1. Khái quát về thu hồi tài sản và các chủ thể thực hiện chức năng thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng
Từ năm 2018, ở Việt Nam sử dụng nhiều thuật ngữ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Đây là khái niệm mang tính chính trị pháp lý nhiều hơn tính pháp lý thuần túy[1]. Đến nay, chưa có định nghĩa cụ thể về “các tội phạm về tham nhũng, kinh tế” mà chỉ được xác định thông qua rà soát, nghiên cứu danh mục các vụ việc thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Do đó, các tội phạm về kinh tế, tham nhũng trong phạm vi nghiên cứu của bài viết này được hiểu là “các tội phạm tham nhũng, các tội phạm kinh tế do người có chức vụ quyền hạn cao trong bộ máy nhà nước thực hiện, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và một số tội phạm khác gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc người có chức vụ quyền hạn thực hiện hoặc có liên quan (bảo kê, tiếp tay) của người có chức vụ, quyền hạn”[2]. Sự chưa thống nhất về nội hàm “các tội phạm tham nhũng, kinh tế” nên dưới góc độ nghiên cứu và thống kê số liệu báo cáo gặp rất nhiều khó khăn[3].
Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế là việc các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm phát hiện, truy tìm, ngăn chặn tẩu tán tài sản và xử lý tài sản có được từ hành vi phạm tội về tham nhũng, kinh tế; tài sản đã bị tẩu tán, biến đổi và mọi lợi nhuận phát sinh từ tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng. Vì vậy, để bảo đảm hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thì cơ quan có thẩm quyền cần nhận diện đúng, đầy đủ các tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế và các tài sản có được do “đổi trác” những tài sản do phạm tội này mà có.
1.1. Các chủ thể thực hiện chức năng thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng
Theo quy định hiện hành, các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng hiện nay có thể được chia thành 03 nhóm: (i) Các cơ quan “tiền tố tụng” như cơ quan thanh tra, kiểm toán; (ii) Các cơ quan tố tụng hình sự như cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án; (iii) Cơ quan thi hành án dân sự - là các cơ quan được pháp luật quy định có thẩm quyền xử lý tài sản kê biên để thi hành án. Từ đó cho thấy, việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay được pháp luật hiện hành đang trao quyền cho cơ quan thanh tra, kiểm toán thẩm quyền thu hồi tài sản bằng một quyết định hành chính hoặc các cơ quan tố tụng hình sự, cơ quan thi hành án thông qua bản án có hiệu lực của Tòa án.
1.2. Cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác thu hồi tài sản đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng
Phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực là nguyên tắc tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam[4]. Theo đó, phân công là phân chia công việc thành từng phần, giai đoạn, quy trình và làm rõ điều kiện tiến hành, các nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn cần có để thực hiện từng phần đó để giao cho các cơ quan, tổ chức thực hiện. Dưới góc độ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng các cơ quan được phân công thực hiện gồm:
Cơ quan kiểm toán, thanh tra: Luật Kiểm toán Nhà nước đã quy định nhiệm vụ của kiểm toán nhà nước khi phát hiện vi phạm pháp luật thì cơ quan kiểm toán chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán[5].
Luật Thanh tra quy định người ra quyết định thanh tra có thẩm quyền quyết định thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra[6]. Đồng thời, khi kết luận thanh tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị biện pháp xử lý[7].
Các cơ quan tố tụng hình sự: Gồm cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra được giao (được phân công) thực hiện thẩm quyền tố tụng hình sự trong truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản. Đây là giai đoạn đầu tiên khi Nhà nước bắt đầu tiến hành điều tra, xử lý vụ việc, có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định đến hiệu quả công tác thu hồi tài sản.
Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát quá trình điều tra, xét xử và thi hành án. Trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát, Viện kiểm sát cũng có quyền kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi phát hiện tài sản của đối tượng hoặc các tài sản liên quan.
Tòa án thực hiện chức năng xét xử vụ án: Kết án người phạm tội và quyết định “số phận” các tài sản mà cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, kê biên, phong tỏa trong quá trình thực hiện điều tra, truy tố. Trong quá trình xét xử, Tòa án cũng có quyền kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi phát hiện tài sản của đối tượng hoặc các tài sản liên quan và quyết định xử lý.
Cơ quan thi hành án dân sự: Thực hiện chức năng thi hành án, được phân công xác minh, tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản đã được kê biên trước đó; ngoài ra có thẩm quyền xác minh, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản theo quy định của pháp luật khi phát hiện tài sản của người bị kết án hoặc người liên quan để bảo đảm thi hành án.
Phối hợp thực hiện một việc/hoạt động được hiểu là công việc đó không thể do một cơ quan, một người thực hiện mà cần có nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau cùng thực hiện trên cơ sở quy trình, kế hoạch chung. Dưới góc độ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, các biểu hiện phối hợp giữa các cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và quy chế phối hợp liên ngành[8]. Ngoài ra, sự phối giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán và các cơ quan tố tụng được thể hiện trong quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm toán, luật tố tụng hình sự. Việc phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan tố tụng hình sự trong thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và quy chế phối hợp liên ngành[9].
Để việc kiểm soát trong thực hiện quyền lực nhà nước được thực hiện tốt nhất thông qua việc phân công rành mạch chức năng, nhiệm vụ giữa cơ quan, tổ chức, dưới góc độ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát của các cơ quan nhà nước thể hiện ở các khâu:
Trong quá trình thanh tra, kiểm toán mà phát hiện dấu hiệu tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng, kinh tế, thì cơ quan tranh tra, kiểm toán cần: (i) Kịp thời kê biên, phong tỏa tài sản của người có dấu hiệu phạm tội; (ii) Kịp thời chuyển hồ sơ và các lệnh kê biên, phong tỏa tài sản cho cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền; (iii) Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận và tiến hành điều tra vụ việc; (iv) Kết quả điều tra phải được thông báo cho cơ quan thanh tra, kiểm toán và Viện kiểm sát cùng cấp biết; (v) Trường hợp không đồng tình với quyết định của cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra, kiểm toán có quyền yêu cầu Viện kiểm sát cùng cấp hoặc cấp trên để xem xét lại các quyết định của cơ quan điều tra.
Trong quá trình điều tra, ngoài nhiệm vụ chứng minh tội phạm, người phạm tội, cơ quan điều tra còn có nhiệm vụ: (i) Truy tìm, chứng minh khả năng thu hồi tài sản mà người phạm tội đã chiếm đoạt, gây thất thoát, lãng phí; các lệnh kê biên và biên bản kê biên tài sản phải kịp thời, chính xác và chuyển theo hồ sơ vụ án; (ii) Phối hợp chặt chẽ với Tổ chức cảnh sát quốc tế để điều tra, xác minh tài sản của người phạm tội ở nước ngoài hoặc tài sản do phạm tội đã chuyển ra nước ngoài; (iii) Khi kê biên cần có sự phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn để đảm bảo sự chính xác ngay từ thời điểm kê biên, thuận tiện cho việc xử lý tài sản sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát quá trình điều tra cần yêu cầu cơ quan điều tra ngoài việc chứng minh tội phạm, người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự còn phải yêu cầu cơ quan điều tra truy tìm, chứng minh khả năng thu hồi tài sản mà người phạm tội đã chiếm đoạt, gây thất thoát, lãng phí; trực tiếp xác minh tài sản; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật.
Khi xét xử, Tòa án phải tiếp tục xác minh tài sản của người phạm tội hoặc tài sản do phạm tội mà có tại Tòa án; kiểm tra, đánh giá sự chính xác của các lệnh kê biên, biên bản kê biên; khi tuyên án phải rõ ràng, bảo đảm tính khả thi; kịp thời chuyển hồ sơ cho cơ quan thi hành án dân sự khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Cơ quan thi hành án dân sự kiểm tra tính khả thi của bản án, kịp thời đề nghị Tòa án có văn bản giải thích, đính chính, giám đốc thẩm nếu bản án khó thi hành hoặc không thể thi hành; tổ chức xác minh, truy tìm tài sản; lựa trọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để thu hồi tiền về cho Nhà nước.
2. Thực trạng về phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các chủ thể trong công tác thu hồi tài sản đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng
Hoạt động phân công, phối hợp, kiểm soát trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng ngày càng tiến triển theo chiều hướng tích cực, nhiều vụ việc đã được kê biên, phong tỏa rất sớm từ giai đoạn điều tra nên đã ngăn chặn được việc tẩu tán tài sản; nhiều vụ việc đã được cơ quan điều tra động viên đương sự kịp thời nên đã thu được 100% số tiền thất thoát… Tuy nhiên, hoạt động phân công, phối hợp, kiểm soát trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng còn có một số hạn chế sau đây:
- Phối hợp trong việc chuyển giao hồ sơ, kiến nghị xử lý vi phạm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán còn rất ít, có tình trạng xử lý “nương nhẹ”, nể nang, thiên về xử lý hành chính là việc các cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện ra nhiều sai sót nhưng chủ yếu là xử lý hành chính, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra rất ít[10].
- Phối hợp trong truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản: Đây là khâu quan trọng nhất, quyết định hiệu quả của công tác thu hồi tài sản. Theo quy định, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo cơ quan điều tra trong quá trình điều tra các vụ án hình sự có yếu tố bồi thường tùy theo tính chất của từng vụ án cần chủ động áp dụng biện pháp kê biên tài sản theo Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét xử và thi hành án dân sự. Tuy nhiên, một số vụ việc, người phải thi hành án đã lợi dụng để tẩu tán tài sản. Trong quá trình tố tụng, việc kê biên, phong tỏa các tài sản chưa được kịp thời nên đến giai đoạn thi hành án tài sản không đủ để thi hành phần nghĩa vụ[11].
- Phối hợp trong giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định; trả lời kiến nghị; thụ lý và giải quyết yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, theo quy chế, Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp thực hiện hoặc chỉ đạo Tòa án nhân dân địa phương đã ra bản án, quyết định thực hiện kịp thời việc sửa chữa, bổ sung, giải thích bản án, quyết định; trả lời kiến nghị, giải quyết kịp thời các yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự. Tuy nhiên, còn nhiều bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành, thậm chí không thể thi hành được cần phải được giải thích, đính chỉnh, thậm chí giám đốc thẩm bản án.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp trong công tác thu hồi tài sản của các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng
Một là, quán triệt nguyên tắc “xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo để một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Thực hiện tinh giản biên chế theo đúng mục tiêu đã đề ra”[13].
Hai là, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.
Ba là, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự, ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp; kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Tòa án các cấp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong tỏa; kịp thời đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền; cơ quan thi hành án dân sự kịp thời xử lý theo pháp luật tài sản đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án.
Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản. Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể tăng cường giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp
[1]. Khái niệm này bắt đầu xuất hiện kể từ khi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thực hiện kiểm tra về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo Kế hoạch số 192-KH/BCDTW ngày 04/9/2018.
[2]. Trần Văn Dũng, Hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 05 (429), tháng 3/2021.
[3]. Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTP-TATC-VKSTC ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự.
[4]. Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
[5]. Khoản 12 Điều 10 Luật Kiểm toán Nhà nước.
[6]. Điểm k khoản 1 Điều 48 và điểm i khoản 1 Điều 55 Luật Thanh tra.
[7]. Khoản 2 Điều 50 Luật Thanh tra.
[8]. Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc quy định phối hợp thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tha tù trước hạn có điều kiện.
[9]. Quy chế phối hợp số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự.
[10]. Xem: “Kiểm toán phát hiện sai phạm nhiều mà số vụ chuyển cơ quan điều tra lại ít”, Báo Thanh niên số ra ngày 14/9/2021.
[11]. Báo cáo số 80/BC-BTP ngày 08/4/2020 của Bộ Tư pháp về kết quả công tác thi hành án dân sự và việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế bảo đảm thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng (phục vụ phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp).
[12]. Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự.
[13]. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.