Kiểm soát quyền lực nhà nước là một yêu cầu cần thiết trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và chính quyền địa phương nói riêng ở Việt Nam hiện nay. Trong tiến trình đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước trong hoạt động của chính quyền địa phương luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng. Bài viết tập trung nghiên cứu để nhận diện những bất cập, trên cơ sở đó, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, góp phần vào quá trình nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước ở Việt Nam hiện nay.
1. Quan niệm về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương
1.1. Chính quyền địa phương
Trong bộ máy nhà nước Việt Nam, chính quyền địa phương là một bộ phận hợp thành của chính quyền nhà nước, được trao những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật. Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, chính quyền địa phương ở nước ta là một bộ phận hợp thành của chính quyền nhà nước thống nhất, trong đó, mỗi cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm địa bàn ở nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định nhằm thực hiện những nhiệm vụ do chính quyền trung ương phân cấp theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; đồng thời, thực hiện những nhiệm vụ ở địa phương đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Với vị trí là các cơ quan nằm trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là những thiết chế thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định các vấn đề của địa phương do luật định và tổ chức thực thi pháp luật ở địa phương. Là những thiết chế thực thi quyền lực nhà nước ở địa phương, trực tiếp tác động đến các lĩnh vực của đời sống xã hội và nhân dân địa phương nên chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong quản lý xã hội; đồng thời, xu hướng lạm dụng quyền lực của chính quyền địa phương cũng bộc lộ rõ nhất. Trong bộ máy nhà nước, chính quyền địa phương có vị trí rất quan trọng, là nơi trực tiếp thực thi các chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do các cơ quan trung ương đề ra. Việc thực thi hoạt động quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến sự tùy tiện, lạm quyền, vượt quyền, tham nhũng,… của đội ngũ cán bộ, công chức. Chính vì thế, cần xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế và kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương.
1.2. Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương
Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ: “… tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”. Đây chính là định hướng quan trọng cho việc xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm soát thực hiện quyền lực của bộ máy nhà nước. Một trong các nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước quan trọng đã được quy định tại khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Nguyên tắc này đã tạo cơ sở pháp lý cho cơ chế kiểm soát quyền lực đối với bộ máy nhà nước dựa trên việc phân công một cách rõ ràng các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, tạo cơ sở cho cơ chế kiểm soát quyền lực, điều này đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay.
Kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương là một hoạt động quan trọng trong tổ chức, thực thi quyền lực nhà nước. Việc kiểm soát tốt quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương một mặt giúp chính quyền trung ương quản lý hiệu quả chính quyền địa phương, mặt khác nhằm bảo đảm quản lý xã hội ở địa phương hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ công do địa phương cung ứng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân và ngăn ngừa, hạn chế sự lạm dụng quyền hạn của cơ quan nhà nước ở địa phương.
Dưới góc độ pháp lý, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là một tập hợp các quy định pháp luật do các chủ thể quyền lực đưa ra nhằm bảo đảm quyền lực được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Trong điều kiện Việt Nam, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là một chỉnh thể thể chế pháp lý và các thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước của các cơ quan nhà nước, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, cùng vận hành nhằm ngăn ngừa, loại bỏ những hành vi vi phạm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, bảo đảm cho quyền lực nhà nước được tổ chức và thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Như vậy, có thể hiểu: Cơ chế kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương là tổng thể các yếu tố gồm thể chế pháp lý, các thiết chế thực hiện hoạt động kiểm soát và các điều kiện bảo đảm thực hiện, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau; được vận hành theo nội dung và các phương thức do pháp luật quy định nhằm ngăn ngừa hành vi lạm dụng quyền lực, bảo đảm kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương.
Cơ chế kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương gồm: Cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước và cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên ngoài đối với chính quyền địa phương. Cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong gồm hoạt động của các thiết chế như Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương cấp trên đối với chính quyền địa phương cấp dưới, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân… Cơ chế kiểm soát quyền lực bên ngoài bộ máy nhà nước gồm hoạt động kiểm soát quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, thiết chế truyền thông đại chúng, cá nhân, công dân.
