Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, dư luận thế giới, chà đạp lên sự thật lịch sử một cách trắng trợn, rồi già mồm ra thông cáo vu khống cho là tàu của Việt Nam trong thời gian qua đã đâm vào tàu của Trung Quốc đến hơn 1.400 lần – họ trở thành “thằng hề vừa ăn cắp vừa la làng”, họ đã vi phạm những thỏa thuận mà các thế hệ lãnh đạo cấp cao của hai bên đã thỏa thuận, ký kết trước đây và hiện tại, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 – văn bản pháp lý cao nhất để phân chia lãnh hải từng quốc gia mà Trung Quốc đã ký kết.
Phải khẳng định rõ ràng những hành động của Trung Quốc đang diễn ra là những hành động trái phép, bất chấp luật pháp quốc tế, phản ứng mạnh mẽ của dư luận Việt Nam, thế giới và sự phản đối ngay trong lòng dư luận của Trung Quốc. Ông Lý Lệnh Hoa, học giả hàng đầu Trung Quốc đã khẳng định: “Trung Quốc là nước ký UNCLOS 1982 nên phải thực thi Điều 74 và Điều 83, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước duyên hải xung quanh”. "Truyền thông Trung Quốc đã đăng tải quá nhiều phát biểu vô trách nhiệm về những vấn đề về liên quan đến Biển Đông. Họ chẳng hiểu gì Công ước 1982 hay Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), họ bỏ qua lý lẽ và thậm chí coi thường Công ước đã ký. Những gì họ nói, họ biết về "đường lưỡi bò" là vô cùng cẩu thả. Tất cả các đường ranh giới trên đất liền và hải phận trên thế giới đều là những đường liền mạch, rõ ràng, còn "đường lưỡi bò" chỉ là một vệt 9 đoạn đứt quãng quá mơ hồ..." và "Trung Quốc là một quốc gia lục địa. Từ xa xưa cho đến tận đời nhà Minh, nhà Thanh, Trung Quốc vốn không quan tâm nhiều đến biển. Làm sao lại có thể dám nói rằng, người Trung Quốc từ xa xưa đã vươn ra hoạt động trên một vùng biển rộng đến hơn 200 vạn km2 mà Trung Quốc đang đòi hỏi hiện nay? Đấy là một sự ngụy tạo, bóp méo sự thật lịch sử".
Những hành động dùng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực mà Trung Quốc đã và đang thực hiện tại vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trong những ngày qua là vô cùng nguy hiểm, là mối đe dọa hòa bình, tạo thách thức an ninh cho con đường hàng hải chiếm tới 45% vận tải thương mại toàn cầu. Đặc biệt, chiến thuật từng bước lấn tới ở Biển Đông của Trung Quốc đồng thời tiềm ẩn những tiền lệ khó dự đoán đối với nhiều quốc gia tại Đông Nam Á, đi ngược lại tinh thần Hiến chương Liên Hợp Quốc, mục tiêu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, tự do hàng hải mà cả thế giới cùng chia sẻ lợi ích và đang nỗ lực theo đuổi.
Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng đã quy định rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu từ một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”. Nghị quyết cũng quy định: “Các quốc gia có nghĩa vụ không đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hay như một biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”. Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng quy định: “Các nước thành viên Liên Hợp Quốc trong quan hệ quốc tế không được đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc nhằm những mục đích khác không phù hợp với mục đích của Liên Hợp Quốc”.
Thế nhưng, chủ nghĩa bành trướng, bá quyền Trung Quốc vỗn dĩ đã có nguồn gốc sâu xa từ trong lịch sử và đã trở thành một thứ “truyền thống” cho đến ngày nay, luôn là một nỗi lo ngại đáng kể của các nước lân cận. Không chỉ các quốc gia có đường biên giới, hải đảo trên biển như: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Nhật Bản... mà tất cả các quốc gia có đường biên giới đất liền tiếp giáp với Trung Quốc cũng đều bị Trung Quốc nhòm ngó, chủ động tạo ra tranh chấp, gây hấn xung đột lãnh thổ như: Ấn Độ, Kazakhstan; Nga (Liên Xô); Tây Tạng; Hàn Quốc; Việt Nam; Campuchia; Pakistan; Bắc Triều Tiên.
