Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Tư pháp và hệ thống thi hành án dân sự. Trong thời gian qua, bằng những nỗ lực, quyết tâm không nhỏ của cả hệ thống thi hành án dân sự, kết quả thi hành án tham nhũng, kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng và hiệu quả công tác thi hành án dân sự nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức thi hành án tham nhũng, kinh tế còn không ít tồn tại, hạn chế, hiệu quả thu hồi tài sản còn thấp, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tình trạng này xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Lãnh đạo một số cơ quan thi hành án dân sự chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chưa thực sự sâu sát, quyết liệt trong việc chỉ đạo; một bộ phận chấp hành viên chưa nhận thức được đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; khối lượng công việc mà các cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện là rất lớn với tính chất, quy mô của các vụ việc ngày càng phức tạp; còn có nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định pháp luật, một số quy định còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thực sự phù hợp; nhiều trường hợp người phải thi hành án có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù có thời hạn với mức án cao; một số nội dung bản án tuyên chưa rõ, không khả thi, khó thi hành hoặc dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau; tình trạng pháp lý của tài sản kê biên trong một số vụ việc hết sức phức tạp; công tác phối hợp giữa các cơ quan đôi khi còn chưa chặt chẽ…
Nội dung nêu trên được đề cập cụ thể trong bài viết “Công tác thu hồi tài sản của Nhà nước trong các vụ án hình sự về tham những, kinh tế” trong ấn phẩm 200 trang của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật “Hoàn thiện thể chế thi hành án dân sự trong giai đoạn hiện nay” xuất bản năm 2020. Theo đó, tác giả nêu và phân tích những kết quả đạt được, một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời đưa ra những giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.