Thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, thận trọng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện Kết luận số 64-KL/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII và Nghị quyết số 104/2023/QH15 của Quốc hội: “Từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 135-QĐ/TTg ngày 31/01/2024 về Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại phiên họp
Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ tổ chức nhiều cuộc họp (21 cuộc họp) thảo luận kỹ lưỡng về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024; đồng thời, Thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức lấy ý kiến các Ban, Bộ, ngành, chuyên gia, nhà quản lý để hoàn thiện dự thảo Báo cáo. Ngày 31/5/2024, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ đã có Tờ trình số 46-TTr/BCSĐ trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến. Trong đó báo cáo rõ các căn cứ chính trị, pháp lý, các quan điểm, nguyên tắc và xác định các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW; đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo các nguyên tắc của Nghị quyết số 28-NQ/TW và quy định của pháp luật hiện hành để bảo đảm sự đồng bộ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, Chính phủ đề xuất giải pháp thực hiện điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội với quan điểm bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW và quy định của pháp luật để thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước; Bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hóa xã hội, bảo đảm an sinh cho Nhân dân trong quá trình phát triển; những nội dung trong các Nghị quyết của Trung ương đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện thì triển khai ngay; những vấn đề còn khó khăn, bất cập thì tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhằm tạo được đồng thuận xã hội, tránh xáo trộn lớn, phức tạp tình hình; Cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Toàn cảnh phiên họp
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đối với khu vực doanh nghiệp, sẽ thực hiện đầy đủ theo đúng nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TW gồm 2 nội dung: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (theo tháng và theo giờ) theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 01/7/2024); Quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 01/01/2025 để phù hợp với năm tài chính của doanh nghiệp). Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, sẽ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách tiền lương theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi. Cụ thể, thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công của Nghị quyết số 27-NQ/TW đã rõ, đủ điều kiện thực hiện, gồm: hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng từ ngày 01/7/2024 (quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản); quy định và hướng dẫn rõ 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.
Đối với 2/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công, gồm các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương) và cơ cấu lại và sắp xếp thành 09 chế độ phụ cấp mới, Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 01/7/2024 với 03 nội dung. Cụ thể: thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2024 mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 09 loại phụ cấp mới, tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành; đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành (đặc biệt là phụ cấp theo nghề) mà trong quá trình thực hiện có phát sinh bất hợp lý. Đối với một số Bộ, ngành đang đề xuất có chế độ phụ cấp theo nghề, cần tiếp tục làm rõ các yếu tố về chính sách ưu đãi và điều kiện lao động để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2024
Trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trên cơ sở những khó khăn, bất cập được nhận diện khi thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Ủy ban Xã hội thống nhất với quan điểm cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách nhà nước và các nội dung khác đã nêu tại Báo cáo số 329/BC-CP.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra
Ủy ban Xã hội thấy rằng, nội dung đề xuất của Chính phủ trong việc thực hiện tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp từ ngày 01/7/2024 đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 83-KL/TW. Theo đó, thực hiện đầy đủ 02 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp; thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công. Hiện nay, Chính phủ cũng đang quyết tâm, tích cực ban hành văn bản để bảo đảm thực hiện các nội dung này từ 01/7/2024. Tuy nhiên, với những vấn đề mới, phức tạp, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để có cơ sở triển khai áp dụng, nhất là với quy định bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản và giao người đứng đầu xây dựng quy định chế độ tiền thưởng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý và “tránh trùng lặp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng” như Kết luận số 83-KL/TW đã nêu.
Về thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, Ủy ban Xã hội thấy rằng, đây là mức tăng đáng ghi nhận trong quá trình điều chỉnh tiền lương, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc.
Các đại biểu tại phiên họp
Tuy nhiên, cùng với việc tăng lương cơ sở, đề nghị Chính phủ quan tâm: Các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả chính sách; Tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát khác, bảo đảm chỉ tiêu tăng CPI bình quân năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2026 mà Quốc hội giao; Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang giá dịch vụ sự nghiệp công; cần có cơ chế cấp bù ngân sách khi giá dịch vụ công thiết yếu chưa kịp điều chỉnh so với mức lương mới để các đơn vị thực hiện tự chủ chi thường xuyên cân đối được thu - chi và có tích luỹ; bảo đảm quyền tự chủ thực chất khi thực hiện tự chủ tài chính.
Ủy ban Xã hội và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất với việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. Đồng thời, Ủy ban Xã hội kiến nghị Chính phủ: Định kỳ rà soát, xem xét nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội để từng bước tiến tới bảo đảm mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn và sớm thực hiện chính sách trợ cấp xã hội cho hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo theo Nghị quyết số 42-NQ/TW và Nghị quyết số 108/2023/QH15; xem xét quy định mức trợ cấp hưu trí xã hội mới được bổ sung trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, một cách thỏa đáng và ở mức hợp lý để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tính toán, trình bổ sung trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 để triển khai thực hiện.
Hồ Hương - Phạm Thắng - Nghĩa Đức
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam