Tham dự Diễn đàn gồm Lãnh đạo và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; đại diện Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao; đại diện Ban Nội chính Trung ương; Ban Chỉ đạo cải đạo cải cách tư pháp Trung ương; một số Ủy ban của Quốc hội; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; một số bộ, ban, ngành ở trung ương và địa phương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam; Liên đoàn Luật sư Việt Nam và một số tổ chức xã hội - nghề nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo; cơ quan đại diện ngoại giao một số nước, tổ chức quốc tế, đối tác nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Giorgio Aliberti - Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra - Điều phối viên của Liên Hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, Diễn đàn này được tổ chức nhằm chia sẻ những thành tựu của Việt Nam về kết quả thực thi pháp luật về hòa giải, trọng tâm là hòa giải ở cơ sở; đồng thời trao đổi, đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về những vấn đề cơ bản như:Chính sách, pháp luật về hòa giải cơ sở và thực tiễn thi hành tại Việt Nam thời gian qua; vấn đề đổi mới, tăng cường hòa giải trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Tòa án Việt Nam; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong trong công tác hòa giải ở cơ sở; công tác hòa giải cơ sở tại một số địa phương; Chương trình UE JULE và các hoạt động hòa giải ở cơ sở; hòa giải ở cơ sở và tư pháp thân thiện cho trẻ em; giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hòa giải cơ sở tại Việt Nam trong thời gian tới.
Về thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở: Các đại biểu tham dự diễn đàn nhận định, công tác hòa giải ở cơ sở thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở được triển khai kịp thời, sâu rộng và hiệu quả; quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm; đội ngũ hòa giải viên được kiện toàn, tăng cường cả về số lượng và chất lượng; một số mô hình điểm có hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở được xây dựng và từng bước được nhân rộng… Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở còn một số tồn tại và hạn chế cần được khắc phục như: Một số quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống; vai trò của các cấp ủy Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở có lúc, có nơi chưa thực sự được phát huy; sự phối hợp triển khai công tác hòa giải ở cơ sở giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị ở một số nơi chưa thực sự chặt chẽ; hiểu biết pháp luật của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở còn hạn chế; kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa thực sự phù hợp.
Về đổi mới và tăng cường hòa giải trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Tòa án Việt Nam:Theo TS. Nguyễn Thúy Hiền - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thì việc áp dụng chế định hòa giải tại Tòa án với phương châm “hai bên cùng thắng” không những là công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hòa giải mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp, khắc phục tình trạng tồn đọng án, thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế - xã hội phát triển, giảm chi phí cho xã hội. Do vậy, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp nhằm đổi mới và tăng cường hòa giải tại Tòa án, cụ thể như: Triển khai thi hành có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vừa được Quốc hội thông qua ngày 16/6//2020, trong đó, cần khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, trao đỏi nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải đối thoại; tăng cường công tác hợp tác quốc tế, tuyên truyền, phổ biến về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; bổ sung kinh phí và xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Về các giải pháp hoàn thiện và tổ chức thi hành có hiệu quả pháp luật về hòa giải cơ sở tại Việt Nam: Thông qua Diễn đàn, các đại biểu đưa ra một số giải pháp cụ thể như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác hòa giải ở cơ sở; tiếp tục hoàn thiện thể chế về hòa giải ở cơ sở; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp thực hiện quy định về công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở; đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải ở sở sở; nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên...
Kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp bày tỏ sự cám ơn sâu sắc đến Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và Điều phối viên của Liên Hợp quốc tại Việt Nam, cùng tất cả các đại biểu tham dự Diễn đàn. Thứ trưởng cho rằng, thông qua Diễn đàn này, những kết quả đã đạt được và sự nỗ lực, cố gắng của Việt Nam đối với hoạt động hòa giải trong thời gian vừa qua đã được ghi nhận.Đồng thời,Thứ trưởng đánh giá cao nội dung của Diễn đàn hết sức súc tích, gợi mở nhiều giải pháp, định hướng thúc đẩyphát triển hoạt động hòa giải ở cơ sở tại Việt Nam trong thời gian tới; việc tăng cường hoạt động hòa giải ở cơ sở đồng nghĩa với việc giảm thiểu các tranh chấp, khiếu kiện ra Tòa án.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định, Bộ Tư pháp cũng như các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế trong việc tăng cường hợp tác về xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp nói chung và công tác hòa giải ở cơ sở nói riêng để bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân vàgóp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.