Kể từ đó tới nay, trải qua 73 năm thành lập, Ngành Tư pháp Việt Nam với chức năng xuyên suốt về xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về công tác pháp luật và các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, đã bám sát thực tiễn trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, kịp thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành và tổ chức thi hành những chính sách pháp luật quan trọng, xây dựng các thiết chế pháp luật, tư pháp phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân[1]. Qua đó, Ngành Tư pháp đã đạt được những thành tựu trọng yếu, góp phần quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xác định rõ vai trò của công tác tư pháp trong hoạt động nhà nước và Bộ Tư pháp đã có mặt trong nội các của Chính phủ lâm thời, góp phần tích cực vào việc xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân mạnh mẽ và sáng suốt.
Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ Tư pháp đã nhanh chóng, khẩn trương tổ chức lại và điều hành khá thông suốt, linh hoạt hệ thống tư pháp kháng chiến gọn nhẹ. Bộ máy các cơ quan tư pháp và hệ thống pháp luật tố tụng được cải cách theo hướng tăng cường tính chất nhân dân của nền tư pháp, dân chủ hóa tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án, đưa tư pháp về gần dân, huy động nhân dân tham gia vào hoạt động tư pháp một cách thiết thực. Cùng với công tác tổ chức, Ngành Tư pháp luôn chăm lo công tác tuyển chọn, xây dựng và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán, dự thẩm, công tố viên, luật sư… theo tinh thần “phụng công thủ pháp, chí công vô tư”. Nhiều cán bộ tư pháp đã hy sinh tính mệnh của mình để góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của dân tộc và đã được suy tôn là “Chiến sĩ trên mặt trận Tư pháp”…
Trong suốt những năm đầu của Nhà nước dân chủ nhân dân, Bộ Tư pháp được giao trọng trách xây dựng một nền tư pháp nhân dân, quản lý toàn diện các mặt hoạt động tư pháp (theo nghĩa rộng), chịu trách nhiệm soạn thảo và tổ chức thi hành các đạo luật về quyền tự do, dân chủ của cá nhân, về dân sự, thương sự, hình sự và thủ tục tố tụng, tổ chức và quản trị các Tòa án, việc truy tố tội phạm, tư pháp công an, thi hành các án phạt, quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân, quản lý các viên chức Tòa án, viên chức ngạch tư pháp, luật sư, đại tụng viên, thừa phát lại, hỗ giá viên, phụ trách công việc quốc tịch, thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp và ủy thác tư pháp với nước ngoài...[2].
Cho đến nay, công tác tư pháp mà Ngành Tư pháp đang đảm nhận mặc dù không phải là việc thực hiện quyền tài phán - xét xử (tư pháp theo nghĩa hẹp), nhưng thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật, quản lý các hoạt động hành chính tư pháp và tư pháp bổ trợ giúp cho hoạt động xét xử được tiến hành thuận lợi, hiệu quả. Kể từ khi Bộ Tư pháp được thành lập lại (năm 1981) đến nay, công tác tư pháp được quy định cụ thể hơn, ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của đời sống thực tiễn và nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt sau gần 33 năm thực hiện đường lối đổi mới sâu sắc, toàn diện do Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, Bộ Tư pháp được giao nhiều trọng trách hơn, tổ chức của Ngành Tư pháp cũng từng bước được mở rộng, đội ngũ cán bộ, công chức được tăng cường, vai trò của công tác tư pháp và vị trí của Ngành Tư pháp trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định. Công tác tư pháp hiện đang phản ánh tính thống nhất của quyền lực nhà nước và mối liên hệ chặt chẽ của ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, thể hiện rõ tính chất hành chính - tư pháp trong quản lý nhà nước đối với các hoạt động tư pháp cũng như những hoạt động khác nhằm bảo đảm việc tôn trọng, thi hành Hiến pháp, pháp luật trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, đến nay, Ngành Tư pháp đã có bước phát triển mạnh mẽ. Thể chế các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngành Tư pháp tiếp tục được hoàn thiện. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngành Tư pháp từ xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp đến phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hợp tác quốc tế về pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác tư pháp và pháp luật... ngày càng được hoàn thiện và nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành theo pháp luật các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Hệ thống các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp như luật sư, công chứng phát triển mạnh về quy mô, mạng lưới và chất lượng hoạt động. Việc thí điểm thực hiện chế định thừa phát lại đã đạt được kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng ngày càng hiệu quả nhu cầu của nhân dân.
Hướng về cơ sở là chủ trương và phương châm hành động nhất quán của Ngành Tư pháp nhằm tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả công việc tư pháp từ cấp cơ sở. Đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch tại các xã, phường, thị trấn trong cả nước đang ngày đêm nỗ lực chăm lo mọi việc pháp lý liên quan đến quyền lợi của người dân trong suốt vòng đời sinh tử của họ, từ việc lấy vợ, lấy chồng, sinh con, nuôi con, giao dịch nhà đất, hòa giải các tranh chấp nhỏ trong đời sống ở thôn, làng... Bài học lớn nhất mà Ngành Tư pháp có được là luôn luôn biết lấy lợi ích của nhân dân và của dân tộc làm mục tiêu cho mọi cố gắng của mình. Hoạt động tư pháp không chỉ dừng lại ở tầm vĩ mô mà đang hướng về cơ sở đến tận xã, phường, thôn, ấp, nơi mỗi người dân đang sinh sống. Công tác tư pháp đã và đang góp phần không nhỏ vào việc thực hiện chủ trương, yêu cầu lớn hiện nay của Đảng và Nhà nước ta là ổn định trật tự xã hội và thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật[3].
Trong giai đoạn đổi mới, xây dựng Chính phủ kiến tạo, Ngành Tư pháp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng trong hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển kinh tế với kết quả hoàn thiện các luật, bộ luật “rường cột” của hệ thống pháp luật để kịp thời triển khai thi hành những tư tưởng tiến bộ trong Hiến pháp năm 2013 và đặc biệt đã chấm dứt nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; công tác thi hành pháp luật có nhiều chuyển biến căn bản, công tác thi hành án dân sự (năm 2017) tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay về việc và về tiền thi hành án; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử theo xu hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0...
Với bề dày 73 năm gắn kết chặt chẽ với sự nghiệp xây dựng và phát triển chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Ngành Tư pháp đã không ngừng phát triển, hy sinh hết mình - hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng, tạo nên những dấu ấn đậm nét trong thành tựu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Ngành Tư pháp đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1995), Huân chương Sao vàng (năm 2010), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2015) vì đã có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và của dân tộc./.
Ảnh sưu tầm: http://designs.vn