Khi hội nhập quốc tế trở thành xu thế tất yếu toàn cầu thì giáo dục - đào tạo cũng không là ngoại lệ, du học đã trở thành xu hướng được nhiều người trong giới trẻ cùng phụ huynh lựa chọn. Nhu cầu du học nước ngoài tăng, dẫn đến sự ra đời của các công ty, trung tâm tư vấn du học trên khắp cả nước. Các tổ chức tư vấn du học đã góp phần đáp ứng nhu cầu cho học sinh và những người muốn tìm hiểu, được cung cấp thông tin trung thực về điều kiện học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài. Trước đây, các công ty tư vấn du học hoạt động chủ yếu trên cơ sở quy định tại Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg ngày 15/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập (Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg), tuy nhiên, các quy định này trên thực tế đã phát sinh nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho sự phát triển của các công ty tư vấn du học trên cả nước. Những khó khăn, vướng mắc này đã được tháo gỡ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2018/NĐ-CP ngày 04/10/2018 của Chính phủ (Nghị định số 46/2017/NĐ-CP). Lần đầu tiên, quyền và nghĩa vụ pháp lý của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được ghi nhận trong Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ quy định về việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật (Nghị định số 86/2021/NĐ-CP), đồng thời, xác định rõ trách nhiệm cần phải thực hiện của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Tuy nhiên, bên cạnh đó, quy định pháp luật hiện hành về hoạt động dịch vụ tư vấn du học vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, chưa rõ ràng cần được hoàn thiện nhằm góp phần ổn định hoạt động kinh doanh của tổ chức kinh doanh du học.
1. Quy định pháp luật hiện hành về kinh doanh dịch vụ tư vấn du học ở Việt Nam hiện nay
1.1. Tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học
Theo khoản 2 Điều 106 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP, kinh doanh dịch vụ tư vấn du học bao gồm: (i) Giới thiệu, tư vấn thông tin về chính sách giáo dục của các quốc gia và vùng lãnh thổ; tư vấn lựa chọn trường học, khóa học, ngành nghề và trình độ phù hợp với khả năng và nguyện vọng của người học; (ii) Tổ chức quảng cáo, hội nghị, hội thảo, triển lãm về du học theo quy định của pháp luật; (iii) Tổ chức chiêu sinh, tuyển sinh du học; (iv) Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng cần thiết cho công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập; (v) Tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, đưa cha mẹ hoặc người giám hộ tham quan nơi đào tạo ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; (vi) Các hoạt động khác liên quan đến kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Ngoài ra, một trung tâm tư vấn du học cũng có thể tham gia vào toàn bộ các khâu trong quá trình tư vấn du học như: Giới thiệu, quảng cáo, chiêu sinh, tổ chức đưa học sinh Việt Nam sang nước ngoài, tham quan cơ sở đào tạo…
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 106 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định loại hình tổ chức kinh doanh tư vấn du học: (i) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp; (ii) Các đơn vị sự nghiệp có chức năng kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; (iii) Tổ chức giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
1.2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học
Theo Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì dịch vụ tư vấn du học thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo nên dịch vụ tư vấn du học là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, trước khi tiến hành kinh doanh trong lĩnh vực này, doanh nghiệp cần xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Về điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, theo quy định tại Điều 107 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học chỉ được phép hoạt động khi và chỉ khi đội ngũ nhân viên đáp ứng được 03 điều kiện cơ bản: (i) Đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học có trình độ đại học trở lên; (iii) Có năng lực sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương; (iii) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thủ tục để tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được quy định tại Điều 108 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP, theo đó: Tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến Sở Giáo dục và Đào tạo nơi kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định hồ sơ, thẩm tra tính xác thực của tài liệu trong hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; nếu chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức dịch vụ tư vấn du học và nêu rõ lý do. Trong quá trình hoạt động, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Trình tự điều chỉnh, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học thực hiện như quy định tại khoản 3 Điều này. Như vậy, khi hồ sơ có đủ các tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 108 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và tuân thủ trình tự đã nêu trên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cho tổ chức đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
1.3. Quyền và trách nhiệm của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học
Theo Điều 15 Nghị định số 86/2021/NĐ-CP, quyền và trách nhiệm của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được quy định một cách cụ thể nhằm bảo vệ lợi ích của người học và bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong hoạt động của các tổ chức này.
1.3.1. Quyền của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học
Thứ nhất, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được ký kết hợp đồng đại diện tuyển sinh với các cơ sở giáo dục tại nước ngoài. Điều này giúp cho tổ chức có thể đại diện cho các học sinh Việt Nam trong quá trình xin học và tham gia các chương trình giáo dục tại các trường đại học, cao đẳng, trường phổ thông hay các tổ chức giáo dục khác ở nước ngoài.
Thứ hai, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được công khai thông tin về hoạt động của mình trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp Giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Việc công khai thông tin này giúp người học và phụ huynh có thể tra cứu và đánh giá về uy tín, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của tổ chức.
Thứ ba, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học có quyền thực hiện các hoạt động kinh doanh tư vấn du học mà không vi phạm các quy định khác tại Nghị định. Điều này bảo đảm tính pháp lý và tính chính đáng của các hoạt động mà tổ chức thực hiện.
Thứ tư, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được hưởng thù lao theo thỏa thuận tại hợp đồng tư vấn du học. Quy định này là một phần quan trọng trong việc khuyến khích và thúc đẩy hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn du học chuyên nghiệp, bảo đảm các tổ chức có đủ động lực và khả năng để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người học và gia đình.
1.3.2. Trách nhiệm của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học
Theo Điều 15 Nghị định số 86/2021/NĐ-CP, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học có trách nhiệm bảo đảm hoạt động đúng quy định và mang lại lợi ích cao nhất cho người học và cộng đồng.
Thứ nhất, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học phải thực hiện đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học theo quy định của pháp luật. Điều này nhằm bảo đảm tính pháp lý của hoạt động và sự minh bạch trong quản lý.
Thứ hai, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học phải triển khai hoạt động tư vấn du học chậm nhất trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy Chứng nhận kinh doanh dịch vụ du học. Quy định này nhằm bảo đảm tính khách quan và hiệu quả của quá trình tư vấn cho người học và gia đình.
Thứ ba, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học có trách nhiệm tư vấn thông tin trung thực, chính xác về các điều kiện liên quan đến chất lượng giáo dục tại các cơ sở nước ngoài, học phí, sinh hoạt phí và các loại phí khác liên quan, cũng như các khó khăn, rủi ro có thể gặp phải trong quá trình du học, nhằm bảo vệ người học trước những thông tin thiếu minh bạch và bảo đảm quyền lợi của họ.
Thứ tư, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cũng có trách nhiệm ký hợp đồng tư vấn du học với người có nhu cầu hoặc cha mẹ/người giám hộ hợp pháp theo nguyên tắc thỏa thuận, tự nguyện. Hợp đồng phải ghi rõ các nội dung như ngành nghề học, trường học, quốc gia đến học, thời gian học tập, các chi phí liên quan và các cam kết của mỗi bên, từ đó giúp người học và gia đình có được cái nhìn tổng thể và đầy đủ về các điều khoản và điều kiện của dịch vụ.
Thứ năm, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học không được ủy quyền hoặc nhận ủy quyền từ các tổ chức khác để triển khai hoạt động tư vấn du học nhằm bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cũng phải niêm yết công khai thông tin tại trụ sở và trang thông tin điện tử của mình và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin này trước pháp luật.
Thứ sáu, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học có trách nhiệm giữ mối liên hệ, phối hợp với các cơ sở giáo dục nước ngoài để hỗ trợ du học sinh trong suốt quá trình học tập, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của du học sinh.
Thứ bảy, tổ chức phải lưu trữ hồ sơ gửi công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập và thực hiện chế độ báo cáo hàng năm theo quy định, nhằm bảo đảm sự minh bạch và tính công bằng trong hoạt động.
1.4. Hậu quả pháp lý đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học vi phạm quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật
Hậu quả pháp lý khi tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học vi phạm quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật là rất nghiêm trọng và có thể gây ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của tổ chức đó, cụ thể:
Thứ nhất, việc vi phạm có thể dẫn đến bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp xử phạt như phạt tiền hoặc các biện pháp khác tương đương để xử lý hành vi vi phạm của tổ chức. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tài chính mà còn đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của tổ chức trong tương lai.
Thứ hai, hậu quả nghiêm trọng khác mà tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học có thể phải đối mặt là bị đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn du học. Biện pháp này nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm và bảo vệ quyền lợi của người học và gia đình. Đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn du học có thể kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định để bảo đảm rằng tổ chức đã sửa chữa và cải thiện các hành vi vi phạm trước khi được phép hoạt động trở lại.
Thứ ba, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học vi phạm có thể bị buộc phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Đây là biện pháp nhằm đền bù cho những tổn thất mà khách hàng đã phải chịu do sự cố, lỗi hoặc thiếu sót trong quá trình tư vấn và giải quyết hồ sơ du học. Việc bồi thường có thể bao gồm chi phí đã bỏ ra, thiệt hại về thời gian và cả những tổn hại về danh dự và uy tín của khách hàng do hành vi vi phạm của tổ chức.
2. Một số vướng mắc trong quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và kiến nghị hoàn thiện
Các quy định trong Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ban hành đã góp phần tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc cho các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và bảo đảm quyền lợi của người có nhu cầu đi du học thông qua việc quy định cụ thể trách nhiệm mà các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học phải thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần được hoàn thiện, cụ thể:
Thứ nhất, các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trong Nghị định số 46/2017/NĐ-CP về cơ bản được kế thừa từ Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg theo hướng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện đầu tư trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP đã bỏ quy định về tiền ký quỹ trong Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg, đây là một trong những rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp muốn kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn du học. Bên cạnh đó, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP cũng bỏ quy định về trình độ của người đứng đầu tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học phải có trình độ đại học trở lên. Tuy nhiên, điều kiện này vẫn còn được áp dụng đối với đội ngũ nhân viên tư vấn du học là không cần thiết vì có thể hạn chế cơ hội việc làm của nhiều cá nhân khi chỉ tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đặc biệt đối với những cá nhân rất giỏi về ngoại ngữ, am hiểu về nghiệp vụ du học, có kinh nghiệm học tập, sinh sống ở nước ngoài nhiều năm nhưng chỉ có bằng cao đẳng thì sẽ không có cơ hội hành nghề tư vấn du học. Vì vậy, pháp luật cần phải quy định cụ thể, rõ ràng, hợp lý hơn về tiêu chuẩn hành nghề tư vấn du học cho các nhân viên tư vấn theo hướng bám sát nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn trong việc học tập cũng như về chuyên môn của nhân viên.
Thứ hai, Điều 107 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, tuy nhiên, điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học vẫn chưa rõ về số lượng cụ thể bao nhiêu nhân viên có đủ điều kiện về nghiệp vụ theo quy định hiện tại thì mới được cấp Giấy chứng nhận. Cụ thể, Điều 107 quy định “đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn có bằng đại học trở lên” là rất chung chung, gây khó khăn cho các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trong quá trình xin cấp Giấy chứng nhận, cũng như dẫn đến việc không thống nhất giữa các cơ quan quản lý cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động du học ở các địa phương. Chẳng hạn, trong trường hợp số lượng là 02 nhân viên tư vấn nhưng trong đó, có 01 người là người đứng đầu công ty thì có được chấp nhận hay không khi hiện tại đã bỏ quy định về người đứng đầu công ty du học phải có nghiệp vụ tư vấn du học? Vì vậy, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP cần sớm sửa đổi quy định cụ thể về số lượng đội ngũ nhân viên để bảo đảm sự thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước (Sở Giáo dục và Đào tạo) trong việc cấp phép cho các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Thứ ba, Nghị định số 86/2021/NĐ-CP quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, trong đó, có quy định rõ: “Không ủy quyền hoặc nhận ủy quyền của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học khác để triển khai kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cho người có nhu cầu đi du học ở nước ngoài”. Với quy định này, có thể giúp cho người có nhu cầu đi du học có thể bảo đảm được quyền lợi của mình, được ký hợp đồng trực tiếp mà không qua trung gian, tránh được những rủi ro trong việc tổ chức trung gian tư vấn không chính xác, phát sinh thêm về chi phí… Đây là quy định mang tính bắt buộc tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học phải thực hiện, thể hiện sự ghi nhận của Chính phủ trong việc chấn chỉnh tình trạng gian dối, “đem con bỏ chợ” của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trong thời gian qua. Nghĩa vụ này dường như mâu thuẫn với quy định về quyền của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học quy định tại Điều 15 Nghị định số 86/2021/NĐ-CP, theo đó, các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được quyền ký kết hợp đồng đại diện tuyển sinh với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Thực chất, hợp đồng đại diện tuyển sinh này là đại diện theo ủy quyền của cơ sở giáo dục nước ngoài và tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học ở Việt Nam; các bên sẽ giới hạn quyền và nghĩa vụ của mình thông qua hợp đồng đại diện. Như vậy, có thể hiểu, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn dụ học được cấp phép hoạt động ở Việt Nam có thể nhận ủy quyền của cơ sở giáo dục nước ngoài để tuyển sinh, nhưng chính tổ chức này lại không được ủy quyền lại hoặc nhận ủy quyền của công ty khác trong bất kỳ trường hợp nào. Có thể thấy, đây là quy định khá “cứng nhắc”, nên để các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được phép “xử lý” trong các tình huống “gặp khó khăn”, bởi nếu vì lý do gì đó họ không thực hiện được chỉ tiêu tuyển sinh đã cam kết với cơ sở giáo dục nước ngoài thì họ có thể thông qua hợp đồng đại diện, hợp đồng ủy quyền để liên kết tuyển sinh. Vì vậy, có thể nghiên cứu bổ sung các quy định, điều khoản về hợp đồng ủy quyền thay vì cấm như hiện nay; như vậy sẽ vừa giúp các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học có thể liên kết, phát huy được thế mạnh của nhau, góp phần lành mạnh hóa thị trường kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trong nước, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người có nhu cầu du học một cách hiệu quả.
Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và Nghị định số 86/2021/NĐ-CP được ban hành là dấu mốc lớn, tạo hành lang pháp lý thống nhất để quản lý hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Xây dựng quy định pháp luật chặt chẽ và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tư vấn du học là vấn đề cần thiết và có tính cấp bách trong thời điểm hiện nay. Qua việc phân tích những điểm bất cập cho thấy, các quy định đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cần phải được hoàn thiện hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký hoạt động, cạnh tranh lành mạnh, từ đó thúc đẩy các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học phát triển, thực sự là nơi đáng tin cậy, có uy tín, góp phần phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao được đào tạo ở nước ngoài trong tương lai./.
ThS. Trịnh Thị Bích Xuyên
Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo:
[1]. Công văn số 2790/SGD&ĐT-GDCYTNN ngày 19/7/2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội về việc quản lý hoạt động dịch vụ tư vấn du học trên địa bàn Thành phố.
[2]. Công văn số 3125/BGDĐT-ĐTVNN ngày 28/6/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quản lý hoạt động dịch vụ tư vấn du học.
[3]. Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
[4]. Nghị định số 135/2018/NĐ-CP ngày 04/10/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
[5]. Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg ngày 15/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập.
[6]. Nghị định số 86/2021 NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng day, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 410), tháng 8/2024)