Tuy nhiên, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP cũng bộc lộ một số điểm hạn chế nhất định, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên Công ước La Hay[1] và một số các văn bản quy phạm pháp luật trong nước có liên quan mới được ban hành sau Hiến pháp năm 2013.
1. Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2011/NĐ-CP
Trong quá trình thực thi, một số quy định của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập chủ yếu sau đây:
1.1. Một số quy định gây cản trở công tác giải quyết việc nuôi con nuôi
- Quy định về trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được nhận đích danh làm con nuôi (Điều 3)
Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định cụ thể những loại khuyết tật, bệnh tật hiểm nghèo theo điểm d khoản 2 Điều 28 Luật Nuôi con nuôi. Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định trẻ em khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo được miễn thủ tục tìm gia đình thay thế trong nước để bảo đảm việc giải quyết nhanh chóng, giúp cho trẻ em được chữa trị kịp thời trong điều kiện y tế hiện đại. Tuy nhiên, do khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định theo hướng liệt kê các loại bệnh và không quy định rõ mức độ bệnh nên dẫn đến tình trạng có lúc, có nơi lạm dụng quy định giải quyết trẻ em mắc bệnh thể nhẹ nhưng thuộc diện Danh sách 2 (trẻ em bị khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo) để được giải quyết nhanh chóng, được miễn thủ tục tìm gia đình thay thế trong nước và được miễn chi phí giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài[2].
Trong giai đoạn 2011 - 2017, theo số liệu thống kê của Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) thì số lượng trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài chiếm 63,7% (1.825/2.861 trường hợp trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài). Theo Báo cáo tình hình nuôi con nuôi quốc tế tại Pháp năm 2016, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 01 trong tổng số 10 nước gốc đầu tiên cho trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt làm con nuôi ở nước ngoài, đứng trước Ấn Độ, Trung Quốc, Haiti, Bờ Biển Ngà, Thái Lan, Nga, Madagascar, Colombia, Bungari. Số trẻ em Việt Nam có nhu cầu chăm sóc đặc biệt được giải quyết cho làm con nuôi ở Pháp chiếm 88%[3].
Trước một tỷ lệ lớn trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo trong đó phần nhiều là trẻ em nhỏ tuổi mắc một số loại bệnh nhẹ hoặc thể nhẹ không ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tinh thần được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài, một số nước có quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam tỏ ra quan ngại về việc tuân thủ nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước trước khi giải quyết nuôi con nuôi quốc tế.
Theo Tổ chức Xã hội Quốc tế (Tổ chức ISS), thì mặc dù việc giải quyết cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt làm con nuôi có những kết quả tích cực, nhưng vẫn là vấn đề trọng tâm cần tiếp tục bàn bạc và thảo luận. Sở dĩ như vậy là vì, để xác định trẻ em thuộc diện danh sách trẻ em có nhu cầu đặc biệt thì thường dựa theo những tiêu chí chủ quan hết sức khác nhau giữa các nhà chuyên môn, giữa nước này với nước khác[4]. Tổ chức ISS đánh giá Việt Nam và Guatemala là những nước giải quyết cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt làm con nuôi quốc tế mà không tính đến giải pháp nuôi con nuôi trong nước[5]. Việc giải quyết cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt làm con nuôi quốc tế đòi hỏi phải có một hệ thống bảo vệ trẻ em ở mức độ cao mới đáp ứng được nhu cầu của trẻ[6].
Trước thực tiễn đó, việc sửa đổi nội dung liên quan đến Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP là điều cần thiết nhằm tăng cường thực hiện nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước.
- Quy định việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng hỗ trợ nhân đạo cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (Điều 4)
Yếu tố tài chính hoặc những chính sách khuyến khích hỗ trợ, hỗ trợ nhân đạo luôn là những “tác nhân” dễ dẫn đến các trường hợp nhận nuôi con nuôi bất hợp pháp. Các cơ sở nuôi dưỡng giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài để trông đợi vào các khoản hỗ trợ nhân đạo hoặc các khoản cho tặng. Các tổ chức con nuôi nước ngoài dưới hình thức hỗ trợ, cho tặng của cha mẹ nuôi nước ngoài có thể tạo ra mối liên hệ trực tiếp với cơ sở nuôi dưỡng nhằm xác định trẻ em cho làm con nuôi, dễ dẫn đến sự cạnh tranh giữa các tổ chức con nuôi nước ngoài[7]. Vì vậy, theo khuyến nghị của Tổ chức ISS, các nước phải đặc biệt chú ý tới những hệ lụy kéo theo từ chính sách khuyến khích tài chính đó[8].
Ở nước ta, kể từ khi thực hiện Nghị định số 19/2011/NĐ-CP cho đến nay, trên thực tế, các dự án hỗ trợ nhân đạo gần như chấm dứt, chỉ phát sinh những khoản hỗ trợ trực tiếp (phi dự án) của cha mẹ nuôi nước ngoài/tổ chức con nuôi nước ngoài cho cơ sở trợ giúp xã hội (TGXH) và chưa có sự hướng dẫn, kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản hỗ trợ đó do việc áp dụng quy định của Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài không khả thi.
Thực trạng này đã thu hút sự quan tâm, chú ý của Ban thường trực Công ước La Hay, cơ quan trung ương của các nước đang có hợp tác với Việt Nam quan ngại vì không có sự minh bạch trong việc tiếp nhận và sử dụng các khoản hỗ trợ đó.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP là điều cần thiết cho phù hợp với nguyên tắc và khuyến nghị của quốc tế trong lĩnh vực này và bảo đảm việc tiếp nhận, sử dụng các khoản hỗ trợ không được trái quy định pháp luật.
- Quy định về trách nhiệm lập hồ sơ và danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế (Điều 6)
Điều 6 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP giao cơ sở TGXH có trách nhiệm phân loại trẻ em theo tình trạng sức khỏe khi lập danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế (Danh sách 1 nếu trẻ em có sức khỏe bình thường, Danh sách 2 nếu trẻ em bị khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo). Trong thời gian qua, để có cơ sở xác định trẻ em thuộc Danh sách 1 hay Danh sách 2, nhiều cơ sở TGXH đã đề nghị các tổ chức con nuôi nước ngoài hỗ trợ kinh phí khám sức khỏe chuyên sâu cho trẻ em. Điều này dẫn đến sự lệ thuộc giữa cơ sở TGXH với tổ chức con nuôi nước ngoài, tạo ra mối liên hệ trực tiếp giữa các tổ chức con nuôi với cơ sở TGXH và có thể không khách quan trong việc xác định tình trạng sức khỏe, bệnh tật của trẻ em.
Có thể nói, việc giao trách nhiệm cho cơ sở TGXH phân loại trẻ em theo tình hình sức khỏe trước khi tiến hành thủ tục tìm gia đình thay thế trong nước và xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi ở nước ngoài là một hạn chế căn bản trong quy định của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP. Việc phân loại trẻ em theo Danh sách 1, Danh sách 2 dẫn đến việc chỉ tập trung lập Danh sách 2 để được giải quyết nhanh chóng, từ đó sao nhãng tìm gia đình thay thế cho trẻ em Danh sách 1. Một cách gián tiếp, quy định này chưa bảo đảm cho việc thực hiện tốt nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước.
- Quy định về việc chỉ định cơ sở nuôi dưỡng được cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài (Điều 11)
Điều 15 Luật Nuôi con nuôi quy định trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em sống tại cơ sở TGXH. Tuy nhiên, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP lại quy định cơ sở TGXH tham gia giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài là cơ sở nuôi dưỡng được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định. Quy định này đã hạn chế cơ hội tìm gia đình thay thế đối với những trẻ em sống tại cơ sở TGXH không được chỉ định, tạo sự phân biệt giữa cơ sở TGXH công lập và cơ sở TGXH ngoài công lập. Trên thực tế, phần lớn trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi lại được chăm sóc, nuôi dưỡng ở các cơ sở TGXH không được chỉ định. Hệ quả là những trẻ em này không được thực hiện thủ tục tìm gia đình thay thế theo quy định tại Điều 15 Luật Nuôi con nuôi. Do đó, quy định tại Điều 11 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP là không phù hợp với Điều 15 Luật Nuôi con nuôi. Việc bãi bỏ quy định chỉ định cơ sở TGXH tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài là điều cần thiết nhằm loại bỏ những cản trở trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi.
1.2. Một số quy định còn thiếu thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và Công ước La Hay
- Một số quy định chưa thống nhất với pháp luật về hộ tịch
Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016 (Nghị định số 123/2015/NĐ-CP) quy định về thay đổi hộ tịch của con nuôi, ghi chú việc nuôi con nuôi của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Hiện tại, một số quy định có liên quan của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP bao gồm khoản 2, khoản 3 Điều 10 và Điều 30 chưa phù hợp với quy định của pháp luật về hộ tịch, điều đó tạo khó khăn cho việc thi hành Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ở địa phương. Đồng thời, một số quy định của pháp luật hộ tịch lại chưa điều chỉnh cụ thể việc thay đổi phần khai về cha mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký của con nuôi hoặc chưa quy định điều kiện đối với việc ghi chú việc nuôi con nuôi đã được thực hiện ở nước ngoài.
- Một số quy định chưa phù hợp với Công ước La Hay (Điều 17, Điều 20)
Kể từ ngày 01/02/2012, Việt Nam trở thành thành viên Công ước La Hay, theo đó, việc nuôi con nuôi quốc tế nếu thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước này phải được thực hiện thông qua tổ chức được ủy nhiệm (tổ chức con nuôi nước ngoài) và sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương của nước ngoài và Việt Nam.
Quy định hiện hành tại Điều 17 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP chưa bao quát hết các trường hợp nộp hồ sơ của người nhận con nuôi thường trú ở nước cùng là thành viên Công ước La Hay. Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp với Công ước.
Theo Điều 17c) Công ước La Hay, thủ tục giải quyết nuôi con nuôi quốc tế phải được sự đồng ý của cơ quan trung ương của nước nhận và nước gốc, trong khi đó, Điều 20 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP chỉ quy định thủ tục giới thiệu trẻ em thuộc diện Danh sách 1 mà chưa có quy định hướng dẫn việc giới thiệu trẻ em thuộc Danh sách 2 được nhận con nuôi đích danh theo điểm d khoản 2 Điều 28 Luật Nuôi con nuôi (trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo). Trên thực tiễn, đối tượng trẻ em được nhận đích danh làm con nuôi nếu thuộc phạm vi áp dụng của Công ước La Hay cũng phải tuân thủ quy định tại Điều 17c) Công ước này.
Để bảo đảm đáp ứng quy định tại Điều 17c) Công ước La Hay thì cần thiết phải bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP việc giới thiệu trẻ em thuộc diện điểm d khoản 2 Điều 28 Luật Nuôi con nuôi.
1.3. Một số quy định chưa tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức trong việc thực hiện thủ tục hành chính về nuôi con nuôi
- Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi (Điều 2)
Khoản 1 Điều 9 Luật Nuôi con nuôi quy định, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 2 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định theo hướng thu hẹp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều 9 nêu trên, dẫn đến việc người dân nhận con nuôi không được quyền lựa chọn nơi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước theo nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi trong trường hợp nhận con riêng, cháu ruột của người nhận con nuôi. Đồng thời, quy định tại Nghị định số 19/2011/NĐ-CP gây thêm khó khăn cho người dân trong trường hợp nhận trẻ em bị bỏ rơi hoặc trẻ em ở cơ sở TGXH ở một nơi khác làm con nuôi. Ngoài ra, theo kết quả kiểm tra công tác tư pháp hàng năm, một số địa phương cho rằng, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận con nuôi thuộc diện con riêng/cháu ruột thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi là sai thẩm quyền. Đây là cách hiểu cứng nhắc và không phù hợp với khoản 1 Điều 9 Luật Nuôi con nuôi.
- Đăng ký lại việc nuôi con nuôi (Điều 29)
Điều 29 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định điều kiện đăng ký lại việc nuôi con nuôi trong nước là cả cha mẹ nuôi và con nuôi đều còn sống vào thời điểm đăng ký lại. Như vậy, trường hợp cha nuôi hoặc mẹ nuôi đã mất thì không thể tiến hành đăng ký lại việc nuôi con nuôi nếu có yêu cầu; điều này làm hạn chế quyền đăng ký lại việc nuôi con nuôi của người có liên quan.
- Một số quy định về thủ tục cấp, gia hạn giấy phép hoạt động cho các tổ chức con nuôi nước ngoài (Điều 31, Điều 34)
Điểm đ và điểm e Điều 31 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định một số giấy tờ liên quan đến tổ chức con nuôi nước ngoài xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam như báo cáo đánh giá về sự hiểu biết của các nhân viên xã hội và nhân viên pháp lý làm việc tại tổ chức con nuôi nước ngoài về lĩnh vực pháp luật, văn hóa, xã hội của Việt Nam và pháp luật quốc tế về nuôi con nuôi; lý lịch cá nhân, phiếu lý lịch tư pháp, bản sao văn bằng chứng chỉ về trình độ chuyên môn của người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài. Đây là những loại giấy tờ, tài liệu được quy định mang tính chất hình thức, không cần thiết trong hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài. Người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài và tổ chức con nuôi nước ngoài chịu sự điều chỉnh của pháp luật của nước nơi tổ chức được thành lập hoặc đặt trụ sở và có sự bảo đảm của cơ quan trung ương của nước ngoài hữu quan. Trong quá trình cấp, gia hạn giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để kiểm tra, đánh giá điều kiện, năng lực chuyên môn của tổ chức và đội ngũ nhân viên của tổ chức.
2. Mục đích và quan điểm chỉ đạo
2.1. Mục đích
Việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP nhằm loại bỏ những cản trở trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi; xây dựng cơ chế quản lý việc tiếp nhận, sử dụng các khoản hỗ trợ nhân đạo tại các cơ sở nuôi dưỡng; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi; tạo cơ sở pháp lý chung, áp dụng thống nhất trong việc thi hành Nghị định số 19/2011/NĐ-CP; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi.
2.1. Quan điểm chỉ đạo
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP phải dựa trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo sau đây:
- Nội dung sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Công ước La Hay và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phù hợp với tinh thần và nội dung Luật Nuôi con nuôi cũng như thống nhất với các quy định còn lại trong Nghị định số 19/2011/NĐ-CP.
- Bảo đảm phù hợp với thực tế, bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi và chủ trương cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành.
- Giữ nguyên những quy định còn phù hợp với thực tiễn của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP hoặc những quy định có giá trị lịch sử (như chế định nuôi con nuôi thực tế), chỉ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi trong thời gian qua.
3. Những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung
Căn cứ vào kết quả tổng kết thi hành Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã tiến hành nghiên cứu và dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số quy định trong Nghị định số 19/2011/NĐ-CP sau đây:
Một là, kiến nghị bãi bỏ một số quy định nhằm tạo sự thông thoáng trong việc lựa chọn thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi trong nước và phù hợp với Luật Nuôi con nuôi (bãi bỏ khoản 1 Điều 2); không ủy quyền lại cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi tiết việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng hỗ trợ nhân đạo (bãi bỏ khoản 2 Điều 4); không quy định cấm trong văn bản quy phạm pháp luật là nghị định (bãi bỏ khoản 3 Điều 4); loại bỏ những cản trở trong công tác nuôi con nuôi, bảo đảm mọi trẻ em đều có cơ hội tìm gia đình thay thế trong nước (bãi bỏ khoản 2 Điều 3 và Điều 11); tạo điều kiện thuận lợi để người dân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính về nuôi con nuôi (bãi bỏ điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 31).
