1. Khái quát về ASEAN và tình hình nhân quyền trong khu vực
Quá trình phát triển của ASEAN được đánh dấu bằng sự ra đời của nhiều văn kiện quan trọng, trong đó, Hiến chương ASEAN năm 2007 là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt và là văn kiện pháp lý quan trọng nhất. Hiến chương quy định: ASEAN là một tổ chức liên chính phủ và có tư cách pháp nhân; khẳng định lại các mục đích và nguyên tắc cơ bản của ASEAN; quy định cơ cấu tổ chức của ASEAN, cách thức ra quyết định, cách thức giải quyết tranh chấp, bất đồng…
Về bối cảnh chính trị, xã hội trong khu vực, các quốc gia ASEAN có nhiều khác biệt về văn hóa, tôn giáo, thể chế chính trị, và hệ thống pháp luật. Đặc điểm chung duy nhất là các nước ASEAN (trừ Thái Lan) đều từng trải qua chế độ thuộc địa và quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đặc điểm này chi phối mạnh mẽ quan điểm và định hướng về dân chủ, nhân quyền ở mỗi quốc gia cũng như trong khu vực. Ở những nước theo con đường phát triển tư bản, nền chính trị tuy chịu ảnh hưởng và mô phỏng mô hình dân chủ tư sản phương Tây, song lại không hoàn toàn tương đồng, không tạo ra nền tảng cho việc thực thi các thể chế dân chủ tư sản; do đó, đời sống chính trị, xã hội ở các nước này cũng trải qua nhiều biến động, xung đột gay gắt[1].
Về tổ chức nhà nước, do ảnh hưởng nguyên mẫu của các nước thực dân từng đô hộ trước kia, bộ máy nhà nước của các nước ASEAN (trừ Brunei, Việt Nam, Lào và Myanmar) về cơ bản theo nguyên tắc tam quyền phân lập với nội dung, tính chất và mức độ khác nhau, được thể hiện qua các thiết chế của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, mặc dù về cơ bản là sao chép, bộ máy nhà nước các nước ASEAN cũng có một số đặc điểm khác biệt so với các nước phương Tây; do đó, có những tác động, ảnh hưởng nhất định đến vấn đề dân chủ, nhân quyền[2].
Nhìn chung, dù tồn tại những sự khác biệt như nêu trên, hiện nay, các quốc gia ASEAN đều đang phải đối diện với nhiều thách thức về nhân quyền như: Bạo lực gia định, bạo lực và kỳ thị đối với phụ nữ, lao động trẻ em, buôn bán người, lao động di trú, việc trấn áp các lực lượng đòi ly khai, xung đột giữa các nhóm tôn giáo... Cụ thể hơn về bối cảnh cũng như tình hình nhân quyền ở từng nước ASEAN như sau:
- Brunei là một quốc gia quân chủ, trong đó quyền lực được tập trung gần như tuyệt đối vào tay Quốc vương (Sultan) - là nguyên thủ quốc gia, đồng thời đứng đầu cơ quan hành pháp. Tổ chức bộ máy nhà nước không có nhánh lập pháp; Hội đồng Lập pháp theo Hiến pháp chỉ có chức năng tư vấn cho Quốc vương. Tình trạng khẩn cấp quốc gia vẫn được duy trì áp dụng từ năm 1962 cho đến nay, dẫn đến các quyền của người dân bị gây cản trở và chịu nhiều hạn chế.[3]
- Campuchia là quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến với hệ thống chính trị đa đảng; tuy nhiên, chính trường quốc gia cơ bản vẫn chịu sự chi phối từ Đảng cầm quyền của Thủ tướng Hunsen. Xã hội dân sự ở quốc gia này có điều kiện thuận lợi để phát triển, ngày càng có nhiều tổ chức phi chính phủ thúc đẩy nhân quyền xuất hiện. Các vấn đề nhân quyền được quan tâm là: Quy định của pháp luật về quyền tự do hội họp, lập hội; quyền của người dân liên quan đến đất đai; bảo vệ tài nguyên môi trường; kỳ thị người di cư…
- Indonesia được xem như là quốc gia đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy dân chủ, pháp quyền và nhân quyền trong khu vực. Chính quyền tỏ ra tôn trọng các quyền tự do của người dân và vai trò của xã hội dân sự. Mối quan tâm nhân quyền lớn ở quốc gia này là viện trợ nhân đạo cứu trợ các nạn nhân của thiên tai (sóng thần, động đất). Một số vấn đề nhân quyền khác mà Indonesia hiện vẫn đang phải đối mặt và giải quyết đó là: Đối xử tàn bạo với phong trào đòi ly khai tại Tây Papua Aceh, tự do báo chí.
- Lào là quốc gia theo mô hình chính trị kiểu xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế trong một thời gian dài theo mô hình tập trung, lệ thuộc nặng nề vào viện trợ từ bên ngoài và chỉ mới tiến hành cải cách trong những năm gần đây. Những vấn đề nhân quyền thường được nhắc đến ở quốc gia này là: Bảo vệ quyền của người thiểu số (đặc biệt là người H’Mông), quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp…
- Malaysia là quốc gia đa sắc tộc và tôn giáo, nhưng trong một vài thập kỷ gần đây quyền lực được tập trung vào nhóm sắc tộc chiếm đa số (người Mã Lai). Môi trường chính trị trở nên tự do hơn từ những năm 1986, khi vấn đề đa sắc tộc và không phân biệt chủng tộc được bàn luận tại các diễn đàn chính trị; song tiến trình dân chủ tương đối chậm và không ổn định. Những vấn đề nhân quyền được đề cập là các điều khoản hạn chế quyền trong Hiến pháp và các đạo luật như: Hạn chế quyền trong trường hợp khẩn cấp; quyền tự do ngôn luận bị giới hạn qua kiểm duyệt báo chí và xuất bản; vai trò của cơ quan nhân quyền quốc gia…
- Myanmar là quốc gia này nằm dưới chế độ quân phiệt trong một thời gian dài, những cải cách chính trị đáng chú ý trong tiến trình dân chủ hóa chỉ bắt đầu từ tháng 5/2008, với việc trưng cầu ý dân thông qua Hiến pháp mới. Tiến trình này có những diễn biến tích cực và mở ra viễn cảnh tốt đẹp hơn về cuộc sống nói chung cũng như việc bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền ở quốc gia này.Tiến trình này cũng hứa hẹn đưa Myanmar thoát khỏi thế cô lập trên trường quốc tế và khu vực, cũng như sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
- Philippines kể từ khi chế độ độc tài bị lật đổ, tình hình nhân quyền ở quốc gia này đã có nhiều chuyển biến quan trọng, như Hiến pháp đã ghi nhận các quyền tự do của con người và thiết lập ra cơ quan nhân quyền quốc gia; tự do báo chí, xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ dần lớn mạnh… Những thách thức nhân quyền đang đối mặt như: Vi phạm nhân quyền do các lực lượng vũ trang ly khai gây ra trong xung đột; tình trạng cát cứ, tham nhũng của các thế lực chính trị địa phương; sự lũng đoạn chính trị của giới tư bản…
- Singapore dù có nền kinh tế phát triển cao, tuy nhiên, Singapore không được đánh giá cao trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền[4]. Một số mối quan tâm nhân quyền hiện nay bao gồm: Hạn chế tự do ngôn luận thông qua kiểm duyệt báo chí, khởi kiện ra tòa, ngăn cấm hoặc đóng cửa các cơ sở báo chí, xuất bản; áp dụng các hình phạt thân thể; duy trì và thi hành án tử hình một cách khắc nghiệt, đặc biệt với tội phạm ma túy...
- Thái Lan là quốc gia có môi trường chính trị thường xuyên biến động với các cuộc đảo chính, thay đổi Chính phủ, thay đổi Hiến pháp từ năm 1932 cho đến nay. Những sửa đổi Hiến pháp năm 1997 và 2007 có nhiều điểm tiến bộ quan trọng về dân chủ và nhân quyền, như ghi nhận nhiều hơn các quyền con người, ràng buộc trách nhiệm của Chính phủ trước công chúng, thiết lập và trao quyền cho các thể chế mới như Tòa án hành chính, Ombudsman, Ủy ban nhân quyền quốc gia… Các vấn đề nhân quyền ở Thái Lan thường được nhắc đến gần đây là: Vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến chống ma túy, hệ thống nhà tù xuống cấp, sử dụng vũ lực tùy tiện và vi phạm quyền của người Hồi giáo ở miền Nam...
Nhìn chung, bối cảnh chính trị, xã hội và tình hình nhân quyền ở các nước ASEAN có sự khác biệt tương đối lớn và có nhiều chuyển biến nhanh chóng trong hai thập kỷ vừa qua. Tại tất cả các quốc gia đều tồn tại những vấn đề liên quan đến quyền và tự do cơ bản của cá nhân. Tuy vậy, trong xu hướng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, các quốc gia đang tiếp tục nỗ lực cải cách trong nhiều lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực nhân quyền, để đáp ứng những đòi hỏi mới của thời đại.
2. Cơ chế trong nước bảo vệ quyền con người ở các nước ASEAN
2.1. Bảo vệ quyền con người bằng cơ quan nhân quyền quốc gia
Trong khu vực hiện có 5 quốc gia thuộc ASEAN đã thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia (NHRI) với mô hình “Ủy ban nhân quyền”, dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định của Hiến pháp và/hoặc các đạo luật riêng, và chúng đều có chức năng bán tư pháp (tức có thẩm quyền tài phán và giải quyết khiếu kiện). Vai trò của các cơ quan này trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền nói chung, các quyền dân sự, chính trị nói riêng tại các quốc gia được khái quát như sau:
- Indonesia: Ủy ban nhân quyền quốc gia (Komnas HAM) được thành lập từ năm 1993[5], là một cơ quan độc lập, có địa vị ngang bằng với các cơ quan nhà nước khác, với hai mục tiêu chính là: (i) Phát triểncác điều kiện thực thi nhân quyền phù hợp với pháp luật quốc gia và quốc tế; (ii) tăng cường bảo vệ và phát huy các quyền của người dân và năng lực tham gia của họ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thẩm quyền được giao của Komnas HAM gồm: Tổ chức học tập, nghiên cứu, phổ biến, giám sát và tham gia giải quyết các vấn đề về nhân quyền[6]; ngăn ngừa sự phân biệt về chủng tộc và sắc tộc; điều tra các vụ vi phạm nhân quyền hàng loạt, bao gồm cả tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại.
Theo Báo cáo của Komnas HAM tại Diễn đàn Châu Á - Thái Bình Dương năm 2009 (APF) cho thấy[7], cơ quan này hoạt động khá tích cực và nhận được nhiều kỳ vọng của công chúng trong việc giải quyết các khiếu nại vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy Komnas HAM thường phải đối diện với những trở ngại và thách thức rất lớn cả bên trong lẫn bên ngoài thể chế của nó.
- Malaysia: Ủy ban nhân quyền (SUHAKAM) chính thức ra mắt và hoạt động vào tháng 4/2000[8], là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội thông qua việc nộp báo cáo; có vị thế độc lập tương đối lớn với Chính phủ, tự hoạt động theo cơ chế riêng. SUHAKAM có chức năng và thẩm quyền gồm: (i) Nâng cao nhận thức và tổ chức giáo dục về nhân quyền; (ii) tham mưu và hỗ trợ Chính phủ trong việc xây dựng chính sách, pháp luật; kiến nghị áp dụng các biện pháp cần thiết; (iii) kiến nghị Chính phủ tham gia các văn kiện nhân quyền quốc tế; (iv) điều tra các khiếu nại, tố cáo về vi phạm nhân quyền[9]; (v) đi thăm các cơ sở giam giữ và có các kiến nghị cần thiết; (vi) ra các tuyên bố công khai về nhân quyền khi cần thiết; (vii) thực hiện các hoạt động khác nếu cần thiết.
Qua các Báo cáo thường niên của SUHAKAM cho thấy cơ quan này hoạt động khá tích cực và có những thành công. Tuy nhiên, thách thức là do không thuộc ưu tiên cao trong chương trình nghị sự chính trị nên vai trò của SUHAKAM trong việc cải thiện tình hình nhân quyền ở Malaysia chưa cao và chưa được các cơ quan nhà nước coi trọng (trong việc thực hiện các khuyến nghị của SUHAKAM)[10].
- Philippines: Ủy ban nhân quyền (CHRP) được thành lập năm 1987[11], là một cơ quan độc lập và có các chức năng, quyền hạn cơ bản như sau: (i) Điều tra (chủ động hoặc qua khiếu nại, tố cáo) các hành vi vi phạm các quyền dân sự và chính trị; (ii) cung cấp, đề xuất các biện pháp pháp lý thích hợp nhằm bảo vệ, phòng ngừa, trợ giúp các cá nhân khi quyền của họ bị vi phạm, gồm cả việc đề xuất bồi thường cho nạn nhân hoặc gia đình của họ; (iii) đến thăm, giám sát các cơ sở giam giữ, nhà tù; (iv) tổ chức các chương trình nghiên cứu, giáo dục và thông tin thường xuyên nhằm thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền; (vi) theo dõi và giám sát sự chấp hành các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế…
Các báo cáo thường niên cho thấy, CHRP hoạt động rất tích cực thông qua các kế hoạch, chương trình hành động nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên, do có nhiều yếu tố tác động như nguồn lực tài chính hạn hẹp, chưa có tiến trình đưa các thủ phạm vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ra công lý, tình trạng miễn trừ/không bị trừng phạt (impunity) khỏi những hành vi lạm dụng hoặc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng[12]… đã gây ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của CHRP, làm giảm tính hiệu quả của cơ quan này cũng như mức độ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở Philippines.
- Thái Lan: Ủy ban nhân quyền quốc gia (NHRCT) bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2001[13], là một tổ chức độc lập với chức năng, nhiệm vụ như sau:(i) thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền ở cả trong nước và quốc tế; (ii) đánh giá các hành động vi phạm nhân quyền hoặc không phù hợp với nghĩa vụ nhân quyền quốc tế và đề xuất các biện pháp xử lý; (iii) nộp báo cáo về tình hình nhân quyền quốc gia lên Quốc hội và Chính phủ; (iv) đề xuất sửa đổi luật, các quy tắc hoặc quy định, và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền; (v) phổ biến thông tin và thúc đẩy giáo dục, nghiên cứu về nhân quyền; (vi) hợp tác, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, NGOs và các tổ chức nhân quyền khác.
Trong những năm qua, NHRCT đã làm việc với các Chính phủ khác nhau và thực hiện những công việc quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền của công dân Thái Lan. Báo cáo trong nhiệm kỳ đầu (từ 2001-2007) cho thấy, NHRCT đã có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động bảo vệ nhân quyền ở Thái Lan[14]. Tuy nhiên, kể từ thời điểm cuối tháng 9/2006 cho đến nay, tình hình chính trị ở Thái Lan có nhiều bất ổn đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của NHRCT.
2.2. Bảo vệ quyền con người thông qua hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự
Phong trào xã hội dân sự hầu như mới chỉ được khởi xướng từ một vài thập kỷ gần đây ở các nước ASEAN, trong đó tại một số nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, phong trào này phát triển mạnh hơn (xét cả về số lượng và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự - CSO).Không gian cho CSO tại các nước cũng tương đối khác biệt, phụ thuộc chủ yếu vào mức độ cởi mở của chính quyền. Một số nước như Thái Lan, Philippines, CSO có điều kiện phát triển thuận lợi từ vài thập niên qua; trong khi ở một số nước khác thì chỉ khoảng một thập niên trở lại đây CSO mới có điều kiện phát triển thuận lợi hơn (như Indonesia, Malaysia, Campuchia, Việt Nam). Ở một số nước, dù đã xuất hiện các CSO thúc đẩy phát triển, bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, các CSO bảo vệ các quyền chính trị, dân sự hầu như chưa xuất hiện.
Ở cấp độ khu vực, ngày càng nhiềutổ chức và mạng lưới quy tụ các tổ chức hoạt động bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền ở các quốc gia khác nhau được thành lập. Các mạng lưới này không chỉ là diễn đàn chia sẻ thông tin giữa các thành viên mà còn góp phần tăng cường hiệu quả trong việc vận động, thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trong toàn khu vực.Nhìn chung, cùng với xu hướng phát triển và sự gia tăng vai trò của CSO trên phạm vi quốc tế, CSO trong khu vực ASEAN cũng đã có những bước tiến đáng kể trên nhiều mặt và ngày càng có vai trò tích cực hơn trong đối thoại với các nhà nước ở phạm vi quốc gia cũng như ở phạm vi ASEAN; được coi là những chủ thể rất cần thiết để hướng tới sự minh bạch và bảo vệ, thúc đẩy các quyền con người.
2.3. Bảo vệ quyền con người thông qua hoạt động giáo dục nhân quyền
Trong lĩnh vực nhân quyền, hoạt động giáo dục nhân quyền (gồm cả nghiên cứu, giáo dục và thông tin về quyền con người) được cộng đồng quốc tế xem như là một biện pháp cốt yếu, mang tính chiến lược để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn nhân quyền. Ở các quốc gia ASEAN, hoạt động giáo dục nhân quyền cũng đã được quan tâm ở những mức độ khác nhau. Một số nước thực hiện hoạt động này tương đối sớm và đã xây dựng cả kế hoạch/ chiến lược hành động quốc gia như Indonesia, Philippines và Thái Lan. Nhìn chung, các nước đều đã đưa những nội dung về nhân quyền, đặc biệt là quyền của trẻ em, vào các chương trình giáo dục phổ thông và đại học. Giáo dục nhân quyền có thể hướng đến mọi đối tượng trẻ em hoặc hướng tới một nhóm cụ thể (thiểu số, khuyết tật...).
Cùng với giáo dục chính quy trong nhà trường, hoạt động giáo dục nhân quyền còn được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác trong xã hội (các phương tiện truyền thông, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tôn giáo...). Tại một số nước, NHRI cũng có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy giáo dục nhân quyền. Đối với hoạt động nghiên cứu, bên cạnh các cơ sở nghiên cứu của Nhà nước hoặc độc lập, nhiều trung tâm nghiên cứu nhân quyền đã được thành lập trong các trường đại học ở nhiều quốc gia. Ở cấp độ khu vực, các nước ASEAN cũng ngày càng có nhiều hoạt động chung để thúc đẩy các hoạt động giáo dục nhân quyền trong khu vực.
3. Vận dụng cơ chế khu vực để bảo vệ quyền con người ở các nước ASEAN
Hiện nay, trong khu vực ASEAN có ba cơ chế bảo vệ nhân quyền gồm: Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR); Ủy ban thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú (ACMW); và Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC). Nhìn chung, vai trò của các cơ chế này đối với vấn đề nhân quyền trong khu vực là khá hạn chế, mới chỉ dừng lại ở chức năng tư vấn. Để mở rộng thẩm quyền của các cơ chế này (như tiếp nhận khiếu nại, tổ chức điều tra, ra khuyến nghị, phán quyết…) sẽ cần thêm nhiều thời gian và những nỗ lực cụ thể.
Một số thách thức mà các cơ chế trên đã và đang phải đối mặt đó là: (i) Sự khác biệt về hệ thống chính trị, mức độ tự do và dân chủ giữa các quốc gia; (ii) quan điểm, cách nhìn nhận về tính phổ quát, tính đặc thù của vấn đề nhân quyền và mức độ thực hiện các nghĩa vụ, cam kết nhân quyền; (iii) nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ” và tính chính trị trong mối quan hệ giữa các quốc gia về vấn đề nhân quyền; (iv) vai trò của xã hội dân sự ở mỗi quốc gia cũng như trong khu vực còn mờ nhạt trong việc tác động, ảnh hưởng đến các chính sách của ASEAN và của mỗi quốc gia về nhân quyền.
4. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Qua những trình bày trên, có thể rút ra hai kết luận như sau: Thứ nhất, việc bảo vệ nhân quyền ở mỗi quốc gia chịu tác động của rất nhiều yếu tố như văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, hệ thống pháp luật… và đặc biệt là thái độ chính trị của các nhà nước; Thứ hai, để thực thi có hiệu quả nhân quyền tại mỗi quốc gia đòi hỏi phải có sự nỗ lực và hợp tác cả từ phía nhà nước, các cá nhân cũng như của cả cộng đồng (trong nước, khu vực và quốc tế). Để đạt được điều này, từ kinh nghiệm thực tiễn các nước ASEAN, có hai yếu tố cần được quan tâm thực hiện: (i) Nâng cao nhận thức của nhà nước, người dân và cộng đồng thông qua giáo dục nhân quyền; (ii) mở rộng không gian hoạt động cho xã hội dân sự.
Ở Việt Nam, hoạt động giáo dục nhân quyền trong khoảng hơn ba thập kỷ vừa qua đã có những bước phát triển, tuy nhiên vẫn chưa bắt kịp với xu hướng phát triển chung trên thế giới và chưa đáp ứng được nhu cầu ở trong nước. Yếu tố gây ra trở ngại lớn nhất đó là nhận thức chưa đầy đủ của các nhà hoạch định chính sách và của cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục nhân quyền. Kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn ở một số quốc gia ASEAN là Nhà nước cần xây dựng cho mình một kế hoạch, chiến lược quốc gia rõ ràng về giáo dục nhân quyền trong đó đặt ra các mục tiêu cần đạt được và phương thức thực hiện. Một kinh nghiệm khác nữa đó là cần phải có một cơ quan đóng vai trò tích cực và là đầu mối trong việc điều phối, thúc đẩy hoạt động giáo dục nhân quyền như NHRI ở Thái Lan và Philippines là những ví dụ.
Đối với xã hội dân sự, việc mở rộng không gian hoạt động đồng nghĩa với đòi hỏi nhà nước phải tôn trọng quyền tự do hiệp hội, hội họp của người dân - những quyền có vai trò thiết yếu để các tổ chức xã hội có thể phát triển. Ở Việt Nam hiện nay, khuôn khổ pháp luật về các quyền tự do hiệp hội, hội họp còn mang nặng tính hành chính, coi trọng sự quản lý thuận tiện của nhà nước và coi nhẹ quyền tự do ý chí, tự do thỏa thuận của người dân; cách hiểu về xã hội dân sự chưa thực sự rõ ràng và còn gây tranh cãi; có nhiều quy định hành chính khắt khe gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức xã hội… Do đó, hiện nay Nhà nước cần phải có cái nhìn cởi mở hơn cũng như cần xây dựng một khuôn khổ pháp luật phù hợp tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức xã hội.
Trên đây chỉ là hai trong số những kinh nghiệm tốt rút ra từ thực tiễn bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền nói chung, các quyền về dân sự và chính trị nói riêng tại các nước ASEAN. Tất nhiên, việc áp dụng những kinh nghiệm này cũng cần tính đến những yếu tố phù hợp như về văn hóa, thể chế chính trị, hệ thống pháp luật... nhưng cũng không nên lấy chính những yếu tố này làm lý do để không thay đổi. Thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực nhân quyền và giờ là thời điểm cần có những chính sách và hành động cụ thể.
ThS.NCS. Nguyễn Minh Tâm
members/full-members/indonesia/downloads/apf-annual-meeting/Indonesia.doc, [truy cập: 25/12/2015].
.my/pusat-media/sumber/laporan-tahunan/, [truy cập: 25/12/2015].
PDF/2014/2013%20CHR%20Annual%20Performance%20Report.pdf, [truy cập: 28/12/2015].
alia-2007/downloads/reports-from-apf-members/APF%20Report%20-%20Thailand.pdf, [truy cập: 28/12/2015].