Với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã khiến tỉnh Quảng Ninh hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, bao gồm sự gia tăng mật độ người tham gia giao thông, gia tăng phương tiện đi lại, trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp, tình trạng ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông... Những vấn đề này đã không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường sống, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, mà còn gây bức xúc trong nhân dân. Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Quảng Ninh, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 380 vụ tai nạn giao thông, làm chết 232 người và bị thương 396 người, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Bên cạnh các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như: Tồn tại yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật khi lưu hành… thì một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông là ý thức khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, biểu hiện ở tình trạng vi phạm quy tắc giao thông, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện chiếm tỉ lệ cao. Vì vậy, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa giao thông trong nhân dân được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những biện pháp cơ bản, trọng tâm, thường xuyên, liên tục, lâu dài nhằm tạo ra chuyển biến căn bản về nhận thức của người tham gia giao thông qua đó kéo giảm tình hình ùn tắc và tai nạn giao thông.
Để công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành một mặt tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, nhân viên trong hệ thống do mình phụ trách quản lý, mặt khác phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, các cơ quan thông tấn, báo chí nhằm phổ biến kiến thức, kinh nghiệm lái xe an toàn, truyền tải các thông điệp về văn hóa giao thông cũng như cung cấp thông tin về tình hình giao thông trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn người dân tham gia giao thông được an toàn. Hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng và phong phú như: Tuyên truyền thông qua hệ thống chính trị thông qua các hình thức sinh hoạt chi bộ và tổ dân phố; tuyên truyền thông qua hệ thống thông tin đại chúng là phát thanh, truyền hình và các cơ quan báo chí; tuyên truyền cổ động trực quan thông qua việc lắp đặt các pano, áp phích, băng rôn trên các tuyến đường giao thông; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu luật giao thông đường bộ; tuyên truyền qua hệ thống các trường học cho khối học sinh - sinh viên.
Hoạt động tuyên truyền cũng được hướng đến nhiều đối tượng như học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, cộng đồng dân cư, hợp tác xã và xã viên trong hoạt động vận tải, đặc biệt đội ngũ lái xe khách, xe tải nặng, xe container, phụ xe, nhân viên phục vụ trên xe nhằm giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao thông. Quá trình tuyên truyền, các nội dung về xây dựng văn hóa giao thông; tác hại của việc sử dụng rượu bia đối với người điều khiển phương tiện; hậu quả của tai nạn giao thông đường bộ; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và chấp hành quy tắc khi tham gia giao thông; đi đúng phần đường, làn đường; dừng đỗ xe đúng nơi quy định được tập trung với tần suất cao gắn liền với với các mục tiêu, khẩu hiệu “Thiết lập trật tự kỷ cương giao thông”; “An toàn giao thông - trách nhiệm của mỗi người”; “Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe”; “Điều khiển xe đi đúng phần đường, làn đường”; “Hãy nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông”; “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy”; “Quan sát an toàn khi vượt qua đường sắt”; “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011 - 2020”. Nội dung tuyên truyền cũng thường xuyên được điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố trong từng giai đoạn và thời điểm.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai công tác tuyên truyền cho thấy vẫn còn tồn tại nhất định như:
- Công tác thông tin tuyên truyền vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn; nội dung tuyên truyền chưa đến được từng người dân, nhất là đối với thanh, thiếu niên ở địa bàn dân cư là thành phần chiếm tỉ lệ cao về vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và gây ra tai nạn giao thông.
- Số lượng người dân được trực tiếp tuyên truyền còn quá ít so với dân số của tỉnh, công tác tuyên truyền mới chỉ tác động đến các đối tượng là cán bộ, công chức, công nhân viên chức nhà nước và các đoàn viên hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội... trong khi các đối tượng không thuộc các diện trên ở địa bàn dân cư, đối tượng ở địa phương khác đến nhất là các đối tượng thường vi phạm luật giao thông, gây tai nạn và các đối tượng là nạn nhân của tai nạn giao thông (TNGT) chưa có các biện pháp tuyên truyền hiệu quả.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ ngoài kênh thông tin, truyền thông được tiến hành trên diện rộng và thường xuyên, liên tục thì trong khối các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, trường học, khu dân cư việc tuyên truyền tuy đảm bảo tính định kỳ, nội dung, thời lượng nhưng thời gian còn ít, mật độ thưa, nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền còn theo rập khuôn, chưa được đầu tư đổi mới, đa dạng hóa vì vậy còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa bền vững.