Việc một quốc gia tự đặt mình lên trên luật pháp quốc tế cũng không khác gì tự hạ thấp uy tín, vị thế, tự tách khỏi tôn chỉ của nhân loại văn minh và chối bỏ trách nhiệm, tư cách là thành viên của cộng đồng quốc tế. Những toan tính đảo lộn các giá trị, thay đổi hiện trạng lãnh thổ, lãnh hải phi pháp không bao giờ chiến thắng trong thế giới mà xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển và tôn trọng công lý vẫn là chủ đạo. Vì thế mà từ Washington, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Jen Psaki đã hơn một lần cảnh báo về hành động đơn phương của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, tấn công tàu của Việt Nam.
Cũng chính từ giàn khoan này trôi nổi không có trật tự này, và những hành động phi pháp nguy hiểm, vô nhân đạo của Trung Quốc trong những ngày qua tại vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã thấy rõ bộ mặt thật của Trung Quốc - người được coi là “anh em” núi liền núi, sông liền sông, đã không bao giờ coi trọng “4 tốt, 16 chữ vàng” nữa, chỉ là “dối trá”, là một thứ hữu nghị “viển vông”, “mơ hồ”. Trung Quốc đã lộ rõ bản chất giả tạo, thủ đoạn, vô tình, vô nghĩa, hung bạo, hiếu chiến... và sự thực đã đó được phơi bày trong suốt những ngày qua.
Bằng lòng tự tôn dân tộc, tinh thần yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do... người dân Việt Nam luôn hiểu và ý thức được những đau thương, mất mát trong suốt hơn 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, hiểu được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ hòa bình ở Biển Đông, khu vực và trên thế giới - nơi nhiều thế hệ cha ông chúng ta đã ngã xuống để xác lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và cũng là nơi những người con đất Việt đang ngày đêm bám trụ bảo vệ bờ cõi trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc ngay trên vùng biển đảo và thềm lục địa của Việt Nam. Đó là niềm tự hào, nhưng cũng chứa đựng biết bao đau thương mà lịch sử đã để lại trên đất nước hình chữ S. Hơn bao giờ hết, niềm khát khao của tất cả người dân Việt Nam là được sống trong hòa bình, để cùng với các dân tộc trên toàn thế giới xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Thế nhưng, sẽ là lầm tưởng nếu đánh đồng mong mỏi cao đẹp đó với sự nhu nhược bởi “sự chịu đựng nào cũng có giới hạn”, bởi truyền thống yêu nước của lớp lớp người dân Việt Nam không cho phép có bất kỳ sự nhân nhượng nào về chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bởi “chúng ta càng nhân nhượng kẻ thù càng lấn tới”.
Nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh tới cùng và sẵn sàng hi sinh tất cả để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn của đất nước, các quyền lợi chính đáng của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Từ trong lịch sử, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã khẳng định quan điểm nhất quán của chúng ta qua Bình Ngô đại cáo rằng: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Quan điểm đó xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương và hành động của Việt Nam từ ngàn đời nay và tiếp tục được chứng minh trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông và trong những ngày qua, khi các tàu thực thi pháp luật, tàu kiểm ngư, tàu của ngư dân của Việt Nam... đã kiên nhẫn tuyệt đối trước mọi hành động khiêu khích, tấn công phá hoại từ các tàu Trung Quốc.
Hoàng đế Trần Nhân Tông đã để lại lời nhắn nhủ vang vọng trong tâm khảm mỗi con người Việt Nam: “Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. Trong khối di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có câu nói nổi tiếng: “Mỗi tấc đất này đều phải đổi bằng núi xương, sông máu và mồ hôi của các thế hệ người Việt Nam ta...”. Bởi vậy, “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”! Đấy là bổn phận, là tình cảm, là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của tất cả những ai mang dòng máu Lạc Hồng. Đấy là lẽ đương nhiên, là điều tất yếu./.
Vũ Hải Việt
Ảnh: Nguồn từ zing.vn