1. Sự hình thành và phát triển công lý trong nền văn minh nhân loại
Lý luận hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định, để có quan niệm đúng, có thực, khách quan về sự hình thành và vận động của một hiện tượng xã hội, cần phải quy mọi quan hệ xã hội về quan hệ sản xuất, quy quan hệ sản xuất vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Cách tiếp cận duy vật và biện chứng này khẳng định sản xuất vật chất là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội, lĩnh vực vật chất, kinh tế quyết định lĩnh vực tinh thần, chính trị và theo đó, những quan hệ tinh thần, pháp quyền chỉ có thể được giải thích từ những điều kiện sinh hoạt vật chất và bằng những mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sự xung đột hiện có giữa các lực lượng sản xuất và những quan hệ sản xuất xã hội[1].
Cũng như những quan hệ xã hội khác, công lý là một giá trị xã hội mang tính giai cấp và tính lịch sử sâu sắc. Công lý chỉ xuất hiện, hình thành khi các yếu tố kinh tế - xã hội của xã hội loài người đã phát triển đến một trình độ nhất định. Và theo đó, quan niệm về công lý phụ thuộc chặt chẽ và do mỗi hình thái kinh tế - xã hội mà nó tồn tại chi phối, quyết định. Ngược lại, các giá trị của công lý cùng với các quan hệ sản xuất khác cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng đến các phương thức tổ chức xã hội, từ đó thúc đẩy hoặc cản trở, kìm hãm sự phát triển của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Bên cạnh đó, trong mỗi giai đoạn, tùy thuộc vào yêu cầu cai trị, lãnh đạo, quản lý xã hội của giai cấp thống trị mà công lý sẽ có các nội dung, tính chất và phương thức vận hành khác nhau.
Lịch sử phát triển của xã hội loài người khi xuất hiện chế độ công xã nguyên thủy với đặc trưng về sự phát triển thấp kém, chậm chạp của điều kiện lao động kiếm sống. Trình độ kỹ thuật thấp kém, bấp bênh cùng với tình trạng hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên đã buộc con người phải toàn tâm, toàn ý liên kết, hợp tác với nhau trong lao động tập thể và trong đấu tranh sinh tồn. Chế độ sở hữu tập thể nguyên thủy đó hàm chứa những giá trị cốt lõi “sơ khai”, “chất phác” về công bằng và bình đẳng, mọi thành viên của cộng đồng xã hội chung sống như trong một “gia đình lớn”, hòa bình, hữu ái, tự giác tham gia, cùng làm, cùng hưởng như nhau, không tồn tại chiếm hữu tư nhân, không phân hóa giàu nghèo, giai cấp, không có xung đột, không tồn tại người bóc lột hay bộ máy chính quyền cai trị. Trong xã hội đó, con người còn “chưa phân biệt đâu là quyền lợi và đâu là nghĩa vụ” bởi tình trạng cộng đồng, cùng chung nhau, cùng giống nhau trong mọi mặt của đời sống[2]. Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong giai đoạn này, bởi phương thức sản xuất còn thấp kém, xã hội chưa phát triển, các mâu thuẫn, xung đột xã hội chưa trở nên gay gắt, vì vậy, xã hội chưa hội đủ các yếu tố cho sự hình thành của công lý.
Khi xã hội loài người chuyển sang chế độ công xã thị tộc phụ hệ, cùng với sự xuất hiện của kim khí, lực lượng sản xuất đã phát triển vượt bậc, năng suất lao động, sản phẩm cho xã hội ngày càng tăng, tạo dư thừa và tích lũy xã hội. Với kinh nghiệm sản xuất và công lao đóng góp ngày càng lớn, người đàn ông bắt đầu bước lên nấc thang quyền lực trong gia đình và xã hội với nhiều quyền năng quan trọng, trong đó cần phải kể đến là quyền quyết định phân công lao động trong xã hội. Xã hội cũng xuất hiện một nhóm người tự cho mình có quyền chiếm một phần sản phẩm xã hội nhiều hơn người khác. Chế độ tư hữu và đặc biệt là sự xuất hiện của nền sản xuất cá thể đã góp phần quan trọng tạo sự phân hóa giàu nghèo, giai cấp và sự bất bình đẳng, xung đột trong xã hội. Các quan hệ xã hội không còn gắn kết như thời kỳ công xã nguyên thủy, từ đó đã tạo cơ sở, điều kiện kinh tế - xã hội cho sự xuất hiện công lý trong xã hội loài người.
