Theo Bộ luật Hình sự năm 1999, trong số các hình phạt chính được quy định thì có 4 hình phạt không tước tự do của người phạm tội, bao gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và trục xuất. Các hình phạt chính không tước tự do có vai trò quan trọng không chỉ bảo đảm nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt mà còn thể hiện được rõ chính sách nhân đạo của luật hình sự. Việc tăng cường hiệu quả của các hình phạt không tước tự do là một trong những vấn đề đang được đặt ra trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 1999 nhằm tiếp tục tăng cường chính sách nhân đạo, tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội đã được thể hiện trong Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Quyết định hình phạt là một khâu quan trọng trong quá trình áp dụng luật hình sự. Quyết định hình phạt và việc nâng cao hiệu quả của hình phạt có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Các hình phạt không tước do cần phải được quy định rõ ràng về bản chất, nội dung và điều kiện áp dụng, trong đó có sự phân biệt giữa các hình phạt không tước tự do và các hình phạt tước do về điều kiện áp dụng, mục đích áp dụng.
Để đảm bảo hiệu quả của các hình phạt chính không tước tự do trong pháp luật hình sự Việt Nam cần đưa ra các yêu cầu, các tiêu chuẩn cụ thể trong quá trình lập pháp, quá trình quyết định hình phạt và quá trình chấp hành hình phạt. Tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, trân trọng kính mời quý bạn đọc đón đọc bài viết "Đảm bảo hiệu quả của các hình phạt không tước tự do trong luật hình sự Việt Nam" của tác giả Nguyễn Minh Khuê đăng tải trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số định kỳ tháng 3 (276) năm 2015.
Vinh Nguyễn