Diễn đàn được tổ chức nhằm trao đổi về các giải pháp hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó tổng hợp kiến nghị, phản ánh khó khăn, vướng mắc pháp lý; ý kiến của doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các cơ quan có thẩm quyền nhằm góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh dịch COVID-19 theo yêu cầu của Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Tại Diễn đàn, các tham luận, ý kiến tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh 03 mối quan hệ của doanh nghiệp như: Mối quan hệ giữa doanh nghiệp với Nhà nước; mối quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với khách hàng; mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động.
Tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý, trong đó có giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trong Diễn đàn, các giải pháp được đề xuất nhằm thực thi nhiệm vụ trên đó là: Tập trung tuyên truyền mạnh mẽ nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; huy động sự tham gia của đội ngũ luật sư, luật gia trong công tác hỗ trợ pháp lý, giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát huy hiệu quả mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan; bố trí nguồn lực cho công tác hỗ trợ pháp lý, giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 |
 |
Về giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại, các đại biểu tại Diễn đàn đã cho thấy tính ưu việt của hình thức này, có thể kể đến như: Thứ nhất, thủ tục trọng tài áp dụng cho các tranh chấp trong hoạt động thương mại đơn giản hơn, các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, thủ tục trọng tài không trải qua nhiều cấp xét xử; thứ hai, việc được quyền lựa chọn trọng tài viên giải quyết tranh chấp cho phép các bên lựa chọn được các chuyên gia có chuyên môn, kinh nghiệm, uy tín; thứ ba, trọng tài tôn trọng tính bảo mật thông tin; thứ tư, thẩm quyền của hội đồng trọng tài được thiết lập dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên mà không phụ thuộc vào quyền lực nhà nước; thứ năm, phán quyết của trọng tài có đặc điểm giống như bản án của Tòa án đó là mang tính chung thẩm và bắt buộc các bên phải thi hành. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh, trọng tài đã duy trì thực hiện giải quyết tranh chấp bằng hình thức trực tuyến. Mặc dù vậy, hình thức giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại cũng có một số lưu ý nhất định đòi hỏi doanh nghiệp cần phải xem xét, cân nhắc trước khi lựa chọn.
 |
 |
Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, các đại biểu nhận định người lao động là đối tượng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, nhằm giúp họ tháo gỡ khó khăn về pháp lý, biết, hiểu và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, cần tập trung vào một số giải pháp sau: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động nhằm hình thành ý thức, văn hóa pháp luật cho họ; lựa chọn hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng và địa bàn cụ thể, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phát huy sức mạnh tổng hợp trong phổ biến, giáo dục pháp luật, theo đó, cần xác định nhiệm vụ này hiện nay không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp, của người sử dụng lao động và người lao động, cán bộ công đoàn…; phát huy vai trò của công đoàn trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp; gắn hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật lao động và pháp luật có liên quan trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, tại Diễn đàn, các đại biểu còn trình bày, trao đổi, thảo luận về một số nội dung khác như: Vai trò của Bộ Tư pháp trong giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp vừa và nhỏ; thực tiễn công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và những kiến nghị đề xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025…
Uyên Nhi
Ảnh: Internet