Với cách tiếp cận như vậy, cơ chế kiểm soát thực hiện quyền lực của chính quyền địa phương được thực hiện qua các kênh sau:
Thứ nhất, chính quyền trung ương kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương thông qua Hiến pháp, pháp luật. Theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2019 (Luật Tổ chức chính quyền địa phương), nguyên tắc phân quyền đã được quy định khá rõ. Chính quyền địa phương đã được giao quyền tự chủ, tự quyết về các vấn đề địa phương, đó là những công việc mang đặc thù của địa phương, chính quyền trung ương không trực tiếp tham gia, can thiệp vào các hoạt động đó của chính quyền địa phương. Mặc dù vậy, để bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất, chính quyền trung ương vẫn có thể kiểm soát chính quyền địa phương. Việc kiểm soát này không phải là sự can thiệp vào hoạt động của chính quyền địa phương, mà thể hiện thông qua việc chính quyền trung ương ban hành Hiến pháp, pháp luật để quy định phạm vi, phương thức thực thi quyền lực nhà nước ở địa phương.
Thứ hai, Tòa án nhân dân với tính chất là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cơ quan xét xử có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của các quyết định và hoạt động do chính quyền địa phương thực hiện. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2015, Tòa án nhân dân là cơ quan tư pháp, cơ quan thực hiện quyền xét xử các vụ án và giải quyết các xung đột quan hệ xã hội. Tòa án nhân dân hoạt động dựa trên nguyên tắc độc lập, khách quan, chỉ tuân theo pháp luật. Tòa án có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của các quyết định, hành vi được thực hiện bởi chính quyền địa phương. Thông qua hoạt động xét xử, Tòa án nhân dân có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ các quyết định, hành vi vi phạm Hiến pháp, trái pháp luật, các tranh chấp về thẩm quyền giữa cơ quan chính quyền trung ương với cơ quan chính quyền địa phương; các vi phạm quyền con người, quyền công dân của các cơ quan, người có thẩm quyền thuộc chính quyền địa phương. Việc thực hiện chức năng xét xử của Tòa án nhân dân là thực hiện quyền kiểm soát của tư pháp đối với chính quyền địa phương, hoạt động này nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm thực hiện những quy định do chính quyền trung ương ban hành. Cùng với quyền xét xử của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát tư pháp, đây chính là kênh kiểm soát của Viện kiểm sát nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan thực hiện quyền tư pháp và các hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền tư pháp.
Thứ ba, Hội đồng nhân dân kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương. Hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra thông qua phổ thông, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Hội đồng nhân dân có quyền quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương trên cơ sở phân cấp, phân quyền, Hội đồng nhân dân quyết định các chính sách tại địa phương và thực thi quyền giám sát đối với việc thực thi các quy định pháp luật, các chính sách do chính mình ban hành. Hội đồng nhân dân có vai trò cơ bản trong cơ chế kiểm soát quyền lực thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương. Thông qua chức năng giám sát, Hội đồng nhân dân theo dõi, đánh giá việc Ủy ban nhân dân thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, việc tổ chức thực hiện pháp luật trên địa bàn địa phương. Chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân là một trong các định chế quan trọng bảo đảm cho hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương đạt hiệu quả, minh bạch và trung thực. Trong điều kiện phân cấp, phân quyền, chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân càng có ý nghĩa quan trọng. Với cơ chế kiểm soát của Hội đồng nhân dân, buộc các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, đặc biệt những người có chức vụ phải có trách nhiệm giải trình trước cơ quan đại diện của nhân dân.
Thứ tư, nhân dân địa phương kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương. Chính quyền địa phương là một bộ phận của chính quyền nhà nước, đồng thời là một thiết chế do nhân dân địa phương bầu ra, thực hiện quyền lực do nhân dân giao cho, hoạt động vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích của cộng đồng và lợi ích của nhân dân địa phương. Chính vì vậy, nhân dân địa phương có quyền kiểm soát đối với chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương hoạt động với tư cách là một cơ quan của nhân dân địa phương, phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương thông qua việc thực thi pháp luật của Nhà nước, cung cấp các dịch vụ công đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân địa phương. Thông qua Hội đồng nhân dân, nhân dân địa phương thực hiện quyền giám sát tính đúng đắn, hiệu quả của việc thực thi quyền lực của chính quyền địa phương. Các hình thức giám sát của nhân dân địa phương rất đa dạng thể hiện quyền tham gia của nhân dân trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước như thực hiện quyền bầu cử, quyền tham gia quản lý các công việc của Nhà nước và xã hội, quyền khiếu nại, tố cáo… Đại hội XIII của Đảng đã xác định cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đây chính là cơ chế để nhân dân kiểm soát việc thực hiện quyền lực của chính quyền địa phương một cách hiệu quả nhất.
2. Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương
2.1. Thực trạng kiểm soát thực hiện quyền lực của chính quyền địa phương thời gian qua
Trên cơ sở các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, của chính quyền địa phương nói riêng, thời gian vừa qua, kiểm soát thực hiện quyền lực của chính quyền địa phương đã đạt được một số thành công nhất định:
- Thực hiện các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Nhà nước quy định trong Hiến pháp năm 2013, với chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đặc biệt, trên cơ sở phân cấp, phân quyền, sự nhận thức về kiểm soát quyền lực nhà nước của nhân dân cũng ngày được nâng lên. Chính vì vậy, kiểm soát thực hiện quyền lực của chính quyền địa phương ngày càng được chú trọng và sâu sắc hơn.
- Hệ thống thể chế làm cơ cở cho việc tổ chức kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương ngày càng hoàn thiện hơn. Ngoài Hiến pháp năm 2013 là cơ sở pháp lý mang tính nguyên tắc, định hướng chung, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã tạo cơ sở quan trọng cho kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương. Ngoài ra, nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác chứa đựng những quy định liên quan đến kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương nói riêng đã bảo đảm cơ sở cho cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước như: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo…
- Hoạt động của các cơ quan nhà nước với tư cách là các thiết chế bên trong của cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ngày càng được chú trọng. Công tác giám sát của các cơ quan Quốc hội, kiểm tra, thanh tra, giám sát của Chính phủ đã phát huy hiệu quả cao trong kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền cấp tỉnh. Công tác kiểm soát của Tòa án nhân dân đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương các cấp ngày càng được chú trọng và đã phát huy vai trò của công tác kiểm soát quyền lực nhà nước. Thông qua hoạt động của mình, Tòa án nhân dân đã kịp thời xét xử nhiều vụ án hành chính và giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện của nhân dân, bảo đảm quyền lực nhà nước được sử dụng đúng mục đích, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân địa phương.
- Sự kiểm soát của chính quyền địa phương cấp trên đối với chính quyền địa phương cấp dưới cũng được thực hiện khá hiệu quả. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đối với Ủy ban nhân dân ngày càng được nâng cao, bảo đảm quyền thực thi pháp luật của Ủy ban nhân dân, bảo đảm thực hiện chức năng quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội của Ủy ban nhân dân, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn địa phương.
- Hoạt động kiểm soát quyền lực của các thiết chế bên ngoài được chú trọng và đạt được nhiều kết quả. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng ngày càng hiệu quả hơn, phát huy vai trò tích cực thông qua chức năng giám sát và phản biện xã hội, thông qua đó, góp phần ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực nhà nước, bảo đảm hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
Bên cạnh những kết quả đó, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương còn bộc lộ một số hạn chế nhất định như:
- Về thể chế, các quy định về kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương vẫn còn chung chung, khó thực hiện. Hiến pháp năm 2013 đã quy định về khả năng phân quyền, phân cấp và ủy quyền, nhưng theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sự phân quyền cho chính quyền địa phương chưa thực sự mạnh, chưa bảo đảm cơ sở cho chính quyền địa phương quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; ngay cả khi thực hiện các công việc đã được phân quyền, chính quyền địa phương vẫn phải chịu sự kiểm tra, giám sát của “cơ quan nhà nước cấp trên” (Điều 12 Luật Tổ chức chính quyền địa phương). Điều này dẫn đến việc chính quyền địa phương cấp dưới đôi khi không dám mạnh dạn chủ động trong quyết định một số vấn đề liên quan đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Cơ chế trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức chưa thực sư rõ ràng, chưa có cơ quan tài phán mạnh mẽ, hiệu quả về những hoạt động lạm dụng quyền lực và vi phạm trong thực thi quyền lực. Trình tự, thủ tục giải quyết các khiếu nại, tố cáo về lạm dụng và vi phạm quyền lực chưa bảo đảm giải quyết nhanh chóng và kịp thời. Đây chính là nguyên nhân của nhiều vụ vi phạm của chính quyền địa phương ở cả ba cấp chính quyền, sự lạm dụng quyền lực, cùng với thiếu trách nhiệm giải trình của một bộ phận cán bộ, công chức chính quyền địa phương dẫn đến hậu quả nhiều vụ tham nhũng xảy ra ở chính quyền địa phương, gây bức xúc trong nhân dân.