- Nội dung tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt trong công tác đảm bảo TTATGT đã được quan tâm chú ý, đặc biệt là những tấm gương cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông tận tụy trong công tác, giúp đỡ người già, trẻ em, thí sinh dự thi đại học, quét dọn vật liệu xây dựng đổ ra đường… là nguyên nhân tiềm ẩn gây tai nạn đã góp phần xóa bỏ định kiến của người dân đối với lực lượng Cảnh sát giao thông trong thời gian qua. Tuy nhiên, những hình ảnh đời thường phản ánh nét văn hóa giao thông, văn minh đô thị thường ngày vẫn còn ít, dấn đến tính định hướng trong xây dựng văn hóa giao thông chưa cao.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ninh có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo, lãnh đạo triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT đường bộ. Thực tế cho thấy, ở nơi nào có được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, thì nơi đó tình hình TTATGT đường bộ có chuyển biến rõ rệt, kiềm chế và giảm được TNGT. Do vậy, ngành Giao thông vận tải và lực lượng Công an tỉnh phải tranh thủ tối đa sự chỉ đạo và làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất cho các cấp ủy, chính quyền địa trên địa bàn tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị và quyết định quy định về công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT đường bộ phải được coi trọng hàng đầu. Đồng thời, tham mưu ban hành quy chế phân công, phân cấp, quy định rõ trách nhiệm cửa từng ngành, từng cấp; cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa các các cơ quan, tổ chức và công dân trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT đường bộ cũng như chấp hành luật giao thông và tham gia quản lý TTATGT đường bộ ở mỗi huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, nội dung hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT đường bộ phải cụ thể và bám sát với tình hình thực tế của tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là tình hình phức tạp về TTATGT nổi lên ở từng địa bàn huyện thị, thành phố. Chú trọng đổi mới nội dung tuyên truyền sao cho ngắn gọn, dễ hiểu tập trung vào việc thực hiện các quy tắc giao thông và trách nhiệm công dân khi vi phạm TTATGT. Đồng thời, qua tuyên truyền, giáo dục cũng để người dân ý thức được hậu quả của tai nạn giao thông, hậu quả của việc phóng nhanh, vượt ẩu, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông, từ đó, họ thấy được tác dụng của việc chấp hành luật giao thông, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, giáo dục cũng cần phổ biến và hướng dẫn người dân thực hiện “văn hóa giao thông” ứng xử văn minh khi tham gia giao thông.
Thứ ba, phải thường xuyên đổi mới về hình thức tuyên truyền. Coi trọng việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống cổ động thông tin cơ sở, đặc biệt là trên Đài Phát thành và Truyền hình của tỉnh. Thường xuyên cải tiến về nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng chuyên mục “An toàn giao thông”; bản tin “An toàn giao thông hàng ngày”. Phản ánh kịp thời những gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình tốt bằng kinh nghiệm đảm bảo TTATGT để nhân rộng. Xây dựng chuyên trang ATGT trên báo điện tử của tỉnh, các trang mạng xã hội để nhanh chóng cập nhật tình hình giao thông ở địa phương. Bổ sung số lượng, chất lượng các bản ảnh tuyên truyền lưu động và thường xuyên tổ chức các đợt triển lãm ở các địa bàn giao thông công cộng, trường học, các cụm dân cư. Tăng cường cung cấp thông tin, bài, gặp gỡ các phóng viên báo chí để định hướng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT đường bộ tạo sự đồng thuận của các cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình trong công tác bảo đảm TTATGT của tỉnh.
Thứ tư, cần gắn kết công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về TTATGT. Thông qua các mặt công tác của lực lượng chức năng để tuyên truyền đến người tham gia giao thông, tạo dư luận xã hội lên án các hành vi vi phạm TTATGT dẫn đến TNGT (lạng lách đánh võng, đua xe trái phép...), kịp thời đưa tin cảnh báo TNGT để mọi người chú ý, phòng ngừa. Khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, các lực lượng chức năng cũng phải tuyên truyền, giải thích cho đối tượng vi phạm là người tham gia giao thông biết các quy định pháp luật để họ nắm rõ hơn về lỗi vi phạm và chế tài xử phạt tương ứng để từ đó không tái phạm. Sử dụng các biện pháp xử phạt, cưỡng chế mạnh đối với những hành vi vi phạm TTATGT nhiều lần, áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung đối với những hành vi cố ý để đảm bảo tính răn đe.
Thứ năm, hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật về giao thông cần được đầu tư về kinh phí và các trang thiết bị kỹ thuật cần thiết. Tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động giao thông là vấn đề mang tính chiến lược để xây dựng văn hóa giao thông và bảo đảm TTATGT hiện nay và trong tương lai. Nó phải được đầu tư kinh phí và trang bị các phương tiện kỹ thuật thỏa đáng. Song trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà vấn đề nêu trên chưa được quan tâm đúng mức, đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông. Để khắc phục tình trạng trên, Uỷ ban nhân dân và Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Ninh cần nghiên cứu để đầu tư kinh phí thỏa đáng cho các hoạt động tuyên truyền pháp luật giao thông, đồng thời mua sắm trang bị cho các cơ quan chức năng những thiết bị kỹ thuật cần thiết phục vụ cho yêu cầu tuyên truyền giáo dục pháp luật, như: Máy ảnh, camera, máy chiếu, panô ảnh, biển báo hiệu đường bộ, các phương tiện đi lại, các thiết bị âm thanh điện tử… nhằm giúp các đơn vị này hoàn thành nhiệm vụ được giao./.
Đỗ Thị Thu Hà - Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân