Toàn cảnh phiên họp thẩm định.
Tham dự phiên họp thẩm định còn có đại diện của các cơ quan: Văn phòng Chính phủ; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng; Bộ Ngoại Giao; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an…
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện Bộ Giao thông vận tải báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là các đô thị bền vững, trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của cả nước, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao và định hướng phát triển đường sắt đô thị để đáp ứng nhu cầu giao thông đô thị. Đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng từ năm 2007. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị chậm, không đáp ứng nhu cầu vận tải, hạ tầng giao thông không bắt kịp tốc độ đô thị hóa nhanh của thành phố. Phát triển hệ thống đường sắt đô thị là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của thành phố, gắn kết phát triển giao thông với phát triển đô thị, giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường, phát triển giao thông xanh, giao thông thông minh và hiện đại, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng của hai thành phố. Thực tiễn cho thấy, các thành phố lớn trên thế giới đều ưu tiên phát triển đường sắt đô thị để đáp ứng như cầu vận tải đô thị; là giải pháp căn cơ để giải bài toán ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, tai nạn giao thông đô thị. Hai thành phố đều xác định mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải đô thị bền vững, hài hòa, hợp lý; trong đó, đến năm 2035, phấn đấu cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị theo các quy hoạch đã được duyệt, đảm nhận 30 - 40% thị phần vận tải hành khách công cộng.
Thành phố Hà Nội đã đưa vào vận hành khai thác tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, chiều dài 13 km; tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy), chiều dài khoảng 8,5km. Thành phố Hồ Chí Minh đã vận hành, khai thác tuyến số 1, đoạn Bến Thành - Suối Tiên khoảng 19,7km. Việc triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại hai thành phố còn chậm, chưa đạt mục tiêu, nhu cầu phát triển và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn trong thời gian qua. Vì vậy cần nghiên cứu giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để huy động nguồn lực, rút ngắn trình tự, thủ tục nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị trong thời gian tới.
Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội là nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp để triển khai đầu tư, rút ngắn tối đa trình tự, thủ tục, thời gian chuẩn bị đầu tư, tiến độ thực hiện, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất; phân cấp, phân quyền cho hai thành phố trong việc triển khai đầu tư phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu phát triển của thành phố; đồng thời, phát huy tính chủ động, tích cực của các địa phương, bảo đảm hiệu quả; hiện thực hóa Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định mục tiêu “Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035” và Kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 12766-CV/VPTW ngày 27/12/2024.
Dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều quy định 08 nhóm chính sách đặc thù: (i) huy động nguồn vốn; (ii) về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; (iii) phát triển theo mô hình TOD; (iv) phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; (v) chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; (vi) phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; (vii) chính sách riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh; (viii) tổ chức thực hiện.
Đại diện Bộ Xây dựng phát biểu tại phiên họp.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết và dự thảo Nghị quyết, theo đó, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất “Dự án được lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay thế cho thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án”. Đại diện Bộ Xây dựng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá thêm tính khả thi của đề xuất này; đồng thời quy định rõ các nội dung liên quan đến thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED). Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật về đầu tư, tổng mức đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở khối lượng, diện tích, công suất hoặc năng lực phục vụ theo thiết kế cơ sở. Vì vậy, khi đề xuất lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay thế cho thiết kế cơ sở, cũng cần nghiên cứu điều chỉnh cách xác định tổng mức đầu tư cho phù hợp.
Góp ý đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết này đang được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn nên không cần đến nội dung Báo cáo lồng ghép về bình đẳng giới theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Vì vậy, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện lại Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Đại diện Bộ Tài chính phát biểu tại phiên họp.
Về việc phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm cho dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ cơ sở pháp lý đối với đề xuất này; đồng thời, rà soát với quy định tại Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách nhà nước để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đối với điều khoản chuyển tiếp, đại diện Bộ Tài chính nhất trí về việc các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực, cấp quyết định đầu tư được quyết định việc áp dụng các quy định tại Nghị quyết này. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cũng quy định “Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của Nghị quyết này”. Tuy nhiên, một số văn bản ban hành sau có thể có những quy định thuận lợi, ưu việt hơn; vì vậy, cần điều chỉnh lại nội dung này để tạo thuận lợi cho địa phương trong quá trình vận dụng, thực hiện Nghị quyết. Bên cạnh đó, đại diện Bộ Tài chính cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, giải trình thêm trường hợp kéo dài thời gian thực hiện đối với dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị có liên quan đến nước ngoài.
Đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035, đại diện Bộ Công an cho rằng đây là yêu cầu rất cấp thiết để hoàn tất các dự án đường sắt đô thị theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đại diện Bộ Công an đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần ban hành về khung tiêu chuẩn áp dụng chung cho các thành phố để các nhà thầu trong nước và quốc tế có thể tham gia vào tất cả các giai đoạn của dự án, tránh trường hợp khi một nhà thầu đã tham gia giai đoạn 01 thì sẽ được ưu tiên tham gia giai đoạn 02 của dự án. Đối với vấn đề về dự trữ quỹ đất để phát triển TOD, đại diện Bộ Công an cho rằng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần phải hạn chế tối đa việc giao đất cho các doanh nghiệp bất động sản để dự trữ quỹ đất nhằm phát triển TOD cho giai đoạn sau này. Đại diện Bộ Công an cũng đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai từng dự án, từ đó khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc để triển khai dự án đường sắt đô thị tại thành phố để bảo đảm lợi ích cho Nhà nước, tránh thiệt hại và lãng phí nguồn lực của đất nước.
Đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu tại phiên họp.
Tại phiên họp, đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đầy đủ các bản tổng hợp ý kiến, nhất là ý kiến của các bộ liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ… là những bộ bắt buộc phải có ý kiến theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Đặc biệt, trong giai đoạn lập đề nghị thì không được rút gọn. Hiện nay, trong hồ sơ tờ trình, đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp chưa thấy rõ trình tự, thủ tục soạn thảo, đặc biệt việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Về báo cáo đánh giá tác động của chính sách, đại biểu cho rằng cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại và viết theo hướng khái quát. Từ các giải pháp nhỏ, đề nghị cơ quan chủ trì lập đề nghị nhóm lại thành các chính sách lớn và đặt tên đúng cho các chính sách. Đối với hồ sơ dự thảo Nghị quyết, về thành phần hồ sơ, đại biểu cho biết với quy trình và yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đã có chỉ đạo thực hiện xây dựng Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đây cũng là cơ sở bước đầu để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình tự xây dựng Nghị quyết theo thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), đối với Nghị quyết của Quốc hội thì thẩm quyết định thủ tục rút gọn là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải lưu ý trong quá trình phối hợp để bảo đảm trình tự. Đối với tờ trình, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát để chỉnh lý lại theo đúng mẫu ở Phụ lục 03 của Nghị định số 59/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ nhằm làm rõ các lập luận, các căn cứ để các cấp có thẩm quyền khi quyết định về nội dung này. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát dự thảo Nghị quyết để tránh chồng chéo đối với các quy định của Luật Thủ đô năm 2024.
Góp ý tại phiên họp, đại diện Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính cho rằng, liên quan đến vấn đề vật liệu xây dựng, bãi đổ thải và sử dụng tầng đất mặt, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất được áp dụng tương tự như Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 172/2024/QH15, Quốc hội đã có dự kiến sơ bộ về số lượng và diện tích để sử dụng đất trồng lúa và đất tầng mặt để làm bãi đổ thải, nhưng trong dự thảo Nghị quyết này, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa dự kiến được diện tích sơ bộ, dẫn đến chưa đánh giá được tác động trong Tờ trình. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết quy định Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thu hồi và quyết định tổ chức việc sử dụng tầng đất mặt. Tuy nhiên, trong trường hợp diện tích đất trồng lúa và tầng nước mặn ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không đủ để sử dụng cho việc làm bãi đổ thải, thì có cần cân nhắc đến việc sử dụng đất của các địa phương lân cận hay không? Vì vậy, nếu chỉ quy định thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố mà không có tính toán hay dự kiến thông tin sơ bộ thì chính sách đề xuất này đối với hai thành phố liệu có đủ thuyết phục hay không? Liên quan đến việc sử dụng tiền thu trong khu vực TOD tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo Nghị quyết này được xây dựng đồng thời với dự thảo của Luật Đường sắt (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 05 và thông qua vào kỳ họp tháng 10. Tại khoản 4 Điều 23 dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất quy định liên quan đến việc sử dụng tiền thu từ khai thác quỹ đất ở vùng ga phụ cận. Nội dung sử dụng tiền thu trong dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) khác biệt so với nội dung của dự thảo Nghị quyết này, đặc biệt, tại dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ Giao thông Vận tải đề xuất “trường hợp quy định này khác với quy định của Luật Thủ đô và các Nghị quyết cùng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương, áp dụng theo quy định của Luật này”. Như vậy, Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ được thông qua sau khi Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035 được ban hành, vẫn chưa rõ cơ chế áp dụng tiền thu sẽ theo nội dung của luật nào. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát thật kỹ để bảo đảm tính thống nhất trong nội dung và nhất quán về mặt quan điểm đề xuất chính sách.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận phiên họp thẩm định.
Kết luận phiên họp thẩm định, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất khẩn trương hoàn thành đầy đủ và toàn diện hồ sơ đề nghị xây dựng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035. Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh hơn nữa hồ sơ đề nghị xây dựng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035 theo tinh thần là Nghị quyết cần phải quy định cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, phải thực sự là giải pháp hữu hiệu để thực hiện hiệu quả Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 và Văn bản số 12766-CV/VPTW ngày 27/12/2024 của Bộ Chính trị nhằm phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc Hội, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ hơn nội dung của việc thực hiện các mục tiêu dự thảo Nghị quyết đưa ra như thu hút nguồn lực; rút ngắn tối đa thủ tục trình tự; thực hiện tối đa việc phân cấp, phân quyền và tính hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án. Bên cạnh đó, trên cơ sở rà soát, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung trong dự thảo Nghị quyết điều, khoản quy định về trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, cụ thể là trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là các cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân… nhằm bảo đảm thực hiện chính sách phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm./.
Hoàng Trung