Hiện nay, các cơ quan chức năng đang khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của Thừa phát lại trên phạm vi cả nước. Có thể nói, quy trình, thủ tục thi hành án dân sự là thủ tục pháp lý đặc biệt, liên quan đến việc sử dụng sức mạnh quyền lực của Nhà nước để tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án, qua đó bảo vệ quyền con người, quyền công dân, do vậy, việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực này là hết sức cần thiết. Những vấn đề phát sinh liên quan đến tổ chức, hoạt động của Thừa phát lại cần phải được đầu tư nghiên cứu sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, đặc biệt là những kinh nghiệm quốc tế có liên quan. Cụ thể:
Thứ nhất, thực tiễn 06 năm (2010 - 2015) thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đã chỉ ra không ít khó khăn, bất cập phát sinh liên quan đến việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án của Thừa phát lại. Do đó, cần phải nghiên cứu sâu hơn về thuận lợi và bất cập sẽ phát sinh nếu tiếp tục giao cho Thừa phát lại thực hiện gần như tất cả công việc thi hành án như hiện nay, đặc biệt là trong mối so sánh ưu điểm, hạn chế giữa Thừa phát lại với chấp hành viên.
Thứ hai, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự được thiết lập theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, được hình thành từ Trung ương xuống địa phương và chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ bằng quyền lực nhà nước thông qua các cơ quan chức năng, cùng với đội ngũ chấp hành viên, thẩm tra viên, thư ký thi hành án được bồi dưỡng, đào tạo kỹ về chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án, tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự do chấp hành viên thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các thủ tục sử dụng quyền lực nhà nước để cưỡng chế thi hành án. Do đó, rất khó để có cơ sở thuyết phục rằng những khó khăn này khi giao cho Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức tư nhân thực hiện sẽ có hiệu quả cao hơn, chưa kể đến lĩnh vực thi hành án dân sự là lĩnh vực có liên quan đến rất nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành và yêu cầu bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng là vấn đề cần phải được nghiên cứu triệt để. Những vi phạm của chấp hành viên gây thiệt hại cho các bên đương sự thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, chịu sự điều chỉnh của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nhưng Thừa phát lại không phải là công chức nên nếu vi phạm gây thiệt hại, để lại hậu quả cho các bên đương sự hoặc một trong các bên đương sự hoặc cho bên thứ ba thì cơ chế xử lý sẽ như thế nào, chế tài nào sẽ được áp dụng, với mức bồi thường, xử phạt ra sao để vừa bảo đảm phát triển quyền hành nghề hợp pháp cho Thừa phát lại, vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên vẫn đang là những thách thức lớn đặt ra.
Thứ ba, Thừa phát lại thực hiện cung cấp dịch vụ thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, pháp luật thi hành án dân sự, các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan và quyền tự do kinh doanh của Văn phòng Thừa phát lại cũng phải được tôn trọng và bảo đảm. Tuy nhiên, yêu cầu đồng thời vừa bảo đảm tính độc lập của hoạt động thi hành án, vừa tôn trọng quyền tự do kinh doanh và bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát bằng quyền lực nhà nước là điều rất khó khăn. Ví dụ, về nguyên tắc và thông lệ trong kinh doanh, các Văn phòng Thừa phát lại luôn có xu hướng nhận giải quyết và ưu tiên những khách hàng với bản án, quyết định phải thi hành có giá trị kinh tế lớn, mức phí thi hành án và các khoản chi phí thu được cao, còn ngược lại, đối với khách hàng mà bản án, quyết định phải thi hành có giá trị kinh tế nhỏ, mức phí thi hành án thấp sẽ rất khó hấp dẫn đối với Văn phòng Thừa phát lại vì văn phòng này hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính[3]. Pháp luật sẽ có quy định và chế tài như thế nào để bảo đảm sự tuân thủ chặt chẽ Hiến pháp, pháp luật trong những trường hợp này? Vì theo chủ trương của Đảng và yêu cầu của Hiến pháp thì mọi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật đều phải được tôn trọng và bảo đảm thi hành, không phân biệt bản án, quyết định có giá trị tiền, tài sản phải thi hành cao hay thấp. Trường hợp Văn phòng Thừa phát lại từ chối thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự hoặc nhận bản án, quyết định nhưng tổ chức thi hành thiếu thiện chí hoặc chậm trễ thi hành do bản án, quyết định có giá trị tài sản phải thi hành thấp hoặc đương sự là người có hoàn cảnh khó khăn... cũng cần phải nghiên cứu, bổ sung những quy định pháp luật cần thiết đối với các trường hợp này.
Thứ tư, quy trình, thủ tục tổ chức thi hành án không những phải phù hợp với Điều 106 Hiến pháp năm 2013, đó là “bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”, mà tất cả các thủ tục, biện pháp tổ chức thi hành án của chấp hành viên, Thừa phát lại tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của các loại bản án, quyết định còn phải tuân thủ các điều khoản tương ứng của Hiến pháp, đặc biệt là các quy định tại Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ví dụ, thi hành án liên quan đến đất đai, nhà ở phải thực hiện đúng yêu cầu của Hiến pháp về tôn trọng quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân; kê biên tài sản, xác minh tài sản thi hành án liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu; thi hành án về lao động liên quan đến quyền lao động của công dân; xác minh thông tin cá nhân liên quan đến quyền bí mật thông tin cá nhân được Hiến pháp bảo vệ... Ngoài ra, Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định, Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Điều này có nghĩa là Nhà nước thông qua tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước mà cụ thể là đội ngũ cán bộ, công chức sẽ có trách nhiệm trong việc bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Vậy, Thừa phát lại không phải là công chức (hoạt động cơ bản theo nguyên tắc tự chủ tài chính, cơ bản lấy thu bù chi), ngoài mục đích hoạt động là phục vụ cho mục tiêu kinh doanh, thu lợi nhuận ra, họ còn thực hiện một phần trách nhiệm thuộc về nhiệm vụ công chức, đó là người bảo đảm sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa các bên có quyền lợi đối lập, bảo đảm tính nhân đạo của Nhà nước. Vậy, Nhà nước sẽ hỗ trợ như thế nào cho hợp lý để bảo đảm cho những hoạt động này sẽ không làm tăng các khoản chi phát sinh của Văn phòng Thừa phát lại? Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo, chặt chẽ về mặt pháp lý, đặc biệt trong những trường hợp bên được thi hành án là khách hàng của Văn phòng Thừa phát lại, là người có hoàn cảnh khó khăn hoặc đối tượng chính sách, đối tượng được quan tâm, bảo vệ đặc biệt của xã hội. Do đó, mối quan hệ giữa các quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại trong việc tổ chức thi hành án với các quy định của Hiến pháp về bảo vệ quyền con người, quyền công dân cần phải được nghiên cứu làm rõ. Giới hạn phạm vi, lĩnh vực hoạt động của Thừa phát lại phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ và phù hợp với Hiến pháp, trong quá trình tổ chức thi hành án, không vì lợi ích của một bên khách hàng mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên kia được Hiến pháp bảo vệ.
Thứ năm, liệu có thể có các vấn đề tiêu cực, tham nhũng phát sinh liên quan đến việc hành nghề rộng rãi của Văn phòng Thừa phát lại trong tương lai hay không cũng cần phải được nghiên cứu để nếu phát sinh thì sẽ có các biện pháp ngăn chặn, đề phòng thông qua hệ thống các quy định chặt chẽ, thống nhất của pháp luật. Muốn đạt được mục đích lợi nhuận thì cần có cạnh tranh, bên cạnh các hoạt động cạnh tranh lành mạnh cũng xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh và các vấn đề tiêu cực cũng có thể phát sinh từ đó, nếu thiếu các biện pháp quản lý nhà nước hiệu quả. Hiện nay, hệ thống Văn phòng Thừa phát lại ở một số địa phương đang hoạt động song song cùng với các cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước. Trong thời gian tới, khi mà hệ thống Văn phòng Thừa phát lại được thành lập và đi vào hoạt động rộng rãi trên phạm vi cả nước thì việc cạnh tranh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn giữa các Văn phòng Thừa phát lại với nhau, cũng như giữa Văn phòng Thừa phát lại với cơ quan nhà nước có liên quan để tăng số công việc thi hành án nhằm duy trì sự phát triển của Văn phòng Thừa phát lại. Ở đây xuất hiện rất nhiều mối quan hệ về lợi ích đan xen nhau bao gồm quan hệ giữa Văn phòng Thừa phát lại với Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan công an; quan hệ giữa Văn phòng Thừa phát lại với cơ quan công quyền khác (Ban chỉ đạo thi hành án, Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân các cấp); quan hệ giữa các Văn phòng Thừa phát lại với nhau; quan hệ giữa Văn phòng Thừa phát lại với đương sự là khách hàng của mình; quan hệ giữa Văn phòng Thừa phát lại với đương sự không phải là khách hàng của mình; quan hệ giữa Văn phòng Thừa phát lại với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kho bạc, ngân hàng, bảo hiểm, cơ quan đăng ký tài sản bảo đảm...); trách nhiệm của Văn phòng Thừa phát lại trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích công; quan hệ nội bộ giữa người quản lý và người lao động trong các Văn phòng Thừa phát lại... Do vậy, cần nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản liên quan để bảo đảm phát huy, bổ sung những mặt tích cực trong các quan hệ đó, đồng thời hạn chế, ngăn chặn các quan hệ tiêu cực phát sinh có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của một trong các bên đương sự, bên thứ ba hoặc quyền và lợi ích chung của Nhà nước, của nhân dân. Kinh nghiệm từ các nước chuyển đổi mô hình thi hành án đã chứng tỏ những lo lắng nêu trên là có cơ sở.
Trên thế giới, mô hình thi hành án dân sự tư với chế định Thừa phát lại làm công tác thi hành án dân sự là chế định điển hình ở Pháp. Là nước có chế định Thừa phát lại lâu đời nên Pháp có rất nhiều kinh nghiệm quý từ tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thành công thì mô hình thi hành án tư này ở Pháp cũng gặp không ít khó khăn. Ví dụ, theo pháp luật của Pháp, về lý thuyết, Thừa phát lại được quyền tiếp cận thông tin về nhân thân, tài sản của người phải thi hành án từ rất nhiều nguồn thông tin của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, Pháp cũng phải tuân thủ nhiều quy định, biện pháp bảo vệ quyền riêng tư cá nhân (ví dụ, Điều 7 Hướng dẫn số 95/46/EC ngày 24/10/1995 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu về bảo vệ cá nhân liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân và việc tự do thông tin cá nhân), Thừa phát lại không được trực tiếp tiếp cận sự hỗ trợ về mặt hành chính khi tiếp cận các thông tin, nên Thừa phát lại phải yêu cầu sự giúp đỡ của cơ quan công tố khi cần các thông tin liên quan đến người phải thi hành án. Hơn nữa, Thừa phát lại bị cấm sử dụng các thông tin có được vì những mục đích khác ngoài việc thi hành bản án, quyết định vì để bảo vệ quyền lợi của người được thi hành án, do đó, thực tế tính hiệu quả của sự hợp tác giữa Thừa phát lại với cơ quan công tố là chưa cao[4].
Theo pháp luật tố tụng dân sự của Cộng hòa Liên bang Đức, thủ tục thi hành án dân sự được coi như là chức năng quan trọng, cần thiết thuộc quyền lực của Nhà nước, được độc quyền thực hiện bởi cơ quan nhà nước, do chấp hành viên, nhân viên Tòa án là công chức thực hiện phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật. Rất hiếm và rất hạn chế tổ chức tư nhân tham gia vào một số công việc của quá trình tổ chức thi hành án. Ngoài ra, sự bảo đảm của Hiến pháp đối với quyền tiếp cận công lý cũng bao gồm cả tính hiệu quả trong quy trình tổ chức thi hành án[5]. Tùy thuộc vào từng loại biện pháp thi hành án, đối tượng tài sản phải thi hành án là động sản hay bất động sản hoặc những tác động của các biện pháp thi hành án đối với các quyền cơ bản của con người mà mức độ giám sát của thẩm phán đối với chấp hành viên hoặc nhân viên thi hành án của Tòa án cũng khác nhau.
Ngoài ra, trước những khó khăn, phức tạp của công tác thi hành án dân sự, ví dụ do sự chậm trễ, trì hoãn thi hành án, thiếu người có năng lực, trình độ để làm công tác thi hành án, hiệu quả thi hành án không cao và dưới áp lực của chi ngân sách cho hoạt động này... nên nhiều nước trên thế giới đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đã nghiên cứu, cải cách để chuyển đổi lĩnh vực thi hành án dân sự, tìm kiếm mô hình tổ chức thi hành án dân sự tư nhân hoặc mô hình kết hợp giữa thi hành án dân sự tư nhân với thi hành án dân sự của Nhà nước. Từ những năm 2000, các nước có mô hình thi hành án dân sự tư nhân do Thừa phát lại thực hiện như các nước vùng Baltic bao gồm Estonia, Latvia và Lithuania, một vài nước thuộc trung tâm châu Âu như Slovakia, Hungary và tư nhân hóa ở một mức độ nhất định ở Poland và Czech Repulic; nước chuyển đổi mô hình thi hành án sang tư nhân sớm hơn được thực hiện ở Croatia từ những năm 1990, đạo luật thi hành án được thông qua lần đầu tiên vào năm 1996, nhưng nó đã được sửa đổi 6 lần từ năm 1996 đến năm 2008. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình thi hành án dân sự ở Croatia đã gặp nhiều khó khăn và không được coi là mô hình thi hành án hiệu quả, vì nhiều vấn đề mới phát sinh như chi phí thi hành án tăng cao; những khó khăn mới phát sinh liên quan đến đánh giá hiệu quả thi hành án cũng như việc thu thập thông tin tài sản thi hành án; hệ thống quản lý thi hành án mới, yêu cầu thay đổi Hiến pháp và các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan; sự miễn cưỡng và không sẵn sàng hợp tác của các cơ quan hành chính với người làm công tác thi hành án tư... Kinh nghiệm từ những nước chuyển đổi mô hình thi hành án dân sự từ thi hành án dân sự công do cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện sang mô hình tư hoặc kết hợp giữa mô hình công và mô hình tư (ở mô hình này có những ưu điểm, tiến bộ riêng so với mô hình hoàn toàn do tư nhân thực hiện) đã chỉ ra một số kinh nghiệm quý báu: (i) Việc lựa chọn mô hình thi hành án như thế nào cho hiệu quả là hoàn toàn phụ thuộc vào thể chế chính trị, truyền thống pháp luật, hệ thống luật pháp hiện hành và đặc điểm văn hóa của mỗi nước; (ii) Chưa có kết luận rõ ràng, đầy đủ về mô hình thi hành án này (tư nhân hoặc Nhà nước hoặc mô hình kết hợp) là có ưu điểm hoàn toàn nổi trội hơn mô hình kia; (iii) Tuy nhiên, qua kinh nghiệm từ những nước đã thực hiện việc chuyển đổi, cải cách lĩnh vực thi hành án dân sự cho thấy có rất nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh từ mô hình thi hành án dân sự tư nhân, thậm chí có những nước đã thất bại khi thí điểm mô hình này, ví dụ vấn đề cung cấp thông tin tài sản thi hành án; phí thi hành án như thế nào cho hợp lý để bảo vệ quyền lợi của các bên đương sự, của Nhà nước; (iv) Các vấn đề tham nhũng mới phát sinh liên quan đến việc tuyển chọn, bổ nhiệm Thừa phát lại là những người bạn bè, thân quen, người cùng liên minh, đảng phái chính trị... nên chất lượng, hiệu quả công việc thi hành án không cao; khách hàng yêu cầu thi hành án là Nhà nước hoặc cơ quan đại diện cho Nhà nước...; (v) Mặc dù tư nhân hóa thi hành án dân sự nhưng chắc chắn một số lĩnh vực, quy trình, thủ tục, công việc thi hành án phải thuộc độc quyền do Nhà nước thực hiện, ví dụ việc chuyển giao một số loại tài liệu, giấy tờ, việc trao thẩm quyền thực hiện công việc thi hành án trong những lĩnh vực cụ thể được xác định...
Yêu cầu của mô hình thi hành án tư đòi hỏi năng lực, trình độ chuyên môn được đào tạo cao của người làm công tác thi hành án, hiệu lực quản lý nhà nước, chất lượng tổ chức thi hành án... tuy nhiên, ở các nước chuyển đổi mô hình thi hành án thì những yêu cầu này luôn luôn là một điểm yếu, nên đã có nhiều rủi ro, nguy hiểm phát sinh nhìn từ góc độ quản lý nhà nước và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Mặc dù việc cải cách thi hành án do Thừa phát lại thực hiện có những vụ việc có thể thi hành hiệu quả hơn, nhanh hơn nhưng nhìn chung rất khó đạt được đồng thời các mục đích chính của yêu cầu thi hành án, đó là tính hiệu quả, sự công bằng, yêu cầu chi phí thi hành án hợp lý, đối với không những đương sự (người được thi hành án, người phải thi hành án), bên thứ ba có liên quan mà còn đối với cả xã hội.
Quá trình hoàn thiện thể chế; quy trình, thủ tục thi hành án; trách nhiệm, quyền hạn của Văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại cũng như mô hình tổ chức, hoạt động của hệ thống thi hành án dân sự của Nhà nước ở Việt Nam hiện nay, ngoài việc báo cáo, tổng kết thực tiễn, rất cần sự đầu tư nghiên cứu công phu kinh nghiệm quý báu từ các mô hình đã thực hiện việc chuyển đổi thi hành án dân sự từ mô hình công sang mô hình tư nhân hoặc mô hình kết hợp để tiếp thu có chọn lọc tiến tới xây dựng mô hình thi hành án hiệu quả ở Việt Nam theo đúng chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của lĩnh vực thi hành án dân sự, bảo vệ công bằng quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân và của Nhà nước, góp phần xây dựng thành công nhà nước xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Tổng Cục thi hành án dân sự
[1]. Báo cáo số 538/BC-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ về Tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, tr. 15.
[2]. Báo cáo số 538/BC-CP, xem Tham luận:“Kết quả triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội tại Tòa án nhân dân” của Tòa án nhân dân tối cao.
[3]. Khoản 4 Điều 15 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/07/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.
[4]. GS.TS. Burkhard Hess, Giám đốc Viện So sánh pháp luật và luật tư pháp quốc tế, Trường Đại học Heidelberg, Báo cáo tổng quan số JAI/A3/2002/02 ngày 18/02/2004 về thi hành có hiệu quả quyết định tư pháp trong Hiệp hội các quốc gia châu Âu, tr. 39.
[5]. Giáo sư Mads Andenas, Burkhard Hess and Paul Oberhammer, Thực tiễn thi hành án dân sự ở châu Âu, Viện nghiên cứu Luật So sánh và Luật Quốc tế của Anh, 2005, tr. 174 - 175.