1. Nhận diện công ty luật hợp danh
Theo quy định của Luật Luật sư năm 2006 thì công ty luật hợp danh (LHD) là một trong các tổ chức hành nghề luật sư. Công ty luật hợp danh do ít nhất hai luật sư thành lập và không có thành viên góp vốn[1]. Công ty luật hợp danh có những điểm đặc thù cơ bản sau đây:
Thứ nhất, công ty luật hợp danh có tư cách pháp nhân. Công ty LHD là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh, được đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật là thành viên. Công ty LHD do luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập thì đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có trụ sở của công ty[2]. Có thể nhận thấy, việc đăng ký hoạt động của công ty LHD khác việc đăng ký thành lập đối với các công ty thương mại thông thường. Các công ty này phải thực hiện việc đăng ký thành lập tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh. Theo số liệu mới nhất từ bài viết của ThS. Trần Minh Sơn trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/3/2015, Việt Nam có 63 Đoàn Luật sư, 9.436 luật sư, trong đó có 3.500 luật sư tập sự (TP. Hà Nội có 2.476 luật sư; TP. Hồ Chí Minh có 3.756 luật sư).
Thứ hai, thành viên công ty LHD phải là luật sư. Luật sư phải đáp ứng các điều quy định về năng lực hành vi dân sự, về trình độ năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp... Người muốn trở thành luật sư phải là những người có bằng cử nhân luật, đáp ứng các điều kiện về sức khỏe, năng lực, phẩm chất theo quy định của pháp luật. Họ cần phải trải qua thời gian đào tạo nghiệp vụ luật sư với thời gian 12 tháng[3]. Tuy nhiên, điều kiện để trở thành luật sư theo quy định của pháp luật Việt Nam có những điểm khác so với quy định của một số quốc gia khác. Theo quy định của Nhật Bản, người muốn trở thành luật sư trước hết phải tham gia kỳ thi quốc gia. Kỳ thi này được mở cho bất kỳ ai không kể là người tốt nghiệp đại học luật hay chưa có bằng đại học luật, không yêu cầu phải có quốc tịch Nhật Bản, không có bất kỳ một giới hạn nào về bằng cấp, độ tuổi hay giới tính. Tuy nhiên, đây là một kỳ được đánh giá là khó nhất trong các kỳ thi của Nhật Bản và tỷ lệ đỗ rất thấp, nên trên thực tế, phần lớn các thí sinh là cử nhân luật.
Công ty LHD do ít nhất hai luật sư thành lập và không có thành viên góp vốn. Quy định này cũng là một điểm khác so với thành viên công ty hợp danh thông thường. Công ty hợp danh thông thường ngoài thành viên hợp danh, công ty có thể có thành viên góp vốn[4]. Đối với Văn phòng luật sư thì Trưởng Văn phòng là người đại diện và là người chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Văn phòng luật sư. Các thành viên hợp danh (luật sư) đều có quyền đại diện cho công ty trước pháp luật. Các luật sư thành viên hợp danh trong công ty LHD có thể thống nhất phân công nhau đảm nhiệm các chức danh quản lý và kiểm soát công ty trong điều hành hoạt động kinh doanh của công ty. Ví dụ, một luật sư là thành viên công ty LHD ký hợp đồng dịch vụ pháp lý cho khách hàng, trong quá trình thực hiện các cam kết trong hợp đồng phía luật sư thực hiện không đúng cam kết, khách hàng khởi kiện đối với công ty (bị đơn).
Thứ ba, về trách nhiệm. Công ty hợp danh thông thường được áp dụng chế độ trách nhiệm hữu hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của công ty, thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn và thành viên góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn. Công ty LHD là một công ty hợp danh đặc thù, do đó, các luật sư là thành viên hợp danh sẽ chịu chế độ trách nhiệm vô hạn.
2. Những yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động của công ty luật hợp danh
Thực tế cho thấy có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình vận hành công ty LHD. Có những yếu tố bên trong và có yếu tố bên ngoài, có yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và có yếu tố ảnh hưởng gián tiếp. Cụ thể:
Một là, Điều lệ công ty. Trong các văn kiện cấu thành công ty thì bản điều lệ đóng vai trò rất quan trọng khi công ty hoạt động. Điều lệ công ty được coi là một trong những “cốt lõi” làm nên sự thành công của công ty và được hình thành trên nền tảng của sự đồng thuận hay cam kết của các luật sư. Thực tế cho thấy, do hệ thống pháp luật chưa thực sự minh bạch, rõ ràng, vì vậy các vấn đề về tổ chức, điều hành, quyền và nghĩa vụ của các thành viên... càng cần thiết trong Điều lệ công ty. Về nguyên tắc, Điều lệ công ty không được trái với các quy định của pháp luật, nhưng điều đó cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với việc Điều lệ công ty chỉ là một bản sao chép những điều luật. Điều lệ công ty quy định rõ quy chế tổ chức, quản lý công ty, thể hiện sự đồng thuận của luật sư là thành viên hợp danh, vì vậy, Điều lệ công ty có tính chất bắt buộc thi hành với công ty và các thành viên của nó. Điều lệ công ty không chỉ điều chỉnh các quan hệ nội bộ giữa các thành viên trong công ty với nhau, thành viên công ty với công ty, mà còn điều chỉnh mối quan hệ đối ngoại của công ty với những người liên quan. Do đó, Điều lệ công ty tốt cũng là nhân tố khẳng định trình độ quản lý, khả năng phát triển công ty.
Hai là, cơ chế phân chia quyền lực trong công ty. Cơ cấu tổ chức, điều hành, cơ chế quản lý công ty LHD dựa trên nền tảng mà ở đó chịu sự chi phối của những yếu tố khác nhau. Trong cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý công ty LHD không có sự phân chia quyền lực rõ ràng giữa các thành viên. Sự phân chia quyền lực này không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ góp vốn của thành viên, mà còn được xây dựng trên cơ sở tư cách pháp lý của thành viên. Đây là một điểm khác biệt về phân chia quyền lực của công ty LHD với các loại hình công ty khác. Ở mô hình công ty LHD thì quyền đại diện cho công ty thuộc về tất cả các thành viên hợp danh (luật sư). Các thành viên hợp danh thống nhất lựa chọn người đại diện cho công ty trong số các thành viên hợp danh của công ty. Việc thiết lập quyền bình đẳng giữa các thành viên hợp danh được ghi nhận mà không phụ thuộc vào tỷ lệ chiếm hữu vốn trong công ty nhiều hay ít. Và đương nhiên, ở công ty LHD, người đại diện là thành viên công ty và phải là luật sư. Cơ sở để minh chứng người đại diện cho công ty LHD được ghi nhận bằng các cơ sở pháp lý: (i) Ghi nhận tại hợp đồng thành lập công ty; (ii) Ghi nhận trong Điều lệ công ty; (iii) Ghi nhận trong Giấy đăng ký hoạt động. Công ty luật hợp danh được điều chỉnh bằng các thiết chế pháp luật chung đối với doanh nghiệp, đồng thời nó được điều chỉnh bởi các thiết chế pháp luật chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực ngành nghề, phong tục, tập quán, quy ước và đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Điều đó không chỉ tạo nên sự khác biệt trong việc phân chia quyền lực trong công ty so với các loại hình công ty khác, mà nó còn góp phần thể hiện tính chuyên nghiệp và bền vững trong quản trị công ty luật.
Ba là, cơ cấu thành viên của công ty. Công ty thông thường có thể/và không chỉ gồm một loại thành viên. Việc phân loại thành viên công ty căn cứ theo những tiêu chí khác nhau như: Nguồn vốn đầu tư, tư cách pháp lý hay mức độ và tỷ lệ chiếm giữ vốn góp trong công ty. Mỗi loại thành viên có một địa vị pháp lý khác nhau trong quá trình thành lập, tồn tại và phát triển của công ty. Khác với những công ty thông thường, thành viên công ty LHD phải là các luật sư5, không có thành viên góp vốn. Việc quy định như vậy mang tính đặc thù đối với các tổ chức hành nghề luật sư, trong đó có công ty LHD. Đồng thời cũng đảm bảo tính liên đới trách nhiệm của các luật sư là thành viên công ty. Đối với công ty LHD thì tính chất đồng chủ sở hữu trong công ty tạo nên “xương sống” quyết định việc chia sẻ quyền lực trong công ty cũng như tạo ra các dòng “huyết mạch” nuôi sống và làm bền vững hoạt động công ty.
Bốn là, trình độ, năng lực lãnh đạo và đạo đức nghề nghiệp của luật sư - thành viên công ty. Luật sư khi hành nghề trong công ty LHD không chỉ là những nhà đầu tư thuần túy, mà họ còn là những luật sư có thể cung cấp các sản phẩm dịch vụ pháp lý cao mang tính chuyên môn và chuyên nghiệp hóa cho khách hàng. Trình độ, năng lực của luật sư góp phần rất lớn trong tổ chức, điều hành công ty luật. Sự hướng tới chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa của luật sư là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, với góc nhìn nghề luật là một nghề đặc biệt thì trình độ, năng lực của luật sư không chỉ chịu sự điều chỉnh của các thiết chế pháp luật với tư cách là một nhà kinh doanh mà hơn nữa trách nhiệm của họ phải luôn đi cùng với đạo đức nghề nghiệp - nghề luật. Đây vừa là một đòi hỏi và cũng là một vinh dự cho những người hành nghề luật - một nghề đặc biệt trong đời sống xã hội và đời sống pháp lý. Trách nhiệm đó đòi hỏi ở các luật sư không chỉ trình độ, năng lực mà còn cần sự cẩn trọng, trung thành và mẫn cán của luật sư đối với cộng đồng vì công lý và mang tính nhân văn cao cả.
3. Kết luận
Nghề luật sư là một nghề mang tính tự do, dựa trên sự hiểu biết pháp luật và áp dụng pháp luật, mà chức năng cơ bản là phụng sự công lý và mục đích cao cả của hoạt động tư pháp. Hoạt động của luật sư thông qua các tổ chức hành nghề luật sư. Công ty LHD là loại hình công ty với nhiều tính đặc thù từ thành viên, cơ cấu tổ chức, quản lý đến việc phân chia quyền lực, quyền quản lý công ty được giao cho các luật sư. Công ty LHD gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường do tác động của nhiều yếu tố khác nhau, có yếu tố mang tính chủ quan và có yếu tố mang tính khác quan. Điều đó cho thấy, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, việc nhận diện công ty LHD cần xác định trên cơ sở nguồn gốc, nền tảng kinh tế và pháp lý của loại hình công ty này.
LS. Nguyễn Minh Đức, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
[1]. Khoản 2 Điều 34 Luật Luật sư năm 2006
[2]. Khoản 1 Điều 35 Luật Luật sư năm 2006.
[3]. Theo quy định của Luật Luật sư năm 2012 thì việc đào tạo tại Liên đoàn luật sư Việt Nam.
[4]. Điều 172 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[5]. Điều 34 Luật luật sư năm 2006.