Bạn đọc hỏi:
Trước khi kết hôn, chồng tôi đã được bố mẹ đẻ tặng cho 01 căn nhà xây dựng trên diện tích 45m2 đất, đã được cấp Giấy chứng nhân quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đứng tên chồng tôi. Sau khi kết hôn, tôi và chồng đã tạo lập được một khối tài sản chung bao gồm 02 sổ tiết kiệm và 01 căn nhà ba tầng nằm trên diện tích 75m2. Chúng tôi có 02 con chung là cháu Trần Nguyệt Quế (26 tuổi) và cháu Trần Chiến Thắng (25 tuổi). Năm 2023, chồng tôi chết có để lại di chúc với nội dung: Phần tài sản thuộc tài sản chung của hai vợ chồng sẽ được chia đều cho các con. Đối với nhà đất có diện tích 45m2 là tài sản riêng của chồng sẽ được dùng để thờ cúng. Nay con tôi, cháu Trần Chiến Thắng muốn chia toàn bộ di sản thừa kế.
Xin hỏi luật sư di sản thừa kế dùng vào việc thờ cúng như di chúc của chồng tôi để lại có phải chia thừa kế không? Ai sẽ là người quản lý di sản này nếu di chúc không chỉ định?
(Trần Thị Lan - Quảng Ninh)
Luật sư trả lời:
Theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế mà được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Trường hợp người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng đó cho người khác quản lý để thờ cúng.
Nếu trong di chúc, người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế thỏa thuận để cử người quản lý di sản thờ cúng. Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người thuộc diện thừa kế theo pháp luật và đang quản lý hợp pháp di sản đó.
Như vậy, cháu Trần Chiến Thắng không thể yêu cầu chia thừa kế đối với phần di sản thờ cúng, trường hợp này, cháu Trần Chiến Thắng cùng những người thừa kế theo di chúc có thể thỏa thuận để cử người quản lý di sản thờ cúng.
Công ty Luật TNHH Số 1 Hà Nội