Sáng 6/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật là một bước tiến lớn, đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng xin - cho trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần và tạo điều kiện để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc nên cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.
Các ĐBQH tham dự Phiên thảo luận
Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 05 nhóm vấn đề lớn, nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Phân cấp quyết định chủ trương đầu tư các nhóm dự án sẽ góp phần rút ngắn thời gian triển khai
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng đánh giá cao dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp lần này đã hiện thực hóa những chủ trương tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giao cho địa phương quyết địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm. Dự thảo Luật đã nghiên cứu, tháo gỡ được những vấn đề lâu nay đang vướng mắc trong thực tiễn triển khai hoạt động đầu tư công từ các quy định của Luật Đầu tư công hiện hành hoặc do việc quy định tạo ra cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau trong tổ chức triển khai thực hiện Luật.
Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng
Để thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các dự án Luật Đầu tư công, đại biểu Trần Chí Cường cho rằng, việc bổ sung một số quy định mới như tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập sử dụng các nguồn vốn ngoài vốn đầu tư công cho công tác chuẩn bị đầu tư, phân cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, phân cấp quyết định chủ trương đầu tư các nhóm dự án sẽ góp phần rút ngắn thời gian trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư công. Tuy nhiên, vấn đề quy trình, thủ tục thực hiện đầu tư dự án công cần phải được nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện dự án. Thủ tục đầu tư không chỉ được quy định trong Luật Đầu tư công mà trong Luật Đầu tư mà còn được quy định trong nhiều luật khác nhau như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Phòng cháy chữa cháy...
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhất trí với việc cần đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tạo chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý đầu tư công. Tuy nhiên, phải bảo đảm nguyên tắc phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong quản lý đầu tư công. Phân cấp, phân quyền phải phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ và khả năng, điều kiện tổ chức thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý từ HĐND cho UBND cùng cấp (điều 18), đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, việc chuyển thẩm quyền từ HĐND (cơ quan dân cử) sang UBND (cơ quan quản lý Nhà nước) như dự thảo Luật là thay đổi lớn, cần có nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ, toàn diện. HĐND là các cơ quan quyết định về ngân sách, cơ quan quyền lực nhà nước và thực hiện quyền giám sát nên việc HĐND quyết định chủ trương đầu tư, xong sau đó Chủ tịch UBND quyết định đầu tư, một quy trình chặt chẽ, biện pháp để kiểm soát quyền lực như luật hiện hành là phù hợp.
Hơn nữa, còn trong trường hợp mà HĐND địa phương thấy có những dự án cần phân cấp, ủy quyền lại cho UBND thì khoản 7 Điều 17 Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định về trường hợp cần thiết “HĐND có thể giao UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư”. Quy định như vậy cũng đã mở, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính cũng như đặc điểm cụ thể của địa phương. Việc quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư thì nên cho 2 cơ quan khác nhau thực hiện để đảm bảo tính giám sát và tính kiểm soát quyền lực. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị theo hướng giữ thẩm quyền này của HĐND như Luật hiện hành.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Nêu quan điểm về nội dung trên, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, cần cân nhắc việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND cho Chủ tịch UBND cùng cấp. Bởi HĐND các cấp tổ chức họp khá thường xuyên và có thể tổ chức họp bất thường, khi cần thiết. Do vậy, việc quyết định chủ trương đầu tư dự án không sợ mất thời gian chờ đợi nếu phải trình qua HĐND phê duyệt. Nếu trình qua HĐND phê duyệt thì dự án buộc phải chuẩn bị kỹ hơn, đánh giá, xem xét kỹ hơn. Điều này sẽ đảm bảo khi triển khai thuận lợi và mang lại hiệu tốt quả hơn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Làm rõ hơn về nội dung được các ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư dự án sẽ góp phần giảm cơ chế xin-cho, tiết kiệm thời gian triển khai dự án... Tuy nhiên, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong tổ chức thực hiện.
Cơ quan soạn thảo dự án Luật sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan tiếp thu tối đa các ý kiến của các ĐBQH để có phương án hiệu quả, tối ưu nhất trong việc phân cấp, phần quyền cho các địa phương quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên thảo luận
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Qua thảo luận, các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có tính cấp bách theo tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Việc sửa đổi Luật cũng khắc phục những bất cập trong xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kịp thời áp dụng cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Bích Lan - Nghĩa Đức- Phạm Thắng
Nguồn: Quochoi.vn