Toàn cảnh buổi Họp báo.
Cụ thể, Lệnh của Chủ tịch nước công bố 09 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công; Luật Điện lực.
Luật số 44/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được xây dựng nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc, trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Luật có 07 nhóm điểm mới cơ bản: thể chế hóa cơ chế, chính sách đặc thù của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chính sách của Nhà nước về dược và đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược; đa dạng hóa hệ thống và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; cắt giảm, đơn giản hóa một số điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; quản lý xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế; tăng cường quản lý chặt chẽ giá thuốc nhằm bình ổn thị trường thuốc.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15
Luật được xây dựng và ban hành nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực và nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước đến năm 2045 và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại.
Luật đã được cụ thể hóa với các nhóm chính sách lớn như: thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn nước ngoài.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Luật Tư pháp người chưa thành niên số 59/2024/QH15
Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 179 điều, 05 phần và 10 chương với các nội dung cơ bản như: những quy định chung; xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án phạt tù và tái hòa nhập công đồng…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026, trừ Điều 139, khoản 1 và khoản 2 Điều 162 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2028.
Đại diện Tòa án nhân dân tối cao phát biểu tại buổi họp báo.
Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Luật được xây dựng nhằm thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám, chữa bệnh, giảm hồ sơ, giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức, bảo đảm bình đẳng giới, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Luật có một số điểm mới cơ bản như: sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; điều chỉnh trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, phương thức, thời hạn đóng; quy định về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; mức hưởng bảo hiểm y tế khi thực hiện thông cấp khám, chữa bệnh; điều chỉnh tỷ lệ chi cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế; bổ sung quy định cụ thể về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế và các biện pháp xử lý; bổ sung quy định về cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, trừ một số trường hợp có hiệu lực riêng.
Luật Phòng không nhân dân số 49/2024/QH15
Luật được xây dựng nhằm tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế, xã hội.
Luật gồm 07 chương, 47 điều với các nội dung cơ bản như: quy định chung; lực lượng phòng không nhân dân; hoạt động phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; nguồn lực, chế độ, chính sách cho phòng không nhân dân…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Đại diện Bộ Quốc phòng phát biểu tại buổi Họp báo.
Luật Địa chất và khoáng sản số 54/2024/QH15
Luật kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 đang phát huy hiệu quả, bãi bỏ các quy định bất cập, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành phù hợp với thực tiễn. Tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương chủ động tổ chức việc kiểm soát, giám sát mọi hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản trên địa bàn.
Luật tập trung vào các chính sách trọng tâm như: tài nguyên địa chất, khoáng sản, điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, thông tin dữ liệu địa chất khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản, chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; khu vực khoáng sản; quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; tài chính về địa chất khoáng sản.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, trừ một số trường hợp có hiệu lực riêng.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi Họp báo.
Luật Điện lực số 61/2024/QH15
Luật Điện lực gồm 09 chương và 81 điều với các nội dung như: quy định chung; quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh và hoạt động mua bán điện; điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2025.
Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu
Luật được ban hành nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khắc phục điểm nghẽn, tạo không gian phát triển, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách triệt để thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, như: sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch để tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm đáp ứng cao nhất yêu cầu của thực tiễn phát triển, đặc biệt là phân quyền cho địa phương; đơn giản hóa trình tự, tủ tục trong công tác quy hoạch; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư để phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt…; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để xóa bỏ hạn chế về lĩnh vực đầu tư và mức đầu tư tối thiểu; xem xét áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước cao hơn 50% nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án có chi phí giải phóng mặt bằng trên 50% tổng mức đầu tư; cho phép tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT trên cơ sở khắc phục tối đa các bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện loại hợp đồng này…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2025, trừ một số trường hợp có hiệu lực riêng.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Họp báo.
Luật số 52/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Luật được ban hành bảo đảm tính kế thừa, phát triển những quy định của Luật Sĩ quan, giữ được chất lượng, vị thế, uy tín của đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, không quy định những vấn đề cụ thể về tổ chức bộ máy và quân hàm cấp Trung tướng trở xuống để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tính chất nhiệm vụ của quân đội, cân đối giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Giữ vững sự ổn định, tăng cường sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, phối hợp với Công an nhân dân giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Một số nội dung trọng tâm của Luật như: chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan; tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan; cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ sĩ quan; thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ; xét thăng quân hàm và nâng lương trước thời hạn; chế độ nghỉ của sĩ quan; chăm sóc sức khỏe đối với sĩ quan và thân nhân sĩ quan tại ngũ; điều kiện nghỉ hưu của sĩ quan; tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị; bổ nhiệm chức vụ, phong, thăng quân hàm sĩ quan dự bị…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2024./.
Hoàng Trung