Đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành đã giới thiệu về những điểm mới cơ bản của một số đạo luật có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội bao gồm:
1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Trước yêu cầu thực tiễn ngày càng cao của hoạt động tố tụng, đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10/6/2020.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp có một số nội dung mới như: (i) Mở rộng phạm vi của giám định tư pháp. Theo đó, để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng, phạm vi giám định tư pháp đã được mở rộng theo hướng giám định tư pháp được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn khởi tố, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành; (ii) Bổ sung việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp gắn với bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; (iii) Thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự. Theo đó, để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử được thu thập ngày càng tăng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng, Luật đã bổ sung quy định về “Phòng giám định hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” (khoản 5 Điều 12). Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới, có tính chất đặc thù, bên cạnh hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện hành; (iv) Bổ sung cơ quan thuộc Chính phủ trong việc công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và Kiểm toán Nhà nước giới thiệu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp; (v) Bổ sung quyền được bảo vệ khi hoạt động giám định và được công bố vị trí phù hợp khi tham dự phiên tòa của người giám định; (vi) Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp…
Để triển khai thi hành Luật này kịp thời, hiệu quả, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện các hoạt động cụ thể. Trong đó, có việc xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật và tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật; ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giám định tư pháp ở các lĩnh vực; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người giám định tư pháp, người tiến hành tố tụng và cán bộ làm công tác quản lý về giám định tư pháp ở các bộ, ngành và địa phương. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Luật này đã sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật với những nội dung mới cơ bản như tiếp tục khẳng định và cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định về phản biện xã hội của Mặt trân Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung hình thức nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nghị quyết 3 bên), bổ sung hình thức thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Bên cạnh đó, để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật này đã cho phép Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định quy phạm pháp luật để phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới. Ngoài ra, Luật tiếp tục tăng cường trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội trong thẩm tra các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bổ sung quy định nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; tiếp tục hoàn thiện các quy định về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
3. Luật Doanh nghiệp năm 2020
Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có những cải cách cơ bản, quan trọng, đó là cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường, nổi bật là bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu "số" thay cho dấu "truyền thống". Luật cũng đã thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay. Cải cách tiếp theo được Thứ trưởng Vũ Đại Thắng giới thiệu là nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến. Luật còn hướng đến nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hoá nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp, bổ sung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần (thay vì chỉ được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn như quy định hiện hành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
4. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP)
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư khu biệt 05 lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP nhằm tập trung nguồn lực, bao gồm: Giao thông; lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; y tế, giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.
Luật PPP quy định những nội dung cơ bản như: (i) Về quy mô đầu tư, Luật PPP quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu để đầu tư theo phương thức PPP là 200 tỉ đồng. Đối với một số dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, giá trị này là 100 tỉ đồng; (ii) Về phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Luật quy định việc phân loại dự án gắn với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, gồm Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư; (iii) Về vốn nhà nước trong dự án PPP, Luật quy định cụ thể mục đích sử dụng, phương thức quản lý vốn nhà nước trong dự án PPP. Trong đó, với phần vốn nhà nước sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và giải phóng mặt bằng, hạn mức tham gia trong dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư và được quản lý, sử dụng theo 02 phương thức: Tách thành tiểu dự án trong dự án PPP; bố trí vào hạng mục cụ thể theo tỉ lệ và giá trị, tiến độ và điều kiện quy định tại hợp đồng; (iv) Về lựa chọn nhà đầu tư, quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP lần đầu được tích hợp tại một văn bản quy phạm pháp luật về PPP, bảo đảm tính thống nhất, chỉnh thể và tính liên tục của quy trình thực hiện một dự án PPP; đồng thời, thu hẹp trường hợp chỉ định nhà đầu tư so với quy định hiện hành tại Luật Đấu thầu năm 2013; (v) Về huy động vốn của doanh nghiệp dự án, bên cạnh kênh huy động vốn truyền thống là từ vốn tín dụng của các ngân hàng, Luật PPP cho phép doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thực hiện dự án PPP; (vi) Về Kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP, Luật quy định cụ thể phạm vi, nội dung Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán đối với dự án PPP, bao gồm việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP; (vii) Về Dự án BT (xây dựng - chuyển giao), Luật PPP thể chế chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới. Theo đó, quy định chuyển tiếp cho các dự án đang triển khai được quy định cụ thể tại Luật. Đặc biệt, kể từ ngày 15/8/2020, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
5. Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 04 chương, 42 điều, quy định về nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án; chính sách của Nhà nước đối với hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Theo đó, hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Luật không áp dụng đối với hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.
Bên cạnh đó, Luật quy định 09 nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trong đó nguyên tắc tự nguyện, bảo mật thông tin và và nguyên tắc linh hoạt trong hòa giải, đối thoại là 03 nguyên tắc cơ bản nhất.
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Tống Anh Hào cho biết thêm: Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật với tinh thần khẩn trương, đồng bộ cả 03 nội dung, đó là: (i) Tích cực tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đến với người dân; (ii) Bồi dưỡng, tập huấn, tuyển chọn để bổ nhiệm đội ngũ hòa giải viên của Tòa án các cấp; (iii) Phối hợp với Chính phủ để trình Quốc hội thông qua kinh phí cấp cho hoạt động hòa giải, đối thoại; hướng dẫn chi tiêu cũng như hoàn thiện cơ sở vật chất hòa giải, đối thoại. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.