Phụ nữ hiện đại trong kỷ nguyên công nghệ số là một thuật ngữ mới, xuất phát từ làn sóng cách mạng mới của nhân loại - Cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số[1]. Có thể nói, phụ nữ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 là thế hệ những chị em đang sống và làm việc trong một kỷ nguyên mới của nhân loại, với các nguồn tri thức và những tiến bộ trong mọi lĩnh vực đời sống hằng ngày. Vì thế, họ phải hội đủ các phẩm chất và yếu tố hiện đại, cởi mở hơn, sẵn sàng thử thách và sáng tạo nhiều hơn trong xã hội, cộng đồng. Thông thường, vai trò của người phụ nữ sẽ được tách biệt ở hai phạm trù là gia đình và xã hội. Ngay cả cuộc sống nội trợ gia đình, quan hệ xã hội cũng bị tác động mạnh mẽ bởi Cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc sống thực và lối sống ảo đang quyện lẫn vào nhau, đòi hỏi mỗi người phụ nữ hiện đại phải tỉnh táo, thông minh và tinh tế. Phụ nữ trong thời đại công nghệ số buộc phải thích nghi và thay đổi, không thể thụ động và chờ đợi vận may, phụ nữ của thời đại cách mạng công nghệ buộc phải trưởng thành.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với tự động hóa, robot hóa mang lại cơ hội và niềm tin cho con người về một nền kinh tế thịnh vượng, là cơ hội rất lớn cho những nước còn nghèo, còn lạc hậu để không ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, đòi hỏi phụ nữ Việt Nam phải sáng suốt, bình tĩnh, chủ động trang bị cho mình kiến thức và bản lĩnh để vượt lên; dám thử nghiệm, dám đột phá và chấp nhận rủi ro phụ nữ chắc chắn sẽ nắm bắt được cơ hội và thành công trong thời đại công nghệ số.
1. Cơ hội của phụ nữ trong thời đại công nghệ số
Thời kỳ mới đặt ra những cơ hội và thách thức to lớn với phụ nữ Việt Nam. Ngày nay, trong thế giới của cách mạng khoa học, công nghệ và tiến bộ kỹ thuật đang mở ra gắn liền với tri thức và khả năng tư duy của con người. Con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển xã hội. Sự phát triển của xã hội hiện đại được biểu hiện qua quá trình thu hẹp dần các hoạt động tự phát sang các hoạt động tự giác của con người trong thực tiễn theo quy luật. Với tư cách là chủ thể của sự vận động và phát triển, con người ngày càng tiếp cận được một cách đúng đắn hơn các quy luật của thực tại khách quan[2].
Hiện nay, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, tác động đến thế giới một cách toàn diện và sâu sắc, tác động vào mọi đối tượng. Đây là một thách thức, song cũng là cơ hội rất lớn đối với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với phụ nữ. Bởi lẽ, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra một xã hội siêu thông minh, đòi hỏi một nguồn nhân lực với kỹ năng tin học tốt, đam mê sáng tạo... Cùng với đó, sự ra đời của nhiều công nghệ mới, robot thông minh sẽ giúp giải phóng phụ nữ khỏi rất nhiều công việc, trong đó có những công việc nội trợ, chăm sóc trẻ em. Họ sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc học tập, phấn đấu và tìm kiếm những công việc theo đam mê của mình.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là thời điểm để phụ nữ khẳng định vị thế của mình. Đây là cơ hội tuyệt vời để “phái yếu” vượt qua giới hạn bản thân. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), 97% tất cả các nghề nghiệp trên thế giới cần đến kĩ năng số. Phụ nữ không trang bị các kĩ năng công nghệ thông tin sẽ bị bỏ lại đằng sau. Trong sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại, đội ngũ tri thức, trong đó có phụ nữ, đóng vai trò quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đòi hỏi phải phát huy cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng, trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, trong đó nữ trí thức đã và đang đóng một vị trí quan trọng.
Mặt khác, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mang đến cơ hội lớn về trí tuệ nhân tạo, công nghệ hiện đại để thúc đẩy tài năng, năng suất, việc làm và thu nhập cao. Nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện, tạo ra nhiều việc làm và cơ hội cho lao động nữ. Do đó, lao động nữ cần nỗ lực bắt kịp công nghệ mới, thay đổi cách thức làm việc, tập trung trí tuệ, để sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới. Có thể thấy, bước ngoặt cho phụ nữ là khi họ dám đổi mới, sáng tạo. Những lợi thế của phụ nữ như tinh thần cầu tiến, sẵn sàng học hỏi và kiên trì, suy nghĩ đột phá sẽ là bàn đạp thúc đẩy họ phát triển bản thân. Cơ hội còn có thể đến với phụ nữ khi họ dám đề xuất ý kiến, dám thử nghiệm và dám chấp nhận rủi ro.
