1. Thực trạng vấn đề hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam thời gian qua
Thời gian qua, ở Việt Nam, việc thành lập các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam khá đơn giản, các doanh nghiệp này không cần vốn đầu tư quá nhiều, bộ máy tổ chức, sản xuất thường gọn nhẹ, đơn giản và chỉ tập trung hướng tới những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có lợi nhuận không quá cao… Do vậy, ra đời sau khi không được chuẩn bị kỹ lưỡng, nên nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ tồn tại được một thời gian không quá dài và trở thành gánh nặng cho sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khi gặp khó khăn về nguồn vốn, về thị trường, về nhân sự trong quá trình sản xuất, kinh doanh lại không hề nhận được sự giúp đỡ đắc lực từ các cá nhân, tổ chức và Nhà nước do những doanh nghiệp này phát triển, tồn tại manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự liên kết, thiếu tài chính, thiếu thị trường để kinh doanh. Đặc biệt, ở góc độ cạnh tranh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay đang gặp phải sự yếu kém nhất định về khả năng cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác cũng như các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế lớn. Nhận định khách quan cho thấy có quá nhiều cánh cửa, nhiều cơ hội hiện tại đang gần như “khép lại” đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nhóm doanh nghiệp này yếu thế trong việc tiếp cận các lợi ích, các tiềm lực cũng như sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước.
Dù ra sức đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước bởi những hoạt động kinh doanh của mình, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn đối mặt với nhiều khó khăn từ kinh tế, nhân sự đến trình độ quản lý của các chủ doanh nghiệp. Nhiều chủ doanh nghiệp khá yếu về trình độ quản lý, điều hành nên khi đứng trước những cơ hội, vận mệnh cho sự phát triển của doanh nghiệp của mình họ lại để “tuột khỏi tầm tay”. Hiện nay, vấn đề còn tồn đọng ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam không chỉ ở trình độ quản lý, điều hành của các chủ doanh nghiệp mà còn xuất phát từ việc thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp. Song song với khó khăn về nguồn vốn, thì khó khăn về nhân lực cũng là điều đáng quan tâm đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì thực chất, để phát triển được, để hoạt động kinh doanh đi vào quỹ đạo thì yếu tố nhân lực là điều vô cùng cấp thiết, quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với sự thiếu hụt cả về số lượng nhân sự và chất lượng của đội ngũ nhân sự này. Những điều này là nguyên nhân chính dẫn đến việc hạn chế khả năng phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ở Việt Nam hiện nay, đã có khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp nói chung và cũng có tác động trực tiếp, gián tiếp trong việc hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Tuy nhiên, việc điều tiết, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chưa được quan tâm sâu sắc bởi các chính sách, chiến lược mang tính quốc gia nhằm có những trợ giúp nhất định đối với sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Nói cách khác, khung pháp lý chuẩn mực để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam là điều kiện cần và đủ thúc đẩy sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp này và nhằm “tạo đà bật” cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các loại hình doanh nghiệp khác. Có lẽ, trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian sắp tới, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam cần có sự trợ giúp đắc lực của các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, cung cấp nguồn vốn, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ nhân sự, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, định hướng, dự báo cho các doanh nghiệp những chính sách quan trọng trong đường lối phát triển của doanh nghiệp một cách thường xuyên, liên tục.