- Sự kiểm soát của chính quyền địa phương cấp trên đối với chính quyền cấp dưới nhìn chung còn thấp, đặc biệt là cấp tỉnh. Sự chủ động, tích cực trong việc tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ hệ thống của mình chưa cao. Cơ chế tự kiểm tra, xử lý còn khoảng trống, chưa phù hợp tình hình thực tế. Việc thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân vẫn còn hình thức nên hiệu quả chưa cao.
- Chưa có cơ chế và biện pháp thực sự hữu hiệu để khuyến khích nhân dân tích cực tham gia kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương ở cả hai phương diện trực tiếp và gián tiếp. Ở một số địa phương, một mặt do trình độ dân trí, mặt khác do cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân chưa hiệu quả nên kênh kiểm soát quyền lực từ phía người dân đối với chính quyền địa phương còn hạn chế.
2.2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, kiểm soát thực hiện quyền lực của chính quyền địa phương nói riêng. Cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện pháp luật về kiểm soát quyền lực nhà nước, hoàn thiện cơ chế kiểm soát của chính quyền trung ương đối với chính quyền địa phương. Bảo đảm chặt chẽ cơ chế kiểm soát của Chính phủ, các bộ đối với chính quyền địa phương. Hoàn thiện pháp luật về quyền giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh; giữa chính quyền địa phương cấp trên đối với chính quyền địa phương cấp dưới và ngược lại. Hoàn thiện quy định và quy chế hóa mối quan hệ giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng với cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử của Nhà nước ở địa phương; rà soát, sửa đổi những quy định pháp luật mâu thuẫn trong các văn bản pháp luật về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận liên quan đến kiểm soát quyền lực của nhân dân đối với chính quyền địa phương; hoàn thiện quy định pháp luật phát huy các hình thức giám sát của cử tri, cá nhân, công dân trong các quy định pháp luật về bầu cử, ứng cử, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền khiếu nại, tố cáo…
Thứ hai, đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền địa phương. Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương nhằm bảo đảm nguyên tắc tự quyết và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; đồng thời cũng tiệm cận với xu hướng về tự quản, tự chủ địa phương; tuy nhiên, cần gắn liền với trách nhiệm, đồng thời, tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát của trung ương đối với chính quyền địa phương.
Thứ ba, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo của chính quyền địa phương: Xây dựng và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, kiểm tra của chính quyền địa phương. Thông qua đó kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương; ngăn ngừa vi phạm pháp luật, lạm quyền. Báo cáo của chính quyền địa phương phải phản ánh trung thực, toàn diện, đầy đủ, chính xác và kịp thời các vấn đề của địa phương mà chính quyền trung ương cần và phải được biết.
Thứ tư, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong bộ máy chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương các cấp hoạt động theo nguyên tắc nêu cao vai trò và trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là trong tổ chức thực thi pháp luật tại địa phương. Do vậy, cần xác định và đề cao trách nhiệm cả cá nhân người đứng đầu của chính quyền địa phương các cấp, nhất là trong tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các vấn đề của địa phương.
Thứ năm, nâng cao nhận thức của nhân dân về quyền làm chủ của mình, bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Để bảo đảm bản chất nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, chính quyền địa phương thực sự là tổ chức do nhân dân địa phương bầu ra, là chính quyền của nhân dân địa phương, cần thực hiện nhiều biện pháp bảo dảm dân chủ. Thực hiện hiệu quả công tác giám sát xã hội ở địa phương để bảo đảm sự tham gia dân chủ của mọi tầng lớp nhân dân. Bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia một cách tích cực và tự nguyện vào các hoạt động xã hội, trong đó có hoạt động giám sát quyền lực của chính quyền địa phương. Thực hiện các biện pháp này sẽ góp phần bảo đảm kênh kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương thực sự hiệu qủa.
Học viện Chính trị Khu vực I
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Tập 1, Tập 2, 2021.
4. Vũ Đức Đán, Lưu Kiếm Thanh, Tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền thành phố trực thuộc trung ương, Nxb. Thống kê, 2000.
5. Nguyễn Đăng Dung, Kiểm soát quyền lực nhà nước, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2017.
6. Nguyễn Đăng Dung, Sự hạn chế quyền lực nhà nước, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014.