Theo Đại biểu (ĐB) Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh), về chính sách tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết 15 đã phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực, nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. ĐB cho rằng, việc trao những thẩm quyền vượt trội cho chính quyền TP là phù hợp với định hướng, chính sách của dự án luật.
ĐB đề nghị dự thảo Luật cần tiếp tục quy định cụ thể hơn về phân định nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền. Đồng thời, khi quy định thẩm quyền của HĐND TP trong việc quyết định các mô hình cơ quan chuyên môn giúp việc, được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 9 của dự thảo Luật, cần xác định phạm vi các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù, điều kiện, tiêu chí thành lập, loại hình tổ chức…
Góp ý cụ thể về số lượng ĐB HĐND TP Hà Nội quy định tại khoản 2 Điều 9, ĐB Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật quy định tăng số lượng ĐB HĐND TP từ 95 lên 125 ĐB. Khi không còn HĐND quận, phường thì vai trò, trách nhiệm trong thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng sẽ do HĐND TP đảm nhiệm. Do vậy, việc tăng số lượng ĐB HĐND TP là hợp lý.
Tuy nhiên, ĐB cho rằng trong dự thảo Luật đang đề nghị tăng tỷ lệ ĐB HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25% là chưa tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND TP Hà Nội. ĐB đề nghị, cơ quan soạn thảo cần xem xét nâng tỷ lệ ĐB HĐND TP hoạt động chuyên trách có thể lên ít nhất là 30 hoặc 40% như đối với ĐB Quốc hội để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND TP.
Đồng thời, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, ĐB đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm thẩm quyền cho Thường trực HĐND TP trong việc cho ý kiến thống nhất với UBND TP trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các kỳ họp của HĐND để tạo tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ của UBND TP Hà Nội.
ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cũng đề nghị tăng số lượng ĐB HĐND hoạt động chuyên trách lên từ 25-30%; bố trí đội ngũ lãnh đạo HĐND phù hợp; đồng thời có quy định đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động của HĐND TP; HĐND quận, thị xã tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị để tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường không tổ chức HĐND… Đặc biệt, ĐB Nguyễn Tạo đánh giá cao trong năm 2023, HĐND TP Hà Nội đã ban hành nghị quyết rất ưu việt và đột phá đó là quản lý tài sản công.
Phải có quy định giữ chân người tài cho phát triển Thủ đô
Về quy định thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Điều 17 của dự thảo, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay đây là một nội dung hết sức quan trọng, nếu làm tốt thì sẽ giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, ĐB cho rằng, quy định tại Điều 17 còn chưa rõ, chưa đầy đủ, cần hoàn thiện để việc triển khai được khả thi. Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy, không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ.
Vì vậy, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng nhận thấy, chỉ thu hút và trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài. Đồng thời cần làm rõ hơn khái niệm “nhân tài”. Đáng lưu ý, ĐB Hùng đề nghị cần có một chương riêng về nội dung này với tên gọi “Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Cùng nội dung, ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 15, Điều 17 của dự thảo Luật đã thiết kế một khoản về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Đây là nội dung quan trọng, tạo ra cú hích trong cơ chế thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn, theo ĐB Mai, cần trao quyền cho HĐND TP ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn với các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng, để có quy định về chế độ, chính sách cho phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ, để thu hút, giữ chân được người tài đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về chính sách thu hút trọng dụng nhân tài. Dự thảo Luật mới chỉ đề cập sơ lược về tuyển dụng, thu hút nhân tài vẫn còn chung chung, không định hình được tiêu chí áp dụng trong thực tiễn; chưa quy định rõ về cách thức tổ chức sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng; chưa thể hiện rõ chế độ thù lao dành cho nhân tài; chính sách đào tạo, bồi dưỡng quy hoạch, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm nhân tài sau khi được vào làm việc các cơ quan của nhà nước. ĐB đồng tình cần có quỹ phát triển nhân tài, tạo cơ chế thông thoáng, vượt trội để nhân tài cống hiến cho Thủ đô và đất nước tốt hơn. U.San (Hoàng Thư)
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô:
Để Thủ đô là đầu tàu trên nhiều lĩnh vực cho cả nước
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, các ý kiến phát biểu đều thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật. Đây là dự án Luật có cơ sở pháp lý, chính trị và thực tiễn rất rõ ràng; có tính thuyết phục; thống nhất rằng việc xây dựng các cơ chế đặc thù cho Thủ đô cả nước, không phải riêng cho TP Hà Nội.
Nếu xây dựng được các cơ chế cho Thủ đô phát triển thì Thủ đô sẽ là đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, văn hóa… cho cả nước. Đây là những điểm cơ bản được các ĐB thống nhất cao. Bên cạnh đó, các ĐB cũng bày tỏ thống nhất với những chính sách đặc thù được thiết kế trong dự thảo Luật lần này.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị làm rõ thêm một số chính sách, mở rộng phạm vi, đặc thù, điều chỉnh về vị trí, bố cục một số chương, điều; thiết kế một số vấn đề cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi như vấn đề nhà ở, quy hoạch, quản lý đô thị, trọng dụng nhân tài, thử nghiệm có kiểm soát TOD, BOT, BT, văn hóa… Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Lê Thành Long ghi nhận và cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của ĐB Quốc hội cùng với TP Hà Nội báo cáo Chính phủ, báo cáo UBTVQH tiếp tục hoàn thiện dự án Luật để xem xét cho ý kiến thông qua tại kỳ họp sau.
Làm rõ thêm vấn đề về tổ chức bộ máy và số lượng HĐND TP Hà Nội, Bộ trưởng cho biết Hà Nội đã có sơ kết và đánh giá rất kỹ Nghị quyết 97 và thống nhất nhận thức là tiếp tục thực hiện cơ chế này, luật hóa, phát huy hiệu quả, hiệu lực, bảo đảm vận hành tốt.
Vấn đề thứ 2, dự thảo Luật cũng thiết kế trên cơ sở thực tế khi tăng cường phân cấp, phân quyền thì HĐND cấp quận được giao thêm nhiều nhiệm vụ, cần thiết có cấp hội đồng để giải quyết nhiều nội dung như về thu chi ngân sách, một số việc về tổ chức bộ máy, giám sát…
Về số lượng ĐB HĐND và cấp phó của Hội đồng, cơ sở thực tế là sự gia tăng dân số cơ học hàng năm, khoảng 1,4%. Với số lượng 95 ĐB HĐND TP hiện nay, nếu chúng ta chia bình quân ra thì 105.000 người dân mới có 1 ĐB, thấp hơn bình quân của cả nước là 26.500 người dân/1 ĐB. Ngoài ra, các nhiệm vụ, quyền hạn giao bổ sung cho Hội đồng thì có 38 và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 110 nhiệm vụ, quyền hạn nếu như Quốc hội thông qua Luật Thủ đô này. Số lượng nhiệm vụ thực tế như vậy là rất lớn như thế.
Về các biện pháp và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô tại Điều 34, Bộ trưởng phân tích thêm, vấn đề này khác với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành và vượt Luật, tương đối đặc thù. Tuy nhiên, nội dung này đang thiết kế theo hướng là biện pháp ngăn chặn, không phải là biện pháp xử lý; quy định rõ các địa điểm, tức là tại công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm và cũng chỉ trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.
Bộ trưởng nêu, trên thực tế, trong giai đoạn 2008-2018, chúng ta thực hiện Nghị định 180 có áp dụng một số biện pháp ngăn chặn. Tổng kết của Hà Nội cho thấy, những biện pháp quy định ở trong Nghị định 180 phát huy tác dụng, hiệu quả. Chia sẻ với băn khoăn của các ĐB, Bộ trưởng nhấn mạnh, trường hợp Quốc hội tiếp tục cho phép Ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện đảm bảo quy trình, điều kiện, thẩm quyền và người áp dụng một cách chặt chẽ, đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức có liên quan.
Liên quan đến áp dụng Luật Thủ đô, dù không có nhiều ý kiến phát biểu, nhưng theo Bộ trưởng, những quy định dự kiến ở trong Điều 4 dự thảo Luật là tương đối khả thi. Nếu thiết kế như dự thảo Luật, Hà Nội, các cơ quan chủ trì soạn thảo, Chính phủ, nhìn chung là các cơ quan trong hệ thống chính trị sẽ thêm nhiệm vụ, phải theo dõi rất sát trong quá trình áp dụng, triển khai Luật Thủ đô và các Luật sắp tới. Song nếu làm được, làm tốt thì có thể xem như là một quá trình theo dõi thi hành Luật Thủ đô và sẽ không có những vướng mắc, bớt đi các vướng mắc ở trên thực tế.