Ở Việt Nam, thực trạng vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ở mức báo động, trong khi trên thế giới vấn đề này đã được đề cập cách đây 50 - 60 năm. Do ảnh hưởng của cơ chế, chính sách nên nhiều nội dung tác động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhà nước ta không được thực hiện và quán triệt đầy đủ. Trách nhiệm của Nhà nước, Chính phủ và sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng là điều kiện sống còn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã cố gắng, nỗ lực để tạo lập và gây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho các doanh nghiệp nói chung và cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Có nhiều văn bản luật và dưới luật ra đời2 nhằm quản lý, điều tiết các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời, nhằm tạo dựng khung pháp lý chuẩn mực, minh bạch, hiệu quả để tăng cường khả năng tiếp nhận nguồn lực, nhận sự trợ giúp về kinh tế và tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên, khoảng cách từ quy định đến thực tiễn là khá xa, do đó nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được đáp ứng kịp thời khi họ cần hỗ trợ, có nhiều doanh nghiệp buộc phải dẫn đến tình trạng phá sản hoặc giải thể do không được giúp đỡ về các tiềm lực phát triển kịp thời. Thực chất, cơ quan chức năng và các cơ quan nhà nước đã “chung tay, đấu cật” trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng việc hỗ trợ này trong thời gian vừa qua chỉ hướng tới một số đối tượng, mang tính dàn trải và tập trung hướng vào hoạt động đào tạo, hướng dẫn đổi mới công nghệ, hướng dẫn phát triển hoạt động kinh doanh sản xuất và đề xuất những chiến lược phát triển thị trường chứ chưa đi sâu sát vào việc trợ giúp tổng thể, toàn diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để những doanh nghiệp này có thể “dư sức” cạnh tranh với các “ông lớn” khác.
Đánh giá khách quan cho thấy, mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2014 ra đời kéo theo hàng loạt các văn bản hướng dẫn kèm theo đã phần nào giải quyết được tình trạng nói trên đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, nhưng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì họ cần có một luật riêng để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong doanh nghiệp của họ và kích thích họ, thúc đẩy họ phát triển bắt kịp với các tổ chức kinh tế lớn khác. Đó là lý do cấp thiết cần xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới.
2. Một số đề xuất trong việc xây dựng Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp nghiên cứu, soạn thảo và sẽ sớm trình Quốc hội cho ý kiến vào cuối năm 2016. Ở góc độ nghiên cứu tính khả thi của Dự thảo này, tác giả xin kiến nghị một số nội dung cơ bản sau đây cho Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể:
Thứ nhất, là một luật với tư cách và mục đích ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý, tập trung nguồn lực của kinh tế quốc dân hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thể hiện được rõ tính chất “hỗ trợ” và đối tượng nhận hỗ trợ. Nói cách khác, trong Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thiết phải liệt kê được các khía cạnh mà cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân buộc phải hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động của các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng nên đưa ra những điều kiện, tiêu chí để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có quyền nhận hỗ trợ. Hơn nữa, Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nên xây dựng đầy đủ hệ thống pháp lý bao gồm các quy phạm cụ thể với những giải pháp toàn diện nhằm thiết lập các nguyên tắc, đường lối, mục tiêu, chính sách, chương trình để có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đối với hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt khác, việc xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là yếu tố tiên quyết, căn bản để Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thể hiện được giá trị và ý nghĩa thiết thực đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Ngoài ra, Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của quốc tế, trong đó đặc biệt lưu ý đến kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng không nên áp dụng hoàn toàn, khuôn mẫu mà cần phải căn cứ vào tình hình và nhu cầu hỗ trợ hiện tại của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam do hệ thống ngành kinh tế cũng như cơ chế hoạt động thị trường và hoạt động trực tiếp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam là hoàn toàn khác với các doanh nghiệp ở quốc gia đó. Tránh tình trạng áp dụng “y nguyên” mô hình lập pháp của nước ngoài vào mô hình lập pháp ở Việt Nam.
Thứ hai, Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nên đưa ra bố cục rõ ràng để người đọc cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận các thông tin cần thiết, có lợi cho doanh nghiệp của họ. Theo đó, tác giả đề xuất Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nên chia thành các chương sau đây:
Chương 1. Những quy định chung (Chương này cần quy định về ý nghĩa, mục đích ra đời Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định đối tượng chịu sự áp dụng của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định đối tượng có vai trò trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa).
Chương 2. Các giải pháp, biện pháp cơ bản áp dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Chương này cần đưa ra, liệt kê và giải thích đầy đủ các biện pháp, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh; hỗ trợ tài chính và thuế; hỗ trợ pháp lý; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất; hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin và tư vấn kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ về lao động và nguồn nhân lực; hỗ trợ liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa và giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn; hỗ trợ khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có định hướng phát triển thành doanh nghiệp xã hội…).
Chương 3. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm (Chương này đưa ra tiêu chí ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và ưu tiên hỗ trợ trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm để bảo đảm phát triển và tăng cường tiềm lực của nền kinh tế quốc dân).
Chương 4. Hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Chương này cần quy định chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương có liên quan đến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và liệt kê cụ thể các tổ chức có quyền hạn, nghĩa vụ trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp).
Chương 5. Ngân sách, cơ chế phối hợp, hoạt động đánh giá, giám sát việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Chương này cần quy định ngân sách cung cấp, vấn đề thu chi, dự toán ngân sách cho hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ chế phối hợp ngành, liên ngành, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động hỗ trợ và việc kiểm tra, đánh giá, giám sát thường xuyên cũng như định kỳ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa).
Chương 6. Khen thưởng, kỷ luật, xử lý vi phạm trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Chương này cần liệt kê các trường hợp biểu dương, khen thưởng đối các tổ chức, cá nhân có vai trò trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời cũng đề ra các quy tắc kỷ luật và chế tài áp dụng đối những cá nhân, tổ chức vi phạm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa).
Chương 7. Tổ chức thực hiện, thi hành (Chương này quy định các điều khoản thi hành, các vấn đề xoay quanh việc rà soát các văn bản pháp luật, phối kết hợp các cơ quan, ban, ngành liên quan để Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào thực tế).
Thứ ba, để tránh tình trạng ban hành luật và văn bản hướng dẫn thiếu khoa học, các cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần lưu ý đến vấn đề có hay không nên cần thiết ban hành văn bản hướng dẫn, nghị định kèm theo. Vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là một vấn đề khá phức tạp cần có sự tham gia điều tiết, hỗ trợ từ nhiều phía, nhiều cơ quan, ban, ngành liên quan nên việc có văn bản hướng dẫn, văn bản dưới luật kèm sau quá trình Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời là điều tất yếu. Tuy nhiên, để tránh tình trạng luật ra đời “đợi” văn bản hướng dẫn thì cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần liên kết, phối hợp với các ban, ngành có liên quan để chuẩn bị các hướng dẫn chi tiết trước khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời. Điều này sẽ góp phần thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu sự tác động của luật và phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan liên quan đến hoạt động này.
Thứ tư, Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời với mục tiêu giải quyết các tồn đọng mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cần trợ giúp chủ yếu từ phía cơ quan nhà nước. Vì vậy, để Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có đầy đủ nội dung, bám sát tình hình, thực trạng thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp, cơ quan chủ trì soạn thảo cần thiết tổ chức các cuộc điều tra, lấy số liệu và thống kê thực trạng hiện tại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam và các nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để xác định rõ ràng những quy định, quy phạm pháp luật trong Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, là phù hợp với thực tiễn và thỏa mãn được nhu cầu của đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Có như vậy, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời mới trở thành một công cụ pháp lý quan trọng, thiết thực, tác động tích cực vào sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.
Nguyễn Sỹ Anh
Công ty TNHH E-WISDOM Tư vấn và Đào tạo Toàn Cầu
Tài liệu tham khảo:
[1]. Theo số liệu báo cáo thống kê mới nhất của cơ quan chức năng, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Nhóm doanh nghiệp này đang tích cực đóng góp thường xuyên và liên tục khoảng hơn 40% GDP, thu hút hơn 50% tổng số nhân công lao động và hàng năm đóng góp xấp xỉ 17,26% nguồn thu ngân sách nhà nước.
[2]. Như: Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa...