Tóm tắt: Quyền tiếp cận công lý của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình là một trong những quyền cơ bản nhất của người phụ nữ khi tình trạng bạo lực diễn ra thường xuyên. Hiện nay, vẫn còn tồn tại rất nhiều rào cản trong tiến trình thực hiện quyền tiếp cận công lý thông qua hệ thống pháp lý chính chức (Tòa án). Do đó, việc nghiên cứu cơ chế tiếp cận công lý ngoài cơ quan tư pháp có ý nghĩa thiết thực trong hoạt động bảo vệ quyền của người phụ nữ.
Abstract: The right of women as victims of domestic violence to have access to justice is one of the most basic rights of women when violence is frequent. Currently, there are many barriers in the process of implementing the right of access to justice through the legal system of government (court). Therefore, the study of the mechanism of access to justice outside the judiciary has a practical significance in protecting women's rights.
1. Khái niệm quyền tiếp cận công lý, cơ chế tiếp cận công lý không chính thức của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình
Công lý là đặc tính khách quan được phát triển trong xã hội dân chủ, nhưng lại có cội nguồn trong xã hội có những mâu thuẫn đối kháng và đặc tính này xuất hiện từ rất sớm. Dưới góc độ nghiên cứu quyền con người, quyền tiếp cận công lý của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình được coi là một trong những quyền quan trọng khi người phụ nữ bị bạo lực, bởi nếu không có quyền này, phụ nữ sẽ không thể tìm kiếm được công lý, thay vào đó là sự chịu đựng với những tổn thương về thể xác và tinh thần, cũng như “đông cứng” khả năng đấu tranh bảo vệ quyền cho bản thân mình. Cách diễn giải thuật ngữ quyền tiếp cận công lý chỉ gắn liền với hoạt động tố tụng của Tòa án trong phạm vi hẹp không thể bao hàm được đầy đủ nội hàm quyền tiếp cận công lý của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình, bởi vì trên thực tế, đối với nhóm dễ bị tổn thương như nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình cùng với nhiều rào cản về văn hóa thì hoạt động của Tòa án không tạo được niềm tin đối với nhóm đối tượng này. Do đó, đa phần các nghiên cứu hiện nay đều đồng tình với quan điểm quyền tiếp cận công lý của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình theo nghĩa rộng hơn, đó là quyền tiếp cận công lý được hiểu như khả năng tìm kiếm sự đền bù hoặc sự khắc phục cho những bất công hay thiệt hại mà nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình phải gánh chịu thông qua hệ thống tư pháp và hệ thống hỗ trợ nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình như: Hội liên hiệp phụ nữ, Ủy ban nhân dân, tổ dân phố, các tổ chức phi Chính phủ hoạt động hỗ trợ nhóm phụ nữ bị bạo lực. Những bất công/thiệt hại do một đối tượng đặc biệt, đó là người chồng thực hiện các hành vi bạo lực, gồm bạo lực tinh thần và bạo lực về thể xác, gây ra những tổn hại nghiêm trọng ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người phụ nữ.
Trong xã hội Việt Nam, hầu hết người phụ nữ nhận thức rất rõ bổn phận, trách nhiệm của một người vợ, một người mẹ và sự gìn giữ gia đình. Tuy nhiên, trong trường hợp nhóm người phụ nữ mong muốn tìm kiếm công lý trước nguy cơ bạo lực gia đình, minh chứng một điều rằng, sự chịu đựng của phụ nữ đã vượt quá mức giới hạn và tính “thường xuyên bị bạo lực” là thuật ngữ thường xuyên được lặp lại trong cuộc sống của người phụ nữ. Do đó, phải phân định rõ ràng phạm vi đối tượng phụ nữ bị bạo lực gia đình cần được bảo vệ quyền tiếp cận công lý như sau: (i) Nhóm phụ nữ thường xuyên bị đánh đập, việc hòa giải của cơ quan chính quyền không mang lại hiệu quả thiết thực trên thực tế; (ii) Nhóm phụ nữ có nguyện vọng nộp đơn để được bảo vệ quyền trước tình trạng bạo lực gia đình.
Cơ chế tiếp cận công lý của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình ngoài cơ quan tư pháp, bao gồm hệ thống pháp lý có tính nhà nước (Chủ tịch Hội phụ nữ, người đại diện cho khu vực dân cư, Ban hòa giải cơ sở, trợ giúp pháp lý) và hệ thống phi nhà nước (các tổ chức phi Chính phủ hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ), đồng thời với sự tham gia của một số cơ quan khác như cơ quan truyền thông, các cơ sở hỗ trợ y tế... Cơ chế này có thể hiểu là có sự tham gia của chủ thể thứ ba, chủ thể này có đặc điểm đặc biệt đó là hiểu rõ hoàn cảnh từng hộ gia đình, tạo sự an toàn, gần gũi, giúp nhóm phụ nữ có những kiến thức tiếp cận công lý thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý đối với nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình, đồng thời, nhằm chấm dứt sự đau khổ cho phụ nữ thông qua hoạt động hòa giải mâu thuẫn, chấm dứt bạo lực (hệ thống pháp lý có tính nhà nước), tạo ra những hoạt động thúc đẩy nhận thức nâng cao bảo vệ quyền tiếp cận công lý của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình, tiến hành xây dựng các cơ sở vật chất đảm bảo cho nhóm phụ nữ thực hiện quyền tiếp cận công lý như nhà tạm lánh (hệ thống phi nhà nước).
2. Tính cần thiết của cơ chế tiếp cận công lý ngoài cơ quan tư pháp của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình
Thứ nhất, tồn tại những hạn chế trong cơ chế tiếp cận công lý chính thức (Tòa án)
Việt Nam thuộc một trong những quốc gia ghi nhận nhiều quyền và nghĩa vụ cơ bản trong hệ thống pháp luật nhưng cơ chế thực thi bảo vệ quyền còn không ít hạn chế. Hệ thống Tòa án nhằm bảo vệ quyền tiếp cận công lý của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình còn tồn tại nhiều bất cập về quy định của pháp luật cũng như rào cản về thể chế dẫn tới tình trạng người phụ nữ dễ từ bỏ quyền giữa vụ án. Chẳng hạn như, mặc dù quy định phạt tiền đối với người có hành vi bạo lực gia đình, nhưng trên thực tế, người đến nộp phạt không phải là người có hành vi vi phạm mà lại chính là nạn nhân, điều này sẽ tác động đến ý chí đấu tranh quyền của nhóm đối tượng này. Mặt khác, trong quá trình thực thi của cán bộ tư pháp, còn tồn tại phổ biến những vấn đề như: Đánh giá mang tính chủ quan của công an và đổ lỗi mọi việc cho người phụ nữ khi họ đến trình bày vụ việc; cách tiếp nhận lấy lời khai với thái độ thiếu quan tâm, thiếu sự bảo vệ; mối lo ngại vì thiếu tính riêng tư của vụ việc (dễ bị tiết lộ); đánh giá chủ quan thông qua quan sát cách ăn mặc, lối sống, hành vi của nạn nhân hơn là những lời nạn nhân khai trong vụ án... Hệ quả là nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình khi tiếp cận hệ thống tư pháp chính thức mang lại cho họ cảm giác không an toàn và đôi khi, hệ thống này còn gây nên những hậu quả tiêu cực…
Thứ hai, những ưu điểm mà cơ chế tiếp cận công lý ngoài cơ quan tư pháp của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình mang lại
Có thể thấy rằng, cơ chế tiếp cận công lý chính thức có những hạn chế như tốn kém, kéo dài thời gian, tính răn đe đối với hành vi bạo lực của người chồng trong nhiều trường hợp không mang lại kết quả như nạn nhân mong đợi, trong khi, tâm thức của những nạn nhân bị bạo lực gia đình thường xuyên chỉ luôn mong muốn chấm dứt bạo lực, chứ không phải mục đích muốn “bỏ tù” người chồng. Có thể nói, cơ chế tiếp cận công lý không chính thức đã lấp được những khoảng trống mà cơ chế tiếp cận công lý chính thức còn tồn tại.
3. Đặc điểm của cơ chế tiếp cận công lý không chính thức của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình
Thứ nhất, cơ chế tiếp cận công lý không chính thức của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình tạo ra sự yên tâm, an toàn trong tâm lý của nạn nhân bị bạo lực gia đình
Lý do nạn nhân yên tâm, cảm thấy an toàn đó là cơ chế này được cộng đồng xã hội cũng như truyền thống văn hóa Việt Nam chấp thuận và đồng tình. Văn hóa Việt Nam đồng tình với quan điểm phụ nữ có thể tìm kiếm công lý hay nói cách khác thực hiện quyền tiếp cận công lý thông qua hoạt động hòa giải cơ sở nhưng lại không đồng tình với quan điểm phụ nữ “kiện chồng” có hành vi bạo lực gia đình. Vì thế, nạn nhân sẽ cởi mở khi trình bày vụ việc trước bên thứ ba hòa giải trong trường hợp người hòa giải là những người uy tín trong cộng đồng. Khi bên thứ ba hiểu nạn nhân thì khả năng giúp chấm dứt mâu thuẫn trên thực tế dễ thành công hơn. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp, sự tin tưởng của nạn nhân vào cơ chế tiếp cận công lý ngoài cơ quan tư pháp sẽ bị tổn thương nếu tính riêng tư của vụ việc không được giữ hay người hòa giải không phải là những người uy tín trong cộng đồng. Bên cạnh đó, những người làm việc cho cơ chế tiếp cận công lý ngoài cơ quan tư pháp dễ tiếp cận với nạn nhân hơn, bởi vì, nạn nhân sẽ tránh được tâm lý tiếp xúc với cán bộ tư pháp là có thể phải nộp phạt thay chồng hay người chồng phải vào tù… Mặt khác, cơ chế này xây dựng được một hệ thống nhận thức cơ bản thông qua hệ thống trợ giúp tư pháp đối với nạn nhân, giúp họ nhận thức được quy trình thực hiện quyền tiếp cận công lý cũng như kỹ năng tìm đến các nhà tạm lánh nhằm cách ly bạo lực để tìm đến công lý cho chính bản thân.
Thứ hai, thủ tục nhanh gọn, không mất chi phí so với cơ chế pháp lý chính thức
Đây có lẽ là một đặc điểm mà nạn nhân mong muốn tìm đến hệ thống pháp lý không chính thức. Thực tế chỉ ra rằng, khi phụ nữ tìm đến hệ thống tư pháp, nạn nhân không chỉ chịu những áp lực của cộng đồng xã hội mà còn chứng kiến thái độ, nhận thức của cán bộ công an thờ ơ đối với vụ việc, trong khi người phụ nữ lại cảm thấy tính rất nghiêm trọng của vụ việc bạo lực. Vì thế, người phụ nữ dễ bị tổn thương. Mặt khác, sự quá tải của hệ thống tư pháp cũng như nhận thức của cán bộ công an coi những vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình chưa phải là những vụ việc được quan tâm hàng đầu nên chưa được quan tâm giải quyết, nhiều trường hợp kéo dài khiến nạn nhân cảm thấy mệt mỏi. Do đó, cơ chế pháp lý không chính thức với thủ tục nhanh gọn, có thể giải quyết vụ việc “ngay tức thì” làm cho nguồn cơn của những mâu thuẫn dễ dàng được giải quyết. Đặc biệt, nạn nhân hoàn toàn không mất chi phí về tài chính và cũng không lo lắng rằng nạn nhân có thể nộp phạt thay cho người có hành vi bạo lực.
Thứ ba, sự đóng góp của cơ chế pháp lý ngoài cơ quan tư pháp là cơ sở thúc đẩy sự hoàn thiện của cơ chế pháp lý chính thức cũng như giảm bớt gánh nặng cho Tòa án
Trong hệ thống tư pháp vẫn còn tồn tại án tồn đọng chưa được giải quyết mà hành vi bạo lực gia đình trong xã hội lại rất nhiều, nếu bất cứ vụ việc nào cũng đệ đơn lên Tòa án thì có lẽ Tòa án không thể giải quyết được. Vì thế, cơ chế pháp lý ngoài cơ quan tư pháp sẽ có tác dụng phân loại những loại nào nên hòa giải, những loại nào buộc phải ra tòa. Mặt khác, cơ chế này còn có tác dụng hỗ trợ sự hoàn thiện của cơ chế pháp lý chính thức. Cụ thể, với các hoạt động trợ giúp tư pháp đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình, cũng như xây dựng các nhà tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình, công tác truyền thông… sẽ giúp cho nạn nhân tìm được các quy trình để tiếp cận công lý theo thủ tục Tòa án một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều trường hợp cơ quan tư pháp đặt ở rất xa nơi sinh sống, nên người dân ở nhiều nơi không quen và khó nắm bắt các thủ tục tư pháp chính thức, thay vào đó, nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình sẽ tiếp cận được công lý tức thì thông qua cơ chế pháp lý không chính thức.
Thứ tư, bên cạnh những ưu điểm, cơ chế tiếp cận công lý không chính thức của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình còn tồn tại những thách thức như: Thực thi không hiệu quả, nhiều trường hợp thiếu sự công bằng do ý chí khách quan của bên thứ ba… Trong quá trình giải quyết, việc chấm dứt bạo lực phụ thuộc vào ý chí tự nguyện của người vợ (nạn nhân), người chồng (người có hành vi bạo lực). Cho nên, nhiều trường hợp, khi hoạt động hòa giải kết thúc, bạo lực không những không giảm đi, mà còn tiếp diễn với tần suất nhiều hơn do người chồng bị mất sỹ diện, tính riêng tư của vụ việc không được bảo đảm. Bên cạnh đó, tính công bằng hay nói cách khác là giải quyết hợp lý hay thiếu khách quan phụ thuộc rất lớn vào chủ thể thứ ba.
4. Giải pháp thúc đẩy hoạt động của cơ chế tiếp cận công lý không chính thức của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình
- Thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt sự phân biệt đối xử thông qua hoạt động tuyên truyền pháp luật là bước đệm đầu tiên mở đường cho phụ nữ thực hiện quyền tiếp cận công lý. Có thể nói, tình trạng phân biệt đối xử còn tồn tại ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số... Hệ tư tưởng này ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi của cả cộng đồng xã hội và vẫn còn tàn dư của những tư tưởng phong kiến. Chính vì vậy, bước đệm đầu tiên mở đường cho phụ nữ bị bạo lực gia đình tiếp cận công lý đó là thúc đẩy bình đẳng giới.
- Xây dựng quy trình thực hiện quyền tiếp cận công lý cho nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình. Trong quy trình này, nạn nhân sẽ được cung cấp những thông tin về các quyền mà phụ nữ có thể sử dụng nhằm chống lại bạo lực gia đình, đồng thời, đưa ra những bộ quy tắc, các bước để nhóm người này có thể dễ dàng tiếp cận đến công lý như thông tin các nhà tạm lánh, các biện pháp phòng ngừa trước tình trạng bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy để người phụ nữ có thể tìm đến trợ giúp pháp lý... Tuy nhiên, thiết nghĩ, để bộ quy tắc này được thực hiện tốt trên thực tế cần phải thúc đẩy một cách có hiệu quả sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan như cơ quan truyền thông, cán bộ y tế, nhân viên làm việc tại nhà tạm lánh, cán bộ tư pháp thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cho những đối tượng này.
- Xây dựng bộ tài liệu cho cán bộ Hội phụ nữ, tổ trưởng tổ dân phố, người thực hiện hoạt động trợ giúp tư pháp cho nhóm đối tượng phụ nữ bị bạo lực gia đình trong giải quyết các vụ việc bạo lực đối với phụ nữ. Đối tượng sử dụng bộ tài liệu đó là tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, cán bộ Hội phụ nữ, người thực hiện hoạt động trợ giúp tư pháp. Nguyên tắc xây dựng tài liệu là lấy nạn nhân làm trung tâm. Bên cạnh đó, những đối tượng này cũng cần phải được đào tạo chuyên biệt, có am hiểu và kiến thức nhất định về vấn đề giới để có thể hiểu hoàn cảnh, tâm lý nhằm có những ứng xử cho phù hợp, nếu có thể, cán bộ đó nên là nữ. Khi nạn nhân đến trình báo, nên thực thiện ở nơi kín đáo để đảm bảo sự bảo mật cho nạn nhân. Trong trường hợp nhận được các cuộc gọi khẩn cấp, người nhận cuộc gọi khẩn cấp phải luôn luôn kiên nhẫn và lịch sự, đồng thời đảm bảo hành động và sự giúp đỡ kịp thời đối với người gọi. Khi tiếp xúc với nạn nhân phải thông cảm và hỗ trợ, cụ thể, thể hiện thái độ cảm thông, chia sẻ với những gì mà nạn nhân đang phải chịu đựng để làm rõ vụ việc bạo lực. Tiếp xúc với nhạn nhân cần thể hiện sự tôn trọng bởi nhiều nạn nhân đã từng chịu tổn thương tâm lý như rối loạn căng thẳng, hậu chấn thương tâm lý, trầm cảm hoặc bất an, họ có thể cảm thấy bị cô lập về mặt xã hội, có lòng tự trọng thấp, cảm thấy xấu hổ.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tư pháp (2018), Tiếp cận công lý đối với phụ nữ bị bạo lực, Tài liệu tập huấn của UNDP.
2. Vũ Công Giao (2009), Tiếp cận công lý và các nguyên lý của Nhà nước pháp quyền, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học (25), tr. 188 - 194.