1. Định hướng công tác tư pháp nhiệm kỳ 2016 - 2020 và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2016
Bước vào năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, nặng nề cho Bộ, cho Ngành Tư pháp, vì vậy, chúng ta cần quan tâm chỉ đạo và thực hiện thống nhất một số vấn đề sau đây:
1.1. Tiếp tục tham mưu giúp Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm thể chế hoá đầy đủ nội dung, tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013. Ngay trong năm 2016 này, phải tập trung xây dựng, hoàn thành việc trình Quốc hội các dự án luật còn lại trong nhiệm kỳ 2011 - 2015 theo Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thi hành Hiến pháp; đồng thời, quyết liệt triển khai thực hiện tốt những quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tạo bước chuyển cơ bản về quy trình và chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành cơ bản nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định theo các nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người và quyền công dân, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
1.2. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả giai đoạn tới là chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật đã được ghi nhận tại dự thảo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Có thể khẳng định rằng, đây là nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự kiên trì, nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Đối với Ngành Tư pháp, các cơ quan tư pháp, pháp chế cần chủ động, tích cực tham mưu, giúp Lãnh đạo Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai đồng bộ, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các công cụ phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính và theo dõi thi hành pháp luật. Khẩn trương xây dựng và thực hiện các Kế hoạch triển khai thi hành 16 bộ luật, luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10; trong đó, đặc biệt chú trọng tới Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật này, bảo đảm đồng bộ với việc triển khai thi hành các luật, bộ luật về tố tụng sửa đổi.
1.3. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới thủ tục hành chính theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công bố công khai, minh bạch thủ tục hành chính; triển khai việc nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện, góp phần thiết thực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như chỉ số năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai các giải pháp cụ thể để thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, góp phần hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu; Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp sớm ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế.
1.4. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó tập trung thực hiện việc chuyển đổi mô hình hoạt động các phòng công chứng theo quy định của Luật Công chứng; đẩy mạnh việc thành lập Hội công chứng tại các tỉnh, tiến tới thành lập Hiệp hội Công chứng toàn quốc trong năm 2016; chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua Luật Đấu giá tài sản, xây dựng vững chắc nghề này; tạo điều kiện để các nghề tư pháp mới như thừa phát lại, quản tài viên hoạt động ổn định và ngày càng phát triển. Đối mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành chính tư pháp và hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan và kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức đăng ký hộ tịch và cấp số định danh cá nhân theo quy định của Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân. Đối với công tác thi hành án dân sự, cần tiếp tục tăng cường triển khai thi hành Luật Thi hành án dân sự, khắc phục cho được những hạn chế, bất cập, tạo chuyển biến cơ bản, bền vững công tác này, phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao, nhất là giảm mạnh án tồn đọng xuống dưới 200.000 vụ việc ngay trong năm 2016.
1.5. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Bộ, Ngành Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước quốc tế, nhất là Hiệp định TPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu, cũng như quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, lợi ích quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế. Tiếp tục triển khai các giải pháp phòng ngừa và nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan nhà nước, các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại, nhất là cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.
2. Về giải pháp thực hiện
2.1. Đổi mới tổ chức bộ máy và tiếp tục kiện toàn nhân lực Ngành Tư pháp phù hợp với Chiến lược phát triển Ngành đến năm 2035 và Đề án vị trí việc làm đã hoặc sẽ được phê duyệt, bảo đảm sự gắn kết giữa xây dựng pháp luật với thực thi pháp luật, có sự phân cấp, phân quyền hợp lý giữa trung ương và địa phương, phấn đấu đến năm 2020 khắc phục cơ bản mâu thuẫn giữa việc tăng cường chức năng, nhiệm vụ với số lượng, đặc biệt là chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp và pháp luật. Chuẩn bị và thực hiện tốt việc chuyển giao, bổ sung cán bộ lãnh đạo của Bộ, Sở Tư pháp, Pháp chế bộ, ngành sau Đại hội Đảng XII và bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, đảm bảo tính ổn định, liên tục trong tổ chức và công việc. Kiên quyết thực hiện thắng lợi Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phát huy vai trò của 5 trường trung cấp luật trong việc đào tạo nghề cho các chức danh tư pháp ở cơ sở và trên cơ sở.
2.2. Xác định năm 2016 là năm đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực gắn với cải tiến chế độ báo cáo, thống kê, phục vụ tốt hoạt động chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp, pháp chế, thi hành án dân sự; đảm bảo hết năm 2016, 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, tiến tới thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả trực tuyến hoặc qua đường bưu điện (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) trong các lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, quốc tịch, hộ tịch theo tinh thần, nội dung Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Phấn đấu trước năm 2020 toàn bộ công tác thi hành án dân sự, hành chính đều được tin học hóa.
2.3. Nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính toàn Ngành, phát huy hiệu quả các công cụ kiểm tra, thanh tra, xử lý thi đua - khen thưởng, bảo đảm nghiêm túc, kịp thời; nghiên cứu đề xuất tổ chức xây dựng Ngành phù hợp với tiến trình phân quyền, phân cấp từ trung ương tới địa phương.