1. Một số hoạt động chính trong khuôn khổ Đại hội
Thứ nhất, phiên khai mạc Đại hội dự kiến tổ chức vào sáng ngày 10/3/2022. Nội dung chính gồm: Diễn văn khai mạc, Báo cáo chính trị và Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành khóa XII, phóng sự ngắn, một số tham luận và phát biểu chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, các phiên chính thức khác của Đại hội gồm: Các tham luận/thảo luận (tại 05 trung tâm và tại hội trường), Bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Năm khóa XIII.
Thứ ba, phiên bế mạc: Báo cáo kết quả phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khóa XIII, ra mắt Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khóa XIII; thông qua Nghị quyết Đại hội.
Thứ tư, các hoạt động bên lề Đại hội:
(i) Chương trình Đối thoại với Thủ tướng Chính phủ với chủ đề “Đối thoại 2030 - Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ” tổ chức vào chiều ngày 09/3/2022;
(ii) Triển lãm “Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam - viết tiếp những ước mơ” tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình khai mạc vào sáng ngày 09/3/2022;
(iii) Phát động phụ nữ và nhân dân cả nước ủng hộ bằng tin nhắn nhằm xây dựng 130 mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ vùng biên cương trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”;
(iv) Lễ phát động Tết trồng cây chào mừng thành công Đại hội vào sáng ngày 12/3/2022, với mục tiêu trong dịp này, cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước trồng 130.000 cây xanh.
2. Một số điểm mới của Đại hội
Một là, trong quá trình chuẩn bị, dự thảo báo cáo chính trị được thảo luận, lấy ý kiến từ Đại hội cấp huyện (sớm hơn 01 cấp so với các nhiệm kỳ trước). Các vấn đề/giải pháp mới đều có các nghiên cứu, chuyên đề triển khai trước khi xây dựng dự thảo văn kiện, để từ đó, đưa ra các giải pháp phù hợp cho 05 năm tới.
Hai là, tổ chức đồng thời 05 trung tâm thảo luận nhằm tạo điều kiện cho các đại biểu được thảo luận, tham luận theo các chủ đề mình quan tâm, có nhiều thời gian, cơ hội để trao đổi, bàn luận vè những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả phương hướng hoạt động trong 05 năm tới.
Ba là, các hoạt động bên lề hưởng ứng các phong trào lớn của đất nước như Tết trồng cây góp phần thực hiện chương trình trồng 01 tỷ cây xanh và khôi phục kinh tế hậu Covid-19 bằng các mô hình hỗ trợ sinh kế.
Bốn là, về phương hướng nhiệm kỳ 2022 - 2027, lần đầu tiên xác định 05 quan điểm phát triển, có tính định hướng trong xây dựng phương hướng nhiệm kỳ mới và nhiều năm tiếp theo. Các nhiệm vụ trọng tâm được thiết kế xoay quanh 03 yếu tố quan trọng đối với phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, đó là:
(i) Xác định hội viên, phụ nữ là nhân tố sống còn - liên quan đến chức năng đại diện của Hội, nhiệm vụ 01 tập trung các nội dung và giải pháp chủ yếu nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
(ii) Xác định việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội, nhiệm vụ 02 tập trung các nội dung và giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội và vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.
(iii) Xác định xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ 03 tập trung các nội dung và giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến.
3. Những điểm chính trong phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2022 - 2027 của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam
3.1. Phong trào thi đua và Cuộc vận động
Sau 04 nhiệm kỳ thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, nhiệm kỳ 2022 - 2027, nhằm cụ thể hóa nội dung Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”. Nội hàm của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới được xác định theo các tiêu chí của con người Việt Nam trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tiếp tục được phát động trong nhiệm kỳ 2022 - 2027 trên cơ sở những kết quả đạt được của Cuộc vận động trong các nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, nội hàm của cuộc vận động có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới theo hướng toàn diện hơn, không chỉ góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 với các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, mà còn góp phần xây đựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Riêng tại những địa bàn thực hiện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu sẽ thí điểm xây dựng gia đình “5 có, 3 sạch” (5 có gồm: Có ngôi nhà an toàn; có sinh kế bền vững; có sức khỏe; có kiến thức; có nếp sống văn hóa).
3.2. Khâu đột phá
Nhiệm kỳ 2022 - 2027 xác định 02 khâu đột phá mang tính chất giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ, cụ thể:
(i) Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội nhằm phù hợp với định hướng xây dựng xã hội số, chuyển đổi số của đất nước; ứng dụng và phát triển công nghệ mới là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế, thích ứng với bối cảnh mới, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
(ii) Đồng hành xây dựng cơ sở Hội vững mạnh nhằm tập trung giải quyết khâu yếu của nhiệm kỳ trước về chất lượng hoạt động của chi hội, tổ phụ nữ, đồng thời đưa hoạt động của Hội ngày càng sát với hội viên, phụ nữ - chủ thể và trung tâm của phát triển.
3.3. Nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu
Nhiệm kỳ 2022 - 2027 xác định 03 nhiệm vụ theo 03 yếu tố quan trọng của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội:
Thứ nhất, tập trung các nội dung và giải pháp chủ yếu nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Trong đó, trọng tâm là các nội dung sau: (i) Xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế; (ii) Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em; (iii) Hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Thứ hai, tập trung các nội dung và giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Trong đó, trọng tâm là các nội dung sau: (i) Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; (ii) Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; (iii) Thực hành dân chủ cơ sở, thực hiện hiệu quả chức năng đại diện của tổ chức Hội; (iv) Vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.
Thứ ba, tập trung các nội dung và giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, hội nhập quốc tế. Trong đó, trọng tâm là các nội dung sau: (i) Phát triển mạng lưới, thu hút hội viên, thành viên; (ii) Nâng cao chất lượng cán bộ, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội các cấp; (iii) Xây dựng văn hóa tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành bộ máy cơ quan chuyên trách và hệ thống Hội; (iv) Nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng của tổ chức Hội trong quan hệ đối ngoại.
Để thực hiện 03 nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm kỳ tới sẽ có 04 nhóm giải pháp chung là: (i) Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức; (ii) Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; (iii) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; (iv) Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và vận động nguồn lực./.
Ảnh: internet
(Theo Tài liệu tuyên truyền Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022 - 2027)