của pháp luật dân sự. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng về mặt logic tới việc xác định QYC trong quan hệ nghĩa vụ là một quyền tài sản để có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự. Trong khi đó, khái niệm tài sản tại Điều 105 và quyền tài sản tại Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa làm rõ được QYC hay trái quyền có phải là quyền tài sản hay không[7].
Bộ luật Dân sự các năm 1995, 2005 và 2015 đã đưa ra định nghĩa về tài sản nhưng theo phương thức liệt kê tài sản. Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 khẳng định tài sản chỉ bao gồm 04 loại đã được liệt kê trong Bộ luật Dân sự các năm 1995, 2005 và làm rõ thêm quyền sử dụng đất trong các quyền tài sản nhưng chưa làm rõ QYC trong quan hệ NVDS có phải là một loại quyền tài sản hay không. Trên thực tế, các chủ thể mang quyền vẫn thực hiện chuyển QYC và thu được tiền hoặc những lợi ích kinh tế nhất định. Cho nên, Bộ luật Dân sự năm 2015 cần sửa đổi và quy định rõ QYC trong quan hệ NVDS là quyền tài sản.
Hiện nay, hầu hết các Bộ luật Dân sự trên thế giới không đưa ra định nghĩa về tài sản vì tài sản là một khái niệm rất rộng, biến động và luôn được bổ sung, mở rộng thêm trên cơ sở nhận thức của con người, như một số nước đã thừa nhận thông tin dữ liệu, tiền ảo, tiền số... là tài sản. Thông tin được hiểu là những dữ liệu về người, về đối tượng, sự kiện, hiện tượng và quy trình không phụ thuộc vào hình thức thể hiện của chúng. Cho nên thông tin dữ liệu được coi là tài sản hay quyền tài sản và có thể tham gia các giao dịch dân sự, trở thành đối tượng của các quan hệ công, luật dân sự và các quan hệ pháp luật khác. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thông tin dữ liệu chưa được quy định là tài sản hay quyền tài sản nhưng trên thực tế, các giao dịch liên quan đến việc mua bán thông tin vẫn được thực hiện. Đồng thời, một số nước trên thế giới đã có những quy định và thừa nhận tiền ảo, tài sản ảo là tài sản nhưng ở Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về tiền ảo, tài sản ảo. Vì vậy, Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 cần sửa đổi quy định về tài sản theo hướng mở. Tài sản là bất cứ thứ gì mà có thể định giá được bằng tiền mà không theo quy định liệt kê như hiện nay để phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội và thông lệ quốc tế.
2.2. Quy định của pháp luật về chuyển giao quyền yêu cầu, chuyển giao nghĩa vụ dân sự và kiến nghị hoàn thiện
Bộ luật Dân sự các năm 1995, 2005 và 2015 đều có những quy định về việc chuyển giao QYC và chuyển giao nghĩa vụ (Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định từ Điều 315 đến Điều 323; Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định từ Điều 309 đến Điều 387; Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định từ Điều 365 đến Điều 384).
- Về chuyển giao QYC: Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, bên có QYC thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao QYC đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp: (i) QYC cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín; (ii) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao QYC. Sau khi chuyển giao, người nhận chuyển giao sẽ thay thế người chuyển giao có QYC và người chuyển giao sẽ chấm dứt QYC. Người chuyển giao QYC phải cung cấp các thông tin cần thiết, các giấy tờ có liên quan đến QYC cho người được chuyển giao; trường hợp QYC thực hiện nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm thì việc chuyển giao QYC sẽ bao gồm cả biện pháp bảo đảm. Sau khi chuyển giao, người chuyển giao QYC không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của nhận chuyển giao QYC, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Việc chuyển giao QYC không cần phải có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chuyển giao QYC không thông báo về việc chuyển giao và bên nhận chuyển giao QYC không chứng minh được về việc QYC thực hiện NVDS đã được chuyển giao thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ cho bên nhận chuyển giao; đồng thời, nếu bên chuyển giao QYC không thông báo việc chuyển giao mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao QYC phải thanh toán chi phí này hoặc bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ cho bên chuyển giao rồi thì bên nhận chuyển giao không được QYC bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ cho mình nữa.
- Về việc chuyển giao NVDS: Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật quy định không được chuyển giao nghĩa vụ. Trường hợp nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Sau khi được chuyển giao nghĩa vụ, bên nhận chuyển giao trở thành bên có nghĩa vụ, bên chuyển giao chấm dứt nghĩa vụ và không phải thực hiện nghĩa vụ.
Quy định của pháp luật về chuyển giao QYC, chuyển giao NVDS đã tạo điều kiện, thúc đẩy giao dịch dân sự, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Trên thực tế, nhiều giao dịch liên quan đến việc chuyển giao QYC và chuyển giao NVDS đã được thực hiện như việc mua bán nợ của các ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số quy định của pháp luật về chuyển giao QYC và chuyển giao NVDS còn tồn tại bất cập như sau:
Thứ nhất, Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa có điều khoản nào quy định cụ thể về hình thức của việc chuyển giao QYC, chuyển giao NVDS, điều này phần nào gây khó khăn cho việc thực hiện và chưa thực sự bảo đảm an toàn cho các bên tham gia giao dịch trên thực tế. Khoản 1 Điều 450 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trong trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ cho bên mua. Giấy tờ chuyển giao ở đây là các giấy tờ chứng minh quyền tài sản. Trên nhiều phương diện, QYC và NVDS là thứ vô hình, khó xác định nên để bảo đảm an toàn cho các chủ thể tham gia giao dịch, Bộ luật Dân sự năm 2015 cần quy định việc chuyển giao QYC và chuyển giao NVDS phải được thể hiện bằng văn bản. Trường hợp QYC và NVDS liên quan đến tài sản mà pháp luật quy định giao dịch phải được công chứng, chứng thực thì việc chuyển giao QYC và chuyển giao NVDS cũng phải được công chứng, chứng thực theo đúng quy định.
Thứ hai, Điều 370 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc chuyển giao NVDS chỉ cần bên có quyền đồng ý mà không quy định rõ có bắt buộc phải được sự chấp thuận đồng ý của cả bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao NVDS hay không. Điều này gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tế. Chẳng hạn, trong trường hợp người con vay tiền nhưng đến hạn không trả nợ được tiền vay nên bố mẹ đã viết giấy cam kết và ký xác nhận về việc sẽ chịu trách nhiệm trả tiền thay cho người con. Tuy nhiên, đến thời hạn cam kết, bố mẹ của người vay tiền cũng không trả tiền cho người cho vay tiền. Vậy, trong trường hợp này, giấy cam kết của bố mẹ về việc trả nợ thay cho người con có hiệu lực pháp luật hay không và người cho vay tiền có quyền căn cứ vào giấy cam kết để khởi kiện ra Tòa án buộc bố mẹ của người vay tiền phải trả nợ thay cho người con hay không. Trường hợp này có hai quan điểm:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng, bên cho vay tiền là người có quyền đã đồng ý cho bố mẹ của người vay tiền được trả nợ thay cho người con, vì thế, bố mẹ của người vay tiền là người thế nghĩa vụ của người vay tiền; đồng thời, bố mẹ của người vay tiền hoàn toàn tự nguyện, chấp thuận đồng ý viết giấy cam kết sẽ trả nợ tiền vay thay cho người con, tức là bố mẹ đã thế nghĩa vụ trả tiền cho người con nên giấy cam kết của bố mẹ về việc trả tiền thay cho người con có hiệu lực pháp luật và bên cho vay hoàn toàn có quyền căn cứ vào giấy cam kết để khởi kiện yêu cầu bố mẹ của người vay tiền phải thực hiện nghĩa vụ thay cho người con.
- Quan điểm thứ hai cho rằng, người vay tiền chưa chấp thuận đồng ý về việc chuyển giao nghĩa vụ trả nợ tiền vay cho bố mẹ nên giấy cam kết của bố mẹ người vay tiền về việc trả nợ tiền vay thay cho người con không có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, bên cho vay tiền không thể căn cứ vào giấy cam kết của bố mẹ người vay tiền để khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bố mẹ của người vay tiền phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ tiền vay thay cho người con được.
Vì vậy, Điều 370 Bộ luật Dân sự năm 2015 cần sửa đổi và quy định cụ thể việc chuyển giao NVDS phải được sự chấp thuận đồng ý của các bên, kể cả bên có quyền, bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao.
Thứ ba, Điều 371 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, nếu nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm thì khi chuyển giao nghĩa vụ, biện pháp đó chấm dứt, trừ khi có thỏa thuận khác. Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có mục đích bảo vệ quyền lợi cho bên có quyền là nghĩa vụ sẽ được thực hiện. Vì thế, trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ thì bên bảo đảm có trách nhiệm thực hiện thay nghĩa vụ. Vì vậy, Điều 371 cần quy định theo hướng, nếu nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm thì khi chuyển giao nghĩa vụ sẽ chuyển giao cả biện pháp bảo đảm đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Quy định như vậy, khi chuyển giao nghĩa vụ thì đương nhiên chuyển giao cả biện pháp bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc chuyển giao nghĩa vụ không bao gồm chuyển giao biện pháp bảo đảm./.
Đào Khánh Linh
Ban Tôn giáo Chính phủ
[1]. Hoàng Phê, Viện Ngôn ngữ học (2002), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, tr. 815.
[2]. Hoàng Phê, Viện Ngôn ngữ học (2002), tlđd, tr. 679.
[3]. Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển Bách Khoa, Nxb. Tư pháp, tr. 648.
[4]. Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp (2006), tlđd, tr. 560.
[5]. Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp (2006), tlđd, tr. 562.
[6]. Ngô Huy Cương (2023), Giáo trình luật dân sự 1- Phần chung, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 52 - 57.
[7]. Ngô Huy Cương (2023), Bài giảng điện tử về luật nghĩa vụ, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 408), tháng 7/2024)