Theo cách hiểu truyền thống, công lý là khái niệm chỉ áp dụng trong quá trình tương hỗ, khi hành động của một cá nhân này hướng tới người khác. Câu hỏi về công lý (justice) và bất công (injustice) chỉ xuất hiện khi có nhiều cá nhân và có những sự kiện thực tế liên quan đến quá trình tương tác với người khác. Các nhà nghiên cứu triết học luật pháp đã chứng minh rằng, về bản chất, công lý trước tiên là nghĩa vụ với người khác, vì vậy, quyền phải là yếu tố có trước, khi các quyền bị vi phạm thì công lý sẽ xuất hiện. Việc xuất hiện chế độ tư hữu cùng các quyền tư hữu chính là điều kiện kinh tế tiên quyết cho sự hình thành công lý. Thứ hai, công lý chỉ xuất hiện trong mối quan hệ giữa con người với một người khác mang tính tách biệt, xa lạ. Công lý không thể xuất hiện giữa những người chung sống cộng đồng, chung nhau, như nhau, như trong một gia đình chung của chế độ công xã nguyên thủy trước đó. Nền sản xuất cá thể phát triển, sự phân hóa, khác biệt, bất bình đẳng từ tình trạng tài sản cho đến địa vị xã hội ngày càng sâu sắc, sự gắn kết giữa các thành viên xã hội dần rời rạc chính là điều kiện, cơ sở xã hội cho sự xuất hiện và hình thành công lý. Như Plato nhận định, công lý chỉ áp dụng trong mối quan hệ giữa con người và đặc biệt là trong mối quan hệ giữa những người không có sự bình đẳng[3]. Theo hướng lập luận này thì trong quan hệ công lý, con người quan hệ với một người khác mang tính tách biệt, mà gần như phải là một người xa lạ. Quan hệ giữa người cha và người con là quan hệ không hoàn toàn tách biệt, người con còn phụ thuộc nhiều vào người cha và người cha với tình yêu thương bao la luôn coi người con như chính mình, vì vậy ở một nghĩa chính xác thì không thể có công lý giữa những người yêu thương nhau[4].
Sự xuất hiện của công lý thể hiện văn minh xã hội loài người đã phát triển sang một giai đoạn cao hơn. Trong giai đoạn xã hội sơ khai, bán khai trước đó, pháp luật dựa trên các giải pháp thô sơ là sử dụng “cường lực”, “bạo lực”, hay “bản năng”, công lý, lẽ phải sẽ thuộc về kẻ khỏe hơn, mạnh hơn. “Cá nhân là viên cảnh sát của chính mình, người nào đủ mạnh thì dùng cách trả thù để xử tội theo ý mình”. Cùng với sự tiến hóa của nhân loại, vai trò của “cường lực”, “bạo lực”, “sức mạnh” ngày càng phai nhạt, loài người nhận ra rằng không thể để cho các cá nhân tự ý định đoạt khu xử, trật tự xã hội cần phải được thiết lập trên cơ sở công lý[5].
Ý niệm về công lý, khát vọng về công lý sẽ chỉ xuất hiện và trở nên mạnh mẽ như một nhu cầu tự thân khi xã hội đã phát triển đến trạng thái có xung đột và mâu thuẫn về quyền và lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, khi xã hội tồn tại trong trạng thái mà người dân sống thưa thớt và chiến tranh luôn rình rập, công lý còn chưa được coi là một phẩm hạnh quan trọng của mỗi cá nhân bởi nó còn phải nhường chỗ cho những phẩm chất quan trọng của các chiến binh như sức mạnh, lòng quả cảm, sự khéo léo hay kỹ năng sử dụng vũ khí thuần thục. Phải cho đến khi chế độ thành bang được thiết lập, xã hội cổ đại có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ, các cá nhân phải gắn bó, liên kết, hợp tác, bảo vệ lẫn nhau, không được có những hành vi làm phương hại lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển thì những yêu cầu của hình thái kinh tế - xã hội đó đã làm phai nhạt những phẩm hạnh của các chiến binh và đưa công lý tiến tới vị trí trung tâm của hệ giá trị đạo đức của xã hội loài người[6].
2. Sự hình thành và phát triển của công lý trong xã hội Việt Nam
Trong giai đoạn đầu của xã hội Việt Nam, khi các cơ quan công quyền chưa được tổ chức để xét xử các vụ tranh chấp giữa các cá nhân với nhau thì quan niệm về công lý với ý nghĩa là “phục cừu” là một cơ chế nổi trội. Theo cơ chế này, mỗi khi quyền lợi của một người bị xâm phạm, người đó sẽ tự động phản ứng để trả thù kẻ đã gây ra thiệt hại cho họ. Sự trả thù đó nhiều khi còn được thực hiện dưới hình thức đoạt lại tài sản hoặc bắt cả đối phương và thân nhân của họ làm nô lệ. Truyện cổ tích là một ví dụ điển hình về quan niệm của nhân dân ta về công lý “phục cừu” giai đoạn này. Trong truyện Cây khế, người anh bị ngã xuống biển chết, trong truyện Thạch Sanh, Lý Thông bị sét đánh chết, và đặc biệt, trong câu truyện Tấm Cám, Cám bị dội nước sôi chết. Công lý báo thù, “dĩ oán báo oán”, “răng đền răng, mắt đền mắt” là một hiện tượng, dấu tích xã hội với bối cảnh là quá trình tan rã của chế độ công xã nguyên thủy. Với quan niệm về công lý, lẽ phải như vậy, một kết thúc quen thuộc của truyện cổ tích như trong truyện Tấm Cám là việc cô Tấm giết cô Cám, làm mắm gửi cho mụ dì ghẻ vẫn tồn tại qua các thời đại, được tiếp nhận một cách bình thường, trong thực tế không hề mang lại cảm giác ghê sợ hay không đồng tình với cô Tấm. Khi cái ác phải đền tội, đứa trẻ nào cũng thấy hả hê và tin tưởng vào công lý và sự công bằng mà thế giới “ngày xửa ngày xưa” mở ra trước mắt chúng[7].
Khi xã hội phát triển ở một bước cao hơn, các cơ quan công quyền đã được tổ chức vững chắc và bình ổn để giải quyết các việc tranh chấp thì chế độ “thục kim” từng bước chiếm ưu thế. Khi một người gây thiệt hại cho người khác, thì sự can thiệp đầu tiên của cơ quan công quyền là buộc hai bên đương sự không được tự ý báo thù như trong chế độ phục cừu mà phải giải quyết tranh chấp xảy ra bằng cách trả cho nhau một số tiền chuộc lỗi theo một giá ngạch do pháp luật quy định. Tiền thục kim (tiền chuộc) có thể coi như vừa có tính chất là một hình phạt, vừa có tính chất là sự bồi thường. Pháp luật nhà Lý, nền pháp luật thống nhất, thành văn đầu tiên của dân tộc ta đã quy định nghiêm, phạt kẻ nào ỷ sức mạnh để giải quyết việc tương tranh về đất cát. Hình phạt cho hành vi này là ngoài tội về mặt hình, còn mất cả ruộng đất tương tranh để đền cho kẻ bị thương hay thiệt hại. Nhà Lý cũng đã rất quan tâm đến công lý thủ tục thông qua việc ban hành nhiều quy định khá rõ và khả dĩ làm cho việc giải quyết các vụ tranh tụng được nhanh chóng và rõ ràng. Lịch triều hiến chương loại chí còn ghi lại năm thứ 06 đời vua Anh Tông (năm 1.139), nhà vua xuống chiếu quy định những kẻ tranh nhau ruộng ao, của cải gì thì không được nhờ những người có quyền thế giúp sức, nếu trái lệnh thì phải tội 80 trượng và kết tội đồ.
Một đặc điểm nổi bật của nền văn hóa đất nước ta là truyền thống đoàn kết và muốn đoàn kết được thì phải lấy hòa mục làm trọng. Yếu tố truyền thống đoàn kết cộng đồng đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm về công lý, lẽ công bằng trong văn hóa Việt Nam. Điều 585 Bộ luật Hồng Đức quy định: “Nếu trâu bò hai nhà đánh nhau, con nào chết thì hai nhà cùng hưởng, con nào sống thì hai nhà cùng cày, trái luật phải phạt 80 trượng”. Có thể nói, trong chế định này, các nhà làm luật đã vận dụng sáng tạo tinh thần tương thân, tương ái trong khung cảnh của nền kinh tế nông nghiệp đương thời để tìm ra một giải pháp công bằng điều chỉnh các quan hệ xã hội, giữ gìn và phát huy yếu tố tích cực của truyền thống dân tộc.
Trong giai đoạn tiếp theo, quan niệm về công lý tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ và được cụ thể hóa bằng những cơ chế mới. Trước tiên, đó là sự can thiệp mạnh mẽ hơn của cơ quan công quyền thông qua việc quy định các chế tài về hình sự để trừng phạt kẻ nào đã xâm phạm vào tài sản hay nhân thân của người khác. Ngoài hình phạt, phạm nhân còn phải bồi thường cho nạn nhân về thiệt hại do mình gây ra. Vì tiền bồi thường cũng coi là một hình phạt nên số tiền này thường được ấn định gấp đôi hay gấp ba, bốn lần số thiệt hại. Trong chế độ phong kiến Việt Nam, chế độ trách nhiệm dân sự cũng đã bước đầu manh nha hình thành, có sự phân biệt với trách nhiệm hình sự. Điều 581 Bộ luật Hồng Đức quy định nếu trâu, ngựa chạy lồng lên, không kìm hãm được, thì được miễn tội và chỉ phải đền sự thiệt hại. Tương tự, Điều 91 Hoàng Việt luật lệ quy định trường hợp khi hủy hay phá hoại các đồ vật, mùa màng, cây cối thuộc sở hữu của người khác và sự hủy hoại là vô ý hay sơ ý gây nên, thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường mà không phải tội. Có thể nói, từ chế độ tự trừng phạt đối phương để bảo vệ lợi ích khi bị xâm phạm tiến đến chế độ trách nhiệm hình sự, dân sự là một quá trình phát triển lâu dài và vô cùng quan trọng về quan niệm công lý trong lịch sử văn minh của đất nước ta[8].
Nguyễn Xuân Tùng
Tài liệu tham khảo
[1]. GS.TS. Hoàng Chí Bảo (Chủ biên), Bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia năm 2010.
[2] Lương Ninh (Chủ biên), Lịch sử thế giới cổ đại, Nxb. Giáo dục Việt Nam, năm 2013.
[3] Lương Ninh (Chủ biên), Lịch sử thế giới cổ đại, Nxb. Giáo dục Việt Nam, năm 2013.
[4] Rescoe Pound, Justice according to Law (Công lý dựa trên nền tảng pháp luật), Nxb. Yale University Press, năm 1951.
[5] Vũ Văn Mẫu, Dân luật khái luận, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, năm 1961.
[6] David Johnston, A brief history of Justice (Tóm lược lịch sử về công lý), Wiley-Blackwell, năm 2011.
[7] PGS.TS. Vũ Anh Tuấn (chủ biên), Giáo trình văn học dân gian, Nxb. Giáo dục Việt Nam, năm 2012.
[8] Bộ Tư pháp, Nghiên cứu một số di sản pháp luật dân sự từ thế kỷ XV đến thời Pháp thuộc (Đề tài nghiên cứu cấp Bộ), năm 1996.