Trong giai đoạn 2020 - 2021, trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp với tổng thể các biện pháp, chủ yếu mang tính ngắn hạn, ứng phó với dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người dân và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch. Đặc biệt là việc quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách để kịp thời áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, cần nhận định rằng, việc ứng phó với đại dịch này không chỉ trong ngắn hạn mà cần có lộ trình dài hạn.
|
|
Về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường triển khai hỗ trợ pháp lý, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã và đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo Báo cáo Kết quả tiếp tục rà soát, nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch COVID-19. Tại Diễn đàn này, những trao đổi, thảo luận, đề xuất, giải pháp về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được đưa ra sẽ góp phần hoàn thiện Báo cáo nêu trên và kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết.
|
|
Về xử lý vi phạm hành chính trong bối cảnh dịch COVID-19, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vi phạm thì một số giải pháp được đưa ra đó là: (i) Xem xét không xử phạt vi phạm hành chính (như trường hợp “vi phạm do sự kiện bất khả kháng”) khi bảo đảm một số điều kiện nhất định; (ii) Áp dụng phương thức trực tuyến trong việc giải trình của đối tượng vi phạm; (iii) Áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm khi xử lý vi phạm; (iv) Áp dụng các quy định về hoãn thi hành quyết định xử phạt do tổ chức, cá nhân vi phạm gặp khó khăn đặc biệt do dịch bệnh; (v) Xem xét hạn chế các hoạt động thanh tra, kiểm tra về công tác xử lý vi phạm hành chính.
|
|
Về Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động đi đôi với vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, nội dung dự kiến sẽ tập trung vào các nhóm vấn đề như: Hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho một số đối tượng, lực lượng lao động để góp phần phục hồi, kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động vay vốn ưu đãi, khôi phục, duy trì phát triển sản xuất, giải quyết việc làm; nâng cao hiệu quả ứng dụng về dịch vụ công, việc làm hiệu quả, đổi mới cung cầu lao động, phát triển lao động trực tuyến, giao dịch việc làm, kết nối việc làm; hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, phát triển hệ thống đào tạo chất lượng cao; đầu tư phát triển các cơ sở, chăm lo đối tượng yếu thế, tổn thương vì dịch bệnh; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, chuyển đổi số trong lĩnh vực dân cư và kết nối với lao động; tập trung chăm lo phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, công nhân và những người lao động ở các khu nhập cư.
|
|
Trong công tác thi hành án dân sự, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã đặt ra thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, hệ thống thi hành án dân sự đã có nhiều cố gắng thực hiện mục tiêu đề ra và có những cải cách mạnh mẽ và thực chất hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Nhằm bảo đảm quyền và lợi ích cho doanh nghiệp trong thi hành án dân sự, một số đề xuất đã được nêu ra tại Diễn đàn, cụ thể như: (i) Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến xác định các yếu tố khách quan nói chung, trong đó có dịch bệnh được trừ vào thời hạn thực hiện các thủ tục thi hành án dân sự bị kéo dài do dịch bệnh; bổ sung quy định gửi, nhận đơn yêu cầu thi hành án, đơn khiếu nại, tố cáo và các văn bản thi hành án dân sự khác thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến, qua phương tiện điện tử hoặc dịch vụ công ích; (ii) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho chấp hành viên tổ chức thi hành án, đặc biệt chú trọng việc phối hợp với cơ quan công an trong xây dựng kế hoạch và bố trí lực lượng bảo vệ cưỡng chế; (iii) Nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh, khắc phục các hậu quả do thiên tai. Nghiên cứu tổng thể các yếu tố ảnh hưởng từ việc thay đổi chính sách, quy định của Bộ Tài chính về nguồn cải cách tiền lương, ảnh hưởng của dịch bệnh...
Về phía các doanh nghiệp, tại Diễn đàn, đại diện một số doanh nghiệp cũng đã nêu lên đề xuất về các vấn đề như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; xử lý vấn đề tồn đọng, điểm nghẽn, giảm thiểu thủ tục, chi phí sản xuất, kinh doanh; sớm ban hành Quy chế Xử lý rủi ro tín dụng tại ngân hàng phát triển; miễn giảm tiền thuê đất; miễn giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế; miễn giảm kinh phí công đoàn…
Uyên Nhi