Đặc biệt, giữa thời đại cách mạng công nghiệp mới, phụ nữ xuất hiện nhiều hơn ở các công việc trước đây chỉ dành cho nam. Trong thị trường việc làm, phụ nữ ở ngành công nghệ thông tin, xây dựng, máy tính ngày một nhiều hơn. Có ý kiến cho rằng, phụ nữ có rất nhiều thế mạnh và ưu điểm vượt trội hơn đàn ông trong các mảng về công nghệ thông tin và kĩ thuật số, tuy nhiên, con số thực tế về nữ lập trình viên thì vẫn còn rất ít. Nữ giới thường có suy nghĩ ngành công nghệ thông tin rất khó và vất vả, nên họ có xu hướng chọn ngành nghề khác để đỡ vất vả và công việc nhẹ nhàng hơn. Dù vậy, tính cẩn thận và tỉ mỉ của phụ nữ thì đó là một ưu điểm cần thiết trong ngành công nghệ thông tin này.
Ngày nay, phụ nữ đang không ngừng vươn lên để chuyển hóa những thách thức trong kỷ nguyên công nghệ số thành cơ hội cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.
2. Thách thức của kỷ nguyên công nghệ số đối với phụ nữ
Có thể nói, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ để họ có thể phát huy năng lực, nắm bắt xu hướng phát triển của khoa học công nghệ cũng như giúp họ vượt qua được những thách thức, chuyển biến của nền kinh tế. Tuy vậy, cuộc Cách mạng này cũng mang đến những tác động khó lường đến tính chất của việc làm truyền thống, gây ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động, lao động bị dư thừa do máy móc thay thế con người và gia tăng áp lực do sự chuyển dịch của nguồn lực lao động. Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến những công nghệ “tiết kiệm lao động” nên rất khó để tạo ra các cơ hội việc làm cho người lao động. Kể cả có được việc làm thì người lao động tại các nhà máy trong kỷ nguyên này sẽ phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn và làm việc trong một môi trường hay cách tổ chức không còn giống như hiện nay. Đặc biệt, thách thức này lại càng lớn đối với các nước đang phát triển và trong những ngành nghề sử dụng nhiều lao động thủ công, lao động không đòi hỏi kỹ năng cao, trong đó, phụ nữ chiếm một tỷ lệ đông đảo. Một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã chỉ ra rằng, phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất trong cuộc Cách mạng này. Một trong những lý do chính là do họ không được đại diện cho các công việc có mức tăng trưởng cao nhất trong 05 năm tới là các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Theo ước tính của UNESCO, cứ 10 nhà nghiên cứu về khoa học, công nghệ và sáng tạo trên toàn cầu thì chỉ có 03 người là phụ nữ.
Tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đem lại những thách thức to lớn cho Việt Nam, đặc biệt là sự chuyển biến của nền kinh tế, trong đó, chịu áp lực nặng nề nhất là những ngành sử dụng lao động thủ công như dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản... Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được dự đoán là sẽ khiến cho lao động trong các ngành này phải đối mặt với nguy cơ mất việc rất cao. Tại “Diễn đàn doanh nhân nữ trong nền kinh tế số” vào tháng 10/2017, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết, một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được tiến hành tại 05 nước ASEAN đưa ra nhận định tiến bộ vượt bậc về công nghệ đã có tác động mạnh mẽ tới thị trường lao động và mang lại kết quả to lớn đến năng suất lao động. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, tại Việt Nam, 70% việc làm có độ rủi ro cao, đặc biệt trong các ngành chế biến, chế tạo, dệt may, da giày. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, 86% lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm do tự động hóa. Các doanh nghiệp yêu cầu kỹ thuật giản đơn thì nguy cơ bị thay thế bằng máy móc ngày càng cao hơn. Trong bức tranh chung này, lao động nữ của Việt Nam sẽ là đối tượng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức nhiều nhất do thường tập trung trong các lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn thấp hoặc những công việc có tính bền vững và ổn định không cao. Cụ thể, 70% lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực như dịch vụ, dệt may, da giày; 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp[3].
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến mọi lĩnh vực từ khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội, môi trường cho đến cuộc sống thay đổi nhanh chóng và phức tạp. Bối cảnh này đặt ra không ít thách thức cho một nửa còn lại của thế giới, không chỉ trang bị khả năng thích nghi kịp thời, thường xuyên với những thay đổi, phụ nữ còn phải biết nắm giữ những chìa khóa làm chủ cuộc sống như: Phương pháp tư duy, khả năng tập trung hay tiếp cận theo tổng thể, đặc biệt là hiểu biết sâu hơn và làm chủ khoa học công nghệ. Việc làm chủ công nghệ còn góp phần giúp phụ nữ làm chủ cuộc sống. Có thể nói, chính việc đóng vai trò là cầu nối giữa con người và thông tin, công nghệ trở thành một công cụ quan trọng trong việc mở rộng cơ hội cho phụ nữ, đặc biệt là giới trẻ.
Hành trình vươn lên của phụ nữ cũng gặp phải không ít rào cản, mà đa phần xuất phát từ tâm lý thiếu tự tin, an phận. Bên cạnh đó, việc dung hòa giữa cuộc sống gia đình và công việc cũng là trở ngại lớn cho các chị em. Xã hội ngày nay nhận ra năng lực vốn có của người phụ nữ không chỉ có làm vợ, làm mẹ, chăm sóc gia đình, mà người phụ nữ còn có thể giữ các vai trò khác trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Khả năng đảm trách công việc của người phụ nữ không thua kém người đàn ông. Có rất nhiều nhà lãnh đạo, chính trị gia xuất sắc, rất nhiều doanh nhân tài ba là phụ nữ. Tuy nhiên, nếu họ không tự thay đổi bản thân mình và tiếp cận đến những công nghệ mới thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Căn bản, chính mỗi người phụ nữ cần có ý thức về sự thích nghi và dám bước ra thời đại cách mạng công nghệ, thì họ mới thành công. Bởi lẽ, trong kỷ nguyên số, sự phát triển của khoa học công nghệ có nguy cơ tiếp tục làm tăng khoảng cách giới nếu phụ nữ không được trang bị những tri thức, kỹ năng và phương thức lao động mới.
3. Giải pháp phát huy vai trò của phụ nữ đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên công nghệ số
Một là, Nhà nước cần xem xét, ban hành các văn bản hướng dẫn về bình đẳng giới bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện. Khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này cần phân tích kỹ và đa chiều về các phương án chính sách, dự thảo quy định pháp luật hoặc dự kiến hoạt động trong mối tương quan với những tác động, ảnh hưởng từ sự khác biệt về giới tính và những bất lợi về giới trên thực tế của phụ nữ trước khi quyết định ban hành để giảm nguy cơ tạo khoảng cách giới. Theo đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và chính sách đã và đang gây bất lợi đối với phụ nữ trong các lĩnh vực; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật, tăng các chính sách bù đắp dành riêng cho phụ nữ theo từng nhóm.
Bên cạnh đó, cần thay đổi cách tiếp cận về giới. Bình đẳng giới không có nghĩa là luôn ưu tiên cho phụ nữ mà là thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và nam giới để họ phát triển, phát huy được hết khả năng, năng lực của mình trong đời sống xã hội.
Ngoài ra, trên cơ sở chính sách hiện có, cần nghiên cứu để có các chính sách đặc thù với phụ nữ và trẻ em gái để đạt tới bình đẳng giới thực chất chứ không phải hình thức. Thay đổi phân công lao động theo giới để nam giới quan tâm làm việc nhà nhiều hơn, qua đó tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia công việc xã hội nhiều hơn, tạo cơ hội và khuyến khích phụ nữ học tập, bảo đảm phát triển bình đẳng cho cả nam và nữ.
Hai là, nâng cao hiệu quả việc tổ chức thi hành pháp luật nhằm bảo đảm các quy định của pháp luật về bình đẳng giới được thực thi có hiệu quả trong thực tiễn; quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.
Giám sát phản biện xã hội để bảo đảm tính hiệu lực thực tế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quyền bình đẳng giới. Để bảo vệ quyền phụ nữ có hiệu quả hơn, cần coi trọng xây dựng mạng lưới giám sát thực thi pháp luật và hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực như: Đề án Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015; Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn; Đề án thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020… Các chiến lược, chương trình, chính sách, đề án nói trên đã được Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ban, ngành liên quan trực tiếp thực hiện. Không những thế, lĩnh vực bình đẳng giới luôn nhận được sự quan tâm hợp tác và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, tạo điều kiện để Việt Nam thực hiện tốt các cam kết quốc tế về thúc đẩy thực thi bình đẳng giới và tăng cường quyền năng của phụ nữ.
