1. Đăng ký phương tiện giao thông ở Singapore
Hệ thống quản lý giao thông ở Singapore là một trong những mô hình tiêu biểu trên thế giới với cơ sở hạ tầng hiện đại, quy mô và trình độ quản lý khoa học, tiên tiến. Mặc dù có diện tích tương đối nhỏ với mật độ dân cư cao và số lượng phương tiện giao thông đông đảo nhưng nhờ có chính sách xây dựng, quản lý giao thông hợp lý, khoa học, Chính phủ Singapore đã tìm ra những giải pháp hợp lý cho các vấn đề giao thông đô thị. Một số biện pháp nổi bật như thiết lập hệ thống giao thông thông minh (Intelligence Transport System - ITS), chính sách quản lý phương tiện đi lại cá nhân (ví dụ như, quy định về kiểm soát quyền sở hữu ô tô thông qua hệ thống hạn ngạch, theo đó, người mua ô tô buộc phải trả phí để mua giấy chứng nhận quyền sử dụng không gian trên đường và giá thành giấy chứng nhận được xác định bởi mật độ giao thông tại Singapore vào thời điểm đó) chính sách đăng ký số đăng ký xe thông qua cơ chế đấu giá (bidding exercises).
Theo quy định của Các quy tắc về giao thông đường bộ (xe cơ giới, đăng ký và cấp giấy phép) (Road Traffic (Motor Vehicles, Registration and Licensing) Rules) mọi phương tiện cơ giới ở Singapore đều phải thể hiện số đăng ký xe (Vehicle Registration Numbers) ở giữa biển số phía trước và phía sau phương tiện. Việc thể hiện số đăng ký xe trên biển số xe là điều kiện bắt buộc để các phương tiện được tham gia lưu thông trên đường. Hành vi không gắn số đăng ký hoặc gắn không chính xác có thể bị phạt tiền đến 2.000 SGD hoặc phạt tù đến 06 tháng[1]. Hiện nay, thẩm quyền quản lý số đăng ký xe thuộc về Cơ quan Giao thông đường bộ (Land Transport Authority). Cơ quan này được thành lập vào năm 1995 trên cơ sở sáp nhập bốn cơ quan: Cơ quan đăng ký phương tiện giao thông (the Registry of Vehicle); Tổng công ty vận tải nhanh (Mass Rapid Transit Corporation - MRTC); Bộ phận Đường bộ & Giao thông thuộc Sở Công chính (Roads & Transportation Division of the Public Works Department) và Bộ phận Giao thông đường bộ của Bộ Giao thông vận tải (Land Transportation division of the Ministry of Communications) với sứ mệnh thúc đẩy mạng lưới giao thông công cộng của Singapore và hỗ trợ các dịch vụ giao thông khác, trong đó có quản lý đăng ký số xe.
Số đăng ký xe có thể được cấp tự động hoặc theo yêu cầu của chủ sở hữu xe và số đăng ký xe này có thể được chuyển từ xe này sang xe khác trong trường hợp chủ xe mua xe mới. Nếu có nhu cầu, chủ xe có thể chọn số đăng ký xe thông qua thủ tục đấu giá tùy theo loại phương tiện giao thông. Mỗi lần đăng ký đấu giá cho phép lựa chọn tối đa 03 tổ hợp số cho mỗi chuỗi ký tự đứng trước[2]. Nếu đấu giá thành công, chỉ 01 số đăng ký được cấp căn cứ theo thứ tự ưu tiên mà chủ xe đã đăng ký trong hồ sơ.
Quy trình đấu giá số đăng ký xe gồm các bước cơ bản sau[3]:
Bước 1: Kiểm tra tính khả dụng của dãy số đăng ký
Người nộp hồ sơ có thể kiểm tra xem dãy số mình muốn có còn khả dụng hay không bằng cách truy cập vào trang website của Cơ quan Giao thông đường bộ và tra cứu theo loại phương tiện của mình tại onemotoring.lta.gov.sg.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Sau khi chọn được dãy số mong muốn, người đăng ký nộp hồ sơ đấu giá số đăng ký xe với số tiền tối thiểu là 1.000 SGD. Thời gian nộp cho thủ tục đấu giá chính là từ 1 giờ sáng ngày thứ 6 đến 4 giờ 30 ngày thứ tư tuần sau (trừ khoảng thời gian từ 12 giờ đêm tới 1 giờ sáng mỗi ngày).
Bước 3: Kiểm tra kết quả
Cơ quan Giao thông đường bộ sẽ thông báo kết quả đấu giá đến người đăng ký thông qua địa chỉ email mà họ đã cung cấp vào ngày thứ tư tuần sau khi thủ tục kết thúc.
Bước 4: Sử dụng số đăng ký xe
Số đăng ký xe được cấp có giá trị trong vòng 01 năm và không thể chuyển nhượng cho người khác. Việc gia hạn sử dụng số đăng ký xe có thể thực hiện với phí gia hạn là 1.000 SGD và 32.10 SGD cho 06 tháng gia hạn. Trong trường hợp đấu giá không thành công, phí đấu giá sẽ được hoàn trả lại cho người đăng ký.
2. Đăng ký phương tiện giao thông ở Vương quốc Anh
Cũng giống như Singapore, ở Anh các phương tiện cơ giới sử dụng trên đường công cộng bắt buộc phải có biển đăng ký xe[4], ngoại trừ xe của hoàng gia được sử dụng trong công việc chính thức. Hiện nay, thẩm quyền quản lý và cấp số đăng ký xe thuộc về Cơ quan cấp giấy phép lái xe và phương tiện (Driver and Vehicle Licensing Agency - DVLA). DVLA là cơ quan điều hành của Bộ Giao thông Vận tải (Department for Transport - DfT). Với trụ sở đặt tại Swansea (Wales), ban đầu cơ quan này được gọi là Trung tâm Cấp phép Lái xe và Phương tiện (Driver and Vehicle Licensing Centre - DVLC). DVLA chịu trách nhiệm duy trì cơ sở dữ liệu về người lái xe ở Anh và cơ sở dữ liệu về phương tiện giao thông của toàn Vương quốc Anh. Đối với các tài xế ở Bắc Ireland thẩm quyền quản lý dữ liệu là Cơ quan Tài xế và Phương tiện (Driver and Vehicle Agency - DVA). DVLA có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe, tổ chức thu thuế sử dụng phương tiện (còn gọi là thuế đường bộ và giấy phép quỹ đường bộ) và đăng ký cá nhân.
Việc đăng ký phương tiện giao thông áp dụng cho xe mới, xe được bán lại và cả xe đã qua sửa chữa. Tùy theo loại phương tiện mà thủ tục đăng ký sẽ khác nhau.
Đối với thủ tục đăng ký mới, người đăng ký cần nộp hồ sơ gồm mẫu phiếu đăng ký thông tin (V55/4 nếu là xe mới hoặc V55/5 nếu là xe cũ); bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân (một trong các loại giấy tờ như hộ chiếu, bằng lái xe, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh); bản sao giấy tờ chứng minh địa chỉ liên lạc (có thể là hóa đơn gas, điện trong vòng 03 tháng gần nhất, thẻ y tế…) cùng một số giấy tờ hỗ trợ như giấy chứng nhận xe mới (nếu là xe mới mua hoặc nhập khẩu), bảo hiểm, giấy xác nhận thanh toán phí đăng ký (nếu đăng ký lần đầu là 55 GBP) cũng như thuế phương tiện giao thông[5].
Một số loại phương tiện giao thông được miễn phí đăng ký bao gồm: Những trường hợp đã đăng ký và được cấp phép lần đầu trong nhóm người khuyết tật được miễn thuế, phương tiện lịch sử trước đây đã đăng ký với chính quyền địa phương cũ, phương tiện đã đăng ký trước đó ở Vương quốc Anh, phương tiện nhập khẩu đã đăng ký trước đây theo phương thức xuất khẩu cá nhân và phương tiện vận tải mới, phương tiện đăng ký theo phương thức xuất khẩu trực tiếp, phương tiện được đăng ký chỉ để sử dụng trên đường địa hình…
Sau khi nộp hồ sơ đăng ký, DVLA có thể cần phải kiểm tra xe. Nếu đơn đăng ký được chấp thuận, DVLA sẽ gửi cho bạn giấy chứng nhận đăng ký V5C (đôi khi được gọi là sổ nhật ký), trong đó hiển thị số đăng ký của xe, tên và địa chỉ của người giữ phương tiện, thông tin khác về chiếc xe (nhà sản xuất, số nhận dạng xe (VIN) và số người giữ xe trước đó). Ngoài ra, DVLA cũng sẽ gửi trả lại cho người đăng ký các giấy tờ tuỳ thân đã nộp.
3. Đăng ký phương tiện giao thông ở Liên minh châu Âu
Theo nguyên tắc chung, ở Liên minh châu Âu, người sử dụng phương tiện phải đăng ký xe ô tô của mình tại quốc gia nơi người đó cư trú bình thường để có thể tham gia giao thông. Hiện nay, không có luật chung của EU về đăng ký xe. Điều này có nghĩa là tùy theo quốc gia nơi mà hồ sơ đăng ký xe được nộp mà quy trình và thủ tục có thể khác nhau.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia trong Liên minh châu Âu đã áp dụng định dạng biển số đáp ứng các yêu cầu trong Công ước Vienna về Giao thông đường bộ, trong đó quy định các phương tiện qua biên giới phải hiển thị mã phân biệt cho quốc gia đăng ký ở phía sau xe. Biển báo này có thể là một miếng dán hình bầu dục được đặt riêng biệt với biển đăng ký hoặc có thể được ghép vào biển đăng ký xe. Khi dấu hiệu phân biệt được gắn vào biển số đăng ký, dấu hiệu đó cũng phải xuất hiện trên biển số đăng ký phía trước của phương tiện và có thể được bổ sung bằng cờ hoặc quốc huy của quốc gia.
Trong lãnh thổ Liên minh châu Âu, nếu phương tiện giao thông di chuyển đến một quốc gia EU khác với quốc gia đã đăng ký xe, các quy tắc cụ thể sẽ áp dụng cho việc đăng ký tùy thuộc vào việc chủ xe muốn chuyển đến đó tạm thời hay vĩnh viễn, vào thời gian lưu trú và quốc gia mà người đó sắp chuyển đến[6].
Trong trường hợp chủ xe di chuyển lâu dài đến một quốc gia châu Âu khác và mang theo phương tiện giao thông của mình, thủ tục đăng ký và đóng thuế liên quan đến phương tiện đó cần được thực hiện theo quy định tại quốc gia mới. Cho đến thời điểm hiện tại không có quy định chung của EU về đăng ký xe và các loại thuế liên quan. Một số quốc gia có quy định miễn thuế cho đăng ký xe khi di chuyển bằng xe từ nước này sang nước khác vĩnh viễn.
Nếu chủ xe chỉ tạm thời chuyển đến một quốc gia châu Âu khác mà không thay đổi nơi cư trú bình thường của mình, người đó không phải đăng ký phương tiện giao thông hoặc trả bất kỳ khoản thuế đăng ký nào ở quốc gia di chuyển đến. Chủ xe có thể giữ xe đã được đăng ký tại quốc gia cư trú bình thường của họ. Nơi cư trú bình thường được hiểu là nơi người đó thường sống, làm việc hoặc có gia đình (với thời gian nhiều hơn 185 ngày trong một năm). Nếu người đó không làm việc, nơi ở thông thường được coi là nơi họ có những ràng buộc cá nhân, thể hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa họ và nơi họ đang sống. Nếu một người làm việc ở một nơi nhưng mối quan hệ cá nhân của họ ở một quốc gia EU khác, người đó thường được coi là có nơi cư trú bình thường tại quốc gia EU có quan hệ cá nhân, với điều kiện họ phải trở lại đó thường xuyên.
Các quốc gia trong Liên minh châu Âu cũng áp dụng một số quy định riêng về thủ tục đăng ký xe đối với những đối tượng đặc biệt như sinh viên hay những người làm việc xuyên biên giới (cư trú và làm việc ở hai quốc gia khác nhau trong EU).
Đối với sinh viên đang cư trú tại một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và chuyển đến một quốc gia EU khác với mục đích duy nhất là theo đuổi việc học của mình, người đó có thể lái xe ô tô đã đăng ký tại quốc gia của mình mà không cần phải đăng ký hoặc đóng thuế ở quốc gia mới. Để được áp dụng quy định này, sinh viên phải đăng ký vào một cơ sở giáo dục ở quốc gia chuyển đến và có thể cung cấp chứng chỉ ghi danh hợp lệ. Tuy nhiên, nếu người đó bắt đầu làm việc trong quá trình học của mình, thủ tục đăng ký xe ô tô tại quốc gia đó là bắt buộc.
Đối với những người làm việc xuyên biên giới (cross-border worker), làm việc ở một quốc gia và sống ở một quốc gia khác, họ có thể đăng ký phương tiện giao thông của mình ở một trong hai quốc gia - nơi họ sống hoặc nơi họ làm việc.
Nếu người đó lái một chiếc ô tô của công ty được đăng ký tại quốc gia nơi họ làm việc, họ cũng có thể sử dụng nó tại quốc gia nơi sinh sống mà không cần phải đăng ký. Ngược lại, nếu một người sử dụng ô tô riêng để đi làm thường xuyên từ quốc gia nơi người đó sinh sống đến quốc gia nơi làm việc, họ phải đăng ký và nộp các loại thuế liên quan tại quốc gia nơi sinh sống - nhưng không phải tại quốc gia nơi họ làm việc[7].
Nhằm tạo thuận lợi cho người đăng ký cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất giữa các quốc gia thành viên EU, hiện nay, EU đã bước đầu đưa vào sử dụng Cơ quan đăng ký xe châu Âu (European Vehicle Register - EVR)[8]. Đây là một công cụ dựa trên website được sử dụng bởi chủ xe để gửi đơn đăng ký xe và bởi các Cơ quan đăng ký (Registration Entities - RE) để quản lý việc cấp số xe, ghi lại đăng ký xe và cập nhật của chúng. Cụ thể, EVR cho phép người giữ phương tiện và các bên liên quan khác yêu cầu tài khoản EVR cho đơn vị đăng ký; người giữ phương tiện nộp đơn đăng ký phương tiện và các bản cập nhật của họ đối với cơ quan đăng ký của quốc gia thành viên có liên quan (MS); cơ quan đăng ký để quản lý tài khoản người dùng; đơn vị đăng ký cấp số xe vào hồ sơ xe do người đăng ký nộp; cơ quan đăng ký phê duyệt hoặc từ chối các đơn đăng ký xe; người chủ xe và các bên liên quan khác để tham khảo dữ liệu xe của họ[9].
4. Một số gợi mở cho Việt Nam
Thông qua việc phân tích quy định về thủ tục đăng ký phương tiện giao thông đường bộ ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ cho thấy, một điểm chung nổi bật là việc đăng ký phương tiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền được các quốc gia ghi nhận là điều kiện tiên quyết để phương tiện đó có thể tham gia lưu thông. Việc đăng ký này không chỉ có ý nghĩa về mặt quản lý nhà nước, giúp các cơ quan có thẩm quyền quản lý được lượng phương tiện tham gia lưu thông trên đường mà ở một mức độ nào đó còn góp phần bảo đảm chất lượng của các phương tiện này và nhờ vậy, nâng cao độ an toàn giao thông của quốc gia đó.
Từ việc phân tích quy định của các quốc gia, tác giả đề xuất một số gợi mở có thể áp dụng tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ như sau:
Thứ nhất, về cách thức cấp số xe cho phương tiện. Đối với cách thức cấp số xe cho phương tiện giao thông, chúng ta có thể học hỏi quy định của Singapore về vấn đề này. Như đã phân tích ở trên, hiện nay, Singapore áp dụng cả hai cách là cấp số xe tự động và đấu giá. Trong trường hợp chủ xe không có nhu cầu lựa chọn số xe, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ lựa chọn ngẫu nhiên số đăng ký cho phương tiện giao thông. Đối với phương tiện mới hoặc khi muốn thay đổi số xe đã đăng ký, chủ xe có thể nộp hồ sơ đấu giá với dãy số mình muốn (miễn là dãy số này chưa được đăng ký trước đó) cùng với khoản tiền đấu giá để xin cấp số đăng ký xe. Cách thức này của Singapore một mặt vừa bảo đảm sự quản lý của nhà nước đối với các phương tiện tham gia lưu thông, mặt khác, tạo sự chủ động cho người dân khi có thể lựa chọn số đăng ký mà mình muốn. Ngoài ra, khoản tiền đấu giá số đăng ký xe cũng là một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước và có thể được sử dụng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của quốc gia.
Thứ hai, về các trường hợp được miễn phí đăng ký xe. Học hỏi kinh nghiệm từ pháp luật của Vương quốc Anh, chúng ta có thể bổ sung thêm các trường hợp được miễn phí đăng ký như phương tiện nhập khẩu đã đăng ký trước đây theo phương thức xuất khẩu cá nhân và phương tiện vận tải mới, phương tiện đăng ký theo phương thức xuất khẩu trực tiếp… Việc miễn phí đăng ký với các trường hợp này là hợp lý, giảm bớt các quy định phức tạp nhằm gơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng hiệu suất làm việc cho các cơ quan nhà nước có liên quan.
Thứ ba, về các quy định liên quan đến việc đăng ký phương tiện khi di chuyển giữa các quốc gia trong khối ASEAN. Về nguyên tắc, việc di chuyển giữa các quốc gia được thực hiện theo quy định của các thỏa thuận pháp lý quốc tế ký kết giữa các quốc gia. Đối với việc đăng ký phương tiện khi di chuyển giữa các nước trong khối ASEAN, chúng ta có thể học hỏi và vận dụng các quy định của Liên minh châu Âu. Chẳng hạn như, quy định về thủ tục đăng ký đối với phương tiện trong trường hợp di chuyển ngắn ngày hay ở lại lâu dài; quy định áp dụng đối với sinh viên hay những người làm việc xuyên biên giới… Những quy định này của EU là kinh nghiệm hữu ích để hoàn thiện khung pháp lý, hướng đến mục tiêu tự do đi lại giữa các quốc gia trong khối ASEAN./.
ThS. Nguyễn Mai Anh
Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
Ảnh: internet
[1] https://onemotoring.lta.gov.sg/content/onemotoring/home/buying/upfront-vehicle-costs/vehicle-registration-number--vrn-.html#Understanding, truy cập ngày 03/3/2023.
[2] Biển số xe ở Singapore có dạng Sxx####y, bao gồm phần ký tự đứng trước (prefix) bắt đầu với “S” - Singapore; “x”- 1 ký tự alphabet chạy từ A đến Y trừ 1 số trường hợp đặc biệt như “SH”dùng cho xe taxi, “SZ”dùng cho xe thuê cũ…; “####” - dãy số đăng ký xe; “y”- ký tự đứng sau (suffix).
[3] https://onemotoring.lta.gov.sg/content/onemotoring/home/buying/upfront-vehicle-costs/vehicle-registration-number--vrn-.html#Understanding, truy cập ngày 01/3/2023.
[4] Section 2 of the Motor Car Act 1903.
[5] https://www.gov.uk/vehicle-registration/new-registrations truy cập ngày 04/5/2022.
[6] https://europa.eu/youreurope/citizens/vehicles/registration/registration-abroad/index_en.htm, truy cập ngày 04/3/2023.
[7] https://europa.eu/youreurope/citizens/vehicles/registration/registration-abroad/index_en.htm, truy cập ngày 04/03/2023.
[8] Truy cập tại https://evr.era.europa.eu. Hiện đã có 03 quốc gia kết nối với EVR là: Ba Lan, Bồ Đào Nha và Romania.
[9] https://www.era.europa.eu/registers/evr_en, truy cập ngày 04/03/2023.