Ảnh minh họa
Nghị định số 115/2024/NĐ-CP ra đời trong bối cảnh yêu cầu cần hoàn thiện khung pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh phù hợp với quy định mới của Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Đất đai năm 2024, Luật Đầu tư năm 2020. Nghị định số 115/2024/NĐ-CP được đánh giá có những tác động tích cực đối với Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, đặc biệt, bảo đảm minh bạch, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, tạo sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư tham gia đấu thầu, tăng cơ hội tiếp cận đầu tư, chủ động trong kinh doanh, đồng thời, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Theo đó, những ưu điểm nổi bật trong Nghị định số 115/2024/NĐ-CP như sau:
Thứ nhất, quy định rõ các trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo tinh thần của Luật Đất đai năm 2024, tạo cơ chế thu hút đầu tư ở địa phương.
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP, Điều 79 và Điều 126 Luật Đất đai năm 2024, các trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư bao gồm:
(i) “Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị; dự án khu dân cư nông thôn” mà được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
(ii) Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt; dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước; dự án đầu tư xây dựng chợ; dự án đầu tư xây dựng công trình trạm dừng nghỉ; dự án đầu tư xây dựng công trình dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay; dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện, trừ các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng công trình cấp nước); dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân (khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện, trừ một số dự án nhất định); dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó (khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư); dự án đầu tư xây dựng công trình năng lượng (khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện); các dự án khác thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 và điểm b khoản 1 Điều 126 của Luật Đất đai (đây là quy định mở dự phòng trong trường hợp liệt kê chưa đủ). Điều khoản này liệt kê làm rõ phạm vi 10 loại dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.
Ngoài ra, Nghị định số 115/2024/NĐ-CP cũng quy định cần đủ 02 điều kiện khi tổ chức đấu thầu: quỹ đất dự kiến thực hiện những dự án này phải thuộc trường hợp thu hồi đất theo quy định tại Điều 79 Luật Đất đai năm 2024 và thuộc danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật về đất đai.
Như vậy, về tổng thể, Nghị định số 115/2024/NĐ-CP đã hoàn thiện cơ chế pháp lý lựa chọn nhà đầu tư trong tất cả các dự án đầu tư có sử dụng đất theo tinh thần của Luật Đất đai năm 2024. Điều này kỳ vọng sẽ góp phần không những đẩy mạnh hoạt động lựa chọn nhà đầu tư theo hướng công bằng, minh bạch, bình đẳng mà còn có ý nghĩa lớn đến việc thu hút đầu tư của địa phương[1].
Ảnh minh họa
Thứ hai, tăng cơ hội tiếp cận thông tin đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới.
Theo quy định của pháp luật đầu tư trước khi có Nghị định số 115/2024/NĐ-CP, các dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Đây là cơ sở pháp lý và thông tin dự án cụ thể để xây dựng hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy phát sinh khoảng trống pháp lý khi tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án “không” thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, do các dự án này không có các thông tin dự án cần thiết để làm cơ sở lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu. Chính vì vậy, Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định thực hiện công bố dự án đầu tư đối với cả trường hợp thuộc diện và “không” thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 10, Điều 11).
Quy định về công bố thông tin dự án đầu tư kinh doanh góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình triển khai dự án đầu tư, giúp các nhà đầu tư tiếp cận thông tin về cơ hội đầu tư kinh doanh, hạn chế tình trạng chỉ một hoặc một số doanh nghiệp “thân hữu” được tiếp cận thông tin.
Mặt khác, khoản 2 Điều 11 quy định: “Nhà đầu tư được đề xuất thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất ngoài dự án đã được phê duyệt và công bố theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực quy định nhà đầu tư không được đề xuất thực hiện dự án”. Việc cho phép nhà đầu tư được đề xuất dự án “ngoài” các dự án do cơ quan thẩm quyền đã công bố thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời, tránh tình trạng cơ quan nhà nước và nhà đầu tư cùng nghiên cứu và lập dự án, gây lãng phí nguồn lực chuẩn bị dự án của các bên.
Thứ ba, chuyên biệt hóa hoạt động đầu tư, nâng cao tính chuyên môn trong quản lý, vận hành dự án cụ thể, thúc đẩy thành lập doanh nghiệp tại địa phương.
Khoản 6 và điểm d khoản 7 Điều 126 Luật Đất đai năm 2024 quy định về việc nhà đầu tư trúng thầu thành lập tổ chức kinh tế để được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án theo quy định của Chính phủ phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, Chương VI Nghị định số 23/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực đã quy định về việc triển khai thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, trong đó bao gồm: thành lập doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư trúng thầu (Điều 49); triển khai thực hiện dự án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư trúng thầu (Điều 50); triển khai thực hiện dự án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư được chấp thuận theo quy định của pháp luật về đầu tư (Điều 51). Như vậy, quy định về việc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư trúng thầu thành lập để thực hiện dự án đã được quy định trong Luật Đất đai năm 2024 và cần được đồng bộ trong quy định của pháp luật về đấu thầu.
Do đó, Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định nhà đầu tư trúng thầu có quyền thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Việc thành lập, quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được quy định tại Điều 51 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 52 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP cũng đưa ra các điều kiện cần phải đáp ứng nếu muốn chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của các thành viên, cổ đông trong tổ chức kinh tế do nhà đầu tư trúng thầu thành lập “trước” khi dự án được khai thác, vận hành. Cụ thể là phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: “a) Được người có thẩm quyền chấp thuận; b) Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng phải có tư cách pháp lý và đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực; có năng lực, kinh nghiệm tương ứng với cổ phần, phần vốn góp dự kiến nhận chuyển nhượng (đối với trường hợp chuyển nhượng một phần) hoặc có năng lực, kinh nghiệm tương đương hoặc cao hơn so với nhà đầu tư chuyển nhượng (đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ); phải kế thừa quyền và nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư mà nhà đầu tư chuyển nhượng đã cam kết tại hồ sơ dự thầu và hợp đồng dự án; c) Ngoài các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này, nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của thành viên liên danh phải bảo đảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của từng thành viên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 của Nghị định này”.
Quy định nhà đầu tư trúng thầu được thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất thể hiện sự chuyên biệt hóa hoạt động đầu tư, nâng cao tính chuyên môn trong quản lý, vận hành dự án cụ thể, thúc đẩy thành lập doanh nghiệp tại địa phương. Những quy định này được áp dụng sẽ tác động tích cực khi bảo đảm cho cơ quan có thẩm quyền tại các địa phương có cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể để thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với một trong hai đối tượng là nhà đầu tư trúng thầu hoặc tổ chức kinh tế do nhà đầu tư trúng thầu thành lập. Bên cạnh đó, quy định này sẽ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong tham dự thầu với tư cách liên danh trong việc thành lập một doanh nghiệp để thống nhất quản lý, đầu tư kinh doanh dự án có sử dụng đất. Đồng thời, việc quy định điều kiện cần đáp ứng nếu muốn chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của các thành viên, cổ đông trong tổ chức kinh tế do nhà đầu tư trúng thầu thành lập “trước” khi dự án được khai thác, vận hành tại khoản 4 Điều 52 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP là hợp lý bởi góp phần hạn chế tình trạng nhà đầu tư trúng thầu lợi dụng việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế được nhà đầu tư thành lập nhằm mục đích chuyển nhượng dự án ngay sau khi trúng thầu, theo kiểu “bán thầu”[2].
Ảnh minh họa
Thứ tư, bảo đảm công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, ngay cả khi chỉ có duy nhất một nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án.
Trước đây, khoản 3 Điều 9 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (Nghị định số 25/2020/NĐ-CP) quy định: “Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu trong các trường hợp sau đây: a) Chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển; chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển; b) Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu”. Điều này cho thấy, hình thức chỉ định thầu được áp dụng khi chỉ có một nhà đầu tư đăng ký đáp ứng yêu cầu hoặc trúng sơ tuyển hoặc có khả năng thực hiện.
Trong khi đó, theo Điều 4 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP có thể thấy, nhiều trường hợp dự án đều áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà không phụ thuộc vào có bao nhiêu nhà đầu tư đăng ký hay quan tâm, chỉ trừ một số trường hợp nhất định. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 59 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định: “Trường hợp tại thời điểm đóng thầu có ít hơn 03 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ dự thầu thì bên mời quan tâm, bên mời thầu báo cáo người có thẩm quyền xem xét, giải quyết trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ thời điểm đóng thầu theo một trong hai cách sau đây: a) Cho phép gia hạn thời điểm đóng thầu... nhằm tăng thêm số lượng nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án, tham dự thầu...; b) Cho phép mở thầu ngay để tiến hành đánh giá”. Đây là những nội dung cho thấy không áp dụng việc chấp thuận nhà đầu tư (tương tự như chỉ định thầu), ngay cả khi chỉ có 01 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án. Điều này sẽ hạn chế tình trạng doanh nghiệp có thể thỏa thuận “ngầm” hay “dàn xếp” khi tham gia lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, buộc các dự án sử dụng đất đều phải tiến hành đấu thầu một cách công khai, minh bạch ngay khi chỉ có duy nhất một nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án[3].
Thứ năm, đơn giản hóa thủ tục lựa chọn nhà đầu tư bằng cách lồng ghép, cắt giảm một số thủ tục trung gian, tạo thuận lợi, hấp dẫn trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
- Các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư từng được quy định tại các điều 24, 25, 26 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện nay, Nghị định số 115/2024/NĐ-CP đã bỏ các thủ tục này nhằm giúp giảm tải các thủ tục hành chính.
- Về thủ tục thẩm định danh sách nhà đầu tư đáp ứng về kỹ thuật, thủ tục này từng được quy định tại Điều 16 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP nhưng hiện nay đã được cắt giảm, theo đó, Điều 25 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP chỉ còn quy định về phê duyệt danh sách này.
- Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định cho phép lồng ghép lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ mời quan tâm đồng thời với quá trình thực hiện thủ tục về quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo đó, khoản 7 Điều 39 Nghị định này quy định: “7. Hồ sơ mời quan tâm được lập, phê duyệt đồng thời trong quá trình quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư) hoặc trong quá trình lập, phê duyệt thông tin dự án đầu tư có sử dụng đất (đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư) hoặc sau khi các quyết định này được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
- Chỉ quy định thời gian tối thiểu để nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu, còn thời gian lập, thẩm định, trình phê duyệt các nội dung trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất do người có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng. Cụ thể, khoản 1 Điều 41 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định: “1. Nhà đầu tư chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm. Thời gian chuẩn bị hồ sơ đăng ký thực hiện dự án tối thiểu là 30 ngày kể từ ngày đầu tiên phát hành hồ sơ mời quan tâm đến ngày có thời điểm đóng thầu”. Điều này tạo sự chủ động, linh hoạt và đề cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
- Hầu hết các quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện ngay sau khi công bố dự án đầu tư có sử dụng đất, không qua thủ tục mời quan tâm như trước đây, chỉ trừ trường hợp dự án phải xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Đấu thầu năm 2023 và các điểm e, g, h, i và k khoản 2 Điều 4 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP.
Các quy định về quy trình, thủ tục như trên góp phần thúc đẩy quá trình lựa chọn nhà đầu tư theo hướng đơn giản, minh bạch, tạo sự thuận lợi, tính cạnh tranh, hấp dẫn trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Ảnh minh họa
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (dự thảo Luật). Để bảo đảm thi hành Luật này từ ngày có hiệu lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Đấu thầu (dự thảo Nghị định). Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung khoản 3 về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt vào sau khoản 2 Điều 34 và bổ sung Điều 34a về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt vào sau Điều 34 Luật Đấu thầu năm 2023. Do đó, để quy định chi tiết, thi hành Luật, Điều 4 dự thảo Nghị định bổ sung Điều 9a và Điều 9b quy định về hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt vào sau Điều 9 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP. Dự thảo Nghị định đang được Chính phủ lấy ý kiến góp ý rộng rãi tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
“Mục tiêu của các quy định pháp luật là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; duy trì, bảo đảm trật tự xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm công bằng, bình đẳng, thích ứng với sự phát triển của xã hội; minh bạch, dễ tiếp cận; mang tính hệ thống và chặt chẽ; góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa, phát triển” là một trong những nội dung thực hiện chỉ đạo đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp ngày 07/11/2024. Các quy định pháp luật về đấu thầu nói chung và quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất nói riêng phải ngày càng được hoàn thiện, nhằm đạt được mục tiêu đề ra, góp phần xây dựng Nhà nước, xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới./.
[1] https://doanhnghiephoinhap.vn/nghi-dinh-115-luat-dau-thau-nhung-diem-moi-nha-dau-tu-can-biet-83169.html.
[2] Tham khảo nguồn: https://doanhnghiephoinhap.vn/nghi-dinh-115-luat-dau-thau-nhung-diem-moi-nha-dau-tu-can-biet-83169.html, truy cập ngày 24/11/2024.
[3] Tham khảo nguồn: https://doanhnghiephoinhap.vn/nghi-dinh-115-luat-dau-thau-nhung-diem-moi-nha-dau-tu-can-biet-83169.html, truy cập ngày 24/11/2024.