Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin và đã dành được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, bảo đảm để Luật phù hợp và thích ứng với yêu cầu của xã hội, đặc biệt với quyền được thông tin của mọi người và nghĩa vụ cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước.
Một nội dung quan trọng được nhiều người quan tâm là vấn đề “bí mật thông tin”, khái niệm “bí mật đời tư” và những chế định pháp luật điều chỉnh nó. Một thực trạng đáng buồn (và cần phải loại bỏ) được nhiều ý kiến nêu lên là sự lạm dụng dấu “mật” trong các văn bản mà không cần phải mật, ví dụ như giấy mời họp cũng đóng dấu “MẬT”. Hơn nữa, lợi dụng sự bảo mật mà người ta có lý do để từ chối cung cấp thông tin, trong khi những thông tin đó cần thiết cho xã hội. Có đại biểu đưa ra khái niệm “văn hóa bí mật” và thẳng thắn yêu cầu loại bỏ thứ văn hóa đó ra khỏi đời sống chính trị - xã hội của chúng ta. Một vấn đề rất thời sự gần đây là sự quan tâm của dư luận xã hội đến sức khỏe của các vị lãnh đạo, nếu coi đó là một sự quan tâm chính đáng thì phải có những thông tin chính thống, minh bạch và kịp thời để loại trừ những tin đồn ác ý, gây hoang mang.
Luật Tiếp cận thông tin đã được đưa vào chương trình xây dựng luật từ nhiều năm trước (2008) và Dự thảo của Luật này cũng được đưa ra thảo luận trong các hội thảo do Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và một số cơ quan khác tổ chức. Lần này, được đưa ra lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chứng tỏ tầm quan trọng của Luật đã được xác định và cần đáp ứng yêu cầu của đời sống hiện tại trong việc coi trọng dân chủ, nâng cao dân trí. Có ý kiến đóng góp rất xác đáng rằng, vấn đề cốt lõi của Luật này là bảo đảm quyền được thông tin của tất cả mọi người, đồng thời các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin nhưng cũng cần bổ sung nghĩa vụ cung cấp thông tin của các tổ chức xã hội, đơn vị tư nhân như việc học phí của các trường tư thục hay viện phí của các bệnh viện tư.
Đáng chú ý là, Luật cũng sẽ quy định rõ phạm vi điều chỉnh, giới hạn của việc tiếp cận thông tin cũng như cung cấp thông tin và sử dụng thông tin. Đặc biệt, Luật sẽ khai thông con đường tiếp cận sự thật một cách ngắn nhất qua những quy định tiếp cận thông tin. Luật cũng sẽ làm rõ khái niệm thông tin cùng các loại thông tin chính thống, chính thức, công khai hay bí mật... và có thể chấm dứt sự mơ hồ trong các văn bản pháp luật như “đưa những thông tin không có lợi” hoặc như những vụ trọng án thảm sát cả gia đình làm rung động dư luận xã hội gần đây, thì sự khai thác và cung cấp thông tin đó như thế nào để không phạm luật, không vượt ra khỏi ranh giới đạo lý truyền thống và không phải nhắc nhở là thận trọng, tránh đi sâu vào đời tư của nạn nhân, cũng như phơi bày những bí mật của gia đình họ.
Như vậy, những vấn đề “sát sườn” mà thực tế cuộc sống đang đòi hỏi là cần có sự thống nhất trong “sản xuất”, lưu giữ, cung cấp, sử dụng thông tin. Cho nên, sự ra đời của Luật Tiếp cận thông tin không chỉ là cần thiết mà còn đáp ứng những yêu cầu cấp bách. Luật Tiếp cận thông tin được xây dựng, lấy ý kiến, hoàn chỉnh và ban hành chính là một bước tiến bộ trong hoạt động lập pháp và ghi nhận quyền con người hướng tới một xã hội minh bạch.
Một luật khác, rất gần với Luật Tiếp cận thông tin là Luật An toàn thông tin cũng được đưa ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần này. Ngay tên gọi của Luật cũng được góp ý để phù hợp với nội dung, gọi là Luật An toàn an ninh mạng. Phiên họp lần này, tổng cộng có 17 dự án luật và 1 dự thảo pháp lệnh được đưa ra lấy ý kiến, trong đó có những dự thảo luật rất được dư luận quan tâm như: Luật Trưng cầu ý dân; Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự… và các bộ luật lớn như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Dân sự... chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Khánh An
Ảnh: Sưu tầm