Theo đó, các luật được công bố gồm: Luật Lâm nghiệp; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Thủy sản; Luật Quản lý nợ công; Luật Quy hoạch.
Luật Lâm nghiệp năm 2017 có 12 chương với 108 điều, tăng 4 chương và 20 điều so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2008. Luật Lâm nghiệp đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản; Luật đã thể chế hóa chế định sở hữu rừng theo quy định Hiến pháp năm 2013; quy định về chế biến và thương mại lâm sản để kết nối với giai đoạn bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp; quy định quản lý rừng bền vững, đây là nguyên tắc xuyên suốt của hoạt động lâm nghiệp bảo đảm rừng được quản lý bền vững cả về diện tích rừng, chất lượng rừng,… Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
Luật Thủy sản gồm 9 chương, 105 điều, giảm 1 chương và tăng 43 điều so với Luật Thủy sản năm 2003, Luật bổ sung 1 chương về kiểm ngư nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam. Ngoài ra, luật có nhiều nội dung mới như quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; điều tra, đánh giá, khai thác nguồn lợi thủy sản; quy định về quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản; điều tra, đánh giá, khai thác nguồn lợi thủy sản; quy định về quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nuôi trồng thủy sản… Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 được ban hành thay thế Luật QUản lý nợ công năm 2009 nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quản lý nợ công an toàn, bền vững, hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới; kế thừa những ưu điểm, mặt tích cực của các quy định tại Luật Quản lý nợ công năm 2009 đã được áp dụng ổn định, đồng thời khắc phục các tồn tại, hạn chế phát sinh trong thời hian qua; bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan. Luật quản lý nợ công gồm 10 chương, 63 điều, quy định về hoạt động quản lý nợ công bao gồm huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công. Trong đó, có các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức,cá nhân trong quản lý nợ công; chỉ tiêu an toàn nợ công, kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm, chương trình quản lý nợ công 03 năm và kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm; quản lý việc huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ của Chính phủ; quản lý cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; quản lý nợ của chính quyền địa phương; bảo đảm khả năng trả nợ công; kế toán, kiểm toán, thống kê, báo cáo và công bố thông tin về nợ công. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.
Luật Quy hoạch gồm 6 chương, 59 điều và 03 phụ lục, việc ban hành Luật này có ý nghĩa rất to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vì đây là cơ sở pháp lý thống nhất cho việc xây dựng các quy hoạch của thời kỳ 2021 - 2030. Luật quy định hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, cấp vụng, cấp tỉnh; quy hoạch đô thị, nông thôn; quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Bên cạnh đó, luật có các quy định về nguyên tắc chủ yếu trong hoạt động quy hoạch, nội dung quy hoạch; tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; thẩm quyền thẩm định và phê duyệt quy hoạch; trách nhiệm quản lý Nhà nước và thông tin quy hoạch… Để đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch, có 08 luật có quy định về quy hoạch đã sửa đổi, bổ sung và 25 luật khác cần được sửa đổi, bổ sung. Việc sửa đổi sẽ hoàn thành trước ngày 01/01/2019, ngày Luật này có hiệu lực.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đã sửa đổi, bổ sung 11 điều trong số 36 điều của luật hiện hành. Các nội dung chính của luật liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan đại diện, bổ nhiệm thành viên cơ quan đại diện; chế độ, chính sách đối với thành viên cơ quan đại diện. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2018.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng gồm 03 điều. Trong đó, sửa đổi, bổ sung 32 điều; bổ sung mới 18 điều. Một số quy định sửa đổi, bổ sung liên quan đến nâng cao năng lực quản trị, điều hành; minh bạch hóa nguồn vốn góp, ngawnnguwaf, hạn chế sở hữu chéo; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt quy định chi tiết các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo nguyên tắc tạo lập khuôn khổ pháp lý để cơ quan có thẩm quyền có thể lựa chọn áp dụng các phương án, biện pháp xử lý phù hợp với thực trạng của từng tổ chức tín dụng yếu kém. Theo đó, bao gồm: Phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc; phương án phá sản… Luật này có hiệu lực từ ngày 15/01/2018.
Hải Yến