Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại phiên họp. |
Đánh giá kỹ tác động của việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhất trí với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. So với luật hiện hành, dự thảo luật đã mở rộng thêm nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, người quản lý doanh nghiệp, người đại diện cổ phần vốn nhà nước…
Theo đại biểu, quy định này là phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri trong nhiều năm gần đây. “Hầu hết tại các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri thường kiến nghị nội dung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ở tổ dân phố”, đại biểu thông tin.
Việc tham gia bảo hiểm xã hội của chủ hộ kinh doanh trong thời gian qua cũng gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của chủ hộ kinh doanh cá thể.
“Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đương nhiên sẽ mở rộng mạng lưới bao phủ bảo hiểm xã hội, đây là cái đích chúng ta đang hướng đến, tạo mạng lưới an sinh xã hội vững chắc và hiệu quả”, đại biểu nêu rõ.
Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cho rằng, dự thảo Luật đã quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với 5 đối tượng thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, việc này cũng sẽ làm phát sinh chi phí của cả người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, làm rõ các lợi ích chi phí khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của các nhóm đối tượng này, tránh phát sinh các phản ứng tiêu cực.
Đại biểu dẫn báo cáo đánh giá tác động chính sách dự án luật cho thấy, có gần 2 triệu hộ đăng ký kinh doanh, khoảng 270.000 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, chưa kể 3 nhóm đối tượng còn lại chưa có thống kê cụ thể.
Thực tiễn vừa qua cho thấy, tình trạng trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa được giải quyết triệt để. “Do đó, nếu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như dự thảo Luật thì cần phải có chế tài quy định kiểm soát và thực hiện nghiêm xử lý, xử phạt nghiêm minh, để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định…”, đại biểu nói.
Lương hưu phải đảm bảo đời sống của người lao động
Về điều kiện hưởng lương hưu, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, dự thảo Luật đã điều chỉnh điều kiện hưởng lương hưu xuống tối thiểu 15 năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội, thấp hơn 5 năm so với luật hiện hành.
Theo đại biểu, quy định này sẽ thu hút nhóm lao động cao tuổi tham gia đóng bảo hiểm xã hội, đồng thời tạo thêm điều kiện cho nhiều người được hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
“Tuy nhiên, cùng với việc vừa tăng tuổi nghỉ hưu hiện nay, đồng thời lại giảm điều kiện về thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu có thể sẽ dẫn tới việc người lao động lợi dụng chính sách nhiều lần rút bảo hiểm xã hội một lần, sau đó lại tiếp tục quay lại tham gia đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, đặc biệt là đối với người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ sớm”, đại biểu nêu vấn đề.
Vẫn theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc giảm điều kiện về thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu cũng có thể dẫn đến tình trạng nhiều người nghỉ hưu có mức thu nhập thấp do thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội ngắn, gây ảnh hưởng đến đời sống của người lao động khi về hưu.
Do đó, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định có liên quan kèm theo để tối ưu hóa sự thay đổi này, vừa mở rộng được các đối tượng hưởng lương hưu nhưng cũng đảm bảo mức lương hưu được hưởng sẽ đảm bảo đời sống của người lao động khi nghỉ hưu.
Tường Minh
(Theo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam)