Toàn cảnh Hội thảo
Gần 200 đại biểu tham dự Hội thảo, gồm hơn 60 đại biểu dự trực tiếp và hơn 130 đại biểu dự online tại hơn 100 điểm cầu trên toàn quốc, gồm có GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nguyên Chánh án Tòa án quân sự Trung ương; GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; đồng chí Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XV; PGS.TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân, các tổ chức pháp chế của Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Sở Tư pháp các địa phương; thành viên Hội đồng cố vấn, Hội đồng tư vấn biên tập của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật; chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên của một số trường đại học, các tổ chức hành nghề luật…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cho biết, qua 3 kỳ đại hội, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đến nay, Đảng và Nhà nước ta đều xác định thể chế, pháp luật là một trong những điểm “nghẽn” làm cản trở, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Vì thế, đột phá về thể chế, với trọng tâm là pháp luật là một trong ba đột phá chiến lược, có ý nghĩa then chốt để nắm bắt cơ hội, khơi thông mọi điểm “nghẽn”, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực, tạo động lực cho phát triển của đất nước. Để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, công tác xây dựng pháp luật phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn “nóng bỏng”, đòi hỏi phải ở tầm cao mới, thật sự tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.
Tại buổi làm việc ngày 07/11/2024 với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và phương hướng thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra, bên cạnh kết quả tích cực, công tác hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật vẫn còn tồn tại, hạn chế, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân; việc nghiên cứu, ban hành chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh đối với những vấn đề mới còn chậm, chưa tạo khung khổ pháp lý thúc đẩy được các động lực tăng trưởng mới.
Đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật phát biểu khai mạc Hội thảo
Bên cạnh đó, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó đã chỉ rõ “thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu” nên đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”” và đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Trong thời gian vừa qua, với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Bộ, ngành Tư pháp đã quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), trình Quốc hội thông qua ngày 19/2/2025 với 459 phiếu/461 phiếu đạt tỷ lệ 96,3%. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 được thực hiện theo tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đơn giản hóa mọi quy trình, thủ tục nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ, khoa học để khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Vì vậy, Hội thảo được tổ chức với mục tiêu trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Theo Tổng Biên tập, Hội thảo cần tập trung trao đổi, thảo luận đối với 03 nội dung: (i) xác định nội hàm, các yêu cầu, các vấn đề cần đặt ra khi đổi mới tư duy, quy trình xây dựng, nội dung pháp luật để tạo động lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; (ii) làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến bối cảnh và nhu cầu đổi mới tư duy lập pháp trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; (iii) gợi ý, khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện năng lực đối với đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, hoạch định chính sách khi chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật để tạo động lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
GS.TS. Võ Khánh Vinh trao đổi tại Hội thảo
Trao đổi tại Hội thảo, một số đại biểu cho biết, đổi mới sáng tạo là khái niệm rộng, có thể gắn với nhiều lĩnh vực, bối cảnh. Theo nghĩa khái quát, đây là quá trình tạo ra hoặc cải tiến những mô hình tổ chức, hoạt động hay phương pháp làm việc mới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, qua đó cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với số lượng nhiều và giá trị cao hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Để có thể xem là đổi mới sáng tạo, cần phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản như: tính mới mẻ, thể hiện qua sự khác biệt của ý tưởng hoặc giải pháp so với cách làm truyền thống; tính ứng dụng, thể hiện qua khả năng triển khai thực hiện trong thực tế và tạo ra giá trị của ý tưởng hoặc giải pháp; tính hiệu quả, thể hiện qua thực tế là ý tưởng hoặc giải pháp góp phần nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí hoặc giải quyết vấn đề một cách tối ưu hơn. Tư duy xây dựng pháp luật là hệ thống phương thức, cách thức, cách làm,…trong xây dựng pháp luật để đạt được mục tiêu đặt ra. Xây dựng pháp luật liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội nên hoạt động xây dựng pháp luật là hoạt động khoa học, liên quan đến đa ngành, đa lĩnh vực, cần phải coi là hoạt động đầu tư có chi phí tốn kém;… Đồng thời, một số đại biểu đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật cũng như tư duy xây dựng pháp luật làm cản trở đổi mới sáng tạo, như chưa có cơ chế kiểm soát chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật; năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật chưa đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thực tiễn đời sống xã hội; chưa tạo khung khổ, hành lang pháp lý an toàn để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm,…
PGS.TS. Trần Văn Độ chia sẻ tại Hội thảo
Đặc biệt, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đưa ra một số giải pháp cần tập trung thực hiện nhằm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật ở Việt Nam, cụ thể: (i) chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; (ii) pháp luật phải tạo ra khung khổ để bảo đảm quyền tự do cho người dân, doanh nghiệp được tự do đổi mới sáng tạo; bảo hộ quyền sở hữu đối với các kết quả, sản phẩm sở hữu trí tuệ; đổi mới tư duy thi hành pháp luật theo hướng người dân, doanh nghiệp phải được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; có nguyên tắc, cơ chế thực thi pháp luật trong trường hợp pháp luật còn khiếm khuyết, còn quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì người dân được quyền lựa chọn và làm theo quy định nào có lợi cho mình nhất theo đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là không chuyển khó cho người dân, doanh nghiệp; pháp luật phải định hướng cho sự phát triển; trong nghiên cứu khoa học cần xây dựng cơ chế, chính sách khoán sản phẩm đến cùng, kiểm soát các sản phẩm trung gian; xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy và tạo mối quan hệ giữa Nhà trường/cơ sở nghiên cứu - doanh nghiệp - Nhà nước; xây dựng cơ chế để Nhà nước hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo (chẳng hạn thông qua các quỹ đầu tư, quỹ phát triển...); (iii) cần phải thay đổi tư duy xây dựng pháp luật; cần phải có chiến lược xây dựng chiến lược lập pháp đầy đủ, tổng thể, có mục tiêu, quan điểm,... rõ ràng; tư duy xây dựng luật pháp phải thay đổi theo hướng bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan. Thay đổi cách tiếp cận khi xây dựng luật theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành theo đúng tinh thần của Trung ương; xây dựng pháp luật phải ngắn gọn hơn, đi vào đối tượng, phạm vi cụ thể; mở rộng, tăng cường đối tượng chủ thể tham gia quá trình xây dựng pháp luật, tham gia phản biện xã hội; (iv) tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; (v) chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới (nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…) tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo; xây dựng pháp luật về sandbox tạo cơ chế thực hiện thí điểm nhưng vấn đề mới,…; (vi) cần đầu tư thỏa đáng, tập trung mọi nguồn lực cho hoạt động xây dựng pháp luật; cần khuyến khích và có cơ chế sử dụng người tài, người tốt, chuyên gia trong xây dựng chính sách, pháp luật; nâng cao năng lực chuyên môn cho những người làm chính sách, pháp luật ...
GS.TS. Lê Hồng Hạnh trao đổi tại Hội thảo
Các ý kiến trao đổi, chia sẻ của các đại biểu tại Hội thảo sẽ là nguồn tư liệu quan trọng, quý giá để các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng, đề xuất các chủ trương, chính sách đổi mới công tác xây dựng, hoàn thiện hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam”./.
Thùy Dung