Sau 07 năm thực hiện, chúng tôi thấy có rất nhiều quy định trong Thông tư bất cập, mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn, từ đó dẫn tới việc khó quản lý, kiểm soát và xử lý việc hoạt động dạy thêm, học thêm không đúng quy định. Vì vậy, đã đến lúc cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu nghiêm túc để sửa đổi kịp thời, cụ thể:
Một là, theo quy định tại Luật Đầu tư và nghị định hướng dẫn thì điều kiện đầu tư kinh doanh phải quy định từ tầm nghị định trở lên. Ngày 21/4/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Trong Nghị định này thì hoạt động dạy thêm, học thêm không phải là kinh doanh có điều kiện.
Qua rà soát Thông tư số 17 chúng tôi thấy rằng, rất nhiều điều kiện được đặt ra đối với tổ chức hoạt động này như: Cấp phép dạy thêm, học thêm (Điều 12, 13, 14); cam kết của tổ chức dạy thêm, học thêm với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm về thực hiện các quy định giữ gìn trật tự, an ninh, bảo đảm vệ sinh môi trường (Điều 6). Theo chỉ đạo của Chính phủ thì các bộ phải rà soát để loại bỏ các điều kiện này.
Hai là, theo Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì trong các hành vi bị nghiêm cấm có hành vi quy định về thủ tục hành chính trong thông tư của Bộ trưởng. Điều này có nghĩa là thủ tục hành chính không được quy định trong thông tư mà phải quy định tại các văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Qua ra soát, hàng loạt các thủ tục hành chính được đặt ra tại Thông tư số 17 như quy định về hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm (Điều 12), trình tự, tủ tục cấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 13). Vì vậy, khi sửa Thông tư số 17 cần phải loại bỏ các thủ tục này hoặc phải kiến nghị để nâng thông tư thành nghị định của Chính phủ.
Ba là, theo xu thế, nhiều hoạt động dạy thêm, học thêm thông qua mạng internet, trực tuyến. Tuy nhiên, trong Thông tư số 17 không đề cập để điều chỉnh và như vậy, một số quy định về như: Diện tích phòng học, địa điểm dạy thêm, công trình vệ sinh nơi dạy học (Điều 10)… sẽ trở nên lạc hậu.
Thứ tư, Thông tư số 17 có nhiều quy định rất “lỏng lẻo”, trên thực tế, giáo viên có thể “lách” dễ dàng như: Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Từ quy định này, giáo viên có thể tổ chức dạy thêm thông qua “thuê” người khác đứng tên mà các cơ quan quản lý không kiểm soát được.
Quy định trong hồ sơ cấp giấp phép phải có danh sách trính ngang người đăng ký dạy thêm đảm bảo các yêu cầu theo quy định (khoản 1 Điều 12). Trên thực tế, khi xin cấp phép, nhiều tổ chức “mượn” danh sách trích ngang người đủ điều kiện. Tuy nhiên, khi hoạt động thì chính cơ quan quản lý không thể kiểm soát được người dạy.
Thứ năm, Thông tư số 17 quy định trách nhiệm cho các chủ thể quản lý dạy thêm, học thêm như Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 15, Điều 17), Sở giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo (Điều 16, Điều 18), hiệu trưởng và thủ trưởng các cơ sở giáo dục và tổ chức, cá nhân liên quan (Điều 19, Điều 20). Tuy nhiên, chúng tôi thấy, đây là những trách nhiệm quản lý còn chung chung, thiếu những quy định mang tính chất ràng buộc, chế tài. Điều này có thể dẫn tới thiếu kiểm tra, quản lý sát sao, thậm chí có thể buông lỏng. Do đó, cần phải quy định chặt chẽ, mạnh mẽ, gắn trách nhiệm quản lý người đứng đầu địa phương; trách nhiệm phối hợp trong xử lý giữa các cơ quan.
Ngoai ra, nhiều quy định trong Thông tư số 17 cần phải định lượng được về các điều kiện, tiêu chuẩn như: Giáo viên, chương trình, thời gian học, địa điểm, cơ sở vật chất… thì các cơ quan quản lý cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc tổ chức, cá nhân vi phạm (ngoài phạt tiền ra, nếu cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng thì rút giấy phép, quy định thời gian tối thiểu được cấp lại khi đủ điều kiện), cập nhật công khai các tổ chức, cá nhân có vi phạm trên trạng điện tử của đơn vị quản lý dạy thêm, học thêm…
Từ những bất cập, hạn chế và có nhiều quy định “lạc hậu” nêu trên, chúng tôi thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta phải sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17 nhằm tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, chặt chẽ, phù hợp để có thể quản lý hoạt động ngày một cách hiệu quả./.
Học viện Hành chính quốc gia