Cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin hàm ý các vấn đề về cơ cấu, quy trình và thủ tục nhằm bảo đảm thực hiện quyền này. Giống như các vấn đề pháp lý khác, trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin ở các quốc gia, bên cạnh “cơ chế nhà nước” (hay “cơ chế nội tại”) được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước, còn tồn tại “cơ chế xã hội” được thực hiện bởi các chủ thể phi nhà nước. Thông thường, cơ chế xã hội thể hiện qua các hoạt động giám sát, khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo, đề xuất và khuyến nghị của công chúng tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Trong pháp luật quốc tế, quyền tiếp cận thông tin đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quan trọng do Liên Hợp Quốc ban hành, chủ yếu thuộc ba lĩnh vực là quyền con người, chống tham nhũng và bảo vệ môi trường. Ở cấp độ quốc gia, Luật Tiếp cận thông tin của nhiều nước trên thế giới đều tham khảo cấu trúc của Luật mẫu về tự do thông tin do tổ chức ARTICLE 19 soạn thảo.
Ở Việt Nam, hiện chưa có luật về tiếp cận thông tin. Dù vậy, Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo để chuẩn bị trình Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, hiện nay, quyền tiếp cận thông tin của công chúng đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác, tập trung chủ yếu ở 3 lĩnh vực: Pháp luật về báo chí, pháp luật về phòng chống tham nhũng và pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở.
Để tìm hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về vấn đề này, kính mời độc giả đón đọc bài viết "Cơ chế xã hội bảo đảm quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam" của PGS.TS. Vũ Công Giao và ThS. Nguyễn Minh Tâm đăng trên Số định kỳ 64 trang tháng 9/2015 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Huyền Bùi