1. Quyền tự do gia nhập thị trường theo quy định của pháp luật
1.1. Thủ tục chuẩn bị đăng ký gia nhập thị trường
a. Xây dựng điều lệ công ty
Ở Hoa Kỳ, các bang khác nhau có quy định khác nhau về điều lệ công ty (chứng chỉ thành lập công ty). Pháp luật doanh nghiệp của Bang Delaware không quy định về điều lệ công ty mà có quy định về chứng chỉ thành lập công ty cổ phần với các nội dung như: Tên công ty, địa chỉ công ty, mục đích kinh doanh, tên và địa chỉ thành viên sáng lập[1]. Pháp luật không can thiệp vào nội dung chi tiết của điều lệ công ty. Các chủ thể tham gia có quyền tự do quyết định nội dung điều lệ công ty. Theo pháp luật Nhật Bản, công ty cổ phần khi thành lập phải có điều lệ công ty. Điều lệ công ty cần phải ghi rõ các mục sau: Mục đích, tên thương mại, địa điểm trụ sở chính[2]... Những nội dung khác của điều lệ công ty các chủ thể kinh doanh hoàn toàn có quyền quyết định.
Pháp luật Trung Quốc cũng có quy định các công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn (TNHH) phải có điều lệ công ty khi thành lập. Ví dụ, điều kiện để thành lập công ty TNHH là các thành viên cùng nhau xây dựng điều lệ công ty[3]. Điều lệ của công ty TNHH phải ghi rõ các nội dung như: Tên và nơi đặt trụ sở; phạm vi kinh doanh; vốn đăng ký...[4]. Luật Công ty của Trung Quốc tuy có yêu cầu ghi nhận rất nhiều mục trong điều lệ nhưng cũng không can thiệp vào quyền tự do quyết định nội dung điều lệ công ty của các chủ thể kinh doanh. Pháp luật doanh nghiệp Việt Nam cũng như pháp luật của các nước, quy định khi thành lập công ty cổ phần, TNHH và hợp danh phải có điều lệ công ty. Pháp luật tôn trọng quyền tự do của chủ thể kinh doanh khi xây dựng điều lệ công ty. Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định khá chi tiết các mục trong điều lệ công ty, nhưng ở mỗi mục, các chủ thể hoàn toàn tự do quyết định những nội dung bên trong. Luật Doanh nghiệp năm 2014 tương đồng với pháp luật của các nước trên thế giới.
b. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký đầu tư
Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp rất đơn giản, gồm có: Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, điều lệ công ty, danh sách thành viên, bản sao giấy tờ liên quan của thành viên[5]. Quyền tự do gia nhập thị trường của chủ thể mở rộng, biểu hiện: Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, hồ sơ đăng ký được gọi là “đăng ký doanh nghiệp” thay vì “đăng ký kinh doanh” như các Luật Doanh nghiệp trước đó. Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp (Nghị định số 78/2015/NĐ-CP) đã bỏ giấy tờ xác định vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề và các loại giấy phép khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
So với hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam, Luật Công ty của Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng như yêu cầu khai rõ mục đích, tên thương mại, trụ sở, thành viên, người đại diện[6]... Riêng đối với hai loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần và công ty TNHH, Luật Công ty Nhật Bản yêu cầu khi đăng ký phải khai thông tin về vốn điều lệ[7]. Các loại hình doanh nghiệp khác không phải khai thông tin về vốn điều lệ. Điều này cho thấy, hồ sơ thành lập công ty tại Nhật Bản đơn giản hơn so với thành lập theo pháp luật Việt Nam. Luật Công ty Trung Quốc quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phức tạp hơn so với pháp luật của Việt Nam và Nhật Bản. Ví dụ, theo quy định về thành lập công ty cổ phần, Hội đồng quản trị phải nộp các tài liệu và đăng ký thành lập công ty gồm: Giấy đề nghị thành lập công ty; biên bản cuộc họp khai mạc; điều lệ công ty[8]...
Đối với thủ tục đầu tư, hồ sơ đăng ký đầu tư được ghi nhận tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014 khá rõ ràng, chi tiết và tương đối đơn giản. Tuy vậy, hồ sơ đối với dự án có chủ trương đầu tư khá phức tạp khi yêu cầu có thêm một số tài liệu về phương án giải phóng mặt bằng và di dân (nếu có); đánh giá tác động môi trường và giải pháp về môi trường; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù (nếu có)[9]. Quy định về tài liệu giải phóng mặt bằng, di dân, đánh giá tác động môi trường… nhằm hài hòa quyền lợi của nhà đầu tư và cộng đồng dân cư. Do đó, quy định này không làm hạn chế quyền tự do kinh doanh, mà là quy định ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư đối với quyền lợi của chủ thể khác, đảm bảo phát triển kinh tế một cách bền vững.
So với Luật Đầu tư của Việt Nam, pháp luật Nhật Bản có quy định khác về hồ sơ đăng ký đầu tư. Các nhà đầu tư vào Nhật Bản đăng ký đầu tư bằng cách đăng ký doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị thành lập doanh nghiệp; tài liệu chứng minh sự tồn tại của trụ sở chính; tài liệu chứng minh năng lực của người đại diện tại Nhật Bản[10]... Với quy định về hồ sơ này sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng gia nhập thị trường. Tuy vậy, trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp chưa có những yêu cầu sơ khởi thể hiện trách nhiệm của nhà đầu tư đối với cộng đồng.
Theo pháp luật đầu tư Trung Quốc, hồ sơ đăng ký đầu tư có nhiều điểm tương đồng với pháp luật Việt Nam như: Đơn xin thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; báo cáo nghiên cứu khả thi; các điều lệ doanh nghiệp; văn bản trả lời của chính quyền địa phương liên quan ở cấp quận nơi thành lập doanh nghiệp nước ngoài[11]... Với yêu cầu phải có văn bản trả lời của địa phương trong hồ sơ là một trong những quy định làm hạn chế quyền tự do của chủ thể khi gia nhập thị trường. Quy định về hồ sơ đăng ký đầu tư của Trung Quốc cũng chưa có sự phân loại theo các lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư để có những yêu cầu ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư đối với cộng đồng.
1.2. Thủ tục đăng ký gia nhập thị trường
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, thủ tục đăng ký doanh nghiệp được quy định khá đơn giản. Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định: Chủ thể kinh doanh tiến hành gửi hồ sơ hợp lệ và nhập vào hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thêm vào đó, với dữ liệu được chuẩn hóa, doanh nghiệp không cần phải đi đăng ký thuế mà được cơ quan thuế cung cấp cùng với mã số doanh nghiệp. Hiện nay, lệ phí đăng ký doanh nghiệp[12] là 200.000 VNĐ cho một doanh nghiệp. Đây là mức lệ phí không cao và các chủ thể kinh doanh dễ dàng chi trả khi thành lập doanh nghiệp.
Đối với thủ tục đăng ký đầu tư, theo Luật Đầu tư năm 2014, thủ tục đã rút ngắn thời gian đáng kể so với giai đoạn trước đây. Trường hợp đầu tư dưới dạng góp vốn thì thủ tục đăng ký tối đa là 15 ngày[13]. Trường hợp dự án phải đăng ký đầu tư thì thời gian có kết quả không quá 15 ngày[14]. Trường hợp dự án đầu tư có chủ trương thì thời gian để xử lý hồ sơ và ra quyết định là khác nhau[15]: (i) Chủ trương của UBND cấp tỉnh: Tổng thời gian có thể kéo dài hơn 01 tháng; (ii) Chủ trương của Chính phủ: Thời gian có thể kéo dài trên 02 tháng; (iii) Chủ trương của Quốc hội: Tổng thời gian có thể kéo dài nhiều tháng.
Tại Singapore, “đăng ký doanh nghiệp được thực hiện thông qua Bizfile và toàn bộ quy trình sẽ được hoàn tất trong vòng một giờ. Phí đăng ký là 300 SGD. Thời gian hoàn thành thủ tục đăng ký doanh nghiệp không đến 01 ngày với thủ tục đăng ký online”[16]. So với Việt Nam, thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại Singapore đơn giản hơn, thời gian xử lý nhanh hơn đã tạo cho chủ thể dễ dàng gia nhập thị trường hơn. Ở Trung Quốc, tổng thời gian xin giấy phép kinh doanh, xin cấp mã doanh nghiệp và mã số thuế thì thủ tục lên tới 11 ngày. Kể từ ngày 01/01/2015, phí đăng ký kinh doanh được hủy bỏ[17]. Thủ tục đăng ký doanh nghiệp của Trung Quốc dài hơn so với Việt Nam. Tuy vậy, quy định bỏ lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại Trung Quốc ưu việt hơn so với Việt Nam. Nam Phi đưa ra 04 cách khác nhau để đăng ký doanh nghiệp nhưng cách phổ biến nhất là đăng ký thông qua website của Ủy ban doanh nghiệp và sở hữu trí tuệ. Thời gian xử lý và trả lời khoảng 10 ngày với mức phí là 125 ZAR[18]. So với thủ tục đăng ký doanh nghiệp của Nam Phi, thủ tục đăng ký theo pháp luật Việt Nam ngắn hơn. Điều này tạo điều kiện rất lớn để chủ thể kinh doanh của Việt Nam dễ dàng gia nhập thị trường.
Đánh giá cả quá trình phát triển từ những năm 1990 đến nay và so sánh với các quốc gia khác trên thế giới, pháp luật về doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường. Điều này được minh chứng thông qua đánh giá xếp hạng về cơ hội gia nhập thị trường của chủ thể (Starting a Business) ở Việt Nam từ năm 2004 - 2017 so với một số nước trên thế giới:
Dựa vào số liệu DTF - Starting a business[19] từ cơ sở dữ liệu của World Bank từ năm 2004 đến nay, chỉ số DTF - Starting a business của Việt Nam có sự thay đổi ngoạn mục từ 66,10 của năm 2004 lên 81,76 của năm 2017. Tuy vậy, so với Singapore thì chỉ số DTF của Việt Nam còn thấp. Để quyền tự do gia nhập thị trường của các chủ thể trở nên phổ quát, thì Việt Nam cần có một số thay đổi để tháo gỡ những “rào cản” tới quyền này.
2. Một số kiến nghị nhằm đảm bảo quyền tự do nhập thị trường của chủ thể kinh doanh ở Việt Nam
Thứ nhất, về thủ tục thông báo con dấu
Khoản 2 Điều 34 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định, trước khi sử dụng con dấu phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp trước khi sử dụng con dấu phải tiến hành một loạt các thủ tục về đăng ký con dấu theo Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu mà sau đó vẫn phải đến phòng đăng ký kinh doanh để làm thủ tục thông báo trước khi sử dụng. Theo chúng tôi, nên bỏ quy định về thông báo sử dụng con dấu trước khi sử dụng; có sự liên kết dữ liệu giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với cơ quan đăng ký mẫu con dấu; chủ thể kinh doanh phải đăng ký chữ ký số khi thành lập doanh nghiệp.
Thứ hai, về mối quan hệ giữa chứng nhận đầu tư và thành lập doanh nghiệp
Theo khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư năm 2014: “… trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư…”. Thiết nghĩ, quy định trên là không hợp lý và làm hạn chế quyền gia nhập thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Chúng tôi kiến nghị hủy bỏ quy định trên. Ngoài ra, để Nhà nước quản lý được dòng tiền, dự án đầu tư nhưng không làm hạn chế quyền tự do gia nhập thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài, nên quan tâm: (i) Quy định danh mục dự án không cần đăng ký đầu tư và dự án phải đăng ký đầu tư dựa vào các tiêu chí sau: Chủ thể đầu tư; quy mô đầu tư; tính chất của dự án đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào dự án quy mô nhỏ, thông thường không phải tiến hành thủ tục đăng ký đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế; (ii) Khi thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cần bổ sung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nội dung mục đích kinh doanh để cơ quan quản lý nắm được mục đích của các nhà đầu tư hướng tới khi đầu tư vào Việt Nam với hình thức thành lập tổ chức kinh tế; (iii) Nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam cần phải đăng ký tài khoản ngân hàng tại ngân hàng Việt Nam hoặc các chi nhánh của ngân hàng Việt Nam trên thế giới và nộp tiền vào tài khoản đó theo quy định.
Thứ ba, về thời gian và lệ phí đăng ký doanh nghiệp
So với Singapore, thời gian đăng ký và cấp chứng nhận doanh nghiệp của Việt Nam còn khá dài. Vì vậy, với sự hỗ trợ và phát triển của công nghệ thông tin, chúng tôi kiến nghị trong thời gian tới rút ngắn thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận xuống còn 01 ngày làm việc. Thêm vào đó, từng bước Việt Nam giảm lệ phí và tiến tới miễn phí đối với thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Nếu thời gian và lệ phí đăng ký giảm sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm gia nhập thị trường và quyền tự do kinh doanh được bảo đảm.
Thứ tư, rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục đầu tư
Singapore - quốc gia được đánh giá xếp hạng thứ hai và Nhật Bản - quốc gia được đánh giá xếp hạng thứ 34 trong 190 quốc gia về chỉ số “dễ dàng kinh doanh”[20] đều tích hợp thủ tục cấp chứng nhận đầu tư và chứng nhận doanh nghiệp. Vì vậy, để các nhà đầu tư dễ dàng gia nhập thị trường thì Việt Nam nên tích hợp thủ tục trên để rút ngắn thời gian cấp chứng nhận đầu tư. Thiết nghĩ trong Luật Đầu tư không nên quy định số ngày tuyệt đối để hoàn tất thủ tục cấp chứng nhận đầu tư. Nên chăng, thời gian hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư sẽ được công bố hàng năm theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điều này sẽ tạo nên sự ổn định của Luật và những quy định mới về thời gian đăng ký đầu tư phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ năm, hài hòa quyền lợi của nhà đầu tư và lợi ích của cộng đồng
Nghiên cứu pháp lý về mối quan hệ giữa luật đầu tư quốc tế và luật nhân quyền quốc tế cho đến nay là nghiên cứu về hai lĩnh vực pháp lý mâu thuẫn nhau[21]. Các nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư có khả năng làm cản trở các quốc gia thực hiện nghĩa vụ bảo vệ quyền con ngườ[i22]. Tuy vậy, luật đầu tư quốc tế và luật nhân quyền quốc tế vẫn có thể tồn tại song song và tương đồng[23]. Vì vậy, trên tinh thần tôn trọng quyền tự do gia nhập thị trường của các nhà đầu tư nhưng vẫn phải dung hòa với quyền của cộng đồng, thiết nghĩ Luật Đầu tư cần ghi nhận như sau: (i) Dự án cần phải di dân: Có phương án giải phóng mặt bằng, đền bù và di dân; (ii) Dự án ảnh hưởng tới môi trường: Có đánh giá sơ bộ tác động môi trường và giải pháp bảo vệ môi trường; (iii) Dự án ảnh hưởng tới dân sinh: Có đánh giá sơ bộ tác động tới dân sinh và phương án sử dụng lao động tại địa phương hoặc tạo điều kiện cư dân tiếp cận được công việc mới.
Thứ sáu, cải cách hành chính
Việt Nam cần xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin và liên kết dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp cho thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư trở nên dễ dàng và nhanh hơn. Đồng thời, nên thành lập “Trung tâm dịch vụ hành chính” thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đặt ba trung tâm ở ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh để các chủ thể kinh doanh dễ dàng liên hệ. Trung tâm này thực hiện chức năng: Tư vấn và hỗ trợ lập hồ sơ thành lập doanh nghiệp hoặc đầu tư; ứng dụng công nghệ thông tin để đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư. Mô hình này đã được thực hiện ở Nhật Bản và hỗ trợ tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Nhật Bản. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thành lập một Hội đồng tư vấn về đầu tư gồm các nhà quản lý, các nhà khoa học và nhà đầu tư để đánh giá hoạt động đầu tư hàng năm; ra báo cáo về những yếu tố làm cản trở hoạt động đầu tư và đưa ra các giải pháp để thu hút đầu tư và giải quyết vướng mắc trong thủ tục đầu tư; đề xuất thời gian hợp lý cho thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho năm tới.
Đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh
[1]. Xem 8 DE Code § 102 (2016).
[2]. Article 27 Japan Company Act (Act No.86 of July 26, 2005).
[3]. Article 23(IV) Company Law of the People’s Republic of China (Revised in Dec 28, 2013).
[4]. Article 25 Company Law of the People’s Republic of China (Revised in Dec 28, 2013).
[5]. Xem Điều 20 - 23, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều 21 - 23 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 về đăng ký doanh nghiệp.
[6]. Xem Article 911 - 914, Japan Company Act (Act No.86 of July 26, 2005).
[7]. Xem Article 911(3(V)) & 914(V), Japan Company Act (Act No.86 of July 26, 2005).
[8]. Xem Article 92, Company Law of the People’s Republic of China (Revised in Dec 28, 2013).
[9]. Xem khoản 1 Điều 34 và khoản 1 Điều 35 Luật Đầu tư Việt Nam năm 2014.
[10]. Xem Article 129 (1) Commercial Registration Act of Japan (Act No. 125 of 1963, Amendment Act No. 87 of 2005) & Article 933 (1), 939 (2) Company Act of Japan (Act No. 86 of 2005).
[11]. Article 10, Law of the People’s Republic of China on Foreign-funded Enterprises 2005.
[12]. Xem Biểu phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo Thông tư số 215/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 10 tháng 11 năm 2016 về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
[13]. Xem điểm b, khoản 3, Điều 26 Luật Đầu tư năm 2014.
[14]. Xem điểm b, khoản 2, Điều 37 Luật Đầu tư năm 2014.
[15]. Xem Điều 33 - 35, Luật Đầu tư năm 2014.
[16]. Xem World Bank (2017), Doing business: Equal opportunity for all 2017 (Economic profile of ) 14th Edition, Washington, p.21.
[17]. World Bank (2017), Doing business: Equal opportunity for all 2017 (Economic profile of China) 14th Edition, Washington, p.23 - 24.
[18]. World Bank (2017), Doing business: Equal opportunity for all 2017 (Economic profile of South Africa) 14th Edition, Washington, p.22 - 23.
[19]. DTF-Starting a Business (Starting a business Distance to Frontier) là khoảng cách của một nền kinh tế đến giới hạn (biên giới) được phản ánh trên thang điểm từ 0 đến 100. Trong đó 0 thể hiện hiệu suất thấp nhất và 100 là giới hạn. Ví dụ, một điểm số 75 trong năm 2016 có nghĩa là một nền kinh tế là 25 điểm xa biên giới được xây dựng từ những điểm tốt nhất trên tất cả các nền kinh tế trong thời điểm đó. Một điểm số 80 trong năm 2017 sẽ cho biết nền kinh tế đang được cải thiện.
[20]. Xem World Bank (2017), Doing business: Equal opportunity for all 2017 (14th Edition), Washington, p.7.
[21]. J. D. Fry (2008), “International Human Rights Law in Investment Arbitration: Evidence of International Law’s Unity”, Duke Journal of Comparative & International Law, (18), pp. 1, 77, 148 and 149.
[22]. B. Simma (2011), “Foreign Investment Arbitration: A Place for Human Rights?”, International and Comparative Law Quarterly, (3), pp. 580.
[23]. Nicolas Klein (2012), “Human Rights and International Investment Law: Investment Protection as Human Right?”, Goettingen Journal of International Law, (4), pp. 215.