Ba là, phụ nữ cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, tích cực học hỏi, nỗ lực phấn đấu, chấp nhận sự thay đổi, không ngừng nâng cao kỹ năng công nghệ, trình độ ngoại ngữ để có thể thích ứng và đáp ứng trước những đòi hỏi của việc làm chất lượng cao và sự dịch chuyển lao động trong kỷ nguyên công nghệ số; phụ nữ cần phát huy những lợi thế của mình với tinh thần cầu tiến, khiêm tốn, sẵn sàng học hỏi và kiên trì, suy nghĩ đột phá và mềm mại trong ứng xử. Đây sẽ là điều kiện tốt để họ phát triển bản thân trong môi trường thuận lợi. Cơ hội chỉ đến với những phụ nữ dũng cảm dám đề xuất ý tưởng, sáng kiến, dám thử nghiệm và dám chấp nhận rủi ro. Người phụ nữ thông minh, đảm đang thời nay không phải là người phụ nữ chỉ biết lao vào gánh vác tất cả công việc gia đình, mà họ phải biết lôi kéo chồng con cùng chia sẻ việc nhà và sử dụng các thiết bị hiện đại để cải thiện công việc nội trợ. Bằng cách đó, phụ nữ sẽ có thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ văn hóa, học tập để nâng cao trình độ.
Đồng thời, cần phát huy sức mạnh nội lực của phụ nữ. Bởi lẽ, sức mạnh nội lực là nguồn lực quý giá thúc đẩy phát triển bền vững. Đặc điểm nổi bật của Cách mạng công nghiệp 4.0 là tính kết nối, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ số, tạo động lực phát triển. Trong đó, mỗi người là một cá thể trong mạng lưới gắn kết đó, cần nắm bắt những công nghệ tiên tiến, tạo ra những khả năng mới trong sản xuất và kinh doanh, từ đó tác động tích cực đến nền kinh tế quốc gia. Nắm bắt theo xu hướng phát triển của khoa học công nghệ giúp phụ nữ vượt lên trước những thách thức, chuyển biến của nền kinh tế Việt Nam khi trong thời gian tới lao động nữ thủ công sẽ bị thay thế bằng tự động hóa, robot hóa. Phụ nữ cần được thúc đẩy năng lực công nghệ thông tin, khả năng sáng tạo, khởi nghiệp, tăng cường sự tự chủ, tự tin. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng sẽ có rất nhiều cơ hội để chứng minh năng lực cũng như phát triển bản thân.
Để có thể nâng cao vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên số, cần tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ, tạo ra nhiều động lực mới để thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ phát huy tài năng. Phụ nữ hiện đại không chỉ là sống trong môi trường công nghệ, mà phải trực tiếp tiếp xúc, ứng dụng, phát huy và vận hành được công nghệ.
Bốn là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của mọi người nói chung và phụ nữ nói riêng về công nghệ số, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Khi mỗi người tự trang bị cho bản thân kiến thức đầy đủ, hiểu rõ bản chất, những thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0 thì phụ nữ hay nam giới trong xã hội sẽ nhận thức tốt vai trò, vị trí của mình trong xã hội, từ đó sẽ nâng cao năng lực để có kỹ năng cao hơn, thích ứng với những yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra.
Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra sự bất bình đẳng lớn trong lao động. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển. Vì thế, những khó khăn, trở ngại về giới như sức khỏe, công việc, gia đình, thời gian sẽ là những bất lợi đối với phụ nữ. Trong bối cảnh đó, phụ nữ cần nhận thức rõ về những thay đổi của cuộc sống và việc làm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 để chủ động cân bằng cuộc sống, công việc, vượt qua rào cản giới, vượt qua sự tự ti, trì trệ trong tư duy và hành động để có thể tiếp cận với sự thay đổi của khoa học, công nghệ.
Năm là, cần có sự hợp tác giữa các quốc gia, các tổ chức và doanh nghiệp trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý bảo đảm bình đẳng về cơ hội cho phụ nữ và hỗ trợ phụ nữ thích ứng tốt hơn trong kỷ nguyên số.
Ảnh: internet