Hai là, về việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng hỗ trợ nhân đạo cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (Điều 4): Kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng việc hỗ trợ nhân đạo, cho tặng của cha mẹ nuôi nước ngoài, tổ chức con nuôi nước ngoài là sự tự nguyện, thực hiện thông qua hình thức chuyển khoản và thông báo cho tổ chức con nuôi nước ngoài để báo cáo Cục Con nuôi để kiểm tra và theo dõi. Cơ sở nuôi dưỡng tiếp nhận các khoản hỗ trợ nhân đạo, cho tặng phải thực hiện đúng quy định pháp luật về tài chính, về quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài, sử dụng đúng mục đích phục vụ cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em, báo cáo việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản hỗ trợ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để kiểm tra và theo dõi.
Ba là, về việc lập hồ sơ và danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế (Điều 6): Kiến nghị sửa đổi theo hướng cơ sở TGXH lập danh sách trẻ em và hồ sơ trẻ em cần tìm gia đình thay thế mà không phân loại trẻ em theo tình trạng sức khỏe. Mọi trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài đều phải được tìm gia đình thay thế trong nước. Chỉ sau khi hết thời hạn tìm gia đình thay thế mà không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì trường hợp trẻ em thuộc khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được nhận đích danh làm con nuôi ở nước ngoài, Cục Con nuôi mới đề nghị tổ chức con nuôi nước ngoài hoạt động tại Việt Nam hỗ trợ tìm gia đình nhận đích danh trẻ em đó làm con nuôi.
Bốn là, về việc giới thiệu trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo làm con nuôi: Để tuân thủ Công ước La Hay, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 17 và Điều 20 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP theo hướng trường hợp nuôi con nuôi nước ngoài thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước La Hay phải được thực hiện thông qua tổ chức con nuôi nước ngoài, thông báo cơ quan trung ương của nước ngoài kết quả tìm gia đình thay thế cho trẻ em được nhận đích danh làm con nuôi.
Năm là, về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính: Kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều khác có liên quan đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (nộp hồ sơ nhận con nuôi theo Điều 21), đơn giản hóa giấy tờ công dân (điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 31) và đánh giá lại năng lực của người đứng đầu văn phòng con nuôi nước ngoài (Điều 34).
Tóm lại, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP là nhiệm vụ cần thiết nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn gặp phải trong quá trình thi hành, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nuôi con nuôi trong nước, bảo đảm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tìm được gia đình thay thế phù hợp ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Phó Cục trưởng Cục Con nuôi
[1]. Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.
[2]. Khoản 2 Điều 48 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP. Mức thu chi phí giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài là 50.000.000 đồng/trường hợp.
[3]. Mission de l’adoption internationale, Ministère des Affaires étrangères et du Développement internationale, L’adoption internationale en France en 2016.
[4]. Service sociale international (ISS), Bulletin mensuel No221 5/2018, Rapport sur la vente d’enfants et les adoption illégales.
[5]. Service sociale international (ISS), Bulletin mensuel No215 9/2017, Adoption prioritaire d’enfants dits à besoins spécifiques: diversités des pratiques.
[6]. Service sociale international (ISS), Bulletin mensuel No215 9/2017, Adoption prioritaire d’enfants dits à besoins spécifiques: diversités des pratiques.
[7]. Service sociale international (ISS), Bulletin mensuel No221 5/2018, Rapport sur la vente d’enfants et les adoption illégales.
[8]. Service sociale international (ISS), Bulletin mensuel No221 5/2018, Rapport sur la vente d’enfants et les adoption illégales.