Sau đó, ông Phan Trung Lý - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng Ban Biên tập Hiến pháp đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhấn mạnh Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chắt lọc, tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân, của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học... Bản Hiến pháp này là sự kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thể hiện được ý Đảng, lòng dân và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị.
Với bố cục 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2013 thực sự là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. So với Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp này có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện rõ hơn bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ, Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, trách nhiệm của Đảng trước nhân dân; khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tiếp tục khẳng định vai trò của đối ngoại và chủ động hợp tác quốc tế, theo đó, Hiến pháp có những sửa đổi, bổ sung về chính sách đối ngoại cho phù hợp với tình hình mới.
Một số câu hỏi của phóng viên xung quanh nội dung của Hiến pháp cũng đã được giải đáp cụ thể tại buổi họp báo, như tên gọi của bản Hiến pháp mới; về tổ chức chính quyền địa phương (vấn đề này sẽ được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành mới và trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 10, tháng 10/2015); quy định về Công đoàn, Hội đồng Hiến pháp và Hội đồng bầu cử quốc gia...
Để có căn cứ pháp lý cho việc triển khai thi hành Hiến pháp mới, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 64/2013/QH13 quy định một số điểm thi hành Hiến pháp. Nghị quyết này ghi rõ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, đồng thời, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Hiến pháp, nhằm bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và chấp hành nghiêm trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội./.
Bùi Huyền
Ảnh: Sưu tầm