Toàn cảnh buổi thẩm định
Tham dự Hội đồng thẩm định còn có đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và đại diện một số bộ, ngành trung ương, một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Báo cáo về sự cần thiết xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Luật Cán bộ, công chức được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010; được sửa đổi, bổ sung năm 2019 tại Luật số 52/2019/QH14 ngày 25/11/2019 (Luật Cán bộ, công chức). Sau hơn 15 năm thực hiện, Luật Cán bộ, công chức đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan nhà nước các cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả. Việc thực hiện các quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành góp phần quan trọng thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, sau 05 năm được sửa đổi, bổ sung, một số quy định của Luật Cán bộ, công chức bộc lộ bất cập, hạn chế nhất định, cần tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ với các quy định mới của Đảng, cụ thể như:
Một là, một số chủ trương mới của Đảng về công tác cán bộ cần tiếp tục thể chế hóa, bảo đảm thực hiện bằng quy định của luật, bao gồm: (i) cơ chế tạo nguồn, thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; (ii) cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; (iii) cơ chế sàng lọc, thay thế cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, uy tín thấp.
Hai là, một số quy định của Luật chưa thống nhất, đồng bộ với quy định của Đảng.
Ba là, thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề mới chưa được pháp luật quy định, như: (i) các quy định cụ thể về đạo đức công vụ; biểu hiện hành vi và chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm quy định về đạo đức công vụ; (ii) việc áp dụng cơ chế quản lý thống nhất giữa cán bộ, công chức cấp huyện trở lên và cán bộ, công chức cấp xã; (iii) quy định về việc tiếp nhận vào công chức, trong đó cần bổ sung đối tượng là sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển; (iv) chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật.
Đại diện Bộ Nội vụ phát biểu tại buổi thẩm định
Vì vậy, việc xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) là cần thiết, nhất là trong bối cảnh đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức còn góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền công vụ thực tài và cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; hình thành đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Trên cơ sở kết quả đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) với 03 nhóm chính sách, cụ thể: (i) chính sách 1: đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; (ii) chính sách 2: hoàn thiện quy định về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cơ chế tạo nguồn, thu hút thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong bộ máy của hệ thống chính trị; (iii) chính sách 3: thống nhất nền công vụ từ trung ương đến cơ sở.
Tại buổi làm việc, cho ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), các đại biểu tham dự đều cho rằng để đáp ứng các yêu cầu của “cuộc cách mạng” sắp xếp tổ chức bộ máy trong bối cảnh hiện nay, các chính sách đề xuất sửa đổi cần phải mang tính toàn diện, đột phá. Để khuyến khích cán bộ, công chức thể hiện sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cần phải xây dựng môi trường thực hiện công vụ lành mạnh thông qua việc quy định cụ thể quyền của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ; có cơ chế loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần bổ sung thêm các chính sách để giữ được nhân lực có chuyên môn và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong các bộ máy của hệ thống chính trị.
Đồng chí Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam trao đổi tại buổi thẩm định
Trao đổi về đối tượng chịu tác động của các chính sách được đề xuất trong Luật, đồng chí Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam cho biết, không chỉ đội ngũ cán bộ, công chức tại cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương chịu tác động mà việc sửa đổi Luật còn tác động đến cả đội ngũ viên chức và toàn bộ người dân, doanh nghiệp trong xã hội. Chính vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc đánh giá lại đối tượng chịu tác động khi sửa đổi Luật. Về cơ chế quản lý cán bộ, công chức, đồng chí cho rằng, cần đổi mới mạnh mẽ, chuyển từ cơ chế quản lý kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế sang cơ chế quản lý theo vị trí việc làm. Đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định mang tính đột phá như cho phép cơ quan nhà nước được ký hợp đồng lao động đối với một số vị trí việc làm do công chức đảm nhiệm để tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực; nghiên cứu xây dựng cơ chế sát hạch để thường xuyên sàng lọc đội ngũ cán bộ, công chức…
Cũng tại buổi thẩm định, đại diện Tòa án nhân dân tối cao đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá ngạch thư ký Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Báo cáo Tổng kết Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Đại diện Bộ Tài chính trao đổi tại buổi thẩm định
Đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình thêm tác động của Luật đến ngân sách nhà nước đối với các nội dung như cho phép cơ quan nhà nước được ký hợp đồng lao động đối với một số vị trí việc làm; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức và chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức mất việc làm.
Kết luận buổi thẩm định, đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cơ bản nhất trí với việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức. Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định; cân nhắc đến việc điều chỉnh tên gọi của các chính sách được đề xuất trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, chỉ quy định những nội dung quy định chung, mang tính khung, nguyên tắc, thuộc thẩm quyền Quốc hội trong Luật. Những nội dung có tính biến động thì giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, địa phương quy định để linh hoạt trong điều hành và kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ và bảo đảm tư duy đổi mới trong xây dựng pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh kết luận buổi thẩm định
Để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ nội dung của dự thảo Luật vì Luật liên quan tới rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác; đánh giá tác động của các chính sách trên các phương diện như kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật và có thể lập thành bảng biểu để tính toán chi phí, lợi ích của từng giải pháp đề xuất và chi tiết hóa các chính sách thành các điều khoản trong đề cương chi tiết dự thảo Luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần làm rõ hơn nữa cách thức xác định vị trí việc làm của cán bộ, công chức; tính khả thi, cách thức và lộ trình thực hiện bỏ quy định về ngạch công chức; tiêu chí xác định thứ bậc, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nếu như loại bỏ ngạch công chức và các trường hợp cơ quan nhà nước được ký hợp đồng lao động./.
Hoàng Trung