Tại Hội nghị, các đại biểu đã bàn luận về những nội dung xoay quanh vấn đề điều chỉnh tăng tuổi của trẻ em Việt Nam lên dưới 18 tuổi, cụ thể như: Tính cấp thiết của việc điều chỉnh, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý quốc tế, cơ sở pháp lý quốc gia, cơ sở thực tiễn ở Việt Nam, tác động tích cực về việc điều chỉnh, một số vấn đề cần cân nhắc khi điều chỉnh, phân tích các quan điểm chưa ủng hộ việc điều chỉnh…
Nhiều đại biểu tại Hội nghị nhất trí cao với việc điều chỉnh tăng tuổi của trẻ em. Bởi lẽ, các ý kiến đều cho rằng, nhóm đối tượng 16 - 17 tuổi cần được bảo vệ một cách đầy đủ hơn, đặc biệt là trước những vấn nạn như xâm hại tình dục, buôn bán người, tảo hôn, bỏ học, lao động trẻ em, vi phạm pháp luật… Người dưới 18 tuổi còn đang trưởng thành cả về thể chất và tinh thần, thể hiện rõ ở bộ não chưa phát triển đầy đủ, dễ bị chi phối, dễ bị tổn thương nên cần được chăm sóc, giáo dục đặc biệt. Kết quả khảo sát cho thấy, lứa tuổi 16 - 17 là “khó bảo” nhất, dễ sa vào tệ nạn xã hội hoặc làm trái pháp luật. Bên cạnh đó, Điều 1 Công ước Quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 (CRC) cũng quy định “trẻ em là người dưới 18 tuổi”, Việt Nam đã tham gia CRC năm 1990 (là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn CRC) và không bảo lưu điều khoản nào, Hiến pháp Việt Nam cũng không quy định tuổi trẻ em, các luật chuyên ngành đều xác định tuổi trưởng thành là từ 18 tuổi, do vậy, Điều 1 CRC cần được ưu tiên thực hiện.
Tại Hội nghị, một số quan điểm chưa ủng hộ việc điều chỉnh cũng được đưa ra phân tích, có thể kể đến như: Quan điểm lo ngại rằng, hiện nay, trẻ dậy thì sớm, “già dặn” hơn, đạo đức lại xuống cấp, tình hình tội phạm, bạo lực học đường gia tăng, nếu tăng tuổi trẻ em, dễ dẫn đến tình trạng làm tăng những vấn đề về đạo đức của người chưa thành niên, khiến tình trạng phạm tội của đối tượng này càng trầm trọng (chẳng hạn do các em tin rằng mình sẽ được miễn trừ trách nhiệm hình sự). Nhưng cũng cần nhận thấy rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và một trong số đó chính là việc nhóm đối tượng 16 - 17 tuổi chưa được coi là trẻ em, chưa được chăm sóc, giáo dục đầy đủ và đúng mức. Một quan điểm khác thì cho rằng, việc điều chỉnh sẽ làm tăng tình trạng lao động trẻ em và ảnh hưởng tới quyền làm việc của nhóm 16 - 17 tuổi. Tuy nhiên, khái niệm lao động trẻ em trong CRC và các công ước của ILO không dựa trên khái niệm trẻ em trong CRC, theo đó, chỉ bị xem là lao động trẻ em nếu làm việc ở độ tuổi quá nhỏ (dưới 14 tuổi) hoặc ở độ tuổi lớn hơn nhưng phải làm các công việc nguy hại đến sức khỏe và sự phát triển, hơn nữa, các quy định pháp luật Việt Nam hiện đã tương thích với các công ước trên. Về những lo ngại vấn đề kinh phí, nguồn lực, chính sách thực hiện… thì có thể thấy, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em sẽ được thực hiện theo lộ trình, có chính sách phù hợp từng độ tuổi, sự phát triển của Việt Nam nên chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được việc điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi.