1. Nhận thức chung về dân chủ và kiểm soát quyền lực nhà nước
Xây dựng và hoàn thiện phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước luôn là vấn đề được quan tâm và được đề cập từ rất sớm trong lịch sử các tư tưởng và học thuyết chính trị - pháp luật trên thế giới. Quyền lực là năng lực, khả năng của một tổ chức hay cá nhân, tác động đến hành động, hành vi của những người khác, buộc họ phải thực hiện ý chí của mình thông qua các phương tiện, phương thức nào đó. Quyền lực nhà nước là quyền lực chính trị được thực hiện bằng bộ máy nhà nước; nhà nước là cơ quan, là công cụ của quyền lực chính trị, thể hiện một cách tập trung quyền lực chính trị. Quyền lực nhà nước trong xã hội hiện đại bao gồm quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.
Quyền lực nhà nước không phải là quyền lực tự có mà đó là quyền lực của nhân dân, được nhân dân trao cho. Quyền lực nhà nước là của nhân dân trao cho các cơ quan nhà nước suy cho cùng là trao cho những con người cụ thể thực thi. Trong tác phẩm “Luận về tự do”, John Mills chỉ rõ con người “luôn luôn chịu sự ảnh hưởng của các loại tình cảm và dục vọng đối với các hành động của con người. Điều cũng khiến cho lý tính đôi khi bị chìm khuất”[1]. Do vậy, để bảo đảm thực thi các quyền con người và các quyền tự do cơ bản của công dân, ngăn ngừa các hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước, cần phải thiết lập phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước. Hơn thế nữa, quyền lực nhà nước không phải là một đại lượng có thể cân, đong, đo, đếm xác định được một cách chính xác, để có thể giao quyền một cách cụ thể. Điều đó lại càng đòi hỏi phải kiểm soát quyền lực nhà nước để hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền, mâu thuẫn chồng chéo hoặc trùng lắp trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước giữa các cơ quan nhà nước, làm cho hiệu lực và hiệu quả thực thi quyền lực nhà nước bị hạn chế. Kiểm soát quyền lực nhà nước là yêu cầu tất yếu của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay[2].
Ở Việt Nam, theo cách hiểu phổ biến, dân chủ là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng và tự do. Dân chủ cũng được vận dụng vào các tổ chức và hoạt động của những tổ chức và thiết chế xã hội nhất định[3].
Dân chủ là thuộc tính thể hiện bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời, là mục tiêu và động lực phát triển của đất nước. Một trong những biểu hiện đầy đủ, mang tính bản chất của việc phát huy các giá trị của dân chủ trong sự phát triển của xã hội ở nước ta là quyền làm chủ của nhân dân ta ngày càng được nâng cao. Hiệu quả của việc kiểm soát quyền lực nhà nước được thực hiện thông qua việc thực thi thực chất, đầy đủ và rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân, cả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện; thực hiện nghiêm phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Thực hiện dân chủ đầy đủ, rộng rãi đã trở thành một yêu cầu khách quan, một động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là quá trình tất yếu diễn ra nhằm xây dựng, phát triển và hoàn thiện dân chủ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Trong những năm qua, bằng những chủ trương, chính sách cụ thể, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đoàn kết xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp, công bằng, văn minh. Thông qua đó, không ngừng tạo ra những điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân tham gia rộng rãi vào các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội[4]. Bên cạnh việc ghi nhận trong Hiến pháp, quyền của công dân tham gia vào công việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội còn được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng; Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn…
Ở nước ta, nhân dân có quyền và có trách nhiệm giám sát sự lãnh đạo của Đảng, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hiến pháp cũng đã quy định, Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình[5]. Thực tiễn ở nước ta trong thời gian vừa qua, dân chủ ngày càng được mở rộng và phát huy, thông qua đó, nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước bằng nhiều phương thức, với nhiều nội dung khác nhau. Điều đó thể hiện dân chủ càng mở rộng thì quyền lực nhà nước càng được kiểm soát chặt chẽ hơn, do đó, dân chủ là một phương thức hiệu quả trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước.
2. Thực trạng đấu tranh chống lại các luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề dân chủ, nhân quyền và kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay
Trong thời gian qua, các thế lực thù địch không ngừng công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta bằng nhiều thủ đoạn nham hiểm, tinh vi, xảo quyệt theo các nhóm vấn đề cơ bản như sau:
Một là, về vấn đề xây dựng “xã hội dân sự” và quyền dân chủ trong quản lý nhà nước và xã hội. Các thế lực thù địch tập trung phê phán chế độ xã hội chủ nghĩa, thổi phồng học thuyết tam quyền phân lập, coi đó là phương thức lý tưởng để kiểm soát quyền lực nhà nước; cổ xúy cho “xã hội dân sự” theo kiểu phương Tây dưới chiêu bài xưa cũ là ca ngợi nền dân chủ phương Tây trong quản lý nhà nước, xã hội và phê phán cái gọi là thiếu dân chủ trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội; dẫn chứng những mặt trái của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước ta, họ kích động, thúc đẩy sự xuất hiện các tổ chức chính trị đối lập với âm mưu hướng tới mục tiêu đa nguyên, đa đảng; hậu thuẫn các “hội”, các “nhóm” dưới chiêu bài cổ xúy “xã hội dân sự” theo kiểu phương Tây nhằm nuôi dưỡng và phát triển các “hội”, các “nhóm” để trao đổi, cung cấp thông tin qua mạng xã hội, định hướng viết bài, tổ chức các hoạt động chống phá Nhà nước ta.
Hai là, các thế lực thù địch tập trung chống phá Nhà nước ta liên quan đến về vấn đề nhân quyền. Một số nước phương Tây đưa ra những chiêu bài, như “nhân quyền cao hơn chủ quyền quốc gia”, “nhân quyền không biên giới”, “nhân quyền về bản chất không còn được coi là công việc nội bộ của một quốc gia”. Thậm chí, họ còn “lấp liếm” rằng, cộng đồng quốc tế “có quyền” can thiệp vào bên trong lãnh thổ quốc gia để “bảo vệ” nhân quyền, can thiệp “nhân đạo”, mặc dù điều này đã bị nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới phản đối.
Ba là, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch tập trung chống phá thông qua lợi dụng quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin. Một số cơ quan thông tấn báo chí và mạng xã hội nước ngoài đưa các tin, bài vu cáo chúng ta vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Theo số liệu thống kê hiện nay ở bên ngoài có 52 đài phát thanh và truyền hình có chương trình Việt ngữ, mạng điện tử, 429 tờ báo, tạp chí, trên 40 nhà xuất bản tập trung tuyên truyền chống phá nước ta[6].
Bốn là, trước thềm đại hội Đảng, các thế lực thù địch tung tin đồn thổi nhiều đồng chí lãnh đạo các cấp với những nghi án tham nhũng, “sân sau”... âm mưu làm suy giảm uy tín cá nhân lãnh đạo, gây mất đoàn kết nội bộ; làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận trong xã hội ở nước ta.
Rõ ràng những luận điệu trên là thiếu căn cứ, thể hiện rõ ở các điểm sau đây:
Một là, thực tế ở nước ta, quyền dân chủ của công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước đã được ghi nhận rộng rãi trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trưng cầu dân ý, Pháp lệnh về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn... Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương với 120 điều, riêng chế định về quyền con người, quyền công dân đã có tới 36 điều. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã lần đầu tiên hiến định nguyên tắc về giới hạn quyền con người, quyền công dân tại khoản 2 Điều 14[7]. Đây là nguyên tắc đã được nêu trong các văn kiện và điều ước quốc tế, như Điều 29 Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948[8]; Điều 4 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966[9] và một số điều trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966[10]...
Các thế lực thù địch đưa ra chiêu bài đấu tranh ôn hòa, phi bạo lực, “ra vẻ” suy tôn Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị không thể thay thế ở Việt Nam, nhưng lại đưa ra một yêu cầu phi lý là Đảng ta phải thay đổi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), mà thực chất là đòi hỏi Đảng ta “tự từ bỏ” vai trò Đảng cầm quyền. Tuy nhiên, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã nêu rõ 08 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng, trong đó 02 đặc trưng đầu tiên là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và do nhân dân làm chủ. Trên thế giới, nhiều văn kiện quốc tế quan trọng cũng không cho phép can thiệp vào các công việc đối nội hoặc đối ngoại của một quốc gia khác, ví dụ Tuyên bố về những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1970.
Hai là, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia nhiều văn kiện, điều ước quốc tế quan trọng nhất liên quan đến quyền con người như: Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966; Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1969; Công ước về quyền trẻ em năm 1989 và hai Nghị định thư bổ sung về việc lôi cuốn trẻ em tham gia xung đột vũ trang và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm; Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2006; Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người...
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người là nguyên tắc cơ bản của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng chính là sự hiện thực hóa các cam kết đối với các khuôn khổ pháp lý và thể chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các khuyến nghị UPR (Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát) mà Việt Nam đã chấp thuận. Thực tiễn thực hiện các hoạt động này ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ và được thế giới ghi nhận.
Việt Nam đang ngày càng chủ động và tích cực hơn tại các cơ chế của Liên Hợp Quốc về quyền con người, đặc biệt là đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam tham gia nghiêm túc vào quá trình xây dựng Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN, Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về quyền con người...; có cơ chế đối thoại nhân quyền chính thức với 05 nước/đối tác, bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Thụy Sỹ, Na Uy và Australia.
Ba là, người dân Việt Nam được tiếp cận với 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có những kênh được phát rộng rãi trên thế giới như CNN, BBC, Bloomberg, TV5, DW, NHK, KBS, Australia Network... Tất cả các hãng thông tấn và báo chí lớn của thế giới đều đến với người dân Việt Nam thông qua mạng internet như: Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN, Kyodo, Economist, Financial Times... Có 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo và tạp chí nước ngoài in bằng nhiều thứ tiếng được phát hành rộng rãi tại Việt Nam[11].
3. Một số kiến nghị về tiếp tục phát huy dân chủ bảo đảm kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam trong thời gian tới
Để khẳng định tính đúng đắn của đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong việc bảo đảm, phát huy dân chủ, đặc biệt là kiểm soát quyền lực nhà nước trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam, theo tác giả cần thực hiện đồng bộ các nội dung sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của các chủ thể có thẩm quyền; xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hai là, kết hợp chặt chẽ cơ chế kiểm soát bên trong và bên ngoài hệ thống thực thi quyền lực nhà nước. Thực tiễn cho thấy, quyền lực càng lớn thì càng cần được kiểm soát chặt chẽ. Việc kiểm soát quyền lực nhà nước cần được xây dựng và thực hiện đồng bộ bằng pháp luật và các quy định, quy trình giám sát xã hội rộng rãi, chặt chẽ, khoa học và phù hợp thực tế, huy động sự tham gia đông đảo của các tổ chức và nhân dân. Công tác kiểm soát quyền lực nhà nước cần được siết chặt, đi liền với tăng cường giám sát và phản biện xã hội trong những ngành, lĩnh vực có tính nhạy cảm cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, như quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công, đất đai, tài nguyên quốc gia, công tác cán bộ...
Ba là, cần phối kết hợp giữa hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng với hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước; hoạt động xét xử của các cơ quan tư pháp; tôn trọng, tạo thuận lợi và đề cao công tác giám sát của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Bốn là, tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong kiểm soát hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Để nhân dân thực hiện việc kiểm soát quyền lực nhà nước một cách có hiệu quả, cần có cơ chế, biện pháp huy động tối đa sự tham gia của nhân dân trong xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền khiếu nại, tố cáo... của người dân đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Năm là, tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cơ quan, tổ chức khác trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội; tiếp tục đổi mới về tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật...; tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp về vai trò, vị trí, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp thực hiện quy định nêu gương...
Sáu là, khuyến khích sự tham gia của báo chí, dư luận xã hội nhằm ngăn ngừa các hành vi lạm dụng quyền lực nhà nước. Để kiểm soát quyền lực nhà nước, người dân cần được thông tin về hoạt động của Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Báo chí phải là cầu nối giữa Nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị - xã hội với nhau và với công dân. Bên cạnh đó, báo chí còn góp phần phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, phát huy vai trò của báo chí cũng phải hướng tới việc ngăn ngừa những thông tin báo chí cung cấp chưa đúng sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng, tin xấu, tin độc hại, bôi nhọ, bịa đặt... núp bóng giám sát, phản biện xã hội gây tổn hại đến lợi ích cá nhân, Nhà nước và xã hội, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
[1]. John Mills: Luận về tự do, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 131.
[2]. Xem: Trần Ngọc Đường, “Kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”,
[3]. Văn bản hướng dẫn xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 2002, tr. 89.
[4]. Xem: Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, Đặc san tuyên truyền pháp luật, 2012.
[5]. Khoản 2 Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014.
[6]. Vũ Văn Hiền: “Nhận rõ các luận điệu sai trái, thù địch để kiên quyết đấu tranh bác bỏ”
[7]. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
[8]. Điều 29 Tuyên ngôn quy định: “1) Ai cũng có nghĩa vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ; 2) Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn; 3) Trong mọi trường hợp, những quyền tự do này không thể hành xử trái với những mục tiêu và tôn chỉ của Liên Hợp Quốc”.
[9]. Điều 4 Công ước quy định: Các quốc gia thành viên thừa nhận rằng, trong khi ấn định các quyền mà mỗi cá nhân được hưởng phù hợp với các quy định của Công ước này, mỗi quốc gia chỉ có thể đặt ra những hạn chế bằng các quy định pháp luật trong chừng mực những hạn chế ấy không trái với bản chất của các quyền nói trên và hoàn toàn vì mục đích thúc đẩy phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.
[10]. Ví dụ, khoản 3 Điều 12 Công ước quy định: Những quyền trên đây sẽ không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận.