Thành phần tham dự diễn đàn gồm: Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và một số cơ quan của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, một số bộ, ngành, một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo luật; Sở Tư pháp, Sở Ngoại vụ, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm trợ giúp pháp lý một số tỉnh và đại diện một số cơ quan đại diện ngoại giao của một số nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp... Diễn đàn được diễn ra dưới sự đồng chủ trì của ông Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Bruno Angelet - Đại sứ EU tại Việt Nam; ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.
Diễn đàn pháp luật là một trong những hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Chính phủ Việt Nam với các đối tác quốc tế được tổ chức bắt đầu từ năm 2004 với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam. Từ đó đến nay, với nỗ lực của các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam cùng với các đối tác quốc tế, diễn đàn pháp luật đã được duy trì tổ chức hàng năm. Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2016 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật cũng đã quy định, diễn đàn pháp luật là hình thức hợp tác nhằm mục đích cung cấp chia sẻ thông tin liên quan đến việc hoàn thiện, thực thi chính sách pháp luật và tiến trình thực hiện cải cách tư pháp tại Việt Nam. Thông qua đó, tăng cường sự hiểu biết, sự hợp tác giữa các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam với các đối tác quốc tế về những chủ đề được lựa chọn.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, việc chăm lo cho người nghèo và nhóm người yếu thế luôn là mục tiêu ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện và bền vững của xã hội, bảo đảm sự tham gia rộng rãi, bình đẳng, thực chất của tất cả các thành phần xã hội, trong đó, có các lĩnh vực về tư pháp với phương châm “không ai bị để lại phía sau” trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, chính sách để thực hiện mục tiêu nói trên.
Thứ trưởng cũng nêu rõ, trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, Việt Nam đã quan tâm, nỗ lực, xây dựng và hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật nhằm chăm sóc, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và nhóm yếu thế tham gia vào đời sống chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa tại Việt Nam. Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012,... và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã tạo ra khuôn khổ pháp luật trong nước, thể hiện quan điểm nhất quán của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung và của người nghèo, nhóm yếu thế nói riêng. Ở cấp độ quốc tế, Việt Nam cũng đã tham gia nhiều điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến vấn đề này như Công ước quốc tế về các vấn đề dân sự và chính trị năm 1966, Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1959... Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện cải cách và thực thi pháp luật của Việt Nam, vẫn còn những thách thức, khó khăn nhất định. Vì vậy, diễn đàn này là cơ hội để cập nhật quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ người nghèo và nhóm yếu thế, cũng như chia sẻ các giải pháp để bảo đảm thực thi pháp luật trên thực tế.
Tại Diễn đàn, ông Bruno Angelet - Đại sứ EU tại Việt Nam khẳng định, đối thoại chính sách về bảo vệ quyền của người nghèo và nhóm người dễ bị tổn thương là một trong những hoạt động quan trọng trong việc hỗ trợ Bộ Tư pháp Việt Nam nâng cao tính minh bạch trong thực thi pháp luật, tăng cường bảo vệ quyền của nhóm người này. Để làm được điều đó, Việt Nam cần tăng cường các dịch vụ công, thúc đẩy sự tham gia của xã hội dân sự, tư nhân để nâng cao khả năng tiếp cận công lý, cơ hội trợ giúp pháp lý cho người nghèo, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương, từ đó nâng cao tính minh bạch của hệ thống tư pháp Việt Nam.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, hiện nay nhóm yếu thế trong xã hội ít có cơ hội để tìm hiểu, tiếp cận thông tin pháp luật, trợ giúp pháp lý bởi những rào cản về ngôn ngữ, cách thức chia sẻ thông tin. Vì vậy, cần tăng cường pháp quyền thông qua hệ thống tư pháp tin cậy và chất lượng tốt hơn để đảm bảo công lý cho mọi người, không ai bị bỏ lại phía sau.
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận sôi nổi về một số vấn đề quan trọng liên quan đến chủ đề của diễn đàn như: Kết quả hoàn thiện pháp luật nhằm bảo vệ tốt hơn người nghèo và nhóm yếu thế trong lĩnh vực pháp luật hình sự - hành chính ở Việt Nam; đảm bảo tiếp cận công lý cho nhóm đối tượng yếu thế; tố tụng tại Tòa án và việc bảo đảm quyền của người nghèo và nhóm yếu thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em và giải pháp bảo đảm thi hành theo Luật Trẻ em; Vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong bảo vệ phụ nữ và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới...