Tọa đàm do Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức. Chủ trì Hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương. Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố phía Nam cùng dự.
Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng
Hội thảo nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế, phân tích nguyên nhân và rút ra một số bài học kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 30/7/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.
Khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, 92 năm qua, để thực hiện thành công sứ mệnh cao cả mà lịch sử dân tộc, nhân dân giao phó, Đảng ta đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để đổi mới, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu, phù hợp với những bước chuyển chiến lược trong tiến trình cách mạng Việt Nam và sự phát triển của đất nước.
Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới là nội dung rất quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra, nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo đảm đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế, phù hợp với tiến trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo và trong điều kiện bản thân Đảng và hệ thống chính trị đang tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động; khắc phục tình trạng suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, trong những nhiệm kỳ gần đây, cùng với việc đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị một cách đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà; vai trò và hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với các cấu trúc, tổ chức trong hệ thống chính trị đã không ngừng được nâng cao, nhất là đối với Nhà nước. Đồng thời phát huy mạnh mẽ dân chủ, từng bước nâng cao tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu to lớn, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập, có mặt còn lúng túng. Việc lãnh đạo, chỉ đạo ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết hiệu quả còn thấp. Việc thể chế hoá, cụ thể hoá một số chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng thành pháp luật của Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ và kịp thời. Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước chưa thực sự đủ mạnh và hiệu quả. Tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Ngoài ra, quan hệ giữa chức năng lãnh đạo của Đảng, chức năng quản lý của Nhà nước, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội còn chồng chéo. Chế độ trách nhiệm trong một số mô hình tổ chức đảng trong cơ quan nhà nước cũng chưa phân định thật rõ ràng. Vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chức năng tham gia quản lý, giám sát còn hạn chế, bất cập…
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị các đại biểu thảo luận rõ, làm sâu sắc hơn một số vấn đề mới, một số vấn đề còn đang có ý kiến khác nhau, có tính thời sự nổi bật như: đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ và phương thức xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng; đổi mới, tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên; tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên và tiếp tục đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…
Không thể không đổi mới
Phát biểu chỉ đạo và tổng kết Hội thảo, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, thực tế cho thấy, phương thức lãnh đạo của Đảng đóng góp rất quan trọng vào những thành tựu to lớn của 35 năm đổi mới. Quá trình 35 năm đổi mới đã bổ sung rất nhiều cho công tác lãnh đạo của Đảng cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện sự đổi mới về phương thức lãnh đạo của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, năng lực cầm quyền và nhất là đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển nói chung.
Theo bà Trương Thị Mai, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một vấn đề toàn diện, xuyên suốt, đồng bộ, liên thông, có hiệu quả trong hoạt động của cả hệ thống chính trị. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị là quá trình tiếp tục hoàn thiện, đổi mới, đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống, thông qua thể chế, tuyên truyền, vận động; thông qua thiết chế tổ chức bộ máy quản lý; thông qua kiểm tra, giám sát. Qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng thông qua cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh: Không thể không đổi mới. Mỗi một giai đoạn cách mạng có một yêu cầu khác. Vì vậy, quá trình đổi mới là quá trình liên tục, phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn của cách mạng. Không đổi mới sẽ là cản trở quá trình phát triển của cách mạng”.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao Hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến hay, vấn đề cụ thể để đề xuất với Trung ương. Đó là đổi mới phương thức lãnh đạo phải cụ thể hóa, tối ưu hóa để hiện thực hóa tốt nhất các chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, phục vụ sự phát triển của xã hội. Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 khóa XIII sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến tham luận tại các Hội thảo, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến để xây dựng và hoàn thiện Đề án.
(Theo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam)