1. Công tác phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định hiện nay
1.1. Tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp để cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp có trách nhiệm xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cá nhân theo thẩm quyền. Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực từ ngày 01/7/2010 nên Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp phải thực hiện tra cứu thông tin có trong Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp như sau:
(i) Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp chỉ có một nơi thường trú duy nhất tại một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kể từ khi đủ 14 tuổi trở lên thì việc tra cứu thông tin được thực hiện tại Sở Tư pháp nơi người đó thường trú;
(ii) Trường hợp người được cấp Phiếu đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kể từ khi đủ 14 tuổi trở lên thì việc tra cứu thông tin được thực hiện tại Sở Tư pháp nơi tiếp nhận yêu cầu và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia;
(iii) Trường hợp người được cấp Phiếu là công dân Việt Nam có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài thì việc tra cứu thông tin được thực hiện tại Sở Tư pháp nơi tiếp nhận yêu cầu và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia;
(iv) Trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người được cấp Phiếu thì việc tra cứu thông tin được thực hiện tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.
Trường hợp người bị Tòa án kết án trước ngày 01/7/2010 nhưng từ ngày 01/7/2010, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp đã lập Lý lịch tư pháp của người đó thì việc tra cứu thông tin được thực hiện tại cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp để cấp Phiếu lý lịch tư pháp của người đó khi có yêu cầu.
1.2. Tra cứu, xác minh thông tin có trước ngày 01/7/2010 (ngày Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực) để cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực từ ngày 01/7/2010 nên thông tin có trong Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp vẫn chưa đầy đủ, đặc biệt đối với những thông tin có trước ngày 01/7/2010. Để phục vụ cho công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì Luật này đã quy định Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có nhiệm vụ tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp bảo đảm Phiếu lý lịch tư pháp được cấp ra có nội dung chính xác, đầy đủ và kịp thời. Cụ thể:
a. Tra cứu, xác minh thông tin tại cơ quan công an
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp thực hiện tra cứu thông tin tại cơ sở dữ liệu của Ngành Công an thông qua việc đề nghị Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an và Phòng Hồ sơ nghiệp vụ,Công an cấp tỉnh cung cấp thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Trường hợp Sở Tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Phiếu xác minh lý lịch tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh thực hiện tra cứu thông tin về tình trạng án tích của đương sự và gửi cho Sở Tư pháp kết quả tra cứu; trường hợp phải tra cứu thông tin trong hệ thống hồ sơ, tàng thư của Bộ Công an thì thời hạn không quá 09 ngày làm việc; trường hợp Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Phiếu xác minh lý lịch tư pháp, cơ quan quản lý hệ thống hồ sơ, tàng thư của Bộ Công an thực hiện tra cứu thông tin và gửi kết quả tra cứu cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.
Để cụ thể hóa quy định này cũng như phù hợp với thực tiễn công tác tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp để cấp Phiếu, bảo đảm thời hạn cấp Phiếu cho người dân theo Luật định, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, ngày 09/7/2015, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp và Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an đã ký Quy chế số 01/QCPH-TTLLTPQG-C53 trong công tác tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp, gọi là Giải pháp “Kiềng 3 chân”. Việc xử lý hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp sẽ chủ yếu trên môi trường mạng, theo đó, Sở Tư pháp chuyển hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên Phần mềm, Trung tâm sẽ truyền trực tiếp qua mạng yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp và hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu của cá nhân tới Cục Hồ sơ nghiệp vụ. Kết quả tra cứu, xác minh thông tin qua đường mạng được thể hiện bằng Thông báo kết quả tra cứu để cấp Phiếu qua đường mạng có giá trị như văn bản giấy (bản giấy sẽ gửi sau để kiểm soát và lưu trữ).
Trên cơ sở sơ kết quả tích cực của Quy chế số 01/QCPH-TTLLTPQG-C53 và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Cục V06 đã ký Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 29/6/2018 nhằm thực hiện Giải pháp “Xây dựng giải pháp kỹ thuật thực hiện Quy chế phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp” . Việc thực hiện Quy chế số 02, Sở Tư pháp sẽ không cần phải phân loại hồ sơ, tiến hành tra cứu đồng thời tại 03 cơ quan: Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp; Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an; Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh trên đường truyền mạng qua Phần mềm Hỗ trợ tra cứu, xác minh, thông tin để cấp Phiếu LLTP. V06, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ có trách nhiệm trả lời kết quả trong thời hạn 05 ngày làm việc, trường hợp có thông tin đến việc khởi tố, kết án thì thời hạn 09 ngày làm việc và cung cấp các bản photo các tài liệu có liên quan như bản án, quyết định thi hành án, Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù…, bảo đảm độ chính xác của thông tin, qua đó giúp cho Sở Tư pháp trả kết quả sớm hoặc đúng thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp, rút ngắn thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo tinh thần cải cách hành chính của địa phương.
b. Tra cứu, xác minh thông tin tại Tòa án
Trong trường hợp kết quả tra cứu thông tin tại cơ sở dữ liệu của ngành Công an chưa có đủ căn cứ để kết luận về tình trạng án tích của đương sự thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp liên hệ với Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án hoặc Tòa án đã xét xử phúc thẩm vụ án liên quan đến đương sự để tra cứu hồ sơ, nhằm khẳng định người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp có án tích hay không có án tích. Việc tra cứu thông tin tại Tòa án trong trường hợp này được tiến hành ngay sau khi nhận được kết quả tra cứu xác minh thông tin của cơ quan Công an.
Trường hợp Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp trực tiếp xác minh thì việc trực tiếp xác minh phải được lập thành biên bản; trường hợp Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị tra cứu thông tin thì văn bản đề nghị phải ghi rõ thông tin về người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp bao gồm: Họ tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quốc tịch; nơi cư trú; số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu; họ tên cha, mẹ, vợ, chồng và thông tin về bản án liên quan đến đương sự (nếu có).
Tòa án nơi nhận được đề nghị tra cứu thông tin thực hiện tra cứu hồ sơ và thông báo kết quả cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp đã đề nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị tra cứu thông tin.
c. Tra cứu, xác minh thông tin tại cơ quan khác có liên quan
Đối với người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã từng là sỹ quan, hạ sỹ quan, binh sỹ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thì Trung tâm tra cứu thông tin thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng.
Tòa án quân sự Trung ương thông báo kết quả tra cứu thông tin cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp đã đề nghị tra cứu, xác minh thông tin trong thời hạn 07 ngày làm việc.
Ngoài ra, trường hợp cần thêm thông tin về án tích của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp đề nghị cơ quan thi hành án dân sự cung cấp thông tin về người bị kết án.
d. Tra cứu, xác minh thông tin về điều kiện đương nhiên xóa án tích
Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp có án tích và đủ thời gian để đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì Sở Tư pháp tiến hành xác minh về việc người đó có bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời hạn đang có án tích hay không tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú, làm việc sau khi chấp hành xong bản án.
Nếu thấy cần thiết, Sở Tư pháp thực hiện xác minh tại cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan về việc người bị kết án có đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hay không. Quy định này phục vụ việc xác minh về “hành vi phạm tội mới”, bảo đảm điều kiện về đương nhiên xóa án tích theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015.
1.3. Phương thức phối hợp cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Thông tin lý lịch tư pháp được gửi bằng một trong các phương thức như trực tiếp, qua bưu điện, mạng máy tính với các hình thức sau: Trích lục bản án hình sự hoặc bản chính hoặc bản sao bản án; bản chính hoặc bản sao quyết định, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, văn bản thông báo; văn bản định dạng PDF (có chữ ký và con dấu) trong trường hợp cung cấp qua mạng máy tính. Việc cung cấp thông tin qua mạng máy tính phải bảo đảm tính bảo mật, an toàn, chính xác của thông tin; đối với thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày 01/7/2010 còn có thể được gửi dưới hình thức công văn trả lời.
2. Thực tiễn công tác phối hợp cung cấp thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp và một số đề xuất, kiến nghị
2.1. Một số kết quả đạt được
Qua hơn 12 năm triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp, số lượng Phiếu lý lịch tư pháp được cấp ra ngày càng tăng lên, phục vụ cho rất nhiều nhu cầu khác nhau trong đời sống xã hội như bổ sung hồ sơ xin việc làm, xuất khẩu lao động, xuất cảnh, du học, định cư nước ngoài, bổ sung hồ sơ với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, xóa án tích, hoạt động tôn giáo... Tính đến nay, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp đã thụ lý và cấp được hơn 05 triệu Phiếu lý lịch tư pháp, trong đó có khoảng 4% là trễ hạn. Các trường hợp trễ hạn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp chủ yếu là đương sự có lai lịch phức tạp, đã từng cư trú tại nhiều địa phương, có thông tin án tích nhưng chưa rõ ràng nên phải mất nhiều thời gian, công sức xác minh; các cơ quan không còn lưu trữ, không có thông tin do án tích từ lâu...
Để đáp ứng được một số lượng lớn yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của xã hội với tỷ lệ trễ hạn rất thấp và nội dung Phiếu luôn bảo đảm chính xác, đầy đủ thì phải xuất phát từ việc thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu; thường xuyên đổi mới phương thức, cách thức phối hợp và có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp đã chủ động đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng các phương thức mới trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả cấp Phiếu lý lịch tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình tiếp nhận, tra cứu, xác minh và cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Nhiều giải pháp công nghệ được áp dụng như thực hiện tra cứu, xác minh thông tin trên môi trường mạng đã góp phần nâng cao chất lượng công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp, rút ngắn thời gian tra cứu, xác minh thông tin, rút ngắn thời gian trả kết quả cho cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực lý lịch tư pháp.
Việc tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp đã nhận được sự quan tâm, phối hợp thường xuyên của hầu hết các cơ quan có liên quan và đặc biệt là cơ quan hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Bộ Công an. Tính đến nay, cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát đã thực hiện tra cứu, xác minh khoảng 04 triệu trường hợp, Tòa án quân sự Trung ương thực hiện tra cứu, xác minh 8.923 trường hợp. Trong nhiều trường hợp, kết quả tra cứu, xác minh của cơ quan công an cho thấy, người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã bị bắt, bị lập danh chỉ bản hoặc bị xét xử nhưng không rõ kết quả xử lý, sau khi tiếp tục phối hợp với các cơ quan để xác minh, làm rõ, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp đã cung cấp kết quả tra cứu, xác minh thông tin cho cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ để cơ quan này cập nhật bổ sung thông tin vào cơ sở dữ liệu của Ngành Công an.
Đối với trường hợp xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích để cấp Phiếu lý lịch tư pháp, trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp đã tiến hành xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích để cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định với tổng số 2.473 trường hợp. Thực hiện nhiệm vụ mới về việc giao cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp chịu trách nhiệm quản lý, cập nhật thông tin của người bị kết án và xác nhận không có án tích trong trường hợp người bị kết án được đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, tính đến ngày 30/6/2020, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp đã tiến hành xác minh, cấp 30.706 Phiếu lý lịch tư pháp cho các trường hợp đương nhiên được xóa án tích.
Để giải quyết tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an xây dựng giải pháp tra cứu, xác minh thông qua đường điện tử giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, V06, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an và các Sở Tư pháp trên cơ sở Quy chế phối hợp số 01/QCPH-TTLLTPQG-C53; Quy chế phối hợp số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53. Tính đến nay, giải pháp này đã được hỗ trợ 63 Sở Tư pháp với 2.925.735 trường hợp, qua đó đã hỗ trợ kịp thời cho Sở Tư pháp trong công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp và khắc phục được cơ bản tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho các địa phương trên. Việc triển khai Quy chế này đã mang lại hiệu quả tích cực cho các Sở Tư pháp, thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp được rút ngắn và chính xác, được các địa phương hoan nghênh, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với cơ quan nhà nước.
2.2. Hạn chế, bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tra phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp vẫn một số hạn chế, bất cập sau đây:
- Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, kể cả những người làm công tác tư pháp, cán bộ lãnh đạo tại một số địa phương còn hạn chế, chưa đầy đủ và đúng mức về vai trò, ý nghĩa của công tác lý lịch tư pháp trong quản lý nhà nước, trong đời sống xã hội, vì vậy, công tác phối hợp tra cứu, xác minh thông tin chưa thực sự chặt chẽ, kịp thời.
- Công tác phối hợp cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại một số địa phương còn hạn chế. Nhiều cơ quan chậm trễ trong cung cấp thông tin, chủ yếu là các trường hợp phải xác minh về điều kiện xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Công tác xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các án tích có trước ngày 01/7/2010. Hầu hết các trường hợp này, cơ quan cấp Phiếu phải xác minh nhiều nơi nên thời hạn xác minh thông tin thường kéo dài, ảnh hưởng đến thời hạn yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Tại các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, quân đội, cán bộ thực hiện nhiệm vụ phối hợp tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin chủ yếu là kiêm nhiệm. Việc bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp tại các cơ quan phối hợp cung cấp thông tin chưa được quan tâm, chú trọng.
- Chưa có cơ chế, chính sách riêng, đặc thù cho cán bộ làm công tác phối hợp tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp để cấp Phiếu lý lịch tư pháp, đặc biệt đối với những trường hợp phải xác minh trực tiếp nhiều nơi, nhiều cơ quan, thời gian kéo dài.
- Một số địa phương chưa chủ động áp dụng các giải pháp, phương thức mới vào công tác phối hợp tra cứu, xác minh thông tin; chưa chủ động tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này.
2.3. Đề xuất, kiến nghị
Để nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp liên ngành trong tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp phục vụ việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp, cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành trong công tác phối hợp liên ngành về lý lịch tư pháp tại các địa phương; Sở Tư pháp cần có sự chủ động thường xuyên trao đổi, họp bàn với các cơ quan có liên quan trên địa bàn nhằm tháo gỡ các khó khăn, vương mắc trong phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về lý lịch tư pháp đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp, trong đó trọng tâm là các quy định về phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các giải pháp mới trong công tác phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp .
- Tăng cường công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp ngày càng đầy đủ, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng thông tin, phục vụ hiệu quả cho công tác tra cứu thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho người làm công tác tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp và các cơ quan phối hợp có liên quan.
Qua hơn 12 năm triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp với hơn 05 triệu Phiếu được cấp ra (gấp khoảng 07 lần số lượng Phiếu lý lịch tư pháp được cấp trong gần 10 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA ngày 08/02/1999 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an quy định việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp), có thể thấy khối lượng công việc rất lớn của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp và các cơ quan phối hợp có liên quan như Tòa án, cơ quan Công an, thi hành án dân sự, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng… trong việc tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Do đó, cùng với việc tăng cường xây dựng Cơ sở dữ liệu ngày càng hoàn thiện, đầy đủ, giảm các trường hợp phải tra cứu, xác minh nhiều nơi thì các cấp, các ngành cũng cần tập trung nguồn lực, năng động, chủ động áp dụng các giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này trong tình hình mới.