Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, công tác hòa giải ở cơ sở tại tỉnh Kon Tum có nhiều chuyển biến tích cực, từ việc hình thành, củng cố tổ chức tổ hòa giải ở các thôn, làng, tổ dân phố, cụm dân cư đã ngày càng đi vào nền nếp và hoạt động có chất lượng, hiệu quả. Công tác hòa giải đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, nhất là từ khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTP ngày 26/7/2011 về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở. Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1592/UBND-NC ngày 16/9/2011, trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã ban hành Công văn số 421/STP-TTPL ngày 27/9/2011 về việc củng cố tăng cường tổ chức và hoạt động công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 831/833 khu dân cư (thôn, làng, tổ dân phố) được hình thành và kiện toàn các tổ hòa giải, với tổng số hòa giải viên là 5.537 thành viên. Bình quân mỗi tổ hòa giải có từ 5 đến 7 hòa giải viên. Thành phần chủ yếu tổ hòa giải là bao gồm những người có uy tín, trách nhiệm ở khu dân cư như: Già làng, Thôn trưởng, Bí thư chi bộ thôn, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên... Tùy từng địa phương có sự bầu chọn và được Uỷ ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận.
Trong năm 2011, nhìn chung các tổ hòa giải ở cơ sở đã đi vào hoạt động có nền nếp và nâng cao chất lượng, nhiều vụ việc đã được hòa giải thành góp phần rất tích cực trong việc ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội tại địa phương không để xảy ra những vụ việc mâu thuẫn, xích mích kéo dài dẫn đến những vụ việc trọng án có thể xảy ra. Năm 2011, theo số liệu báo cáo của 9/9 huyện, thành phố đã thụ lý tổng số 886 vụ việc, trong đó, lĩnh vực dân sự 192 vụ việc; lĩnh vực hôn nhân gia đình 179 vụ việc; lĩnh vực đất đai 308 vụ việc; lĩnh vực môi trường 18 vụ việc và các lĩnh vực khác 108 vụ việc. Kết quả hòa giải thành 645 vụ việc, đạt tỷ lệ 72,8% so với số vụ việc thụ lý. Số vụ việc hướng dẫn chuyển cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền là 62 vụ việc; số vụ việc còn lại là giải quyết không thành và đang tiếp tục hòa giải.
Như vậy, qua con số tổng hợp nêu trên cho thấy, hoạt động của tổ viên tổ hòa giải ở cơ sở mà nhiều người hay nói đùa “là những chiến sĩ trên mặt trận thầm lặng, những người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng...” mà xã hội chúng ta cần phải tuyên dương, trân trọng. Bởi lẽ, trong thực tế có những việc tranh chấp, mâu thuẫn ngay từ đầu tưởng đơn giản nhưng do không được giải quyết kịp thời dẫn đến ngày càng phức tạp và căng thẳng như “cái sảy nảy cái ung”, có những vụ trọng án xảy ra xuất phát từ những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ như: Tranh chấp lối đi, xích mích trong gia đình, chuyện của trẻ con... là nhưng bài học kinh nghiệm quý giá.
Trong thực tiễn cuộc sống của xã hội, việc phát sinh những mâu thuẫn, xích mích trong nội bộ gia đình cũng như hàng xóm láng giềng là khá đa dạng và phong phú như “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Xin nêu một vài ví dụ đã xảy ra ở các địa phương như trường hợp của vợ chồng anh A Vu và chị Y Lan ở huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum thường xảy ra mâu thuẫn, cãi vã nhau to tiếng, nhiều lần anh A Vu đã đánh chị Y Lan gây thương tích nhẹ, sự việc cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần. Cứ mỗi khi anh A Vu uống rượu say dẫn đến tình cảm vợ chồng ngày càng mâu thuẫn trầm trọng hơn, chị Y Lan có ý định làm đơn xin ly hôn. Được biết sự việc trên được tổ trưởng tổ hòa giải của làng nắm tình hình một cách cụ thể, sau đó trao đổi và phân công già làng là thành viên của tổ hòa giải cùng tham gia hòa giải vụ việc trên. Tổ hòa giải đã mời anh A Vu và chị Y Lan đến làm việc, phân tích quy định của pháp luật về các hành vi bạo lực gia đình, gây ảnh hưởng đến hàng xóm, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình, chỉ ra những hành vi sai trái của anh A Vu trong thời gian qua là vi phạm pháp luật, là trái với hương ước, quy ước của làng, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương và hạnh phúc gia đình, yêu cầu anh A Vu phải sửa chữa khắc phục. Qua vụ việc hòa giải trên cho thấy với uy tín của già làng là tổ viên tổ hòa giải phân tích có lý, có tình, khá thuyết phục, nên anh A Vu nhận thấy sai trái của mình và hứa sẽ sửa chữa, không tái diễn nữa. Từ đó cuộc sống gia đình anh A Vu và chị Y Lan được êm ấm và hạnh phúc, tập trung chăm lo dạy dỗ các con ăn học và xây dựng cuộc sống ấm no. Nhiều vụ việc xích mích, mâu thuẫn giữa các hàng xóm láng giềng được các tổ hòa giải nắm bắt và thụ lý giải quyết thành công. Đảm bảo sự đoàn kết thống nhất, giữ vững tình làng, nghĩa xóm được tốt đẹp; vai trò của già làng được phát huy hiệu quả.
Có thể khẳng định rằng, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngày càng được quan tâm, củng cố và tăng cường góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, phòng chống tội phạm, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày càng đi vào hiệu quả thiết thực.
Tin tưởng rằng, trong thời gian tới các tổ hòa giải cơ sở, mỗi tổ viên là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận thầm lặng sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa góp phần xây dựng các khu dân cư ổn định, bình yên và phát triển là cơ sở để thực hiện tốt định hướng của Đảng và nhà nước, đó là: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”
Nguyễn Văn Bảy
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Kon Tum